Xây dựng chiến lược marketing cho ngành vật liệu xây dựng

15/02/2023
884

Hiện nay, bán lẻ vật liệu xây dựng trở thành một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng được nhiều người quan tâm và lựa chọn, khi nhiều người có nhu cầu mua vật liệu xây dựng để phục vụ cho việc xây dựng các công trình nhà ở, tòa nhà, căn hộ.

Trong bài viết này, MISA sẽ đề cập đến cách xây dựng chiến lược marketing cho bán lẻ vật liệu xây dựng theo mô hình 4P marketing để kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực này nhé.

1. Lựa chọn sản phẩm vật liệu xây dựng

Sản phẩm là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công khi bán lẻ vật liệu xây dựng. Việc lựa chọn kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng nào phụ thuộc vào nguồn vốn và nhu cầu thị trường ở nơi chủ cửa hàng dự định mở cửa hàng. Từ những hiểu biết về khách hàng mục tiêu và nhu cầu của họ, chủ cửa hàng cần xác định xem khách hàng đang có nhu cầu cao cho sản phẩm nào ở thời điểm hiện tại.

Sản phẩm là yếu tố cốt lõi để quyết định sự thành công khi bán lẻ vật liệu xây dựng
(Nguồn: vneconomy.vn)

Vật liệu xây dựng là một lĩnh vực khá rộng với đa dạng sản phẩm, do đó, để kinh doanh hiệu quả và tập trung, chủ doanh nghiệp nên chọn mặt hàng chủ lực. Các sản phẩm vật liệu xây dựng có thể được chia thành các nhóm là vật liệu thô, bao gồm cát, đá, sỏi, xi măng, sắt thép, gạch… và vật liệu hoàn thiện: gạch lát tường, sơn, thiết bị vệ sinh…

Chủ cửa hàng có thể lựa chọn mặt hàng chủ lực trong nhóm vật liệu thô hoặc vật liệu hoàn thiện. Sau một thời gian, chủ doanh nghiệp sẽ theo dõi sức mua thực tế của khách hàng với các loại sản phẩm tại cửa hàng để có sự điều chỉnh, từ đó lựa chọn sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các chủ cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng có thể tham khảo 3 nguồn nhập hàng vật liệu xây dựng phổ biến là:

Nhập hàng trực tiếp từ công ty sản xuất vật liệu xây dựng:

Lúc này, chủ cửa hàng sẽ đăng ký trở thành đại lý phân phối/ bán lẻ sản phẩm từ công ty. Chủ cửa hàng sẽ bán sản phẩm theo mức giá công ty quy định, được nhập hàng với mức chiết khấu cao và được hưởng ưu đãi khi vận chuyển hàng hóa về đại lý.

Việc nhập hàng trực tiếp sẽ giúp cửa hàng đảm bảo chất lượng sản phẩm chính hãng, hạn chế tình trạng nhập hàng giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, khi trở thành đại lý, một số công ty có thể yêu cầu các đại lý nhập hàng với số lượng lớn và đều đặn nên chủ cửa hàng cần có khả năng tài chính và kinh doanh để đảm bảo lượng nhập hàng và doanh số.

Đăng ký trở thành đại lý phân phối/ bán lẻ sản phẩm từ công ty sản xuất vật liệu xây dựng như thép Hòa Phát
(Nguồn: thep.hoaphat.com.vn)

Nhập hàng qua các đại lý vật liệu xây dựng:

Khi nhập hàng qua các đại lý, cửa hàng sẽ không phải nhập hàng với số lượng lớn ngay từ đầu. Chủ cửa hàng nên tìm kiếm và lựa chọn nhập hàng từ các đại lý uy tín, có nhiều năm hoạt động để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các công ty sản xuất vật liệu xây dựng thường cung cấp thông tin hệ thống phân phối bao gồm địa chỉ các đại lý tại các khu vực trên website. Hầu hết các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng khi mới bắt đầu kinh doanh sẽ lựa chọn nguồn hàng này nhờ sự linh động và tiện lợi khi nhập hàng.

Cường Quốc là một đại lý phân phối các sản phẩm vật liệu xây dựng lâu đời (Nguồn: cuongquoc.com.vn)

Nhập hàng từ nước ngoài:

Người có dự định mở cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng có thể cân nhắc nhập hàng vật liệu xây dựng từ nước ngoài nếu cửa hàng xác định được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường và có số vốn lớn. Chi phí nhập hàng và vận chuyển hàng từ nước ngoài thường sẽ cao hơn.

Chủ cửa hàng nên lưu ý khi lựa chọn nhập hàng từ nước ngoài và không nên nhập hàng với số lượng lớn để hạn chế tình trạng tồn kho và chi phí vận chuyển tốn kém. Việc nhập hàng từ nước ngoài cũng có thể đi kèm nhiều rủi ro như khó đổi trả.

Saint Gobain là một tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng nổi tiếng toàn cầu
(Nguồn: saint-gobain.com)

Một số lưu ý khi lựa chọn sản phẩm vật liệu xây dựng

Thứ nhất, khi lựa chọn sản phẩm vật liệu xây dựng để kinh doanh, ngoài việc lựa chọn nguồn nhập hàng phù hợp, một yếu tố quan trọng khác chủ cửa hàng cần quan tâm là chất lượng sản phẩm. Khách hàng quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố an toàn của họ.

Do đó, bạn nên tìm kiếm và lựa chọn nguồn hàng từ những công ty, thương hiệu uy tín. Một số sản phẩm có thương hiệu uy tín lâu năm trên thị trường như thép Hòa Phát, tôn Hoa Sen, nhựa Bình Minh, gạch ốp lát Viglacera…

Thép Hòa Phát là một thương hiệu uy tín trên thị trường
(Nguồn: thep.hoaphat.com.vn)

Hay một số công ty vật liệu xây dựng lâu năm, uy tín trong ngành có thể kể đến như công ty vật liệu xây dựng Sài Gòn CMC, công ty Halo Group, công ty Ánh Nhiên Xanh, … tại thành phố Hồ Chí Minh và công ty Đại Nghĩa, công ty Cường Quốc, cửa hàng gạch ốp lát Viethome, … tại Hà Nội.

Thứ hai, thời gian đầu chủ cửa hàng nên nhập hàng với số lượng ít mang tính trưng bày để khách hàng biết cửa hàng có bán sản phẩm này. Khi khách quyết định mua sản phẩm đó, nhân viên cửa hàng có thể liên lạc với đại lý và mua hàng về để cung cấp cho khách. Chủ cửa hàng không nên nhập hàng số lượng lớn, để giảm tình trạng tồn hàng và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Thứ ba, một yếu tố quan trọng mà các đại lý bán lẻ vật liệu xây dựng cần lưu ý là việc vận chuyển. Khách hàng sẽ thường có nhu cầu vận chuyển đến tận nhà, do vật liệu xây dựng là mặt hàng thường có kích thước lớn và nặng, không dễ dàng để vận chuyển.

Khi mới bắt đầu kinh doanh, chủ cửa hàng có thể tìm kiếm và thuê những đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển vật liệu xây dựng khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển. Sau một thời gian khi việc kinh doanh phát triển hơn và cửa hàng đã có số vốn nhất định, người quản lý có thể cân nhắc đầu tư mua xe tải để chủ động hơn trong việc vận chuyển hàng hóa và kiếm thêm tiền từ dịch vụ chở hàng.

2. Định giá sản phẩm vật liệu xây dựng

Giá vật liệu xây dựng hiện nay thường có sự thay đổi một cách nhanh chóng và có sự khác nhau giữa các công ty sản xuất vật liệu xây dựng. Để định giá cho sản phẩm vật liệu xây dựng, chủ cửa hàng nên cập nhật thường xuyên mức giá trung bình trên thị trường để có giá bán phù hợp so với các đối thủ cạnh tranh, tránh việc định giá quá cao.

Theo đó, nhân viên cửa hàng cần khảo sát giá nhà phân phối, giá đại lý và giá bán lẻ của các các cửa hàng trong khu vực lân cận để xác định mức giá cạnh tranh. Khi mua sắm sản phẩm vật liệu xây dựng, khách hàng thường mua hàng với số lượng lớn, nên họ sẽ cân nhắc đến giá của từng loại sản phẩm giữa các cửa hàng khác nhau và ưu tiên chọn nơi có giá thành phù hợp nhất. Cũng chính vì vậy, quản lý cửa hàng cần lựa chọn được nguồn hàng phù hợp, để đảm bảo được yếu tố chi phí hợp lý và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, giá bán vật liệu xây dựng còn phụ thuộc vào số lượng mua hàng nhiều hay ít, thời gian thanh toán nhanh hay chậm, đối tượng khách hàng mua hàng, … Chủ cửa hàng có thể xây dựng chương trình ưu đãi cho những đối tượng khách hàng khác nhau như: khách mua lẻ, khách hàng thân thiết, … để khuyến khích và phù hợp với các đối tượng khách mua hàng khác nhau.

3. Lựa chọn địa điểm và thiết kế cửa hàng, trưng bày sản phẩm

Khi bán lẻ vật liệu xây dựng, địa điểm mở cửa hàng là một yếu tố quan trọng cần chú trọng do khách hàng có xu hướng ưu tiên mua hàng ở gần địa điểm xây dựng, vì họ sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian tìm kiếm và chi phí cho việc vận chuyển. Chủ cửa hàng nên lựa chọn cửa hàng ở những nơi rộng rãi, giao thông thuận tiện, có những công trình mới đang được xây dựng.

Ngoài ra, khi đã lựa chọn được địa điểm mở cửa hàng phù hợp, chủ cửa hàng cũng cần nghiên cứu cụ thể về nhu cầu thị trường về sản phẩm vật liệu xây dựng. Từ những thông tin này, cửa hàng cũng có thể lựa chọn bán sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cùng với đó, yếu tố địa điểm cũng bao gồm việc thiết kế cửa hàng và trưng bày sản phẩm vật liệu xây dựng tại cửa hàng. Một cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng được thiết kế đẹp và chỉn chu sẽ có khả năng gây ấn tượng, khẳng định giá trị thương hiệu và thu hút khách hàng hơn.

Cửa hàng vật liệu xây dựng được thiết kế đẹp và chỉn chu sẽ đem đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng (Nguồn: pendecor.vn)

Chủ cửa hàng có thể xem xét một số điểm để thiết kế, trưng bày sản phẩm một cách hiệu quả. Đầu tiên, chủ cửa hàng nên phân loại các khu vực trưng bày các loại sản phẩm trong cửa hàng một cách hợp lý, khoa học để tận dụng tối đa không gian cửa hàng và đem lại trải nghiệm mua sắm tối ưu cho khách hàng.

Quản lý cửa hàng cũng cần quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ, an toàn khi trưng bày. Cửa hàng cũng nên lưu ý bảo đảm hệ thống đèn chiếu sáng đầy đủ, tập trung ở khu vực trưng bày để làm nổi bật các sản phẩm.

Việc thiết kế lối đi giữa các tủ kệ cũng cần được đảm bảo thông thoáng, rộng rãi, để đem lại cảm giác thoải mái cho khách hàng. Bên cạnh đó, phong cách thiết kế giữa các khu vực trong cửa hàng nên có sự thống nhất để đảm bảo tính thẩm mỹ, sự liên kết trong việc thiết kế và sự thuận tiện khi vận chuyển các sản phẩm vật liệu xây dựng.

Thiết kế cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng
(Nguồn: pendecor.vn)

4. Quảng cáo sản phẩm vật liệu xây dựng

Sau khi đã xác định được sản phẩm, giá bán và lựa chọn được địa điểm, hoàn thiện thiết kế cửa hàng, cửa hàng nên cân nhắc triển khai một số hoạt động để quảng cáo sản phẩm vật liệu xây dựng tại cửa hàng và thu hút khách hàng tiềm năng.

Đầu tiên, các nhân viên cửa hàng nên tận dụng các mối quan hệ cá nhân để tìm kiếm khách hàng. Các nhân viên có thể bắt đầu giới thiệu sản phẩm cửa hàng đang kinh doanh đến người thân, bạn bè có nhu cầu về vật liệu xây dựng, đồng thời nhờ họ giới thiệu cho bạn bè có nhu cầu.

Một cách khác để quảng cáo sản phẩm là xây dựng trang website giới thiệu cửa hàng và cung cấp thông tin về sản phẩm vật liệu xây dựng. Khách hàng có thể tìm hiểu thông tin và tự đặt hàng thông qua website. Một website được thiết kế chỉn chu sẽ đem lại ấn tượng cho khách hàng về thương hiệu cửa hàng của bạn.

Mặt khác, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm vật liệu xây dựng trên công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Do đó, chủ cửa hàng nên cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến chủ đề vật liệu xây dựng qua trang blog hoặc các trang mạng xã hội để tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng khi họ tìm kiếm thông tin liên quan.

Ngoài ra, nhân viên cửa hàng có thể đăng thông tin giới thiệu sản phẩm qua các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội liên quan đến mua bán vật liệu xây dựng như các nhóm trên Facebook: Vật liệu xây dựng Việt Nam, Nhóm mua và bán vật liệu xây dựng, Thiết bị điện và vật liệu xây dựng… Đây là nhóm có các thành viên quan tâm đến những thông tin về vật liệu xây dựng và có thể trở thành khách hàng tiềm năng của cửa hàng.

Một cách hữu ích giúp các công ty quảng cáo sản phẩm vật liệu xây dựng là tham gia các sự kiện liên quan đến ngành vật liệu xây dựng như triển lãm quốc tế VIETBUILD để có cơ hội giới thiệu sản phẩm và phát triển quan hệ với các khách hàng tiềm năng. VIETBUILD là một sự kiện lớn của ngành xây dựng – bất động sản – vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất tại Việt Nam. Đến với triển lãm, các doanh nghiệp sẽ được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm mới đông đảo các khách tham dự.

(Nguồn: facebook.com/TrienLamVIETBUILD/)

5. Tổng kết

Các cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng cần lên kế hoạch marketing để có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng và cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ, đồng thời đem đến trải nghiệm tốt trong quá trình mua hàng.

Với những chia sẻ chi tiết về việc xây dựng chiến lược marketing cho bán lẻ vật liệu xây dựng, hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho quý độc giả.

Tác giả: Ngọc Lê

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả