Ngành bán lẻ với đặc điểm là những trung gian buôn bán, giúp phân phối hàng hóa từ nhà cung cấp đến với người tiêu dùng. Trong thời kỳ số, ngành bán lẻ đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ trong mô hình kinh doanh.
Cùng với đó, sự thay đổi phức tạp trong hành vi của người tiêu dùng cũng đặt ra bài toán phải tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, trong các hoạt động marketing cho bán lẻ. Để làm sao doanh nghiệp bán lẻ trở nên nổi bật, thu hút lượng tham quan cũng như hỗ trợ gia tăng doanh thu.
Cùng tìm hiểu những kiến thức chi tiết về ngành hàng bán lẻ cũng như hoạt động Marketing ngành bán lẻ để có thêm góc nhìn đa chiều về ngành hàng đầy thách thức này nhé!
1. Đôi nét về sự phát triển và tiềm năng của ngành bán lẻ
Ngành hàng bán lẻ là một ngành hàng thân thuộc với người tiêu dùng do sự hiện diện ở khắp ngõ, ngách, đường phố Việt Nam. Ngành bán lẻ được hiểu là những đại lý trung gian, mua hàng hóa từ nhà cung cấp và bán lại cho người dùng cuối. Đây cũng là xương sống trong việc phát triển kinh tế của các quốc gia.
Với tỷ lệ tăng trưởng cao, trong năm 2021, theo như báo cáo của Statista, tốc độ phát triển của ngành trên toàn cầu đạt 9.7%, ở Việt Nam con số này đạt ở mức 6.8%. Trong giai đoạn từ 2021 – 2025, Statista đưa ra dự đoán mức tăng trưởng trung bình toàn cầu đạt mức 5.8% cùng với tổng doanh thu dự kiến ước đạt 31,7 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Có thể thấy sức hút mạnh mẽ của ngành bán lẻ đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, nhờ có sự phát triển của công nghệ thông tin, ngành bán lẻ trở thành miếng bánh hấp dẫn hơn khi được tiếp sức bởi kênh thương mại điện tử. Đây là loại hình bán lẻ, điểm chạm mới và cũng là kênh phân phối hiệu quả đến với khách hàng. Theo dự báo của Statista, doanh thu của kênh thương mại điện tử sẽ ước đạt hơn 8 nghìn tỷ USD vào năm 2025, ước đạt 25% doanh thu của toàn bộ ngành bán lẻ trên thế giới.
Tuy nhiên, dưới sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế số, các doanh nghiệp bán lẻ đang gặp phải những đe dọa mới đến từ các lực lượng canh tranh trong ngành cũng như tiềm ẩn từ các nhà cung cấp. Đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải có chiến lược cạnh tranh bền vững cũng như những chiến lược marketing bài bản và thú vị để có thể thu hút khách hàng đến, trải nghiệm và mua sắm tại đây.
2. Các loại hình doanh nghiệp trong ngành hàng bán lẻ
Trước hết, để có thể đưa ra được những chiến lược marketing cho bán lẻ, người quản lý cần xác định rõ quy mô doanh nghiệp bán lẻ của mình. Những yếu tố được đưa vào để phân biệt các doanh nghiệp bán lẻ bao gồm các yếu tố: Loại hình của doanh nghiệp; phạm vi (bao gồm phạm vi phân phối, khối lượng hành hoá trao đổi); tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.
Việc nắm bắt được tính chất của mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ giúp bạn có thể nắm bắt được cái nhìn tổng quan, đưa ra được hạn mức đầu tư cũng như kế hoạch marketing phù hợp và hiệu quả.
2.1 Hộ kinh doanh, tạp hóa, chợ, đại lý
Những hình thức cơ bản đầu tiên của bán lẻ có thể được liệt kê như cửa hàng đại lý, tạp hoá, chợ… Đây là loại hình đơn giản nhất của các doanh nghiệp bán lẻ. Khi này họ tập trung phục vụ một nhóm khách hàng quen thuộc (bà con, hàng xóm…) trên một phạm vi giới hạn.
Tuy nhiên, do nhóm khách hàng này khá là nhỏ vậy nên cửa hàng đại lý, tạp hoá này chỉ bán những đồ dùng thông thường, phục vụ nhu cầu của số đông, khối lượng hàng hoá trao đổi được tính ở mức thấp nhất.
Do vậy, hoạt động marketing cho nhóm bán lẻ này thông thường còn rất sơ khai, tập trung vào chiến lược về giá (Price) và phân phối (Place) nhằm đảm bảo được tính cạnh tranh trên khu vực kinh doanh.
2.2 Chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ, chuỗi cửa hàng bán lẻ
Xếp ở nhóm thứ 2, là những siêu thị nhỏ hay hệ thống cửa hàng tiện lợi. Tuy rằng có sự tương đồng với nhóm đầu tiên dựa trên phạm vi trao đổi hàng hoá vẫn phục vụ, nhưng điểm khác biệt của nhóm thứ 2 so với nhóm đầu tiên đó là tính tổ chức giữa các cửa hàng này.
Sự chuyên nghiệp cùng với khối lượng trao đổi hàng hoá gia tăng do những cửa hàng này có thể làm chủ một vài chuỗi cung ứng. Ví dụ như, hệ thống cửa hàng Winmart (Masan); Circle K, Family Mart hay 7Eleven là những thương hiệu thân thuộc của loại hình bán lẻ này.
Đối với nhóm thứ 2, các hoạt động Marketing đã có tính tổ chức rõ ràng hơn. Sự đa dạng về sản phẩm (Product), chương trình khuyến mãi (Promotion) và hệ thống phân phối (Place) sẽ là những chiến lược marketing giúp doanh nghiệp bán lẻ thuộc nhóm này giữ vững được vị trí trong tâm trí người tiêu dùng.
2.3 Hệ thống siêu thị, chợ đầu mối
Nằm ở nhóm thứ 3, đó là hệ thống siêu thị (supermarket) và hệ thống đại siêu thị (hypermarket), chợ đầu mối. Ở Việt Nam, người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp các hệ thống siêu thị BigC, CoopMart hay Mega Market. Tuy được xếp vào cùng một nhóm do giống nhau về khối lượng hàng hoá trao đổi tuy nhiên nhóm này khác nhau về mặt khách hàng mục tiêu.
Cả ba loại hình bán lẻ kể trên đều đạt được khối lượng giao dịch hàng hóa đáng kể. Tuy nhiên trong đó, siêu thị sẽ chủ yếu tập trung phục vụ nhóm khách lẻ, đại siêu thị sẽ tập trung phục vụ nhóm khách hàng bán buôn, chợ đầu mối sẽ nằm ở giữa khi có thể đồng thời phục vụ nhóm khách hàng bán lẻ và bán buôn.
Tương tự với nhóm thứ 2, các hoạt động Marketing cho các doanh nghiệp thuộc nhóm này đã có tính tổ chức rõ ràng. Cùng với đó các hoạt động Marketing của các nhóm này có sự tổng hòa giữa 4Ps cơ bản bao gồm: Sản phẩm (Product); Giá (Price); Hoạt động khuyến mại (Promotion) và phân phối (Place).
2.4 Hệ thống cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm
Nhóm tiếp theo trong các loại hình doanh nghiệp bán lẻ đó là hệ thống cửa hàng bách hoá (Department store) và trung tâm mua sắm (Shopping mall). Một vài cái tên có thể kể đến như: Trung tâm thương mại Aeon Mall, Vincom, cửa hàng Lotte Department Store hay Parkson… Điểm khác biệt lớn nhất giữa nhóm này với nhóm thứ 3 là sự đa dạng không chỉ trong mặt hàng hoá mà còn trong nhãn hiệu cũng hay giá của các sản phẩm.
Sự đa dạng trong sản phẩm, đầu tư vào cơ sở vật chất cũng như chất lượng phục vụ đã giúp cho hoạt động Marketing cho loại hình bán lẻ này có sự phát triển vượt trội hơn so các loại hình bán lẻ còn lại.
Hoạt động Marketing thường xoay quanh marketing mix 7Ps: Sản phẩm (Product) – Giá (Price) – Phân phối (Place) – Khuyến Mại (Promotion) – Quá trình hay trải nghiệm mua hàng (Process) – Cơ sở hạ tầng hay trang thiết bị (Physical Evidence) và Con người (People). Đối với nhóm này, những góc độ trải nghiệm khách hàng, thái độ phục vụ hay trang thiết bị, sản phẩm (thương hiệu) sẽ được người tiêu dùng ghi nhận và đánh giá cao hơn.
2.5 Cửa hàng phi vật lý (virtual store)
Nhóm cuối cùng trong các loại hình bán lẻ đó là những cửa hàng phi vật lý (virtual store). Trước đây, các cửa hàng phi vật lý (virtual store) đóng vai trò là kênh phân phối của những doanh nghiệp bán lẻ (physical store) cho khách hàng thông qua mạng lưới thương mại điện tử.
Ngày nay, ngày càng nhiều cửa hàng ảo được hình thành độc lập với các doanh nghiệp bán lẻ vật lý. Nhiều nhãn hàng hiện nay chỉ tồn tại cửa hàng phi vật lý thay vì đầu tư cho các cửa hàng thông thường. Sự phát triển không ngừng của hệ thống mạng xã hội cũng như hệ thống các trang thương mại điện tử tạo tiền đề to lớn cho sự phát triển của các cửa hàng phi vật lý này.
Đối với các doanh nghiệp này, do giảm đi sự tiếp xúc vật lý với khách hàng, vậy nên những hoạt động Marketing sẽ chỉ xoay quanh yếu tố về Sản phẩm (Product); Chương trình khuyến mại (Promotion); Phân phối (Place); Giá (Price) và Con người (People).
3. Phân tích ngành bán lẻ thông qua các công cụ Marketing
Bên cạnh việc xác định được loại hình doanh nghiệp của mình trong bức tranh toàn ngành bán lẻ, để có thể tỏa sáng trong ngành bán lẻ bạn cũng cần cần nắm rõ các công cụ Marketing. Việc thấu hiểu các công cụ Marketing cho phép bạn có thể tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành.
3.1 Product
Khởi điểm của ngành bán lẻ chính là chữ P đầu tiên trong marketing 4Ps – Product. Đối với ngành bán lẻ, Product được hiểu không chỉ là sản phẩm, dịch vụ mà còn là các thương hiệu của các sản phẩm đến với những người dùng cuối.
Khác biệt so với các ngành kinh doanh khác, bán lẻ thường không có sản phẩm cụ thể bởi họ tìm các nguồn cung từ các nhà cung cấp và bán lại cho người dùng cuối. Việc thiếu đi hàng hóa do mình sản xuất mang tính khác biệt tạo ra sức ép lớn cho các nhà kinh doanh cũng như các hoạt động marketing bán lẻ.
Trong thời đại ngày nay, các doanh nghiệp bán lẻ thường cố gắng làm chủ một chuỗi cung ứng để có thể biến đây trở thành những sản phẩm chủ lực, mang đến lợi thế cạnh tranh cho mình.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng dễ dàng có thể bắt gặp các sản phẩm mang nhãn hiệu Lotte, Big C hay Topvalu (Aeon) tại các siêu thị lớn. Đây là những dòng sản phẩm được sản xuất riêng cho các nhãn hiệu nhằm đem lại sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cho họ trên thị trường.
3.2 Price
Đối với chữ P thứ hai trong các hoạt động marketing của các doanh nghiệp bán lẻ, đó là Price – do không có sản phẩm chủ lực nên giá thường là công cụ được các doanh nghiệp sử dụng nhằm thu hút khách hàng.
Việc cạnh tranh về giá sẽ đem đến nguồn lợi cho người tiêu dùng tuy nhiên việc lạm dụng chiến lược về giá sẽ khiến ngành bán lẻ dễ rơi vào “cuộc chiến về giá” (pricing war).
Công cụ giá không chỉ nằm ở việc điều chỉnh giá bán so với lợi nhuận biên của các doanh nghiệp bán lẻ. Việc sử dụng công cụ giá còn nằm trong sự sáng tạo của các nhà hoạch định hoạt động Marketing như bán gộp, bán sản phẩm với giá ưu đãi khi sưu tầm coupon hay nhận sản phẩm giá ưu đãi dành cho các hoá đơn đạt điều kiện.
3.3 Place
Trong ngành bán lẻ, chữ P thứ 3 – Place không đơn thuần chỉ là việc xác định địa điểm bán hàng, hay hệ thống cửa hàng. Phân phối đối với bản lẻ còn bao hàm ý nghĩa của việc vận chuyển hàng hóa từ kho bãi đến cửa hàng, từ cửa hàng đến với người tiêu dùng.
Phân phối là chữ P mang ý nghĩa chiến lược đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Việc lựa chọn địa điểm để đặt cửa hàng sẽ được cân nhắc để có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành (kho hàng, bến bãi, nhập hàng), gia tăng sự hiện diện trong tâm trí khách hàng, gia tăng doanh thu thông qua các dịch vụ bổ trợ (chuyển hàng, giao hàng…).
Hầu hết các nhóm ngành hàng bán lẻ được liệt kê ở trên, việc phân phối trở thành điểm then chốt giúp gia tăng doanh thu thông qua các dịch vụ giao hàng, miễn cước giao hàng hay bọc hàng/gói và giao hàng…
3.4 Promotion
Chữ P cuối cùng trong 4Ps cơ bản của ngành bán lẻ đó là Promotion – Khuyến mại. Hoạt động Marketing sử dụng công cụ khuyến mại đối với ngành bán lẻ bao hàm từ các chương trình khuyến mại tới các hoạt động kích hoạt thương hiệu, sự kiện mở bán nhằm gia tăng lượng khách hàng đến trải nghiệm và mua sắm sản phẩm.
Đây là một công cụ được sử dụng thường xuyên bởi các marketer, Khuyến mãi – Promotion đóng vai trò kích thích và thúc đẩy lượng tham quan, mua sắm đối với các doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng vật lý. Gia tăng lượng truy cập, mua hàng đối với các doanh nghiệp có cửa hàng ảo.
Một lưu ý dành cho người quản lý là cần phải hạn chế lạm dụng Khuyến mại – Promotion. Khi này, vì nếu quá lạm dụng sẽ khiến người dùng hình thành thói quen chờ đợi khuyến mại, làm giảm giá trị sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.
Sự phát triển đa dạng các loại hình bán lẻ đã đưa ngành bán lẻ trở thành một loại hình dịch vụ đặc biệt. Khi đó, marketer không còn bị giới hạn bởi 4Ps sơ khởi. Họ hoàn toàn có thể đồng thời sử dụng các công cụ về Con người (People) – Quá trình mua hàng (Process) cũng như hệ thống cơ sở vật chất (Physical Evidence) nhằm thu hút sự chú ý cũng như gia tăng tình yêu thương hiệu của khách hàng đối với doanh nghiệp bán lẻ.
3.5 Process
Process – quá trình hay trải nghiệm mua hàng. Người làm quản lý dựa trên những dữ liệu thu thập về hành vi của khách hàng sẽ thiết kế hay tạo lập hành trình trải nghiệm của khách hàng sao cho tối ưu được đồng thời doanh thu của doanh nghiệp cùng với đó là cảm nhận của khách hàng.
Trải nghiệm mua hàng đối với các doanh nghiệp bán lẻ được thiết kế bởi việc sắp đặt hệ thống quầy kệ, biển bảng chỉ dẫn, bản đồ… Trong khi đó, với các doanh nghiệp sử dụng cửa hàng ảo, trải nghiệm mua hàng hay quá trình mua hàng sẽ phụ thuộc vào hệ thống phần mềm, hệ thống chăm sóc khách hàng hay giao diện của các trang thương mại điện tử.
Việc đầu tư vào trải nghiệm mua hàng sẽ mang lại nguồn lợi lớn đối với các doanh nghiệp khi có thể tạo ra được nhiều doanh thu từ một khách hàng hơn so với việc chỉ kinh doanh đơn thuần các hàng hoá dựa trên nhu cầu của khách hàng.
3.6 Physical evidence
Physical evidence – cơ sở vật chất/cơ sở hạ tầng. Không chỉ là nơi mua sắm đơn thuần, ngày nay các trung tâm thương mại hay những siêu thị đang trở thành điểm đến giải trí cuối tuần của khách hàng. Khách hàng đến đây để trải nghiệm, mua sắm dịch vụ hoặc sản phẩm. Hoặc đơn giản, họ đến để thay đổi không khí, đi dạo.
Việc tạo lập không gian mua sắm thông qua cơ sở vật chất hay cơ sở hạ tầng đang ngày càng quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp. Hoạt động Marketing đối với cơ sở vật chất nằm phần lớn trong việc sắp xếp, bài trí các khu vực, bổ sung các điểm chạm như điểm check-in, quầy thông tin hay đảm bảo việc vận hành ổn định của các trang thiết bị sẽ giúp doanh nghiệp gây ấn tượng với khách hàng.
3.7 People
Chữ P cuối cùng trong những công cụ Marketing đối với ngành bán lẻ đó là People – Con người. Con người được hiểu là nhân viên phục vụ tại cửa hàng, đây là điểm chạm đầu tiên và quan trọng nhất với khách hàng bởi đây là hình ảnh của doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng. Con người hay những nhân viên đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, giúp gia tăng doanh thu, trải nghiệm cũng như giá trị của khách hàng nhận được.
Đối với những người làm quản lý, việc quy chuẩn hóa quy trình làm việc, trang phục hay kiểu tóc hay quy trình xử lý phàn nàn sẽ giúp cho khách hàng có những hình ảnh thương hiệu tích cực. Từ đó giúp gia tăng tình yêu thương hiệu và lòng trung thành đối với thương hiệu.
Đối với các doanh nghiệp sở hữu cửa hàng ảo, dù không trực tiếp tiếp xúc với khách hàng thực tế, tuy nhiên những trải nghiệm với hệ thống chăm sóc khách hàng sẽ là những ấn tượng quan trọng cần củng cố để có thể duy trì mối quan hệ khách hàng, giúp gia tăng tỷ lệ mua hàng và gia tăng tỷ lệ tái mua hàng.
>> Xem thêm: 7P trong Marketing là gì? 7 bước áp dụng mô hình 7P trong Marketing
4. Từ chiến lược cạnh tranh bền vững đến hoạt động Marketing cho các doanh nghiệp bán lẻ
Việc xác định chiến lược Marketing bền vững cho các doanh nghiệp bán lẻ không chỉ từ việc nắm rõ loại hình của doanh nghiệp bán lẻ hay công cụ Marketing.
Chiến lược Marketing còn cần phải gắn kết với định hướng của doanh nghiệp trong tâm nhìn, sứ mệnh và chiến lược cạnh tranh tạo ra sự thống nhất của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ trở nên độc đáo và khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.
4.1 Walmart và chiến lược dẫn đầu chi phí
Chiến lược dẫn đầu chi phí (Cost leadership); đây là chiến lược nhấn mạnh vào tính kinh tế, giành thị phần từ các đối thủ cạnh tranh bằng cách đưa ra những sản phẩm có mức giá cạnh tranh nhất trong phân đoạn thị trường mục tiêu.
Để có thể áp dụng được chiến lược này, doanh nghiệp cần đảm bảo chi phí vận hành là thấp nhất, đạt được tính kinh tế theo quy mô và theo phạm vi. Cùng với đó, doanh nghiệp cần phải không ngừng cải tiến dựa trên đường cong kinh nghiệm để có thể đạt được hiệu quả về mặt chi phí. Doanh nghiệp tập trung vào việc sử dụng công cụ sản phẩm và giá nhằm tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành.
Một trong những ông lớn của ngành bán lẻ theo đuổi chiến lược dẫn đầu chi phí đó là Walmart – ngay từ khi được thành lập, Walmart đã xác định theo đuổi chiến lược dẫn đầu chi phí với thông điệp: “Ở đâu có giá rẻ – ở Walmart có giá rẻ hơn”.
Việc sử dụng hiệu quả đầu tư, không tập trung vào những giá trị như cơ sở vật chất, trải nghiệm mua hàng, con người, Walmart đã loại bỏ những đơn vị trung gian trong quá trình mua hàng, giảm bao bì.
Bên cạnh đó việc đầu tư vào công nghệ robot hay trí tuệ nhân tạo trong vận chuyển và sắp đặt hàng hoá để có thể giảm tối đa chi phí vận hành. Từ đó giúp đưa ra mức giá hấp dẫn nhất với người tiêu dùng.
Việc bền bỉ đi cùng chiến lược dẫn đầu chi phí trong cả vận hành và chiến lược Marketing đã giúp cho Walmart trở thành người đứng đầu trong hoạt động bán lẻ trên toàn thế giới trong nhiều năm liền.
4.2 Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, Bác Tôm và chiến lược tập trung
Chiến lược tập trung (Focus) là chiến lược giúp doanh nghiệp tỏa sáng trên một phân khúc thị trường doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hơn các doanh nghiệp khác. Nói cách khác, chiến lược tập trung sẽ chuyên tâm phục vụ một thị trường ngách nhất định theo hạng khách hàng hoặc theo phân khúc nhỏ trên một nhóm sản phẩm.
Để có thể áp dụng được chiến lược này, doanh nghiệp phải cân nhắc dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình và phạm vi thị trường doanh nghiệp có thể cung cấp. Chiến lược tập trung thường được các công ty vừa và nhỏ sử dụng. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ thực hiện chiến lược tập trung, các hoạt động marketing sẽ tập trung vào điểm khác biệt thông qua chiến lược về sản phẩm, phân phối.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch/ thực phẩm nhập khẩu hay thực phẩm organic như Homefarm, Bác Tôm, Sói Biển đang theo đuổi chiến lược tập trung.
Việc lựa chọn cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao như thực phẩm sạch, thực phẩm Organic… trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh tập trung cung ứng những loại hàng hoá phổ thông giúp tạo lập chỗ đứng riêng biệt của các doanh nghiệp này trên thị trường bán lẻ nói chung và thị trường bán lẻ thực phẩm nói riêng.
Dựa vào đó, các hoạt động marketing cho bán lẻ thường thấy của nhóm các thương hiệu này đó là sử dụng sức mạnh của sản phẩm, giá trị của sản phẩm để truyền tải thông điệp một cách hiệu quả đến với khách hàng.
4.3 Trải nghiệm khách hàng và chiến lược khác biệt hoá của Aeon Mall
Chiến lược khác biệt hóa (Differentiation) là chiến lược cho phép các doanh nghiệp bán lẻ có thể sử dụng toàn diện các công cụ marketing – miễn sao mang lại sự khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành.
Mục tiêu của chiến lược khác biệt hoá đó là việc tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua cung cấp hàng hoá, dịch vụ giúp thỏa mãn các loại nhu cầu có tính chất độc đáo hoặc các loại nhu cầu cụ thể của một nhóm khách hàng khác nhau.
Điều này đòi hỏi mức đầu tư lớn, nên chiến lược khác biệt hoá thường được các công ty, tổ chức bán lẻ lớn sử dụng và thực hiện. Hoạt động Marketing của nhóm các doanh nghiệp sử dụng chiến lược khác biệt hoá cũng rất đa dạng trên mọi góc độ. Tuy nhiên chiến lược này sẽ thường chỉ tập trung trong các yếu tố về sản phẩm, phân phối, hệ thống cơ sở hạ tầng, con người và trải nghiệm khách hàng.
Lấy trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm, hệ thống trung tâm thương mại Aeon Mall tại Việt Nam luôn thay đổi không ngừng để có thể gia tăng hành trình trải nghiệm của khách hàng tại đây.
Từ những biển bảng đơn thuần, hệ thống chỉ dẫn tiện ích, các trang thiết bị dành riêng cho các nhóm đối tượng khác nhau như trẻ em, người khuyết tật… Aeon Mall còn không ngừng làm mới không gian, trang trí, đẩy mạnh chiến lược chuyên biệt hoá cũng như nâng cao dịch vụ khách hàng giúp cho Aeon Mall luôn nằm trong những vị trí đứng đầu trong tâm trí khách hàng Việt Nam.
>> Có thể bạn quan tâm: 5 yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng lớn nhất bạn cần biết
Tổng kết
Để thiết lập chiến lược marketing cho doanh nghiệp bán lẻ cần phải dựa trên: Việc xác định rõ ràng về loại hình bán lẻ; nắm bắt các công cụ Marketing 7Ps. Bên cạnh đó, chiến lược còn cần được xét từ góc độ tầm nhìn và sứ mệnh của mỗi doanh nghiệp trong việc xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững. Từ đó giúp cho hoạt động marketing cho bán lẻ được đầu tư đúng tầm, tránh dàn trải làm mất đi hiệu quả và thiệt hại về chi phí cho doanh nghiệp.
Tác giả: Đỗ Xuân Dương