Mẫu ủy quyền ký hợp đồng lao động 2022 và quy định của pháp luật

25/07/2022
1715

Pháp luật có những quy định nào về việc ủy quyền ký hợp đồng lao động? Một mẫu ủy quyền ký hợp đồng lao động sẽ gồm những nội dung gì? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây của MISA AMIS.

I. Ủy quyền ký hợp đồng lao động là gì?

ủy quyền ký hợp đồng lao động

Ủy quyền có thể được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc dưới danh nghĩa của bên ủy quyền. Ngoài ra bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu giữa các bên có thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.

Đối với hợp đồng lao động, đây là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động, về công việc, chính sách lương thưởng, thời gian làm việc, chế độ bảo hiểm,… Do đó, chỉ người có thẩm quyền thì mới được thay mặt người sử dụng lao động thực hiện việc ký hợp đồng lao động.

Về phía người sử dụng lao động, người thực hiện giao kết hợp đồng lao động phải thuộc 1 trong các trường hợp sau:

– Căn cứ theo quy định của luật doanh nghiệp năm 2020, một công ty có thể có 1 hay nhiều người đại diện theo pháp luật nên người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động là người đại diện theo pháp luật được quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã;

– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

– Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

– Cá nhân là người trực tiếp sử dụng lao động.

Về phía người lao động, người giao kết hợp đồng lao động thuộc 1 trong các trường hợp sau:

– Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

– Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động đó;

– Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người lao động đó;

– Cá nhân được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

Lưu ý: Những người đã được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động thì không được nhận thêm ủy quyền từ người lao động khác.

II. Mẫu giấy ủy quyền ký hợp đồng lao động

Việc người sử dụng lao động ủy quyền cho một người khác thay mình thực hiện giao kết hợp đồng với người lao động cần được xác lập thông qua văn bản, gọi là giấy ủy quyền ký hợp đồng lao động. Nội dung trong giấy ủy quyền cần phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ nội bộ doanh nghiệp.

Dưới đây là mẫu giấy ủy quyền ký hợp đồng lao động mà doanh nghiệp có thể tham khảo và nhấn vào chữ bên cạnh để TẢI VỀ.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————–

GIẤY ỦY QUYỀN
(Về việc giao kết hợp đồng lao động)

Căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Bộ luật Lao động năm 2019;

Căn cứ Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;

Căn cứ vào Điều lệ công ty TNHH thương mại dịch vụ Y;

Hà Nội, ngày ….. tháng ….. năm 20…

Chúng tôi gồm có:

1. BÊN ỦY QUYỀN:

Họ tên: Nguyễn Văn A

Sinh ngày ….. tháng ….. năm ……

Địa chỉ nơi cư trú: Số XX Phường …. Quận ….. Thành phố Hà Nội

Chức vụ: Tổng giám đốc công ty TNHH thương mại, dịch vụ Y được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số ….. ngày …. tháng …. năm …. do Sở KHĐT thành phố Hà Nội cấp.

Số CMND :…………., ngày cấp …../……/…… , nơi cấp công an thành phố Hà nội

Số hộ chiếu (nếu có) :……………

Quốc tịch: Việt Nam

2. BÊN NHẬN ỦY QUYỀN:

Họ tên: Trương Thị B

Sinh ngày …. tháng ….. năm ……

Địa chỉ nơi cư trú: Số YY Phường …… Quận ……..Thành phố Hồ Chí Minh

Chức vụ: Giám đốc chi nhánh A công ty TNHH thương mại, dịch vụ Y theo giấy phép hoạt động số ….. do Sở KHĐT thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày …. tháng ….. năm ……

Số CMND :……………., ngày cấp ………, nơi cấp: Công an thành phố Hồ Chí Minh

Số hộ chiếu (nếu có) :…………….

Quốc tịch: Việt Nam

3. NỘI DUNG ỦY QUYỀN:

Bằng giấy ủy quyền này Bên nhận ủy quyền được quyền thay mặt Bên ủy quyền thực hiện các công việc sau:

Điều 1. Giám đốc chi nhánh A tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành thay mặt Tổng giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ Y ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc tại chi nhánh A ở thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Thời hạn ủy quyền:

Thời hạn ủy quyền kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

Điều 3. Thỏa thuận khác (nếu có).
…………………………………………………………………………………

Điều 4. CAM KẾT CỦA CÁC BÊN:

– Hai bên cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin ủy quyền ở trên;

– Mọi tranh chấp phát sinh giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền sẽ do hai bên tự giải quyết.

Giấy ủy quyền trên được lập thành …. bản, mỗi bên giữ … bản./.

BÊN ỦY QUYỀN BÊN NHẬN ỦY QUYỀN

III. Điều kiện hợp lệ của ủy quyền ký hợp đồng lao động?

thẩm quyền ký hợp đồng lao động

Pháp luật quy định việc ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho một người lao động trong nhóm phải được lập thành văn bản. Một số nội dung chính của văn bản ủy quyền giao kết hợp đồng lao động bao gồm:

– Thông tin đầy đủ, chi tiết và chính xác của người nhận ủy quyền như là: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính theo giấy khai sinh, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký xác nhận.

– Tên công việc và phạm vi các nội dung ủy quyền, thời hạn ủy quyền có hiệu lực.

Theo đó, pháp luật về lao động phép các bên bên được ủy quyền trong ký kết hợp đồng lao động rất phù hợp với tình hình thực tế, giúp giải quyết mọi việc một cách nhanh chóng, hiệu và tiết kiệm thời gian lẫn công sức.

IV. Ai là chủ thể có thẩm quyền ký hợp đồng lao động?

Hợp đồng lao động là một hình thức pháp lý được dùng để thể hiện sự thỏa thuận về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Vì vậy, để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng lao động, người ký kết hợp đồng phải có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động khi tham gia ký kết hợp đồng cần lưu ý các quy định sau đây của Bộ luật Lao động năm 2019:

– Thứ nhất là Điều 16 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi thực hiện giao kết hợp đồng lao động:

Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động

1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.

2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

– Thứ hai là Điều 18 quy định về thẩm quyền thực hiện giao kết hợp đồng lao động:

Điều 18. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động

1. Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

5. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

Trên đây là những quy định liên quan đến ủy quyền ký hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cần lưu ý. Bên cạnh đó, trong bối cảnh số hóa doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, hợp đồng lao động điện tử đang được sử dụng ngày càng rộng rãi.

Nếu muốn tìm hiểu một giải pháp ký hợp đồng điện tử uy tín, các doanh nghiệp có thể tham khảo thêm thông tin về phần mềm AMIS WeSign – hỗ trợ ký hợp đồng điện tử. Một số lợi ích mà AMIS WeSign đem lại là:

  • Tiết kiệm tới 90% thời gian ký kết
  • Tiết kiệm tới 85% chi phí
  • Đảm bảo giá trị pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật

Để được tư vấn và dùng thử Gói Ký 10 Hợp Đồng Điện Tử Miễn Phí, Anh/Chị vui lòng nhấn vào nút dưới đây để điền thông tin:đăng ký 10 hợp đồng miễn phíXem thêm các bài viết liên quan

1. Cập nhật mẫu hợp đồng lao động mới năm 2022, đúng tiêu chuẩn

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả