Social Commerce mang đến cho các thương hiệu cơ hội bán hàng qua mạng xã hội và trở thành xu hướng thịnh hành được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Vậy khái niệm cụ thể Social Commerce là gì? Vì sao doanh nghiệp nên tận dụng Social Commerce? Cùng AMIS MISA tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Social Commerce là gì?
Social Commerce có nghĩa tiếng Việt là thương mại xã hội, là quá trình doanh nghiệp hoặc cá nhân bán sản phẩm trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Vì bản chất Social Commerce hoạt động dựa trên nền tảng truyền thông xã hội, toàn bộ quá trình từ trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu sản phẩm và thanh toán đơn hàng đều thực hiện xuyên suốt bằng hình thức online.
Khái niệm Social Commerce khác hoàn toàn so với Social Media Marketing vì doanh nghiệp sẽ không chuyển đổi khách hàng đến các cửa hàng trực tiếp, thay vào đó sẽ cung cấp cho họ phương pháp thanh toán ngay trên nền tảng mạng xã hội mà họ đang sử dụng khi phát sinh nhu cầu mua hàng.
Ưu thế lớn khi doanh nghiệp vận dụng Social Commerce vào quá trình kinh doanh là có thể tiếp cận số lượng khách hàng lớn ở nhiều khu vực, không phân biệt khoảng cách về địa lý trong thời gian ngắn nhất. Social Commerce cho phép khách hàng tiếp cận hình ảnh và thông tin sản phẩm doanh nghiệp ngay trên bản tin Facebook/ Instagram. Nếu cảm thấy thu hút, khách hàng chỉ cần bấm vào nút “Buy Now” (mua ngay bây giờ) và hoàn tất đơn hàng một cách nhanh gọn.
II. Nền tảng mạng xã hội phù hợp triển khai Social Commerce
Hiện nay, doanh nghiệp/ cá nhân có thể triển khai chiến dịch Social Commerce tại hầu hết những nền tảng xã hội lớn như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube,…
1. Facebook
Facebook – một trong những nền tảng mạng xã hội lớn tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Social Commerce. Cho đến nay, Facebook vẫn còn rất hấp dẫn và được nhiều doanh nghiệp sử dụng bởi nhiều lý do dưới đây.
Lý do đầu tiên, Facebook cho phép tất cả người dùng tạo Fanpage thương mại, thường xuyên cập nhật giới thiệu sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Hơn nữa, Facebook còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp/ cá nhân chỉnh sửa cửa hàng trực tuyến, cung cấp các báo cáo hoạt động hiệu quả trên Fanpage. Ngoài ra, Facebook cho phép bên cung cấp sản phẩm dịch vụ tích hợp cổng thanh toán giúp quá trình triển khai Social Commerce và trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên liền mạch hơn.
Bên cạnh có, 2 hình thức nội dung trên Facebook như Community (cộng đồng) và Livestream (Trực tiếp) cũng có tiềm năng phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây. Trong đó, Livestream là hình thức chốt đơn nhanh và hiệu quả nếu bạn áp dụng chạy quảng cáo, xây dựng chương trình ưu đãi thu hút khách hàng. Chưa hết, thông qua Livestream người dùng không cần phải tìm hiểu nhiều thông tin, mọi thứ đã được “bày biện” sẵn. Nếu có thắc mắc, khách hàng có thể để lại comment trực tiếp và sẽ được người bán giải quyết ngay lập tức.
Community cũng là xu hướng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua khi triển khai Social Commerce. Người dùng tham gia vào một Community nghĩa là họ thực sự quan tâm đến mảng nội dung đó. Cho nên thương hiệu phát triển Community sẽ tiếp cận được lượng lớn khách hàng tiềm năng, tiết kiệm tối đa chi phí.
>> Đọc thêm: Chính sách quảng cáo Facebook 2022
2. Instagram
Nhiều nghiên cứu cho biết, có đến 60% người dùng có xu hướng khám phá sản phẩm mới trên Instagram.
Với nền tảng này, khách hàng sẽ thuận tiện mua sắm sản phẩm khi bắt gặp trong các bài đăng hoặc video ngắn. Instagram sở hữu lượng lớn người dùng là giới trẻ nên rất thích hợp để doanh nghiệp triển khai kinh doanh mặt hàng thời trang, mỹ phẩm,…
Do đó, nếu bạn đã thực hiện bước tạo Cửa hàng bán hàng trên Facebook, thì bạn cũng nên xem xét thiết lập tính năng Mua sắm trên Instagram (trước tiên chỉ cần bạn thiết lập Cửa hàng trên Facebook; tự động Cửa hàng trên Instagram sẽ lấy dữ liệu từ danh mục sản phẩm trên Facebook).
Để bắt đầu kinh doanh Social Commerce trên Instagram, bạn có thể gắn link sản phẩm trên Bio giúp tiếp cận được lượng khách hàng cao hơn. Ngoài ra, Instagram còn có các tính năng hấp dẫn như Stories và Reels cho phép đăng những định dạng nội dung video hấp dẫn. Đối với Instagram Shops, bạn có thể tạo và tùy chỉnh gian hàng, nơi bạn trưng bày tất cả các sản phẩm nổi bật nhất của mình.
Đặc trưng của Instagram chú trọng cách sắp xếp bố cục hình ảnh. Nếu bạn có thể làm sản phẩm trở nên nổi bật hơn về mặt hình thức khi xuất hiện trên Newsfeeds của người dùng, thì chắc chắn sẽ giúp phát huy khả năng nhận diện thương hiệu đáng kể. Đặc biệt, bạn không nên bỏ qua tính năng gắn thẻ mua sắm bằng cách đánh dấu các sản phẩm từ danh mục của mình trong các nội dung trên Stories và Newsfeed. Từ đó, người dùng sẽ ngay lập tức nắm được thông tin, giá bán của sản phẩm.
3. TikTok
Có thấy thấy, TikTok là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo của Sensor Tower cho biết, trong quý I/2022, TikTok là ứng dụng hàng đầu về lượt tải xuống toàn cầu. Tận dụng nền tảng này, doanh nghiệp có thể tiếp cận tệp khách hàng Gen Z tiềm năng.
Những mặt hàng phù hợp với thế hệ Gen Z theo trend, quần áo, mỹ phẩm, phụ kiện, đồ handmade, đồ ăn,… ở mức 200-500 nghìn đồng bán khá tốt trên TikTok. Phát triển Social Commerce trên nền tảng TikTok bằng cách tạo video review nhận xét sản phẩm, Livestream, Seeding vào những bài viết nổi trội,…
Nhìn chung, TikTok sẽ đề xuất nội dung sau khi tìm hiểu thói quen của người dùng thông qua sự tương tác của họ khi viết một bình luận hay nhấn nút theo dõi một tài khoản nào đó. Những tín hiệu này giúp hệ thống đề xuất đánh giá được nội dung người dùng yêu thích hay muốn bỏ qua. Qua đó, hiển thị hệ thống video đúng với nhu cầu khách hàng mong muốn.
4. YouTube
Ở 3 nền tảng nêu trên rất có thể người dùng thường xuyên bắt gặp chiến lược Social Commerce của doanh nghiệp nhưng đều lướt qua rất nhanh khi chưa có nhu cầu. Nhưng đối với YouTube, khách hàng sẽ xem tường tận từ đầu đến cuối nếu tâm đắc với nội dung video hoặc một YouTuber nào đó. Sở hữu ưu thế này, YouTube cho phép doanh nghiệp có thể bán các mặt hàng giá trị cao.
>> Đọc thêm: Công cụ nghiên cứu từ khóa Youtube miễn phí
III. Vì sao doanh nghiệp nên phát triển Social Commerce?
Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội toàn cầu, mỗi doanh nghiệp sẽ biết cách áp dụng Social Commerce thông minh để mang lại lợi nhuận bán hàng. Dưới đây là một vài lý do doanh nghiệp nên tận dụng Social Commerce trong thời đại công nghệ số:
1. Nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến
Hiện nay, trải nghiệm mua sắm trực tuyến là một trải nghiệm “không thể thiếu”, “không thể tách rời” khỏi quy trình mua hàng, sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của mọi doanh nghiệp. Để nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến, bạn có thể bắt đầu từ những bài quảng cáo trên Facebook, Instagram, TikTok,… Sau đó, khách hàng sẽ tự xem hàng, xem các đánh giá và sự uy tín của doanh nghiệp, cảm nhận về sự tiện ích, giá cả, quy trình, tiếp đến là phương thức mua hàng, giao hàng và thanh toán. Mọi thứ có thể trong vài thao tác đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian của doanh nghiệp và khách hàng.
Hoặc với khách hàng không có thời gian đến các cơ sở, trung tâm mua sắm, họ vẫn dễ dàng mua được sản phẩm cần thiết trên chính nền tảng mạng xã hội đang sử dụng. Vì vậy, nhờ có Social Commerce, việc trải nghiệm mua sắm trực tuyến đã trở nên dễ dàng và được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin tưởng sử dụng.
>> Đọc thêm: Xây dựng chiến lược trải nghiệm khách hàng
2. Xóa bỏ rào cản địa lý, quy trình thanh toán đơn giản
Quá trình mua hàng trên mạng xã hội ngày càng diễn ra vô cùng đơn giản, khách hàng chỉ cần thực hiện Xem sản phẩm – Click mua ngay – Thanh toán. Thay vì tập trung quá nhiều vào quá trình mua hàng có thể làm gia tăng khả năng thay đổi quyết định của khách hàng, bạn nên tạo trải nghiệm liền mạch đồng thời giảm thiểu các điểm nối rời rạc. Cuối cùng, cung cấp các tùy chọn mua hàng trực tuyến chỉ với một cú nhấp chuột sẽ giúp khách hàng thuận tiện trong việc mua hàng, nâng cao lòng tin và gia tăng doanh số.
Nhắm đến đối tượng khách hàng ở mọi nơi trên toàn quốc, dù doanh nghiệp bạn ở bất kỳ tỉnh thành nào xa xôi cũng có khả năng bán hàng thông qua Social Commerce. Do đó, các gian hàng Social Commerce giúp xóa bỏ rào cản địa lý, rút ngắn đáng kể quy trình mua sắm rườm rà mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh gian hàng trên nền tảng mạng xã hội, doanh nghiệp nên liên kết thêm với gian hàng trên website, để dẫn dắt khách hàng mua sắm sản phẩm tại nhiều nơi.
3. Tận dụng thị trường rộng lớn
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, thị trường Social Commerce có khả năng vượt giá trị 735 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Xuyên suốt quá trình mở rộng thị phần và cải thiện doanh số bán hàng, doanh nghiệp không nên bỏ qua việc đưa sản phẩm lên gian hàng trực tuyến nhờ các tính năng Facebook Shops và Instagram Shopping được sử dụng phổ biến hiện nay. Đây chính nơi doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ.
Một nghiên cứu thị trường khác cho biết, có đến 81% khách hàng mua sắm trực tuyến thông qua nền tảng Facebook và Instagram. Chính vì vậy, chẳng có lý do gì mà doanh nghiệp không tận dụng Social Commerce để bán hàng, tận dụng triệt để thị trường rộng lớn này.
4. Tiếp nhận phản hồi nhanh chóng
Các nền tảng mạng xã hội là nơi để doanh nghiệp tiếp nhận phản hồi từ phía khách hàng nhanh chóng nhất. Đồng thời, Social Commerce cho phép doanh nghiệp có thể thu thập thông tin, hành vi mua sắm, hoạt động của nhiều đối tượng khách hàng chính xác. Đây chính là nguồn dữ liệu cần thiết giúp doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến dịch Social Commerce đạt hiệu quả như mong muốn.
Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp phát triển Social Commerce vì khả năng xóa bỏ rào cản địa lý. Nhờ vậy, tất cả danh mục hàng hóa doanh nghiệp cập nhật lên cửa hàng trực tuyến đều có cơ hội tiếp cận với khách hàng trên toàn thế giới. Chỉ cần doanh nghiệp biết chính xác nhóm đối tượng khách hàng nhu cầu của khách hàng là gì, việc tiêu thụ sản phẩm trên Social Commerce sẽ không gặp nhiều khó khăn.
IV. Tổng kết
Hy vọng, qua bài viết trên, bạn đã có thể hiểu một cách toàn diện về thuật ngữ Social Commerce là gì cũng như những lợi ích mà Social Commerce mang lại cho doanh nghiệp. Sau khi nắm vững thông tin quan trọng, sẽ giúp bạn nhanh chóng ứng dụng Social Commerce vào công việc kinh doanh của mình một cách hiệu quả nhất.