Tài chính - kế toán Lĩnh vực Dự toán là gì? Mục tiêu và cách lập dự toán xây...

Trong hoạt động xây dựng, thuật ngữ dự toán đã trở lên rất quen thuộc, nó được nhắc đến và được sử dụng vào hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng. Vậy, dự toán là gì, mục tiêu và cách lập dự toán như thế nào; trong bài viết này MISA sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu các vấn đề đó.

Hình 1: Dự toán công trình xây dựng – nguồn: freepik.com

1. Dự toán là gì:

Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 nêu khái niệm về dự toán xây dựng như sau:

“Điều 135. Dự toán xây dựng

Dự toán xây dựng là chi phí cần thiết để xây dựng công trình, thực hiện gói thầu, công việc xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, yêu cầu công việc phải thực hiện và định mức, giá xây dựng.”

Nội dung dự toán được quy định cụ thể tại Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ là:

“Điều 11. Nội dung dự toán xây dựng công trình

Dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình được xác định theo thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng. Các khoản mục chi phí trên được quy định chi tiết tại các điểm b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 5 Nghị định này, trừ các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác tính chung cho cả dự án.

Đối với dự án có nhiều công trình, chủ đầu tư xác định tổng dự toán để quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong trường hợp cần thiết. Tổng dự toán gồm các dự toán xây dựng công trình và chi phí tư vấn, chi phí khác, chi phí dự phòng tính chung cho cả dự án.”

Như vậy, dự toán xây dựng công trình là việc tính toán các chi phí cần thiết để xây dựng công trình và được thực hiện từ sau thiết kế cơ sở; việc tính toán các chi phí xây dựng trong các khâu trước thiết kế cơ sở là việc tính tổng mức đầu tư sơ bộ (hay còn gọi là khái toán).

2. Mục tiêu của việc lập dự toán là gì?

Dự toán xây dựng là tài liệu quan trọng và không thể thiếu khi tiến hành đầu tư xây dựng dự án/công trình. Việc lập dự toán xây dựng có ý nghĩa quan trọng vì dự toán công trình được lập để làm căn cứ thực hiện các công việc sau:

  • Việc lập dự toán xây dựng, trước hết, giúp chủ đầu tư và các bên có liên quan đến dự án/công trình xây dựng dự tính được tổng số chi phí cần thiết để đầu tư cho dự án/công trình, các khoản mục chi phí chi tiết (xây dựng, thiết bị, quản lý dự án …); từ đó, tính toán khả năng huy động vốn cho dự án cũng như có thể tính toán để điều chỉnh (tăng hoặc giảm) các khoản chi phí đầu tư cho phù hợp. 
  • Việc lập dự toán xây dựng cũng là cơ sở để tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong việc so sánh lựa chọn các phương án thiết kế xây dựng.
  • Đối với các dự án sử dụng cùng lúc nhiều nguồn vốn đầu tư thì dự toán là căn cứ rất quan trọng để tính toán phân bổ các nguồn vốn tham gia. 

Ví dụ:

+ Đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt là PPP – Public Private Partnership, trong đó: Public là khu vực công, Private: Khu vực tư, Partnership là đối tác…) thì dự toán là căn cứ để tính toán nguồn vốn từ ngân sách và nguồn vốn từ doanh nghiệp tham gia đầu tư. 

+ Đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp thì dự toán là căn cứ để ngân hàng tính toán số vốn cho vay dự án, ví dụ, vốn của chủ đầu tư 30%-40%, vốn ngân hàng cho vay mức 60%-70% tổng dự toán.

  • Dự toán là căn cứ để chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan xem xét các công việc trong quá trình đầu tư. Các cơ quan bố trí vốn (nhất là nguồn vốn ngân sách) có kế hoạch vốn cho toàn dự án và cho từng giai đoạn (năm/quý/tháng). Nếu là dự án/công trình có sử dụng vốn tín dụng ngân hàng thì dự toán là căn cứ để Ngân hàng tính toán khả năng đáp ứng vốn tín dụng chi dự án/công trình
  • Dự toán còn là cơ sở để thực hiện việc ký kết hợp đồng giao nhận thầu xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng như trong trong việc thanh quyết toán công trình sau khi thi công.

Dự toán công trình là tài liệu quan trọng, được sử dụng để kiểm soát tổng quan, chi tiết trong suốt quá trình đầu tư xây dựng (bao gồm cả dự toán ban đầu và dự toán điều chỉnh – nếu có). Chủ đầu tư cần lưu trữ dự toán công trình trong suốt quá trình thực hiện dự án/công trình và cả khi dự án/công trình hoàn thành. Dự toán công trình được sử dụng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả giai đoạn thi công và giai đoạn sau khi hoàn thành bàn giao công trình).

3. Hướng dẫn lập dự toán xây dựng bài bản

Dự toán xây dựng công trình được xác định theo:

  • Khối lượng tính toán từ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, các chỉ dẫn kỹ thuật
  • Yêu cầu công việc phải thực hiện
  • Kế hoạch thực hiện của công trình 
  • Điều kiện thi công
  • Biện pháp thi công của công trình 
  • Định mức xây dựng
  • Giá xây dựng công trình
  • Chỉ số giá xây dựng
  • Các quy định khác có liên quan được áp dụng phù hợp với điều kiện thực hiện cụ thể của công trình. 

Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm: 

Hình 2: Các nội dung chi phí trong dự toán xây dựng

Cách lập dự toán xây dựng đối với từng mục chi phí được hướng dẫn tại khoản 2 điều 12 – Xác định dự toán xây dựng công trình của Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021. 

3.1. Chi phí xây dựng:

Chi phí xây dựng gồm: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng

Hình 3: Các nội dung chi phí xây dựng

Chi tiết từng đầu mục chi phí xây dựng được xác định như sau:

a) Chi phí trực tiếp 

– Chi phí trực tiếp bao gồm: 

+ Chi phí vật liệu

+ Chi phí nhân công

+ Chi phí máy và thiết bị thi công

– Các chi phí trực tiếp này được xác định theo khối lượng và đơn giá xây dựng chi tiết hoặc theo khối lượng và giá xây dựng tổng hợp của nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình. 

– Trường hợp chi phí trực tiếp được xác định theo khối lượng và đơn giá xây dựng chi tiết: 

+ Khối lượng được xác định theo công việc, công tác xây dựng; 

+ Đơn giá xây dựng chi tiết được xác định trên cơ sở:

  • Định mức xây dựng 
  • Giá vật tư, vật liệu 
  • Cấu kiện xây dựng 
  • Giá nhân công 
  • Giá ca máy 
  • Thiết bị thi công 
  • Các yếu tố chi phí cần thiết khác 

Đơn giá xây dựng cần được xác định theo các cách sau:

  • Hoặc theo đơn giá xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố 
  • Hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường 
  • Hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện 

Đơn giá xây dựng dù xác định theo 1 trong 3 cách nêu trên cũng cần đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định; phù hợp với các quy định khác có liên quan. 

– Trường hợp chi phí trực tiếp xác định theo khối lượng và giá xây dựng tổng hợp của nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình: 

+ Khối lượng được xác định phù hợp với nhóm loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình; 

+ Giá công tác, nhóm loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình xác định như sau: Giá xây dựng tổng hợp của công trình được xác định trên cơ sở tổng hợp từ các đơn giá xây dựng chi tiết cho một đơn vị tính của nhóm công tác, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình, theo giá được công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.

>> Xem thêm: Hướng dẫn hạch toán kế toán xây dựng cơ bản tại doanh nghiệp

b) Chi phí gián tiếp 

– Chi phí gián tiếp gồm:

+ Chi phí chung

+ Chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công 

+ Chi phí cho một số công việc không xác định được khối lượng từ thiết kế

– Chi phí gián tiếp được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí xây dựng trước thuế trong tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng. Theo đó, chi phí gián tiếp được tính theo quy định tại phụ lục III – Phương pháp xác định chi phí xây dựng. 

Chi tiết như sau:

+ Định mức chi phí chung tính trên chi phí trực tiếp theo quy định tại Bảng 3.1 Phụ lục III Thông tư 11/2021/TT-BXD

Đơn vị tính: %

TT Loại công trình/thuộc dự án Chi phí xây dựng trước thuế trong tổng mức đầu tư của dự án được duyệt (tỷ đồng)
≤ 15 ≤ 50 ≤ 100 ≤ 300 ≤ 500 ≤ 750 ≤1000 >1000
[1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10]
1 Công trình dân dụng 7,3 7,1 6,7 6,5 6,2 6,1 6,0 5,8
  Riêng công trình tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa 11,6 11,1 10,3 10,1 9,9 9,8 9,6 9,4
2 Công trình công nghiệp 6,2 6,0 5,6 5,3 5,1 5,0 4,9 4,6
  Riêng công trình xây dựng đường hầm thủy điện, hầm lò 7,3 7,2 7,1 6,9 6,7 6,6 6,5 6,4
3 Công trình giao thông 6,2 6,0 5,6 5,3 5,1 5,0 4,9 4,6
  Riêng công trình hầm giao thông 7,3 7,2 7,1 6,9 6,7 6,6 6,5 6,4
4 Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn 6,1 5,9 5,5 5,3 5,1 5,0 4,8 4,6
5 Công trình hạ tầng kỹ thuật 5,5 5,3 5,0 4,8 4,5 4,4 4,3 4,0

Chi phí chung còn có thể được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí nhân công trong chi phí trực tiếp của chi phí xây dựng, lắp đặt của công trình theo hướng dẫn tại Bảng 3.2 Phụ lục III – Thông tư 11/2021/TT-BXD đối với trường hợp:

  • Duy tu sửa chữa đường bộ, đường sắt, hệ thống báo hiệu hàng hải
  • Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện hoàn toàn bằng thủ công
  • Lắp đặt thiết bị công nghệ trong các công trình xây dựng; xây lắp đường dây tải điện và trạm biến áp; thí nghiệm hiệu chỉnh điện đường dây và trạm biến áp; thí nghiệm vật liệu, cấu kiện và kết cấu xây dựng

+ Định mức chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công theo quy định tại Bảng 3.3 Phụ lục III Thông tư 11/2021/TT-BXD

Đơn vị tính: %

STT Loại công trình Chi phí xây dựng trước thuế trong tổng mức đầu tư của 

dự án được duyệt (tỷ đồng)

≤ 15 ≤ 100 ≤ 500 ≤ 1000 >1000
[1] [2] [3] [4] [5] [6] [7]
1 Công trình xây dựng theo tuyến 2,2 2,0 1,9 1,8 1,7
2 Công trình xây dựng còn lại 1,1 1,0 0,95 0,9 0,85

+ Định mức chi phí một số công việc không xác định được khối lượng từ thiết kế theo quy định tại Bảng 3.4 Phụ lục III Thông tư 11/2021/TT-BXD

Đơn vị tính: %

STT Loại công trình Tỷ lệ (%)
[1] [2] [3]
1 Công trình dân dụng 2,5
2 Công trình công nghiệp 2,0
  Riêng công tác xây dựng trong đường hầm thủy điện, hầm lò 6,5
3 Công trình giao thông 2,0
  Riêng công tác xây dựng trong đường hầm giao thông 6,5
4 Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn 2,0
  Riêng công tác xây dựng trong đường hầm 6,5
5 Công trình hạ tầng kỹ thuật 2,0

c) Thu nhập chịu thuế tính trước 

Thu nhập chịu thuế tính trước được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp trong dự toán chi phí xây dựng.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng thì thu nhập chịu thuế tính trước được quy định tại Bảng 3.5 Phần III Thu nhập chịu thuế tính trước Thông tư 11/2021/TT-BXD như sau:

Đơn vị tính: %

STT Loại công trình Thu nhập chịu thuế tính trước
1 Công trình dân dụng 5,5
2 Công trình công nghiệp 6,0
3 Công trình giao thông 6,0
4 Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn 5,5
5 Công trình hạ tầng kỹ thuật 5,5
6 Dự toán lắp đặt thiết bị công nghệ trong các công trình xây dựng; xây dựng và lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp; thí nghiệm hiệu chỉnh điện đường dây và trạm biến áp; thí nghiệm vật liệu, cấu kiện và kết cấu xây dựng 6,0

>> Xem thêm: Hướng dẫn kế toán dự phòng bảo hành công trình xây dựng

d) Thuế giá trị gia tăng theo quy định

Thuế suất thuế GTGT theo quy định đối với hoạt động xây dựng là 10%. Khoảng thời gian từ ngày 01/02/2022 đến 31/12/2022 thì thuế suất thuế GTGT được áp dụng là 8% (quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ).

Hình 4: Thuế suất thuế GTGT theo quy định đối với hoạt động xây dựng là 10% – nguồn: freepik.com

3.2. Chi phí thiết bị 

Chi phí thiết bị trên dự toán xây dựng được xác định theo quy định tại khoản 3 điều 4 Dự toán xây dựng công trình Thông tư 11/2021/TT-BXD ngày 31/08/2021 như sau:

Chi phí thiết bị

Cơ sở xác định giá trị

Chi phí mua sắm thiết bị  Theo khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị từ thiết kế (công nghệ, xây dựng), danh mục thiết bị trong dự án được duyệt và giá mua thiết bị tương ứng.
Chi phí gia công, chế tạo thiết bị Lập dự toán trên cơ sở khối lượng, số lượng thiết bị cần gia công, chế tạo và đơn giá gia công, chế tạo tương ứng; theo hợp đồng gia công, chế tạo, báo giá của đơn vị sản xuất, cung ứng hoặc trên cơ sở giá gia công, chế tạo thiết bị tương tự của công trình đã thực hiện.
Các chi phí còn lại (như chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí chạy thử thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật (nếu có); chi phí vận chuyển; bảo hiểm; thuế và các loại phí; chi phí liên quan khác) Theo phương pháp lập dự toán hoặc trên cơ sở định mức chi phí do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3.3. Chi phí quản lý dự án

Chi phí quản lý dự án được xác định theo quy định tại khoản 2 và 3 điều 30 Nghị định 10/2021/NĐ-CP như sau: 

– Nội dung chi phí quản lý dự án gồm: 

Hình 5: Các nội dung chi phí trong chi phí quản lý

– Chi phí quản lý dự án là chi phí tối đa để quản lý dự án; chủ đầu tư cần xác định giá trị chi phí này trên dự án sao cho phù hợp với thời gian, phạm vi công việc đã được phê duyệt của dự án. Thông thường, chi phí quản lý dự án được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) hoặc bằng cách lập dự toán khác tùy thuộc vào hình thức tổ chức quản lý dự án, thời gian thực hiện dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án. 

– Chi phí quản lý dự án được quản lý trên cơ sở dự toán được xác định hàng năm phù hợp với nhiệm vụ, công việc quản lý dự án thực hiện và các chế độ chính sách có liên quan. Khi phát sinh các thay đổi về phạm vi công việc quản lý dự án, tiến độ thực hiện dự án, điều chỉnh dự án thì chi phí quản lý dự án trên dự toán chung có thể được điều chỉnh.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng thì chi phí quản lý dự án được tính theo các mức chi tiết tại Bảng 1.1 Định mức chi phí quản lý dự án (Chương I: Định mức chi phí quản lý dự án – phần II định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng)

Đơn vị tính: tỷ lệ %

TT Loại công trình Chi phí xây dựng và thiết bị (chưa có thuế GTGT) (tỷ đồng)
≤ 10 20 50 100 200 500 1.000 2.000 5.000 10.000 20.000 30.000
1 Công trình dân dụng 3,446 2,923 2,610 2,017 1,886 1,514 1,239 0,958 0,711 0,510 0,381 0,305
2 Công trình công nghiệp 3,557 3,018 2,694 2,082 1,947 1,564 1,279 1,103 0,734 0,527 0,393 0,314
3 Công trình giao thông 3,024 2,566 2,292 1,771 1,655 1,329 1,088 0,937 0,624 0,448 0,335 0,268
4 Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn 3,263 2,769 2,473 1,910 1,786 1,434 1,174 1,012 0,674 0,484 0,361 0,289
5 Công trình hạ tầng kỹ thuật 2,901 2,461 2,198 1,593 1,560 1,275 1,071 0,899 0,599 0,429 0,321 0,257

– Trường hợp thuê tư vấn quản lý dự án thì chi phí tư vấn quản lý dự án được xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở nội dung, khối lượng công việc quản lý dự án được chủ đầu tư và tổ chức tư vấn thỏa thuận trong hợp đồng tư vấn quản lý dự án.

– Trường hợp tổng thầu thực hiện hình thức hợp đồng EPC (viết tắt của Engineering, Procurement and Construction, là hình thức thiết kế, mua sắm và xây dựng – một kiểu hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị cho tới thi công xây dựng công trình, hạng mục và chạy thử nghiệm bàn giao cho chủ đầu tư): Khi tổng thầu thực hiện một số công việc quản lý dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì tổng thầu được hưởng một phần chi phí quản lý dự án phù hợp với phạm vi, khối lượng công việc quản lý dự án do chủ đầu tư giao và được thỏa thuận trong hợp đồng tổng thầu. Cần lưu ý, tổng chi phí quản lý dự án phần công việc do chủ đầu tư thực hiện và chi phí quản lý dự án do tư vấn quản lý dự án, tổng thầu thực hiện không được vượt quá chi phí quản lý dự án đã được xác định, phê duyệt theo quy định.

>> Xem thêm: Một số vấn đề chung về Kế toán xây dựng

3.4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định theo khoản 2 và khoản 3 điều 31 chi phí tư vấn đầu tư xây dựng Nghị định 10/2021/NĐ-CP

– Nội dung chi phí công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm:

Hình 6: Các nội dung chi phí thuộc chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

– Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định bằng một trong các cách sau:

+ Định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng ban hành 

+ Lập dự toán trên cơ sở phạm vi công việc tư vấn, khối lượng công việc phải thực hiện, kế hoạch thực hiện của gói thầu và các quy định về chế độ, chính sách do nhà nước ban hành.

Ví dụ, theo quy định tại Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng thì định mức chi phí thiết kế kỹ thuật của công trình dân dụng có yêu cầu thiết kế 3 bước được tính theo quy định cụ thể tại phần 3.11. Định mức chi phí thiết kế công trình dân dụng – Bảng 2.4: Định mức chi phí thiết kế kỹ thuật của công trình dân dụng, chi tiết yêu cầu thiết kế 3 bước như sau

Đơn vị tính: tỷ lệ %

Chi phí xây dựng (chưa có thuế GTGT) (tỷ đồng) Cấp công trình
Cấp đặc biệt Cấp I Cấp II Cấp III Cấp IV
10.000 0,61 0,55 0,50 0,44
8.000 0,68 0,61 0,55 0,48
5.000 0,89 0,80 0,73 0,64
2.000 1,16 1,05 0,94 0,83
1.000 1,36 1,22 1,11 0,98
500 1,65 1,50 1,37 1,21 0,89
200 1,96 1,78 1,62 1,43 1,06
100 2,15 1,94 1,77 1,57 1,30
50 2,36 2,14 1,96 1,74 1,48
20 2,81 2,55 2,33 2,07 1,81
≤ 10 3,22 2,93 2,67 2,36 2,07

– Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã phê duyệt là chi phí tối đa để thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng, và tương tự như chi phí quản lý dự án, chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc, điều kiện và tiến độ thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được quản lý thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng.

– Trường hợp chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thì được bổ sung chi phí thực hiện các công việc này vào chi phí quản lý dự án.

– Chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện một số loại công việc tư vấn thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.

>> Xem thêm: Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng mới nhất

3.5. Chi phí khác 

Chi phí khác được quy định tại Khoản 6 Điều 4: Dự toán xây dựng công trình trong Thông tư số: 11/2021/TT-BXD. Theo đó,

– Chi phí khác trong dự toán xây dựng công trình được xác định trên một trong ba cơ sở:

+ Định mức tỷ lệ phần trăm (%) theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền;

+ Hoặc xác định bằng dự toán; 

+ Hoặc ghi theo giá trị hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật;

+ Hoặc được dự tính trong dự toán xây dựng công trình phù hợp với tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt trong trường hợp chưa đủ cơ sở để xác định.

– Một số chi phí nếu không tính chung cho cả dự án thì được dự tính trong chi phí khác của dự toán xây dựng công trình, bao gồm:

+ Các chi phí nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường; 

+ Chi phí lắp đặt, tháo dỡ trạm trộn bê tông xi măng, trạm trộn bê tông nhựa, cần trục di chuyển trên ray và các loại thiết bị thi công xây dựng khác có tính chất tương tự. Các chi phí này được xác định bằng dự toán phù hợp với thiết kế, biện pháp thi công xây dựng và điều kiện đặc thù của công trình.

Hình 7: Một số chi phí nếu không tính chung cho cả dự án thì được dự tính trong chi phí khác của dự toán xây dựng công trình – nguồn: freepik.com

– Chi phí khác trong dự toán xây dựng công trình không được bao gồm các chi phí sau:

+ Chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng; 

+ Chi phí rà phá bom mìn, vật nổ; 

+ Chi phí kiểm toán; thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; 

+ Chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng, sử dụng vật liệu mới liên quan đến dự án; 

+ Vốn lưu động ban đầu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích kinh doanh; 

+ Chi phí cho quá trình chạy thử không tải và có tải dây chuyền công nghệ, sản xuất theo quy trình trước khi bàn giao; 

+ Chi phí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng; 

+ Các khoản thuế tài nguyên, các khoản phí, lệ phí và một số khoản mục chi phí khác có liên quan tính chung cho cả dự án.

>> Xem thêm: 4 vấn đề quan trọng cần lưu ý trong kế toán xây dựng

3.6. Chi phí dự phòng được

Chi phí dự phòng trong dự toán công trình xây được cần tuân thủ các quy định tại khoản 7 điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Cụ thể hai nhóm chi phí dự phòng được xác định như sau:

– Chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.

– Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên các cơ sở

+ Thời gian, tiến độ dự kiến thực hiện công trình (tính bằng quý, năm) 

+ Chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.

4. Lưu ý khi sử dụng dự toán xây dựng

Dự toán xây dựng công trình được lập dựa theo tính toán ước tính trước khi tiến hành công tác đầu tư xây dựng công trình. Vì vậy khi triển khai thực tế tại dự án/công trình thì giữa dự toán và thực tế xây dựng có thể phát sinh chênh lệch, nhất là ở các hạng mục thi công các vị trí ngầm (công trình đào hầm, đào mương …), các vị trí bị che khuất (vị trí móng). Để phù hợp giữa dự toán và thực tế thi công, bảo đảm sự đồng bộ giữa dự toán với thực tế thi công, hồ sơ hoàn công công trình thì chủ đầu tư, nhà thầu và các bên có liên quan cần thực hiện một số công việc sau:

– Khi triển khai thi công, nếu phát hiện sự sai khác, sự chênh lệch, không phù hợp giữa dự toán và thực tế thì các bên liên quan cần lập biên bản hiện trường, xác nhận sự việc và đề xuất điều chỉnh thay đổi (nếu cần thiết). 

– Đơn vị tư vấn thiết kế, dự toán công trình căn cứ thực tế hiện trường để lập thiết kế, dự toán điều chỉnh, bổ sung. 

– Chủ đầu tư thực hiện xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán công trình. 

– Chủ đầu tư và nhà thầu thi công thực hiện điều chỉnh, bổ sung Hợp đồng giao nhận thầu (trong trường hợp Hợp đồng giao nhận thầu trước đó có điều khoản bổ sung, điều chỉnh hợp đồng khi thực tế thi công có sai khác với dự toán thiết kế ban đầu).

– Các cơ quan có nhiệm vụ thanh toán công trình căn cứ vào hồ sơ phê duyệt thiết kế, dự toán điều chỉnh, bổ sung để thực hiện việc thanh toán theo khối lượng, giá trị điều chỉnh, bổ sung.

– Hồ sơ thiết kế, dự toán điều chỉnh, bổ sung của dự án/công trình được thực hiện lưu giữ tại chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan có liên quan như hồ sơ thiết kế, dự toán ban đầu.

Việc lập dự toán xây dựng chắc chắn có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đầu tư xây dựng. Dự toán xây dựng cần được lập phù hợp với thiết kế xây dựng, nhờ đó góp phần giúp cho chủ đầu tư và các bên có liên quan quản lý tốt được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việc lập dự toán là công việc tương đối phức tạp vì được xây dựng trên rất nhiều số liệu về khối lượng xây dựng, nhiều khoản mục chi phí, nhiều quy định về tính toán chi phí và có sự khác biệt theo địa giới hành chính cho từng dự án đầu tư. Đối với người làm công tác kế toán xây dựng cần có sự hiểu biết nhất định đối với dự toán từng dự án/công trình, thực hiện các công tác kế toán phù hợp với dự toán xây dựng, từ đó có thể góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán doanh nghiệp xây dựng nói riêng và tất cả loại hình doanh nghiệp nói chung, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu và đặc trưng doanh nghiệp xây dựng:

  • Quản lý hồ sơ công trình.
  • Quản lý tài sản cố định, khấu hao tài sản.
  • Quản lý hoạt động đầu tư xây lắp.
  • Quản trị dòng tiền.

Hiện nay, với thế mạnh về công nghệ, sự tiện dụng trong sử dụng, phần mềm kế toán MISA AMIS đã trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và xây dựng công trình trên toàn quốc. Anh chị quan tâm và muốn trải nghiệm thử phần mềm kế toán MISA AMIS có thể đăng ký miễn phí:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tổng hợp: Lê Kim Tiến

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]