Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có thể tạo ra hiệu ứng truyền thông và sức ảnh hưởng rất lớn trong sport marketing.
Theo dự báo của FIFA, World Cup 2022 sẽ có khoảng 5,6 tỷ lượt theo dõi trên toàn thế giới, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay. Thống kê khác từ Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam (VietnamTAM), mỗi mùa AFF Cup thu hút hơn 200 triệu khán giả toàn khu vực, rating các trận đấu trên truyền hình dao động từ 16,8% đến 31%, tại Việt Nam đã có trận đạt lượt xem livestream cùng lúc lên tới 2,84 triệu người.
Đây chính là cơ hội vàng để các thương hiệu làm sport marketing với mục tiêu tiếp cận tới công chúng mục tiêu. Theo FIFA, các thương hiệu đã trả cho tổ chức này ít nhất 7,5 tỷ USD trong 4 năm qua để được đồng hành cùng chiến dịch World Cup 2022.
Cả thế giới đã sôi sục, liệu thương hiệu của bạn có đang đứng ngoài? Cần làm gì để sport marketing và tận dụng hiệu ứng từ World Cup và AFF Cup vào truyền thông hiệu quả? Cùng theo dõi bài viết sau để có thêm gợi ý từ MISA nhé.
1. Sport marketing – Không chỉ là xu hướng nhất thời
Trong Marketing có 1 thuật ngữ là “sport marketing”, gọi chung tất cả các hoạt động quảng bá, quảng cáo sản phẩm thể thao hoặc phi thể thao thông qua liên kết với thể thao, khi đó các hoạt động thể thao trở thành công cụ để thương hiệu và sản phẩm tiếp cận tới công chúng mục tiêu.
Các sự kiện thể thao thường được tổ chức trong một thời gian nhất định, ví dụ World Cup 2022 diễn ra trong 3 tuần, nhưng những hoạt động truyền thông bên lề đã liên tục được thúc đẩy trong 10 năm qua, kể từ khi Qatar được FIFA lựa chọn đăng cai giải đấu.
Mỗi tin tức về việc nước chủ nhà xây sân vận động, bao trùm toàn thành phố bằng hệ thống điều hoà khổng lồ hoàn toàn miễn phí, hay những sân vận động bằng container có thể tháo lắp và tái sử dụng … đều lôi kéo sự chú ý trên toàn cầu.
Sự chú ý này chính là đích đến của các nhà tài trợ. Theo thống kê, có 76 nhà tài trợ cho World Cup 2022, gồm nhà tài trợ đối tác (15) và nhà tài trợ sự kiện riêng lẻ (61). Đặc biệt, sự kiện lần này chứng kiến sự lên ngôi của các nhà tài trợ đến từ Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore.
Dù đội tuyển quốc gia không tham gia giải đấu, nhưng các nhà tài trợ Châu Á vẫn chi hàng trăm triệu USD để được xuất hiện trên các background phỏng vấn, trên những banner dọc đường băng, trên mọi ấn phẩm truyền thông và được sử dụng logo, linh vật La’eeb thuộc bản quyền của World Cup.
Họ muốn được chú ý trên toàn thế giới, muốn sánh vai ngang hàng với các thương hiệu toàn cầu như Coca-Cola, Budweiser. Và những mong muốn đó chỉ đạt được khi họ đồng hành với một sự kiện quy mô toàn cầu như World Cup.
Tài trợ là hình thức được áp dụng sớm nhất trong sport marketing. Càng ngày, các doanh nghiệp càng sáng tạo ra nhiều phương thức sport marketing để đẩy mạnh truyền thông thông qua thể thao. Với những hiệu quả hiện hữu, truyền thông đồng hành cùng thể thao đã chứng minh được đây không phải xu hướng nhất thời, mà sẽ tiếp tục gia tăng giá trị khi có sự tiếp sức từ công nghệ.
2. Case study kinh điển của sport marketing – tình huống buộc dây giày của Pele
Trước khi giao bóng trong trận tứ kết World Cup năm 1970, vua bóng đá Pele đã xin phép trọng tài dừng lại để buộc dây giày. Tất cả camera zoom cận cảnh vào đôi Puma ông đang đi và hình ảnh này xuất hiện trước hàng triệu khán giả toàn thế giới.
Hành động buộc dây giày chỉ diễn ra chưa đến 30 giây này là một thỏa thuận giữa Pele và Puma về truyền thông có trị giá 120.000 USD (tương đương 800.000 USD theo tỷ giá năm 2020) và đã gây tiếng vang tới hơn 50 năm sau như một case study đáng học hỏi trong sport marketing.
Đó là bởi vào năm 1970, internet còn nằm trong các bộ máy thử nghiệm, truyền hình là công cụ duy nhất để người dân toàn thế giới đồng thời tiếp cận thông tin. 30 giây xuất hiện của một sản phẩm trước hàng trăm triệu người, ở thời điểm họ chăm chú nhất đã mang lại giá trị về nhận diện thương hiệu không thể đo đếm nổi.
Và người mang đôi giày lại là Pele, vua bóng đá, hình tượng đỉnh cao trong giới thể thao, người đã lập hàng loạt kỷ lục ghi bàn và kiến tạo của thời đại, đưa Brazil lên ngôi vô địch năm thứ ba liên tiếp và trong hành trình phi thường đó có sự góp sức của Puma. Một cách truyền tải thông điệp và định vị thương hiệu không thể nào xuất sắc hơn. Case study ấn tượng đến nỗi FIFA phải bổ sung điều luật hạn chế các thương hiệu khác ăn theo để tránh thất thoát tiền quảng cáo.
Tại Việt Nam, thương hiệu Kangaroo cũng từng gây “tiếng vang” khi đoạn quảng cáo thông điệp “Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” độ dài 5 giây được lặp lại liên tục 30 lần trong thời gian nghỉ giữa trận chung kết Champions League cách đây 11 năm.
Chỉ trong 2 ngày sau đó, số lượt nhắc về thương hiệu tăng đột biến trên mọi công cụ tìm kiếm, khuấy đảo mạng xã hội, và dù khen hay chê thì thông điệp cũng đã được ghim thành công vào trí nhớ của khách hàng.
Sở dĩ sport marketing được nhiều doanh nghiệp ưa thích bởi ngoài thể thao, không có lí do nào để kéo một lượng lớn khán giả tập trung vào một hoạt động trong một thời gian nhất định hiệu quả đến thế. Đồng thời, khi xem thể thao, tâm lý khán giả cũng hưng phấn hơn, não bộ hoạt động nhiều hơn và sẽ ghi nhớ các chi tiết lâu hơn.
Có rất nhiều cách khác nhau để ứng dụng sport marketing vào truyền thông cho nhãn hàng. Hãy tham khảo 9 chiến thuật sport marketing sau để có thêm gợi ý cho mùa World Cup và AFF Cup 2022.
>> Xem thêm: 7 công cụ truyền thông Marketing tích hợp mọi doanh nghiệp nên áp dụng
3. 9 chiến thuật sport marketing hiệu quả cho mùa World Cup và AFF Cup 2022
3.1 Tài trợ – chiến thuật sport marketing được nhiều ông lớn sử dụng
Theo thống kê từ Google Trend, lượt nhắc đến VPBank tăng đột biến và đạt đỉnh vào thời điểm 22/10, khi thông tin ngân hàng này là nhà tài trợ chính cho việc mua bản quyền và phát sóng miễn phí toàn bộ các trận đấu World Cup 2022 trên VTV được tiết lộ.
Ngoài VPBank, có 5 nhà tài trợ khác cùng chia sẻ hoạt động tài trợ này và tất cả đều dành được sự quan tâm lẫn thiện cảm từ công chúng.
Tài trợ trong sport marketing là chiến thuật yêu thích của nhiều nhãn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Trường hợp nếu không có ngân sách lớn, doanh nghiệp vẫn có thể cân nhắc tài trợ các phần thưởng để khích lệ, động viên tinh thần vận động viên, treo thưởng thành tích …
Tuy nhiên, nếu không có các kế hoạch sport marketing tận dụng hiệu ứng truyền thông trước – trong – sau khi công bố, không gắn được hoạt động tài trợ với thương hiệu, hoặc chỉ tài trợ được một vài lần nhỏ lẻ, thì rất dễ rơi vào trạng thái như “muối bỏ bể”, vừa tốn kinh phí vừa không đạt được hiệu quả.
Ưu điểm
Chiến thuật tài trợ trong sport marketing có thể ngay lập tức thu hút được sự quan tâm từ cộng đồng, thương hiệu được nhắc đến trực diện, tăng nhận diện thông qua các hoạt động của đối tượng được tài trợ. Đồng thời tạo được thiện cảm với công chúng mục tiêu, như việc các nhãn hàng tặng giải thưởng cho đội tuyển Bóng đá nữ sau các chức vô địch, hay Thái Sơn Bắc tài trợ giải Bóng đá nữ Vô địch Quốc gia suốt 11 năm liền đã giúp doanh nghiệp được công chúng yêu mến và biết đến nhiều hơn.
Hạn chế
Tuy nhiên, hình thức sport marketing này vẫn tồn tại một số nhược điểm, đó là chi phí bỏ ra rất lớn, đồng thời phải duy trì mối quan hệ với các sở ban ngành hoặc tài trợ nhiều hoạt động khác trước đó mới được mời tài trợ cho các sự kiện và đội tuyển quốc gia.
3.2 Quảng cáo
Theo báo giá từ Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd), báo giá quảng cáo giữa trận chung kết World Cup 2022 tăng kỷ lục lên mức 400 triệu đồng cho slot 10 giây và 800 triệu đồng cho slot 30 giây.
Mức giá của hình thức sport marketing cao hơn rất nhiều so với kỳ World Cup 4 năm trước đó. Ngoài hình thức quảng cáo thông thường, có rất nhiều hình thức quảng cáo khác như chạy banner trên màn hình, lồng ghép hình ảnh kỹ thuật số (chỉ áp dụng với những trận đấu có bản quyền), quảng cáo qua radio …
Với đặc trưng của truyền hình miễn phí, quảng cáo là cách để nhà đài bù đắp chi phí sản xuất chương trình, vì thế các thương hiệu đặt quảng cáo trong thời gian này thường được ưu ái hơn, người xem cũng không thể bỏ qua hay chuyển kênh với các quảng cáo xuất hiện trong trận đấu.
Ngoài quảng cáo qua kênh phát sóng, công chúng cũng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên các báo điện tử, vì vậy có thể tận dụng thêm chạy quảng cáo GDN xem giữa clip, tin bài hoặc nhắm đích đến các trang thông tin về thể thao, bóng đá để tăng lượt tiếp cận.
Ưu điểm
Chiến thuật quảng cáo trong sport marketing có ưu điểm rõ rệt nhất trong việc làm tăng tiếp cận trên diện rộng, tiếp cận đa kênh, bủa vây khách hàng và remarketing (bám đuổi) hành vi của khách hàng, đặc biệt với khách hàng có sở thích thể thao thì rất dễ target để bán hàng hoặc truyền thông.
Hạn chế
Tuy nhiên, quảng cáo trong sport marketing có chi phí khá đắt đỏ, nhất là trong thị trường quảng cáo khó khăn như hiện nay. Hình thức sport marketing này cũng khó đo lường tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng, nhất là với các quảng cáo truyền hình. Về mặt nội dung, thời gian xuất hiện một lần rất ngắn, vì vậy yêu cầu content marketing phải tinh gọn, đủ ấn lượng, và cần được lặp lại nhiều lần để công chúng ghi nhớ.
Cần lưu ý rằng dù sử dụng hình thức quảng cáo sport marketing nào, doanh nghiệp cũng chỉ nên triển khai khi đã có TVC hoặc banner chuẩn theo nhận diện, thông điệp dễ nhớ, thu hút trong thời gian xuất hiện ngắn và có đủ tài chính để duy trì quảng cáo trong một thời gian nhất định ở các thời điểm và vị trí khác nhau.
3.3 Tạo các cuộc thi
Những minigame đồng hành cùng giải đấu là cách nhanh nhất để sport marketing thu hút lượng lớn khách hàng tiếp cận đến các kênh truyền thông của thương hiệu, đặc biệt là kênh social như Facebook, Tiktok, Instagram,…
Những dạng cuộc thi có thể tổ chức mùa World Cup và AFF Cup như
- Dự đoán tỉ số, đội ghi bàn trước, đội vô địch.
- Bình chọn bàn thắng đẹp nhất, cầu thủ xuất sắc nhất.
- Thi các kỹ năng liên quan đến bóng đá như tâng bóng, rê dắt bóng.
Dễ dàng nhận thấy các cuộc thi với thể thức đơn giản, giải thưởng hấp dẫn, kích thích được tính cạnh tranh là cách tăng tương tác rất nhanh trong thời gian ngắn, đồng thời tạo phễu nhằm thu hút khách hàng mục tiêu.
Tuy vậy, từ minigame sport marketing rất khó đo lường hiệu quả tác động tới doanh thu và cần có cơ chế để nhận diện, sàng lọc các tài khoản chuyên săn game, không phải công chúng tiềm năng của thương hiệu.
Do đó, doanh nghiệp nên áp dụng minigame trong thời điểm cần tăng traffic về kênh social trong thời gian ngắn. Cách thức này đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục là hình thức lôi kéo lượt tiếp cận, tương tác hiệu quả nhất trong mùa World Cup và AFF Cup.
3.4 Tạo thảo luận
Đây là cách sport marketing để tiếp cận trúng đích nhất với đối tượng khách hàng mục tiêu. Các chủ đề có thể tạo thảo luận với tệp khách hàng yêu thích bóng đá trong mùa World Cup và AFF Cup 2022 là :
- Thông tin trước – trong – sau các trận đấu, cầu thủ, huấn luyện viên .
- Bình luận về một chi tiết gây tranh cãi trong trận đấu (trọng tài, VAR).
- Thông tin ngoài lề liên quan đến cổ động viên, quốc gia đăng cai và các quốc gia có đội tuyển tham gia
- Nhìn lại khoảnh khắc ấn tượng trong quá khứ.
Để tạo được thảo luận, cần một nội dung thật sự nóng, bắt kịp tình huống diễn ra trên sân và thông tin phải độc lạ, khác biệt. Theo đó, thương hiệu chỉ nên áp dụng hình thức này khi đã có tệp khách hàng mục tiêu và biết rõ nội dung họ quan tâm, sở hữu team sản xuất chất lượng tốt, nhanh nhạy với thông tin.
Đặc biệt là một team seeding nhằm tạo hiệu ứng ban đầu để lên xu hướng và tương tác với khách hàng. Nếu không có đủ các yếu tố trên, thương hiệu có thể thực hiện sport marketing theo cách tận dụng hình ảnh, dịch lại bài viết trên các trang tin của nước ngoài, tuy nhiên cần kiểm duyệt kỹ lưỡng để đảm bảo độ chính xác.
Ưu điểm
Ưu điểm của chiến thuật sport marketing này là tạo thảo luận nằm ở hai khía cạnh. Thứ nhất, khi khách hàng tham gia thảo luận, hành vi được ghi nhận và tỉ lệ xuất hiện những nội dung tương tự sẽ tăng lên. Khía cạnh này đồng nghĩa fanpage và thương hiệu sẽ tiếp cận tới khách hàng được nhiều lần hơn, thậm chí cả bạn bè của khách hàng. Nhưng quan trọng hơn, khi tổ chức thảo luận, nhãn hàng có thể đưa ra các đánh giá mang tính chuyên gia, chứng tỏ sự hiểu biết, và tạo được niềm tin với khách hàng.
Hạn chế
Nhược điểm lớn nhất của chiến thuật sport marketing này là nội dung dễ bị sao chép, đồng thời một số thông tin, hình ảnh nếu lấy nguồn từ nước ngoài có thể bị đánh bản quyền, ảnh hưởng đến traffic chung của kênh. Do đó, khuyến khích doanh nghiệp tự tạo các nội dung thảo luận theo phong cách và độ hiểu biết phù hợp, tránh sai lệch thông tin.
>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn chi tiết lập kế hoạch truyền thông marketing tích hợp IMC
3.5 Tung khuyến mại và quà tặng độc quyền
Các sàn thương mại điện tử là vẫn luôn là đối tượng nhanh chân nhất trong chiến thuật này. Hàng loạt các mã giảm giá, freeship được tung ra đúng thời điểm giúp khách hàng cảm thấy gần gũi và thu hút hơn, khuyến mại vì thế cũng có giá trị hơn.
Ngoài việc tung các sản phẩm sẵn có, doanh nghiệp cũng có thể đẩy mạnh thương hiệu bằng những quà tặng có sức hấp dẫn lớn hơn như áo thi đấu có chữ ký của cầu thủ hoặc gấu bông linh vật chính hãng số lượng giới hạn, …
Ưu điểm
Hình thức sport marketing tuy “cổ điển” nhưng chưa bao giờ giảm sức hấp dẫn với khách hàng. Thương hiệu tận dụng được những thời điểm sôi động như World Cup, AFF Cup để tung deal, kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.
Lợi thế của chiến thuật sport marketing này là có thể đo lường trực tiếp chuyển đổi từ chiến dịch quảng cáo ra doanh thu và dễ dàng được khách hàng đón nhận do mang lại lợi ích trực tiếp.
Đồng thời, các nền tảng có thể tận dụng tệp khách hàng và thông điệp này để mời chào tài trợ hoặc bán gói truyền thông cho các đối tác mục tiêu như nhà hàng, thời trang thể thao, du lịch, bất động sản …
Hạn chế
Để hình thức này luôn giữ được độ hấp dẫn, đói hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo tính độc đáo và khan hiếm. Do đó, thay vì thả nổi, hãy giới hạn lại số lượng voucher phát ra. Thay vì sản xuất hàng loạt, hãy tung ra số lượng quà tặng linh vật ít, vừa tăng giá trị sưu tập của quà tặng, vừa khiến khách hàng cảm thấy khao khát hơn và từ đó hành động (mua hàng) cũng nhanh chóng và quyết liệt hơn.
Doanh nghiệp chỉ nên áp dụng chiến thuật này khi đã có hệ thống đo lường hiệu quả chính xác trên những kênh tung khuyến mại và quà tặng, quy trình liên kết từ bước nhận voucher đến hoàn tất mua hàng liền mạch, không đứt gãy, đồng thời có sự liên kết giữa chương trình khuyến mãi hoặc quà tặng với giá trị cốt lõi của thương hiệu.
3.6 Bắt trend trong sport marketing
Nếu những dạng nội dung về cuộc thi hay thảo luận rất dễ sao chép, thì nội dung bắt trend trong sport marketing lại mang “ADN thương hiệu” và khó có thể làm theo. Durex vẫn được nhắc đến như một case study huyền thoại trong chiến thuật sport marketing này. Với chiến dịch World Cup 2018 cực kỳ thành công, Direx đã khiến công chúng tò mò, háo hức theo dõi fanpage để xem thương hiệu này sẽ cập nhật gì mỗi ngày.
Tệp khách hàng trẻ, những người thích “hóng trend” nhất chính là đối tượng tiềm năng mà chiến dịch sport marketing của Durex hướng đến. Sport marketing hiệu quả đã giúp nhãn hàng tăng nhận diện thương hiệu đồng thời nhiệt tình tương tác, chia sẻ để thông điệp càng lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Nghe rất thú vị, nhưng không hề dễ. Doanh nghiệp nên áp dụng chiến thuật sport marketing này khi đã xây dựng được cho mình bản sắc riêng và tệp khách hàng cụ thể, cộng với một team sáng tạo đủ độ “chất”.
Như ví dụ về Durex trên đây, cộng đồng đã biết đến nhãn hàng với cách sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh đa nghĩa, gợi nhắc đến chuyện tế nhị. Tệp khách hàng trẻ, cởi mở, thích “hóng trend” chính là đối tượng tiềm năng mà nhãn hàng hướng đến.
Lựa chọn đúng “phong cách” phù hợp với khách hàng mục tiêu, đã giúp thương hiệu tạo dựng được ấn tượng mạnh mẽ, thu hút tương tác, chia sẻ, lan tỏa thông điệp nhanh chóng. Điểm khó nhất của chiến thuật sport marketing này là làm sao tung ra được content bắt trend nhanh nhất sau khi sự kiện diễn ra.
Quay trở lại ví dụ về nhãn hàng Durex, trả lời phỏng vấn sau hiệu ứng xuất sắc của chuỗi bài World Cup 2018, đại diện đội sản xuất nội dung của Durex cho biết, họ đã phải chuẩn bị trước rất nhiều kịch bản và chỉ cần tinh chỉnh một chút theo diễn biến thực tế là có thể đăng bài ngay thời điểm “nóng”. Cách chuẩn bị bài bản này là điều đội ngũ truyền thông ở các doanh nghiệp khác có thể học hỏi và áp dụng vào chiến dịch sport marketing.
3.7 Sử dụng đại sứ thương hiệu
Trước – trong – sau các giải đấu, các cầu thủ hay thậm chí cả huấn luyện viên đều được công chúng quan tâm nhiều hơn. Vì thế sử dụng đại sứ thương hiệu vào thời điểm này sẽ giúp nhãn hàng dễ dàng thu hút và tiếp cận công chúng hơn.
Sàn thương mại điện tử Shopee luôn là cái tên nhanh nhẹn nhất, ký được hợp đồng với những cầu thủ hot nhất. Ví dụ chiến dịch sport marketing kết hợp với thủ môn Bùi Tiến Dũng ngay sau thành công của giải U23 Châu Á năm 2018.
Trên thế giới, việc sử dụng hình ảnh cầu thủ làm đại diện thương hiệu đã quá quen thuộc, ví dụ như Cristiano Ronaldo đang là đại diện của hàng trăm nhãn hàng thuộc đủ mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên tại Việt Nam, làn sóng sử dụng cầu thủ làm đại diện thương hiệu chỉ thực sự bùng nổ từ sau Vòng chung kết U23 Châu Á năm 2018. Sau đó, liên tiếp các cầu thủ Quang Hải, Văn Thanh, Tiến Linh hay cả huấn luyện viên Park Hang-Seo đều được mời xuất hiện trên truyền thông với vai trò đại sứ.
Đây là chiến thuật sport marketing giúp thu hút công chúng trên diện rộng, dễ dàng tận dụng được hiệu ứng sau giải đấu. Bên cạnh đó thiện cảm của khách hàng với đại sứ thương hiệu thúc đẩy họ ra quyết định mua dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, tất cả các cầu thủ đều làm việc dưới sự quản lý của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hoặc Câu lạc bộ chủ quản và mỗi nơi sẽ có những quy định khác nhau về hoạt động quảng cáo. Vì thế nhìn chung sự cạnh tranh để được ký hợp đồng đại sứ thương hiệu rất khó khăn.
Ngoài ra, khi sử dụng giới cầu thủ làm đại sứ thương hiệu trong sport marketing cũng có những rủi ro nhất định về cách xây dựng hình ảnh, phát ngôn, ứng xử thiếu chuyên nghiệp hay rủi ro về đời tư cá nhân ảnh hưởng đến nhãn hàng là khá lớn.
Do đó, thường các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ sử dụng chiến thuật sport marketing này trong giai đoạn trước – trong – sau giải đấu, không kéo dài liên tục như thế giới đang làm.
>> Xem thêm: Định vị thương hiệu là gì? Phương pháp định vị thương hiệu hiệu quả
3.8 SEO mọi từ khóa liên quan
Nếu mục tiêu của thương hiệu là thu hút traffic, hãy tạo một khu vực trên website và SEO mọi từ khóa xung quanh giải đấu. Một số ví dụ về mối quan tâm của công chúng đến AFF Cup 2022 sắp tới như:
- Lịch thi đấu AFF Cup 2022
- AFF Cup 2022 tổ chức ở đâu
- Quang Hải có đá AFF Cup 2022 không
Sau đó, gắn link các chủ đề liên quan đến sản phẩm và thương hiệu, tạo sự tò mò để giữ chân khách hàng vào website.
Ưu điểm
Chiến thuật SEO web trong sport marketing có thể hút traffic rất tốt và càng gần thời điểm diễn ra giải đấu sẽ càng tăng trưởng mạnh. Khi lượng người truy cập tăng, độ uy tín và thứ hạng của website cũng tăng theo.
Nếu doanh nghiệp có chiến thuật SEO lên top bài bản, cài cắm thông tin tốt để giữ chân khách hàng, trưng bày sản phẩm khéo léo, đây hoàn toàn có thể trở thành kênh bán hàng tiềm năng với chi phí đầu tư cực thấp.
Hạn chế
Tuy nhiên, theo đuổi chiến thuật này đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch từ sớm, xây dựng kho bài viết dồi dào và liên tục thay đổi, bởi mỗi sự kiện thì xu hướng từ khóa khách hàng sử dụng thường sẽ khác nhau.
Đồng thời, nên tạo các trải nghiệm trên web để sàng lọc đối tượng đã rơi vào phễu và nhận diện đúng được những khách hàng tiềm năng.
3.9 Tận dụng những khán đài
Đối với thể thao, khán đài là sân khấu rộng lớn nhất, diện tích các khán đài lớn hơn sân cỏ gấp nhiều lần, đồng thời lượng khán giả tập trung rất đông, vì vậy nhiều nhãn hàng đã tận dụng để giới thiệu thương hiệu đến người hâm mộ có mặt tại sân và tranh thủ cơ hội lên truyền hình.
Thương hiệu đồng hồ Hublot thường xuyên tài trợ cho các giải đấu thể thao và xuất hiện cùng các bảng điện tử tại những thời điểm quyết định đã giúp khắc sâu định vị về sự “chính xác” trong tâm trí khách hàng.
Tại World Cup 2022, giải đấu gây nhiều tranh cãi về thời gian bù giờ kỷ lục (có trận lên tới 30 phút) và những bàn thắng xuất hiện ở giây cuối cùng thì tên thương hiệu Hublot lại càng có cơ hội hiện diện nhiều hơn nữa.
Nếu không đủ kinh phí để tài trợ giải đấu, thương hiệu có thể tận dụng chính những vị trí ghế ngồi trên sân, ví dụ như sử dụng người mẫu cùng các banner giới thiệu,… để thu hút sự chú ý của khán giả, tăng độ nhận diện.
Chiến thuật sport marketing này có thể tiếp cận khách hàng hoàn toàn tự nhiên với số lượng người đông đảo cả trên sân và qua truyền hình, đây là lợi thế lớn nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể bị chặn hình ảnh, thậm chí bị kiện vì liên quan đến bản quyền quảng cáo nếu không được đơn vị tổ chức cho phép.
4. Tổng kết
Với những phân tích trên có thể thấy, thể thao là mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho truyền thông. Bằng cách ứng dụng linh hoạt, khéo léo các chiến thuật sport marketing, sự nhạy bén và tận dụng thời điểm tốt, doanh nghiệp có thể tăng độ nhận diện, tiếp cận được số lượng lớn khách hàng tiềm năng và thúc đẩy doanh số hiệu quả thông qua các sự kiện thể thao. Hi vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc có được những ý tưởng sport marketing độc đáo, bùng nổ trong các sự kiện thể thao.
Tác giả: Lương Thanh Hà