[Mới] Cách tính thuế khoán hộ kinh doanh cá thể

30/05/2023
3971

Thuế khoán là mức thuế cố định mà hộ kinh doanh phải nộp được Cơ quan thuế xác định dựa trên thông tin hộ kinh doanh đăng ký kê khai và doanh thu kinh doanh thực tế. Thuế khoán hộ kinh doanh phải nộp gồm thuế GTGT và thuế TNCN. Qua bài viết MISA AMIS trình bày về cách tính thuế khoán cho hộ kinh doanh cá thể.

1. Đối tượng nộp thuế hộ kinh doanh theo phương pháp khoán

Phương pháp khoán” là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán” là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh. 

Mức thuế khoán hộ kinh doanh” là tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước phải nộp của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán do cơ quan thuế xác định theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

Vậy, phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.

Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải thực hiện nghiệp vụ mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ chứng từ kế toán như hộ, cá nhân kinh doanh nộp theo phương pháp kê khai. Mặc dù vậy, việc ghi nhận thông tin kế toán sẽ giúp ích nhiều cho quá trình kinh doanh. Vì vậy, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán hoàn toàn có thể lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán, nhất là các phần mềm được thiết kế dành riêng cho hộ kinh doanh cá thể như phần mềm kế toán online MISA AMIS, để hỗ trợ cho quản lý tài chính.

2. Cách tính thuế khoán cho hộ kinh doanh cá thể

Hộ khoán khai thuế theo năm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế, nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý thuế.

Hộ khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp từ đầu năm thì hộ khoán thực hiện nộp thuế theo thông báo.

  • Trường hợp trong năm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh: Cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh số thuế phải nộp theo khoản 4 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC;
  • Trường hợp mới ra kinh doanh trong năm (kinh doanh không đủ 12 tháng trong năm dương lịch), thì hộ khoán:

+ Có doanh thu kinh doanh trong năm trên 100 triệu đồng: thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN;

+ Có doanh thu kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống: thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN.

2.1 Ví dụ tính thuế cho hộ kinh doanh theo phương pháp khoán

Ví dụ 1: Ông A bắt đầu kinh doanh từ tháng 4 năm 2022, và dự kiến có doanh thu khoán của 09 tháng thực tế kinh doanh là 90 triệu đồng (trung bình 10 triệu đồng/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng). Như vậy, Ông A thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh từ tháng 4 năm 2022 là 90 triệu đồng.

Ví dụ 2: Bà A đã được cơ quan thuế thông báo mức thuế khoán phải nộp trong năm. Nhưng đến tháng 9 bà nghỉ kinh doanh thì được giảm thuế khoán tương ứng với 4 tháng cuối năm.

Ví dụ 3: Bà B mở cửa hàng kinh doanh cắt tóc gội đầu. Khi đi đăng ký kinh doanh, bà B không xác định được doanh thu tính thuế khoán nên Cơ quan thuế ấn định doanh thu tính thuế khoán của bà là 10 triệu/tháng. Vậy bà B thuộc diện phải nộp thuế khoán hộ kinh doanh vì Doanh thu 12 tháng = 10 triệu x 12 = 120 triệu (>100 triệu). Số thuế khoán bà B phải nộp như sau:

  • Số thuế GTGT phải nộp: = 10 triệu x 5% = 500.000đ/tháng
  • Số thuế TNCN phải nộp: 10 triệu x 2% = 200.000đ/tháng
  • Và lệ phí môn bài phải nộp: 300.000đ/năm.

Ví dụ 4: Ông C mở nhà hàng kinh doanh ăn uống. Khi đi đăng ký kinh doanh, ông C không xác định được doanh thu tính thuế khoán nên Cơ quan thuế ấn định doanh thu tính thuế khoán của ông là 30 triệu/tháng. Vậy ông C thuộc diện phải nộp thuế khoán vì doanh thu 12 tháng = 30 triệu x 12 = 360 triệu (>100 triệu). Số thuế khoán ông C phải nộp như sau:

  • Số thuế GTGT phải nộp: = 30 triệu x 3% = 900.000đ/tháng
  • Số thuế TNCN phải nộp: 30 triệu x 1.5% = 450.000đ/tháng
  • Và lệ phí môn bài phải nộp: 500.000đ/năm

Lưu ý: Tỷ lệ % tính thuế GTGT và tỷ lệ % tính thuế TNCN là khác nhau đối với các nhóm lĩnh vực ngành nghề quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Đọc thêm: Hướng dẫn tính thuế GTGT, thuế TNCN đối với hộ kinh doanh

3. Những lưu ý quan trọng

3.1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán. 

+ Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.

+ Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Xem thêm: Hướng dẫn chế độ kế toán hộ kinh doanh

3.2. Hộ khoán có xuất hóa đơn được không?

– Hộ khoán không trực tiếp xuất hóa đơn. Trường hợp hộ kinh doanh có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì sẽ được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

– Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì hộ khoán khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh (khoản 2 và khoản 4 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC). Nghĩa là doanh thu và mức thuế khoán được xác định từ đầu năm không bao gồm doanh thu và thuế do sử dụng hóa đơn.

Vậy, mỗi lần khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn, hộ khoán phải lên Cơ quan thuế mua hóa đơn để giao cho khách hàng. Mỗi lần hộ khoán lên mua hóa đơn bán lẻ theo từng số thì hộ khoán phải khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn. 

Ví dụ 5: Ông C ở ví dụ 4 trên muốn xuất hóa đơn với doanh thu là 20 triệu đồng để giao cho khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn. Vậy ông C phải nộp thêm là: 20 triệu x (3% + 1,5%) = 900.000đ

– Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số, không sử dụng hóa đơn quyển. Trường hợp hộ khoán lựa chọn ổn định phương pháp tính thuế đến hết kỳ tính thuế năm 2021 theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 20 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì tiếp tục ổn định việc sử dụng hóa đơn cho đến hết kỳ tính thuế năm 2021.

* Thủ tục đề nghị cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh

Bước 1: Gửi đơn đề nghị

– Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán gửi Đơn đề nghị cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo mẫu 06/ĐN-PSĐT đến cơ quan thuế:

+ Hộ, cá nhân kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định: Chi cục Thuế quản lý nơi hộ, cá nhân kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh

+ Hộ, cá nhân kinh doanh không có địa điểm kinh doanh cố định: Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú hoặc nơi hộ, cá nhân đăng ký kinh doanh

– Hộ khoán thực hiện truy cập vào hệ thống lập hóa đơn điện tử của cơ quan thuế để lập hóa đơn điện tử

Bước 2: Cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh

– Sau khi hộ khoán đã khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật, cơ quan thuế cấp mã trên hóa đơn điện tử cho hộ khoán

– Thời gian cấp: Ngay trong ngày làm việc

– Hộ kinh doanh tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh được cơ quan thuế cấp mã.

4. Hướng dẫn kê khai thuế hộ kinh doanh

Theo Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

4.1. Căn cứ xác định thuế khoán hộ kinh doanh

Bao gồm:

a) Hồ sơ khai thuế của hộ khoán do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế;

b) Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;

c) Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn;

d) Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.

Công khai thông tin hộ khoán là việc cơ quan thuế tổ chức công khai và tiếp nhận ý kiến phản hồi về doanh thu và mức thuế khoán đối với hộ khoán theo quy định. Việc công khai thông tin bao gồm: niêm yết thông tin bằng giấy tại địa bàn; gửi trực tiếp đến hộ khoán; gửi trực tiếp đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn; công khai thông tin trên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế.

4.2. Hồ sơ cần chuẩn bị

a) Từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 05 tháng 12 hằng năm, cơ quan thuế phát Tờ khai thuế năm sau cho tất cả các hộ khoán.

b) Hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán là Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021.

Mẫu số 01/CNKD
Hình 2: Mẫu số 01/CNKD Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021

c) Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, khi khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn lẻ thì hộ khoán khai thuế theo từng lần phát sinh và sử dụng Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD đồng thời xuất trình, nộp kèm theo hồ sơ khai thuế các tài liệu sau:

– Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán;

– Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;

– Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;…

Chú ý: Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Phần mềm Kế toán Hộ kinh doanh MISA giúp tự động tổng hợp số liệu lên Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD chính xác và hỗ trợ quản lý kinh doanh toàn diện.

Dùng ngay miễn phí

4.3. Thời hạn nộp hồ sơ

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế, cụ thể như sau:

a) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm trước liền kề năm tính thuế.

b) Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh (bao gồm hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán), hoặc hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai, hoặc hộ khoán thay đổi ngành nghề, hoặc hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, hoặc chuyển đổi phương pháp tính thuế, hoặc thay đổi ngành nghề, hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.

c) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.

4.4. Chậm nộp hồ sơ khai thuế khoán hộ kinh doanh bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC, hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định sẽ bị xử phạt như sau:

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền 700.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này).

3. Phạt tiền 1.400.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không dưới 800.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày đến 20 ngày.

4. Phạt tiền 2.100.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.200.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 3.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày.

5. Phạt tiền 2.800.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.600.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 30 ngày đến 40 ngày.

6. Phạt tiền 3.500.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 2.000.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 ngày đến 90 ngày.

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều 13 Thông tư này.

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế).

d) Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm.

7. Thời hạn nộp hồ sơ quy định tại Điều này bao gồm cả thời gian được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

8. Không áp dụng các mức xử phạt quy định Điều này đối với trường hợp người nộp thuế trong thời gian được gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế.

9. Người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này, nếu dẫn đến chậm nộp tiền thuế thì phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định tại Điều 106 Luật quản lý thuế và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này.

Trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định và cơ quan thuế đã ra quyết định ấn định số thuế phải nộp. Sau đó trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế hợp lệ và xác định đúng số tiền thuế phải nộp của kỳ nộp thuế thì cơ quan thuế xử phạt hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều này và tính tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định. Cơ quan thuế phải ra quyết định bãi bỏ quyết định ấn định thuế.”

4.5. Quy định xác định doanh thu và mức thuế khoán

a) Xác định doanh thu và mức thuế khoán

– Doanh thu và mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch hoặc tháng đối với trường hợp kinh doanh theo thời vụ và ổn định trong một năm.

– Hộ khoán tự xác định doanh thu tính thuế khoán trong năm trên Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD. Trường hợp hộ khoán không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu và xác định mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

– Căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để lấy ý kiến công khai, tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế và làm cơ sở cho Cục Thuế chỉ đạo, rà soát việc lập Sổ bộ thuế tại từng Chi cục Thuế.

b) Điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán

Hộ khoán trong năm có đề nghị điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán do thay đổi hoạt động kinh doanh thì cơ quan thuế điều chỉnh lại mức thuế khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý thuế kể từ thời điểm có thay đổi. Cụ thể như sau:

b.1) Hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động sử dụng, doanh thu) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD. 

b.2) Hộ khoán thay đổi địa điểm kinh doanh thì phải thực hiện thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định và thực hiện thủ tục khai thuế tại địa điểm mới như đối với hộ khoán mới ra kinh doanh. 

b.3) Hộ khoán thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh (kể cả trường hợp không thay đổi về tỷ lệ, thuế suất áp dụng) thì hộ khoán phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định (nếu có thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh so với đăng ký thuế), đồng thời khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD. 

b.4) Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì hộ khoán thực hiện thông báo khi ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

b.5) Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan thuế căn cứ văn bản yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thuế khoán theo thực tế cho thời gian yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh.

b.6) Hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai thì hộ khoán khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế khoán theo mẫu số 01/CNKD. 

c) Mức thuế khoán hộ kinh doanh

Mức thuế khoán hộ kinh doanh cá thể sẽ được tính theo công thức:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó tỷ lệ thuế GTGT, TNCN cụ thể như sau:

4.6. Gửi thông báo thuế và thời hạn nộp thuế

a) Gửi thông báo thuế

a.1) Cơ quan thuế gửi Thông báo nộp tiền theo mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ cùng với Bảng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD ban hành kèm theo Thông tư này tới hộ khoán (bao gồm cả hộ khoán thuộc diện phải nộp thuế và hộ khoán thuộc diện không phải nộp thuế) chậm nhất là ngày 20 tháng 01 hằng năm. Thông báo được gửi trực tiếp đến hộ khoán (có ký nhận của người nộp thuế về việc đã nhận thông báo) hoặc gửi Thông báo qua bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm.

a.2) Bảng công khai thông tin chính thức gửi cho hộ khoán được lập theo địa bàn bao gồm cả hộ khoán thuộc diện phải nộp thuế và hộ khoán thuộc diện không phải nộp thuế. 

– Với chợ, đường, phố, tổ dân phố có từ 200 hộ khoán trở xuống thì Chi cục Thuế in, phát cho từng hộ khoán Bảng công khai của các hộ khoán tại địa bàn.

– Trường hợp chợ, đường, phố, tổ dân phố có trên 200 hộ khoán thì Chi cục Thuế in, phát cho từng hộ khoán Bảng công khai của không quá 200 hộ khoán tại địa bàn. 

– Riêng đối với chợ có trên 200 hộ khoán thì Chi cục Thuế in, phát cho từng hộ khoán Bảng công khai theo ngành hàng. 

Trường hợp cơ quan thuế đã thực hiện được việc công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thì không bắt buộc phải gửi Bảng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD kèm theo Thông báo nộp tiền mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

a.3) Trường hợp cơ quan thuế ban hành Thông báo điều chỉnh mức thuế khoán theo thông báo của hộ khoán theo hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều này thì thời hạn ban hành thông báo chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng có thay đổi tiền thuế.

a.4) Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh thì cơ quan thuế gửi Thông báo nộp tiền mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ cho hộ khoán chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng có phát sinh tiền thuế phải nộp.

b) Thời hạn nộp thuế

b.1) Căn cứ Thông báo nộp tiền, hộ khoán nộp tiền thuế GTGT, thuế TNCN theo thời hạn trên Thông báo nộp tiền mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

b.2) Trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh của cơ quan thuế thì thời hạn nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn là thời hạn khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn theo hướng dẫn tại điểm c khoản 3 Điều này.

5. Trường hợp được giảm thuế khoán

Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán được điều chỉnh giảm doanh thu và mức thuế khoán khi giảm quy mô kinh doanh hoặc ngừng, tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC

– Điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán khi hộ kinh doanh giảm quy mô: Đối với hộ khoán trong năm có đề nghị giảm doanh thu, mức thuế khoán do thay đổi hoạt động kinh doanh thì cơ quan thuế điều chỉnh lại mức thuế khoán:

+ Hộ khoán thay đổi quy mô về diện tích kinh doanh, lao động sử dụng, doanh thu thì phải khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD

+ Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì ban hành thông báo về việc điều chỉnh mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế

– Xác định lại mức thuế khoán khi hộ kinh doanh ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh

+ Đối với hộ khoán đã được chấp thuận ngừng kinh doanh

  • Nếu hộ khoán ngừng kinh doanh từ ngày đầu tiên của tháng dương lịch thì điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán kể từ tháng ngừng kinh doanh
  • Nếu hộ khoán ngừng kinh doanh tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 02 đến ngày 15 của tháng dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng bắt đầu ngừng kinh doanh được điều chỉnh giảm 50%và điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán của các tháng sau tháng ngừng kinh doanh
  • Nếu hộ khoán ngừng kinh doanh tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 16 trở đi của tháng dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng bắt đầu ngừng kinh doanh không được điều chỉnh giảm, chỉ điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán của các tháng sau tháng ngừng kinh doanh

+ Đối với hộ khoán đã được thông báo chấp nhận tạm ngừng kinh doanh

  • Nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh trọn tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng đó được điều chỉnh giảm toàn bộ
  • Nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày liên tục trở lên trong một tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán phải nộp của tháng đó được điều chỉnh giảm 50%

Như vậy, bài viết trình bày các quy định tính thuế đối với hộ kinh doanh theo phương pháp khoán. MISA AMIS hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn nắm được các vấn đề liên quan tính thuế khoán hộ kinh doanh. Chúc các bạn thành công!


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả