Giá thành sản phẩm xây dựng và những điều cần biết

21/12/2022
924

Giá thành sản phẩm của các ngành kinh tế nói chung và của ngành xây dựng nói riêng là một trong những chỉ tiêu kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giá thành sản phẩm xây dựng là chỉ tiêu tổng hợp, được tập hợp, tính toán trên cơ sở các chi phí liên quan đến hoạt động xây dựng. Việc tập hợp, hạch toán chính xác, kịp thời giá thành sản phẩm xây dựng cũng là vấn đề khá phức tạp, luôn được kế toán doanh nghiệp xây dựng quan tâm.

1. Giá thành sản phẩm xây dựng

1.1. Khái niệm chung về giá thành sản phẩm

Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền toàn bộ những hao phí về lao động sống và lao động vật hoá có liên quan đến khối lượng công tác, sản phẩm và dịch vụ đã hoàn thành trong kỳ. Trong đó: 

– Hao phí về lao động sống là các chi phí liên quan đến nhân công, lao động trong quá trình thực hiện công tác xây dựng.

– Hao phí lao động vật hoá là các chi phí về nguyên liệu, vật liệu, khấu hao TSCĐ …

Từ khái niệm chung về giá thành sản phẩm như trên, giá thành xây dựng được hiểu là toàn bộ các chi phí bằng tiền về nguyên liệu, vật liệu, chi phí sử dụng máy thi công, các chi phí sản xuất chung và các chi phí khác có liên quan để thực hiện hoàn thành đầu tư xây dựng một công trình/hạng mục công trình xây dựng.

1.2. Phân loại giá thành sản phẩm xây dựng

Trong hoạt động xây dựng, doanh nghiệp thường chia thành ba loại giá thành xây dựng là giá thành dự toán, giá thành kế hoạch và giá thành thực tế.

Hình 1: Phân loại giá thành sản phẩm xây dựng

Cụ thể:

a. Giá thành dự toán: Là giá thành xây dựng theo dự toán, được tính là giá trị xây dựng trong dự toán, không bao gồm phần thu nhập chịu thuế tính trước trong dự toán.

Bạn đọc tham khảo dự toán xây dựng tại đây

Ví dụ: Bảng tổng hợp dự toán chi phí xây dựng công trình được lập như sau

TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI PHÍ XÂY DỰNG

Dự án: …..……………………………………………………………

Công trình: ..…………………………………………………………

Đơn vị tính: …

STT NỘI DUNG CHI PHÍ CÁCH TÍNH GIÁ TRỊ KÝ HIỆU
I CHI PHÍ TRỰC TIẾP      
1 Chi phí vật liệu   VL
2 Chi phí nhân công   NC
3 Chi phí máy và thiết bị thi công   M
  Tổng Chi phí trực tiếp VL + NC + M   T
II CHI PHÍ GIÁN TIẾP      
1 Chi phí chung T x Tỷ lệ

(NC x Tỷ lệ)

  C
2 Chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công T x Tỷ lệ   LT
3 Chi phí một số công việc không xác định được khối lượng từ thiết kế T x Tỷ lệ   TT
  Tổng Chi phí gián tiếp C + LT + TT   GT
III THU NHẬP CHỊU THUẾ TÍNH TRƯỚC (T + GT) x Tỷ lệ   TL
  Tổng Chi phí xây dựng trước thuế (T + GT + TL)   G
V THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG G x TGTGT-XD   GTGT
  Tổng Chi phí xây dựng sau thuế G + GTGT   GXD

Theo bảng dự toán này thì giá thành dự toán công trình xây dựng bao gồm giá trị chi phí trực tiếp (T) và giá trị chi phí gián tiếp (GT)

Giá thành dự toán là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động xây dựng như: kế hoạch bố trí lao động, kế hoạch cung ứng vật tư, kế hoạch sử dụng máy thi công, kế hoạch tổ chức công trường xây dựng … cũng như xây dựng các biện pháp thi công, xây dựng tiến độ thi công phù hợp nhất.

b. Giá thành kế hoạch: Trên cơ sở xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác xây dựng căn cứ vào giá thành dự toán như trên, doanh nghiệp tính toán và dự kiến mức tiết kiệm chi phí dự toán để xây dựng giá thành kế hoạch. Như vậy có thể nói rằng, giá thành kế hoạch chính là kế hoạch thực hiện giá thành dự toán và thông thường giá thành kế hoạch của một công trình/hạng mục công trình thường được tính toán thấp hơn giá thành dự toán, thể hiện sự phấn đấu hạ thấp chi phí thực hiện công trình của doanh nghiệp.

Ví dụ: Doanh nghiệp A nhận thầu xây dựng công trình nhà thi đấu đa năng của tỉnh B với giá dự toán giao thầu (giá trước thuế TNDN tạm tính) là 50 tỷ. Trên cơ sở phân tích dự toán và lập kế hoạch thực hiện xây dựng, doanh nghiệp A sẽ xây dựng giá thành kế hoạch thực hiện khoảng 45 tỷ đồng, mức tiết kiệm chi phí dự toán khoảng 10% giá dự toán. Như vậy công trình nhà thi đấu đa năng của tỉnh B có giá thành dự toán là 50 tỷ và giá thành kế hoạch là 45 tỷ.

Giá thành dự toán và Giá thành kế hoạch đều là loại giá thành ước tính (số liệu tính toán) và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hai loại giá thành này có thể phân biệt được theo một số đặc điểm chủ yếu sau:

Nội dung Giá thành dự toán Giá thành kế hoạch
Thời điểm xác định giá thành Sau khi có dự toán (dự toán công trình hoặc dự toán giao thầu xây dựng) Sau khi có giá thành dự toán, nhất là dự toán giao thầu (doanh nghiệp căn cứ vào giá thành dự toán để xây dựng giá thành kế hoạch.)
Mục đích giá thành – Là tổng chi phí cần thiết (theo dự toán) để đầu tư xây dựng công trình.

– Là căn cứ quản lý chi phí đầu tư của Chủ đầu tư và các bên liên quan.

– Là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động xây dựng.

– Là tổng chi phí cần thiết được tính toán theo các kế hoạch triển khai thi công để thực hiện đầu tư xây dựng.

– Là căn cứ quản lý chi phí của nhà thầu thi công hoặc của bên trực tiếp thực hiện công tác thi công.

Giống nhau Đều sử dụng cùng khối lượng thi công, các chỉ dẫn kỹ thuật theo bản vẽ thiết kế của công trình.
Căn cứ xác định, đơn giá Giá thành dự toán được tính toán theo một trong các loại đơn giá sau:

(1) Do chủ đầu tư quyết định (thường sử dụng là hệ thống đơn giá xây dựng do Nhà nước ban hành) 

(2) Đơn giá được chủ đầu tư và bên nhận thầu thống nhất theo hợp đồng giao nhận thầu.

Giá thành dự toán thường được chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các bên có liên quan xác định, quản lý và thực hiện.

Giá thành kế hoạch được tính toán căn cứ theo kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư xây dựng của nhà thầu thi công.

Đơn giá xây dựng tính toán trong giá thành kế hoạch thông thường được tính toán trên khả năng tiết kiệm chi phí của nhà thầu khi thực hiện thi công.

Giá thành kế hoạch thường được nhà thầu thi công (hoặc các bên trực tiếp thực hiện công tác thi công) xây dựng và thực hiện.

>> Xem thêm: Kế toán chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp xây dựng

c. Giá thành thực tế: Là tổng các chi phí thực tế mà doanh nghiệp xây dựng đã thực hiện để hoàn thành công trình/hạng mục công trình. Giá thành thực tế là số liệu chính xác nhất, được quan tâm nhất và là số liệu bắt buộc phải được tập hợp đầy đủ, tính toán chính xác. Giá thành thực tế có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp phân tích, đánh giá việc thực hiện kế hoạch giá thành; đồng thời là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp xác định giá bán sản phẩm xây dựng cũng như quyết toán công trình. 

2. Một số nội dung cốt lõi trong xác định giá thành xây dựng

Để làm tốt công tác tính giá thành xây dựng, kế toán cần nắm vững và thực hiện tốt một số nội dung quan trọng liên quan tới xác định đối tượng, kỳ và phương pháp tính giá thành. 

2.1. Xác định đối tượng tính giá thành xây dựng

Xác định đối tượng tính giá thành là công việc đầu tiên trong toàn bộ công tác tính giá thành xây dựng của kế toán. 

Để xác định đối tượng tính giá thành xây dựng phù hợp, kế toán phải căn cứ vào 

– Đặc điểm tổ chức của doanh nghiệp

– Đặc điểm của hoạt động xây dựng của doanh nghiệp 

– Yêu cầu quản lý chung của doanh nghiệp.

– Phương thức thanh toán khối lượng xây dựng hoàn thành giữa bên giao thầu và nhà thầu (ví dụ: thanh toán theo công trình, hạng mục công trình, thanh toán theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, theo khối lượng công việc tương ứng với các giai đoạn thanh toán theo thỏa thuận, …). 

Đối tượng tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm xây dựng thông thường được tập hợp theo dự án/công trình/hạng mục công trình triển khai xây dựng, các giai đoạn xây dựng quy ước có giá trị dự toán riêng của công trình, hạng mục công trình hoàn thành. Tại các bài giới thiệu về kế toán chi phí nguyên liệu, nhân công, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung tại các doanh nghiệp xây dựng, MISA AMIS đã trình bày trình tự kế toán cho việc tập hợp và kết chuyển chi phí để tính giá thành sản phẩm xây dựng theo các đối tượng tính giá thành chi tiết (dự án/công trình/hạng mục công trình …). 

Trong thực tế, đối tượng tính giá thành được kế toán sử dụng thường là công trình hoặc hạng mục công trình, hoặc khối lượng xây lắp hoàn thành.

Ngoài ra, khi xác định đối tượng tính giá thành, cần lưu ý hai đặc điểm về hoạt động xây dựng như sau:

– Hoạt động xây dựng là hoạt động mà sản phẩm hoàn thành thông thường đều mang tính chất đơn chiếc, không có sản phẩm hoàn thành giống nhau hoàn toàn. Mỗi sản phẩm xây dựng thường gắn với một thiết kế và dự toán riêng nên đối tượng tính giá thành thông thường là: hạng mục công trình, toàn bộ công trình hoặc phần khối lượng công tác xây lắp hoàn thành.

– Thời gian thực hiện công tác xây dựng thường kéo dài, công tác xây dựng thường tiến hành tuần tự theo các bước thi công, nhiều công việc xây dựng phải hoàn thành thực hiện bước thi công trước mới thực hiện được bước thi công tiếp theo (như thực hiện đào móng xong mới tiến hành đổ bê tông móng, đổ bê tông khung cột xong mới thực hiện xây tường gạch …)

2.2. Kỳ tính giá thành sản phẩm xây dựng

Kỳ tính giá thành là mốc thời gian mà bộ phận kế toán giá thành tổng hợp số liệu thực tế cho các đối tượng tính giá thành. 

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh khác (ví dụ như trong ngành công nghiệp), kỳ tính giá thành thường được thực hiện theo kỳ báo cáo kế toán (tháng/quý/năm). Tuy nhiên trong hoạt động xây dựng, kỳ tính giá thành xây dựng là thời gian tính giá thành lựa chọn phù hợp cho từng công trình/hạng mục công trình nhất định. 

Việc xác định kỳ tính giá thành phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chu kỳ sản xuất và hình thức bàn giao công trình.

– Với công trình nhỏ, thời gian thi công ngắn (nhỏ hơn 12 tháng), kỳ tính giá thành là từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành công trình.

– Với những công trình lớn, thời gian thi công dài (hơn 12 tháng), khi nào có một bộ phận hạng mục hoàn thành, có giá trị sử dụng và được nghiệm thu, kế toán tiến hành tính giá bộ phận, hạng mục đó.

– Với những công trình có thời gian kéo dài nhiều năm, các bộ phận không tách ra để đưa vào sử dụng được riêng thì khi từng phần việc lắp đặt đạt đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý theo thiết kế, dự toán, kế toán thực hiện tính giá thành cho khối lượng công tác được hoàn thành bàn giao. Kỳ tính giá thành này là từ khi bắt đầu thi công cho đến khi đạt điểm dừng kỹ thuật. Mục đích là để có thể tập hợp đầy đủ, tránh bỏ sót các chi phí liên quan, đồng thời theo dõi được sát sao tiến độ, tình hình thực hiện so với dự toán, kế hoạch ban đầu. 

>> Xem thêm: Kế toán vật liệu ngành xây dựng và những điều cần biết

2.3. Các phương pháp tính giá thành sản phẩm xây dựng

Phương pháp tính giá thành là cách thức được sử dụng để tính giá thành sản phẩm, khối lượng công tác xây dựng hoàn thành cho từng đối tượng tính giá thành. Trong thực tế, tùy theo đặc điểm của từng đối tượng tính giá thành và mối quan hệ giữa các đối tượng tập hợp chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành mà kế toán phải lựa chọn sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp thích hợp để tính giá thành cho từng đối tượng.

Một số phương pháp tính giá thành xây dựng thường được áp dụng tại các doanh nghiệp xây dựng như sau:

Hình 2: Một số phương pháp tính giá thành thường dùng

a. Phương pháp tính giá thành trực tiếp

Sử dụng phương pháp này, kế toán tập hợp tất cả các chi phí sản xuất phát sinh trực tiếp cho một công trình hoặc hạng mục công trình từ khi khởi công đến khi hoàn thành, tổng các chi phí này chính là giá thành thực tế của công trình, hạng mục công trình đó.

Yêu cầu khi thực hiện tính giá thành theo phương pháp này:

  • Xác định đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành phù hợp ngay từ khi triển khai xây dựng.
  • Tổ chức theo dõi, hạch toán đúng đối tượng trong suốt quá trình triển khai thi công xây dựng.

Phương pháp này là phương pháp tính giá thành được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp xây dựng, có thể áp dụng được cho tất cả các đối tượng chi phí là dự án/công trình/hạng mục công trình vì sản xuất thi công mang tính chất đơn chiếc, đối tượng tập hợp chi phí sản xuất chính là đối tượng tính giá thành. 

Cũng cần lưu ý rằng, đối tượng tập hợp chi phí càng chi tiết (ví dụ chi tiết đến hạng mục công trình) thì việc tính giá thành theo phương pháp này càng thuận lợi.

Ví dụ: Doanh nghiệp xây dựng A nhận thầu thi công công trình Trường học B gồm các hạng mục: 01 Nhà hiệu bộ; 02 dãy nhà học; cổng và hàng rào; sân đường nội bộ.

Trong trường hợp này nếu kế toán chỉ tập hợp chi phí xây dựng theo công trình trường học B mà không tập hợp chi tiết theo các hạng mục xây dựng thì việc tính giá thành sản phẩm xây dựng theo phương pháp này chỉ tính được giá thành toàn bộ công trình trường học B. Giá thành các hạng mục xây dựng nếu muốn tính chi tiết phải sử dụng phương pháp khác (ví dụ như phương pháp tỷ lệ).

Nếu kế toán tập hợp chi phí theo từng hạng mục xây dựng thì doanh nghiệp rất thuận lợi tính giá thành từng hạng mục xây dựng cũng như toàn bộ công trình theo phương pháp này.

b. Phương pháp tỷ lệ:

Phương pháp tính giá thành tỷ lệ là phương pháp thường được áp dụng khi tính giá thành của hạng mục công trình trong một công trình. 

Yêu cầu khi thực hiện tính giá thành theo phương pháp này:

  • Kế toán thực hiện tập hợp chi phí theo đối tượng là công trình xây dựng
  • Sử dụng hệ số tỷ lệ phù hợp để tính toán giá thành hạng mục công trình trong toàn bộ công trình

Hệ số tỷ lệ có thể sử dụng:

  • Những công trình có đặc điểm thi công giống nhau, không có sự khác biệt lớn giữa các hạng mục thì có thể áp dụng hệ số kinh tế kỹ thuật quy định của công trình để tính toán

Ví dụ: Công ty C nhận thầu thi công đổ bê tông nhựa asphalt cho toàn bộ sân, đường nội bộ một khu công nghiệp D với giá nhận thầu hoàn thành là 1.880.000 đ/m3; giá thành sản xuất bê tông nhựa asphalt và các chi phí vận chuyển, trải thảm, lu lèn … theo định mức kinh tế kỹ thuật của Công ty là 1.630.000 đ/m3. Như vậy, để tính giá thành một hạng mục công trình trong tổng công trình này (ví dụ tính giá thành đoạn đường trục chính trong khu công nghiệp B) kế toán có thể áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật của Công ty để tính toán.

Ví dụ: Công ty E nhận thầu thi công công trình xây dựng nhà máy công nghiệp F gồm các hạng mục cổng và hàng rào, sân đường nội bộ, nhà máy chính, nhà kho với tổng giá trị nhận thầu là 60 tỷ đồng (giá trị trực tiếp là 48 tỷ, giá trị gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế GTGT là 12 tỷ)

Căn cứ vào giá trị giao thầu (giá trị ký hợp đồng giao thầu) và tính toán tỷ lệ cho các hạng mục theo giá trị trực tiếp xây dựng như sau:

STT Hạng mục Giá trị trực tiếp (triệu đồng) Tỷ lệ (%)
1 Cổng và hàng rào 3.840 8%
2 Sân đường nội bộ 5.760 12%
3 Nhà máy chính 31.200 65%
4 Nhà kho 7.200 15%
Cộng 48.000 100%

 Khi hoàn thành công trình, kế toán căn cứ vào tỷ lệ tính toán nêu trên để tính giá thành cho từng hạng mục công trình.

  • Sử dụng dự toán xây dựng hoặc giá trị giao thầu để tính toán

Ví dụ như đã nêu tại phương pháp tính giá thành trực tiếp (Doanh nghiệp xây dựng A nhận thầu thi công công trình Trường học B gồm các hạng mục: 01 Nhà hiệu bộ; 02 dãy nhà học; cổng và hàng rào; sân đường nội bộ. Doanh nghiệp chỉ tập hợp chi phí xây dựng theo công trình trường học B mà không tập hợp chi tiết theo các hạng mục xây dựng thì việc tính giá thành sản phẩm xây dựng theo phương pháp này chỉ tính được giá thành toàn bộ công trình trường học B. Giá thành các hạng mục xây dựng nếu muốn tính chi tiết phải sử dụng phương pháp tỷ lệ.

Cụ thể: Tỷ lệ theo dự toán giao thầu của các hạng mục như sau:

STT Hạng mục Tỷ lệ (%)
1 Nhà hiệu bộ 16%
2 Dãy nhà học 1 31%
3 Dãy nhà học 2 35%
4 Cổng và hàng rào 8%
5 Sân đường nội bộ 10%
Cộng 100%

Sử dụng phương pháp tính giá thành tỷ lệ để sau khi tính giá thành toàn bộ công trình xây dựng trường học B, kế toán tính được giá thành xây dựng từng hạng mục theo tỷ lệ dự toán nêu trên.

c. Phương pháp tổng cộng chi phí:

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp các doanh nghiệp xây dựng thi công các công trình lớn và phức tạp, quá trình xây dựng được chia ra các bộ phận sản xuất khác nhau. Đối tượng tập hợp chi phí là từng đội sản xuất còn đối tượng tính giá thành là toàn bộ công trình hoàn thành. 

Theo phương pháp này giá thành công trình được xác định bằng cách tổng cộng chi phí sản xuất phát sinh tại từng đội, cộng với giá trị sản phẩm dở dang đầu kỳ và trừ đi giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ.

Z (giá thành xây dựng) = Dư đầu kỳ + C 1 + C 2 +… + Cn – Dư cuối kỳ

Trong đó C1, C2,…, Clà chi phí sản xuất phát sinh tại từng đội sản xuất hoặc từng hạng mục công trình.

Ví dụ: Công ty G nhận thầu thi công công trình kênh mương H, Công ty cổ chức thi công theo các đội sản xuất gồm đội máy xúc đào, đội xe ô tô vận chuyển, đội máy lu, đội bê tông. Khi đó chi phí xây dựng được tập hợp theo từng đội thi công, khi tính giá thành kế toán sẽ tính tổng cộng chi phí phát sinh tại các đội.

3. Tổng hợp đầu mục công việc và lưu ý trong công tác kế toán giá thành xây dựng

Kế toán giá thành xây dựng cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

  • Xác định đối tượng kế toán tập hợp chi phí và đối tượng giá thành xây dựng phù hợp với các yêu cầu công tác quản lý, đặc điểm tổ chức hoạt động xây dựng của doanh nghiệp. 
  • Sử dụng phương pháp tập hợp, phân bổ chi phí và tính giá thành sao cho phù hợp với đặc điểm tổ chức hoạt động xây dựng của doanh nghiệp.
  • Sử dụng các tài khoản kế toán phù hợp với phương pháp kế toán tồn kho mà doanh nghiệp đã lựa chọn:
Phương pháp kế toán HTK Kiểm kê định kỳ Kê khai thường xuyên
Hạch toán chi phí Hạch toán tại TK 611 – Mua hàng để hạch toán giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa mua vào, nhập kho hoặc đưa vào sử dụng trong kỳ Sử dụng các tài khoản như TK 152 để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của các loại nguyên liệu, vật liệu trong kho của doanh nghiệp, TK 621 để phản ánh chi phí nguyên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm
Tập hợp chi phí phục vụ tính giá thành Kết chuyển chi phí và tính giá thành trên TK 631 – Giá thành sản xuất Tập hợp, tính giá thành trên TK 154
  • Xác định giá thành thực tế của dự án/công trình/hạng mục công trình đã hoàn thành, các hạng mục/công việc xây dựng còn dở dang, tiến hành tổng kết kết quả hạch toán theo từng dự án/công trình/hạng mục công trình. Trên cơ sở giá thành xây dựng thực tế, kế toán thực hiện việc so sánh với giá thành xây dựng dự toán và giá thành xây dựng kế hoạch. Việc so sánh này rất có ý nghĩa trong công tác quản lý, giúp doanh nghiệp tìm ra được những biện pháp, yếu tố có thể áp dụng cho việc tiết kiệm chi phí, giảm giá thành đối với các công trình, hạng mục sau đó.
  • Lập các báo cáo cần thiết về giá thành xây dựng như báo cáo sử dụng nguyên liệu, vật liệu, báo cáo tình hình sử dụng nhân công, máy thi công, báo cáo đánh giá thực hiện giá thành kế hoạch … phục vụ công tác quản trị của doanh nghiệp.

Giá thành xây dựng là chỉ tiêu tổng hợp, được tính toán trên cơ sở các dữ liệu (số liệu) tập hợp từ chi phí về nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh liên quan đến hoạt động xây dựng. 

Nhiệm vụ quan trọng của kế toán giá thành xây dựng là xác định chính xác đối tượng tính giá thành, kỳ tính giá thành và sử dụng các phương pháp tính giá thành phù hợp để tính giá thành xây dựng. Thông thường nhiệm vụ này phải được kế toán xác định đúng đắn từ khi bắt đầu triển khai xây dựng công trình. 

Việc tập hợp, tính toán giá thành chính xác, hợp lý theo từng đối tượng là yêu cầu tối quan trọng đối với kế toán giá thành xây dựng. Số liệu về giá thành xây dựng là căn cứ không thể thiếu trong công tác quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động xây dựng đạt hiệu quả tối ưu khi phân tích tình hình sử dụng các nguồn lực và xây dựng giá dự thầu với các công trình, hạng mục công trình xây dựng.

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn! 

Dùng ngay miễn phí

Người viết: Lê Kim Tiến 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả