Ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực với dự án đầu tư mở rộng

08/03/2023
526

Trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp thường xác định trước kế hoạch, chiến lược và chia toàn bộ quá trình hoạt động thành các giai đoạn khác nhau nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch theo dự kiến. Với mỗi giai đoạn phát triển, doanh nghiệp có thể tăng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ… Dưới góc độ thuế TNDN, các hoạt động này có thể là một trong những dấu hiệu để được xem là doanh nghiệp có “dự án đầu tư mở rộng”. 

Vậy “dự án đầu tư mở rộng” là gì, việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN có những điểm gì khác biệt so với dự án đầu tư mới, bài viết tổng hợp tới bạn đọc các điều kiện để áp dụng ưu đãi theo lĩnh vực với dự án đầu tư mở rộng và hướng dẫn chi tiết cách thức lập phụ lục mẫu số 03-3B/TNDN (áp dụng cho dự án Đầu tư mở rộng) trên hệ thống HTKK. 

Tài liệu tham khảo:

  • Điều 18, Điều 19, Điều 20, Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18/06/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế TNDN;
  • Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế TNDN tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Thông tư về thuế.
  • Các công văn hướng dẫn:
    • Công văn số 4476/CTTPHCM-TTHT v/v chính sách thuế ngày 10/05/2021
    • Công văn số 69749/CT-TTHT v/v ưu đãi thuế TNDN ngày 05/09/2019
    • Công văn số 35837/CT-TTHT v/v ưu đãi thuế TNDN ngày 20/05/2019
    • Công văn số 63743/CT-TTHT v/v chính sách ưu đãi thuế TNDN ngày 12/08/2019
Mục lục Hiện

1. Dự án đầu tư mở rộng và các điều kiện để dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế TNDN

Định nghĩa: Doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động như: mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao công suất; đổi mới công nghệ sản xuất thì được xem là dự án đầu tư mở rộng. 

Một dự án là dự án đầu tư mở rộng cần phải đáp ứng một trong ba tiêu chí sau:

Hình 1: Một dự án là dự án đầu tư mở rộng cần phải đáp ứng một trong ba tiêu chí
  • Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đạt tối thiểu:
    • Từ 20 tỷ đồng đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐ-CP;
    • Hoặc từ 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐ-CP.
  • Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư.
  • Công suất thiết kế khi đầu tư mở rộng tăng thêm tối thiểu từ 20% so với công suất thiết kế theo luận chứng kinh tế kỹ thuật trước khi đầu tư ban đầu.

2. Ưu đãi thuế TNDN đối với các dự án đầu tư mở rộng và nguyên tắc khi áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với các dự án đầu tư mở rộng

2.1. Ưu đãi thuế TNDN

Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế TNDN và đáp ứng một trong 03 điều kiện đề cập tại mục 1 trên đây thì được lựa chọn áp dụng ưu đãi thuế TNDN với dự án đầu tư mở rộng như sau:

(i) Lựa chọn hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (bao gồm mức thuế suất, thời gian miễn giảm nếu có) hoặc

(ii) Áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại (không được hưởng mức thuế suất ưu đãi) bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN

Lưu ý: Nếu lựa chọn phương án (i), thì dự án đầu tư mở rộng đó phải thuộc lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐ-CP đồng thời thuộc cùng lĩnh vực với dự án đang hoạt động.

Ví dụ: Năm 2017, công ty C có dự án hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và đủ điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN 10% trong 15 năm và miễn thuế TNDN trong vòng 4 năm, giảm 50% thuế TNDN trong vòng 9 năm (miễn 4 giảm 9). Tình hình áp dụng ưu đãi như sau:

Năm 2015 Giả sử công ty đủ điều kiện áp dụng miễn thuế năm đầu tiên
Năm 2016 Công ty áp dụng miễn thuế năm thứ 2
Năm 2017 Công ty có dự án đầu tư mở rộng cho sản phẩm phần mềm hiện tại và thỏa mãn các điều kiện theo quy định
Công ty C có thể lựa chọn: 
  • (i) Áp dụng ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn giảm theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (còn 2 năm miễn, 9 năm giảm và 10% trong 15 năm) 
  • Hoặc (ii) Thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng áp dụng ưu đãi về miễn thuế, giảm thuế như đối với dự án đầu tư mới cùng lĩnh vực mà không được hưởng ưu đãi về thuế suất. Cụ thể phần thu nhập với dự án đầu tư mở rộng áp dụng miễn 4 năm và giảm 9 năm (không được áp dụng 10% trong 15 năm).

>> Tìm hiểu thêm: Nguyên tắc chung áp dụng ưu đãi thuế TNDN

2.2. Nguyên tắc áp dụng

  • Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm dự án đầu tư mở rộng hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập; trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mở rộng thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư phát sinh doanh thu.
  • Ưu đãi thuế theo quy định không áp dụng đối với các trường hợp đầu tư mở rộng do chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi sở hữu (bao gồm cả trường hợp thực hiện dự án đầu tư nhưng vẫn kế thừa tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh), mua lại doanh nghiệp hoặc mua lại dự án đầu tư đang hoạt động.
  • Doanh nghiệp có dự án đầu tư từ việc chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất được kế thừa các ưu đãi về thuế TNDN của doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư trước khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất trong thời gian còn lại nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế TNDN.

2.3. Xử lý trong trường hợp dự án đầu tư mở rộng không thuộc lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế TNDN

  • Doanh nghiệp đang hoạt động được hưởng ưu đãi thuế có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, bổ sung ngành nghề sản xuất kinh doanh, nâng cao công suất (gọi chung là đầu tư mở rộng) không thuộc lĩnh vực ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐ-CP về thuế TNDN thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với phần thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng mang lại.
  • Doanh nghiệp cần tách riêng thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế TNDN. Trường hợp doanh nghiệp không thể tách riêng được thì công ty có thể lựa chọn một trong các phương án như dưới đây:

Phương án 1: 

Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế TNDN = Tổng thu nhập tính thuế trong năm (không bao gồm thu nhập khác không được hưởng ưu đãi) x Giá trị tài sản cố định đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh
Tổng nguyên giá tài sản cố định thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh

Lưu ý: Tổng nguyên giá tài sản cố định thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh gồm: 

  • Nguyên giá tài sản cố định đầu tư mở rộng đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng;
  • Nguyên giá tài sản cố định hiện có đang dùng cho sản xuất kinh doanh theo số liệu cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán năm.

Phương án 2:

Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế TNDN = Tổng thu nhập tính thuế trong năm (không bao gồm thu nhập khác không được hưởng ưu đãi) x Giá trị vốn đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh
Tổng vốn đầu tư thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh

Lưu ý: Tổng vốn đầu tư thực tế dùng cho sản xuất kinh doanh bao gồm tổng nguồn vốn tự có, vốn vay của doanh nghiệp dùng cho sản xuất kinh doanh theo số liệu cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán năm. 

Ví dụ: 

Công ty A thỏa mãn điều kiện áp dụng ưu đãi thuế TNDN, ưu đãi thuế bao gồm áp dụng thuế suất 15% trong 12 năm kể từ khi có doanh thu, miễn thuế TNDN 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế TNDN trong 7 năm tiếp theo. 

Năm 2014 công ty A đầu tư mở rộng với tổng giá trị máy móc thiết bị đầu tư mới trong năm là 5 tỷ đồng. Biết rằng tổng giá trị TSCĐ tại 31/12/2014 là 20 tỷ đồng, tổng thu nhập tính thuế phát sinh của năm 2014 là 1,2 tỷ đồng, trong đó thu nhập khác không được hưởng ưu đãi là 200 triệu đồng. 

Thu nhập do đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi là:

Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế TNDN = (1,2 tỷ đồng – 200 triệu đồng) x 5 tỷ đồng
20 tỷ đồng

Thu nhập tính thuế không được hưởng ưu đãi thuế TNDN năm 2014 là: 

200 triệu đồng + 250 triệu đồng = 450 triệu đồng

Thu nhập tính thuế được hưởng ưu đãi thuế TNDN năm 2014 là: 

1,2 tỷ đồng – 450 triệu đồng = 750 triệu đồng

>> Xem thêm: Hướng dẫn các trường hợp hoàn thuế GTGT dự án đầu tư theo Nghị định 49/2022/NĐ-CP

2.4. Các quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng trong giai đoạn chuyển tiếp theo Thông tư 78/2014/TT-BTC 

Khoản 2, Điều 13, Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi Khoản 3, Điều 23, Thông tư 78/2014/TT-BTC đề cập một số nội dung về ưu đãi thuế TNDN với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng trong giai đoạn chuyển tiếp như sau:

  • Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01/01/2014 nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh doanh thu thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đầu tư mới theo quy định tại Luật số 32/2013/QH13; Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 
  • Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mở rộng trước thời điểm ngày 01/01/2014 và đưa dự án đầu tư mở rộng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát sinh doanh thu kể từ ngày 01/01/2014 nếu dự án đầu tư mở rộng này thuộc lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐ-CP thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại theo hướng dẫn tại Thông tư 78/2014/TT-BTC.

Bạn đọc tham khảo mức ưu đãi về thuế suất và miễn giảm theo lĩnh vực tại đây

3. Kê khai ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực với dự án đầu tư mở rộng

Trường hợp có thuế TNDN được ưu đãi đối với cơ sở kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất (dự án đầu tư mở rộng) thì người nộp thuế (NNT) phải nộp thêm Phụ lục mẫu số 03-3B/TNDN kèm theo tờ khai thuế TNDN mẫu số 03/TNDN.

Các bước lập phụ lục mẫu số 03-3B/TNDN (áp dụng cho dự án đầu tư mở rộng) trên hệ thống HTKK như sau:

3.1. Trường hợp 1

NNT có thu nhập hưởng ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực của Dự án đầu tư mở rộng phát sinh trên cùng địa bàn cấp tỉnh nơi có trụ sở chính.

Phần thông tin chung:

  • NNT lựa chọn mục Ưu đãi cùng tỉnh
  • Nếu NNT có nhiều dự án đầu tư mở rộng ưu đãi khác nhau trên cùng địa bàn cấp tỉnh, NTT kê khai thành nhiều dòng tại bảng A. NNT ấn F5 để thêm dòng
Hình 2
  • NNT không cần điền thông tin tại ô Cơ quan thuế cấp cục/Cơ quan thuế cấp chi cục và các chỉ tiêu [09]; [09a]; [09b]; và [09c].
Hình 3

Phần A. 

NNT kê khai theo từng trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN bao gồm ưu đãi thuế TNDN của NNT tại trụ sở chính/đơn vị phụ thuộc/địa điểm kinh doanh cùng tỉnh với trụ sở chính. Với mỗi trường hợp, NNT kê khai thành 1 dòng.

  • Cột (1): Số thứ tự do hệ thống HTKK tự động điền.
  • Cột (2), (3): NNT ghi tên, MST của NNT (trụ sở chính)/đơn vị phụ thuộc/địa điểm kinh doanh có dự án đầu tư/thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
  • Cột (4): Hệ thống HTKK tự động điền tên cơ quan thuế quản lý NNT (trụ sở chính).
Hình 4
  • Cột (5): NNT kê khai thông tin về điều kiện hưởng ưu đãi thuế theo danh mục.
  • Cột (6), (7), (8), (9): NNT kê khai thông tin dự án đầu tư được hưởng ưu đãi bao gồm tên dự án đầu tư (cột 6), mã dự án đầu tư (cột 7), tiêu chí đáp ứng dự án đầu tư mở rộng (cột 8), lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư (cột 9).
Hình 5
  • Cột (10), (11), (12), (13): NNT kê khai thời gian được ưu đãi, trong đó: kê khai số năm được hưởng ưu đãi thuế suất (cột 10), năm bắt đầu hưởng ưu đãi thuế suất (cột 11), tổng số năm được ưu đãi miễn giảm thuế (cột 12), năm bắt đầu hưởng miễn giảm thuế (cột 13) phù hợp với điều kiện được hưởng ưu đãi thuế ở cột (5) theo pháp luật thuế TNDN từng thời kỳ.
Hình 6
  • Cột (14), (15), (16), (17): NNT kê khai kết quả kinh doanh của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế, chi tiết chỉ tiêu về doanh thu tính thuế (cột 14), chi phí tính thuế (cột 15), thu nhập miễn thuế (cột 16), chuyển lỗ và bù trừ lãi lỗ (cột 17).
Hình 7

>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn phân bổ thuế TNDN theo các trường hợp

  • Cột (18): NNT kê khai thu nhập tính thuế được hưởng ưu đãi thuế TNDN. 

Chỉ tiêu tại cột (18) = (14) – (15) – (16) – (17). 

Trường hợp NNT xác định thu nhập tính thuế được hưởng ưu đãi theo tỷ lệ doanh thu/chi phí thì NNT tự xác định và kê khai thu nhập tính thuế vào chỉ tiêu cột (18).

  • Cột (19): NNT kê khai thuế suất được ưu đãi phù hợp với điều kiện được hưởng ưu đãi thuế ở cột (5) và thông tin thời gian được hưởng ưu đãi thuế suất ở cột (10), (11).
Hình 8
  • Cột (20): NNT kê khai số thuế TNDN phải nộp theo thuế suất phổ thông 

Chỉ tiêu cột (20) = cột (18) x 20%. Tổng cộng cột (20) = chỉ tiêu [11]

  • Cột (21): NNT kê khai số thuế TNDN phải nộp tính theo thuế suất ưu đãi

Chỉ tiêu cột (21) = cột (18) x cột (19) 

  • Cột (22): NNT kê khai số thuế chênh lệch do áp dụng thuế suất ưu đãi. 

Chỉ tiêu cột (22) = cột (20) – cột (21) 

Tổng cộng cột (22) bằng chỉ tiêu [12] được tổng hợp lên chỉ tiêu [C11] của tờ khai 03/TNDN

  • Cột (20), (21) và (22) được hệ thống HTKK hỗ trợ tính toán tự động.
Hình 9
  • Cột (23): NNT kê khai tỷ lệ giảm thuế, cụ thể ghi tỷ lệ 100% nếu đang áp dụng ưu đãi miễn thuế, ghi tỷ lệ 50% đối với nếu đang áp dụng ưu đãi giảm thuế.
  • Cột (24): NNT kê khai số thuế TNDN được miễn thuế. 

Tổng cộng cột (24) = chỉ tiêu [13] được tổng hợp lên chỉ tiêu [C12] của tờ khai 03/TNDN.

  • Cột (25): NNT kê khai số thuế TNDN được giảm thuế. 

Tổng cộng cột (25) = chỉ tiêu [14] được tổng hợp lên chỉ tiêu [C13] của tờ khai 03/TNDN.

  • Cột (26): NNT kê khai tổng số thuế TNDN được ưu đãi thuế. 

Chỉ tiêu cột (26) = cột (22) + cột (24) + cột (25). 

Tổng cộng cột (26) = chỉ tiêu [15].

  • Trường hợp cột (17) nhỏ hơn (<) 0; Các cột từ (19) đến (25) bằng 0.
Hình 10

Trong trường hợp này, NTT không cần kê khai thông tin tại Phần B.

3.2. Trường hợp 2

NNT có thu nhập hưởng ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực của Dự án đầu tư mở rộng phát sinh trên địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính:

Phần thông tin chung:

  • NNT lựa chọn mục Ưu đãi khác tỉnh
  • NNT điền các thông tin liên quan đến Cơ quan thuế quản lý, Chỉ tiêu [09]; [09a]; [09b]; và [09c] của tỉnh nơi phát sinh thu nhập hưởng ưu đãi thuế TNDN khác với địa chỉ trụ sở chính.
Hình 11

Phần A: 

NNT kê khai theo từng trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN bao gồm ưu đãi thuế TNDN của NNT tại trụ sở chính/đơn vị phụ thuộc/địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở chính. Với mỗi trường hợp, NNT kê khai thành 1 dòng.

  • Các cột từ (01) đến (26), NNT điền tương tự như hướng dẫn tại trường hợp 1.

Phần B:

Xác định số thuế TNDN phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN của đơn vị phụ thuộc/địa điểm kinh doanh khác tỉnh. NNT không phải kê khai mục B nếu hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN cùng tỉnh với nơi có trụ sở chính.

  • Chỉ tiêu [16]: NNT kê khai số thuế TNDN phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo công thức [16]=[11] – [15]
  • Chỉ tiêu [17]: NNT kê khai số thuế TNDN của hoạt động sản xuất kinh doanh nộp thừa trong kỳ trước do NNT thực hiện tạm nộp theo quý lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán năm tại cơ quan thuế mà NNT thực hiện kê khai riêng hoạt động ưu đãi, chuyển sang bù trừ với số thuế TNDN phải nộp kỳ này.
  • Chỉ tiêu [18]: NNT kê khai số thuế TNDN đã tạm nộp theo quý trong năm tại tại cơ quan thuế mà NNT thực hiện kê khai riêng hoạt động ưu đãi tính đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán. Ví dụ: NNT có kỳ tính thuế từ 01/01/2021 đến 31/12/2021 thì số thuế TNDN đã tạm nộp trong năm là số thuế TNDN đã nộp tính đến hết ngày 31/3/2022.
  • Chỉ tiêu [19]: NNT kê khai chênh lệch giữa số thuế phải nộp và số thuế đã tạm nộp trong năm,

 Công thức [19]=[16]-[18]

  • Chỉ tiêu [20]: NNT kê khai số thuế TNDN còn phải nộp sau quyết toán theo, 

Công thức [20]=[16]-[17]-[18]

Hình 12

4. Tham khảo một số trường hợp đặc biệt và cách xử lý

4.1 Trường hợp 1: Ưu đãi thuế TNDN với lĩnh vực phần mềm

Đối với lĩnh vực này cần đồng thời tuân theo quy định chuyên ngành, ví dụ: Thỏa mãn các điều kiện của hoạt động sản xuất phần mềm được quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BTTTT và thuộc danh mục sản phẩm phần mềm ban hành kèm Thông tư 09/2013/TT-BTTTT. Tham khảo danh mục phần mềm và phần cứng tại đây.

Ngoài ra, bạn đọc tham khảo Công văn số 4476/CTTPHCM-TTHT ngày 10/5/2021 hướng dẫn cho một trường hợp tương tự sản xuất phần mềm cần tuân theo các quy định chuyên ngành. 

Hình 13: Công văn số 4476/CTTPHCM-TTHT ngày 10/5/2021

4.2 Trường hợp 2: Thêm ngành nghề mới nhưng không đáp ứng được các điều kiện của dự án đầu tư mở rộng thì hưởng ưu đãi theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại

Bạn đọc có thể tham khảo Công văn số 69749/CT-TTHT ngày 05/09/2019 có quan điểm hướng dẫn nếu ngành nghề kinh doanh mới (phần mềm) thỏa mãn điều kiện về ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế TNDN, nhưng không thỏa mãn điều kiện của dự án đầu tư mở rộng thì được áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) như dưới đây:

Hình 14: Công văn số 69749/CT-TTHT ngày 05/09/2019

4.3 Trường hợp 3: Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm và áp dụng miễn thuế TNDN trong vòng 4 năm, giảm 50% thuế TNDN trong vòng 9 năm với hoạt động sản xuất phần mềm. 

Bạn đọc có thể tham khảo Công văn số 35837/CT-TTHT/2019 như dưới đây:

Hình 15: Công văn số 35837/CT-TTHT/2019

4.4 Trường hợp 4: Áp dụng ưu đãi thuế TNDN trong trường hợp kỳ tính thuế đầu tiên trên 12 tháng

Về nguyên tắc, kỳ tính thuế TNDN năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế TNDN năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng (Khoản 3, Điều 3, Thông tư 78/2014/TT-BTC). Theo đó, tại năm đầu hoạt động, doanh nghiệp có kỳ hoạt động nhỏ hơn 03 tháng, công ty có thể lựa chọn áp dụng ưu đãi thuế TNDN tại kỳ tính thuế đầu tiên này hoặc đăng ký với cơ quan thuế từ kỳ tiếp theo nhưng không được cộng thu nhập của kỳ tính thuế đầu tiên để áp dụng ưu đãi thuế TNDN. Bạn đọc tham khảo Công văn số 63743/CT-TTHT hướng dẫn đối với 01 trường hợp tương tự như dưới đây:

Hình 16: Công văn số 63743/CT-TTHT

>> Tìm hiểu thêm: [Tổng hợp] Danh sách các mẫu tờ khai trong hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2022 kế toán cần nhớ

Trong thực tế, các doanh nghiệp thường có khá nhiều vướng mắc trong việc xác định liệu việc mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ… có đáp ứng các điều kiện của một dự án đầu tư mở rộng theo quy định về thuế hay không. Không những thế, trong trường hợp đã đáp ứng được dự án đầu tư mở rộng về thuế, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc lựa chọn mức ưu đãi thuế TNDN phù hợp. Nếu lựa chọn mức ưu đãi phù hợp với phương án kinh doanh hiện tại và tương lai, doanh nghiệp có thể tiết kiệm đối đa chi phí thuế TNDN. 

Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký tại đây:

Dùng ngay miễn phí

Tổng hợp bởi: NTM

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả