Mẫu biểu, quy định Quy định Thông tư 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi trích lập...

Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc và đạt thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt sau 2 năm đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh, đa số doanh nghiệp đã nhận thức được rằng: để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề để phát triển nhanh và bền vững, họ buộc phải đầu tư cho khoa học – công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cho khoa học, công nghệ, ngày 7 tháng 11 năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/12/2022. Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý, các quy định trong Thông tư này được áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 trở đi.

Bài viết trình bày tới bạn đọc các nội dung chính trong Thông tư để doanh nghiệp nắm chắc và áp dụng trực tiếp vào công tác thuế tại doanh nghiệp mình cho kỳ quyết toán năm 2022 tới đây. 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  • Đối tượng áp dụng: các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước;
  • Phạm vi điều chỉnh: hướng dẫn nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Quỹ).

Điều 2. Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

    • Khoản trích Quỹ được xác định theo từng kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế.
  • Mức trích lập Quỹ do doanh nghiệp quyết định, căn cứ vào khả năng và nhu cầu chi cho các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tuy nhiên, cũng cần đồng thời tuân thủ quy định sau:
Hình 1: Mức trích lập Quỹ cần đồng thời tuân thủ quy định
  • Doanh nghiệp Nhà nước: trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế;
  • Doanh nghiệp khác: trích tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

Điều 3. Nguyên tắc sử dụng Quỹ

Việc sử dụng quỹ cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nguyên tắc sử dụng dưới đây:

  • Chỉ được sử dụng Quỹ cho hoạt động phục vụ đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ và các nội dung được phép chi Quỹ theo quy định của pháp luật, theo nguyên tắc khoản trích Quỹ trước thì sử dụng trước;
  • Các khoản chi từ Quỹ phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ;
  • Không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế đối với các khoản chi từ Quỹ và các khoản tiền chậm nộp, tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp;
  • Trường hợp trong năm, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vượt quá số tiền hiện có tại Quỹ thì được lựa chọn một trong 2 cách:
    • Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế;
    • Hoặc trích trước Quỹ của các năm tiếp theo để bù vào số còn thiếu theo quy định.

Điều 4. Nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích; không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm

  • Khi sử dụng Quỹ không đúng mục đích:
    • Doanh nghiệp phải nộp phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích tương ứng với khoản sử dụng không đúng mục đích và tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. 
    • Lãi suất tính tiền lãi phát sinh nêu trên là mức tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế. Thời gian tính lãi được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày trích Quỹ đến ngày liền kề trước ngày số thuế thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước.
  • Khi không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm:
    • Số Quỹ đã sử dụng bao gồm: 
      • Các khoản chi đúng mục đích đã được quyết toán theo quy định; 
      • Các khoản đã tạm ứng và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ nhưng chưa đủ điều kiện quyết toán để thực hiện các hoạt động của Quỹ; 
      • Các khoản điều chuyển từ Quỹ của tổng công ty với doanh nghiệp thành viên, của công ty mẹ với công ty con hoặc ngược lại; 
      • Khoản tiền nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Bộ chủ quản, tỉnh, thành phố (nếu có) theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
    • Trong thời hạn 05 năm, kể từ khi trích lập Quỹ mà doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm thì doanh nghiệp phải nộp:
      • Phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm
      • Và tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp này. Lưu ý, lãi suất tính tiền lãi phát sinh là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi (khác với lãi suất tính tiền lãi phát sinh đối với trường hợp sử dụng Quỹ không đúng mục đích). Thời gian tính lãi là hai năm.

>> Tìm hiểu ngay: Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất

Một số lưu ý khác về trường hợp điều chuyển Quỹ như sau:

  • Trường hợp nhận điều chuyển Quỹ thì thời hạn 05 năm đối với khoản nhận điều chuyển Quỹ được xác định kể từ kỳ tính thuế nhận điều chuyển Quỹ.)
  • Việc điều chuyển giữa Quỹ của công ty mẹ, tổng công ty với Quỹ của công ty con, doanh nghiệp thành viên và ngược lại chỉ áp dụng đối với các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn, không bao gồm các trường hợp:
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài điều chuyển cho công ty mẹ ở nước ngoài;
  • Công ty mẹ ở Việt Nam điều chuyển cho công ty con ở nước ngoài.
  • Doanh nghiệp có trách nhiệm tự kê khai, tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số Quỹ sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70%. 
  • Trong trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế, thì việc xác định số thuế phải nộp như sau:
Trường hợp Xác định Số thuế TNDN thu hồi 
– Có trích Quỹ trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế 

– Và sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số Quỹ đã được trích trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế

Xác định theo mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm trích lập Quỹ.
– Có trích Quỹ trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế 

– Có nhận điều chuyển Quỹ từ doanh nghiệp khác

– Và sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số Quỹ đã được trích trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế

Đối với số tiền trích lập Quỹ tại doanh nghiệp: được xác định theo mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm trích lập Quỹ Đối với số tiền doanh nghiệp nhận điều chuyển từ doanh nghiệp khác: được xác định theo mức thuế suất của doanh nghiệp điều chuyển tại thời điểm nhận điều chuyển
Việc xác định số tiền nhận điều chuyển sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết 70%: phân bổ theo tỷ lệ giữa số tiền nhận điều chuyển với số Quỹ trong kỳ tính thuế (bao gồm cả số trích Quỹ và số tiền nhận điều chuyển).

Điều 5. Quản lý tài sản hình thành từ Quỹ

Đối với các tài sản hình thành từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp cần thực hiện:

  • Doanh nghiệp phải lập hồ sơ tài sản cố định được hình thành từ nguồn Quỹ để theo dõi quản lý; Không được tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với các trường hợp:
    • Tài sản cố định hình thành để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ;
    • Mua máy móc, thiết bị có kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp theo quy định;
    • Mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 02 năm (năm 2022 và năm 2023) theo nội dung nêu tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội:

Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Các trường hợp tài sản cố định liên quan tới nguồn Quỹ, phát sinh các nghiệp vụ khác trong quá trình sử dụng thì thực hiện theo từng trường hợp chi tiết như dưới đây:
Trường hợp Quy định xử lý 
Tài sản cố định được hình thành từ nguồn Quỹ, có phát sinh sửa chữa, nâng cấp Tiếp tục sử dụng nguồn Quỹ để chi trả
Tài sản cố định để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa hết hao mòn, nếu chuyển giao cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Phần giá trị còn lại của tài sản được tính vào thu nhập khác 

Phần giá trị còn lại của tài sản được trích khấu hao, tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Tài sản cố định được hình thành từ nguồn Quỹ, chưa hết hao mòn, vừa dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, đồng thời dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Tiếp tục theo dõi quản lý theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định 

Không phải tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tài sản cố định được hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sau đó được chuyển giao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Giá trị của tài sản cố định tính vào thu nhập khác 

Giá trị của tài sản cố định đó được trích khấu hao, tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tài sản cố định được mua từ nguồn Quỹ có thực hiện điều chuyển tài sản Xác định giá trị còn lại để điều chỉnh tăng, giảm nguồn Quỹ khi điều chuyển tài sản.
Tài sản cố định đang sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển sang dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ Xác định giá trị còn lại của tài sản cố định để chi mua tài sản cố định từ nguồn Quỹ và theo dõi tài sản cố định theo quy định

>> Có thể bạn quan tâm: Tài sản cố định hữu hình là gì? Tổng hợp các quy định về tài sản cố định hữu hình

Điều 7. Báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ

  • Hằng năm, doanh nghiệp phải lập Báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ theo mẫu số 03-6/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, thời hạn nộp báo cáo cùng thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Trường hợp có nhận điều chuyển thì doanh nghiệp nhận điều chuyển phải báo cáo tình hình nhận điều chuyển và sử dụng số tiền Quỹ được điều chuyển.

Điều 6. Quản lý Quỹ trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp

  • Trường hợp doanh nghiệp có tổ chức lại doanh nghiệp dẫn tới hình thành một doanh nghiệp mới thì doanh nghiệp mới thành lập được kế thừa và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ.
  • Trường hợp doanh nghiệp có tổ chức lại doanh nghiệp theo trường hợp chia, tách thì (các) doanh nghiệp sau khi tổ chức lại được kế thừa và chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng Quỹ; việc phân chia Quỹ do (các) doanh nghiệp quyết định và thông báo với cơ quan thuế.

Bài viết đã trình bày tới bạn đọc các nội dung quan trọng cần nắm về xác định nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ.  Các quy định trong Thông tư 67/2022/TT-BTC có hiệu lực áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2022, vì thế, bạn đọc cần nhanh chóng nghiên cứu, đối chiếu với doanh nghiệp mình để tuân thủ đúng quy định mới này cho các nghiệp vụ trích lập, sử dụng quỹ của kỳ tính thuế TNDN năm 2022. 

Qua bài viết, MISA AMIS mong muốn các kế toán doanh trong quá trình làm việc của mình được cập nhật đầy đủ các quy định mới nhất của Chính phủ, Bộ Tài chính,… để không gặp khó khăn trong quá trình làm việc. Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • ….

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm 15 ngày miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tổng hợp: Nguyễn Tuấn Dũng

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]