Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được quy định thế nào

18/04/2022
1837

Bồi thường thiệt hại là điều khoản không thể thiếu trong mọi hợp đồng thương mại. Do đó, việc nắm rõ chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2005 đối với các doanh nghiệp là điều cực kỳ quan trọng. Trong bài viết sau đây của MISA AMIS, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

I. Khái quát về hợp đồng thương mại

bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại là một văn bản pháp lý để các bên tham gia quan hệ pháp luật thương mại thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình. Hợp đồng thương mại cũng là cơ sở để các bên giải quyết tranh chấp phát sinh.

Hợp đồng thương mại là hợp đồng giữa các bên mà có ít nhất một bên là thương nhân và hợp đồng vì mục đích kinh doanh có lợi nhuận.

Theo Điều 1 Luật Thương mại 2005, các hoạt động thương mại bao gồm:

– Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn áp dụng Luật này hoặc Luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

– Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó áp dụng luật này.

>>> Tham khảo: Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm pháp lý của hợp đồng thương mại

II. Chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại 2005

bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại

1. Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 302 Luật Thương mại 2005, bồi thường thiệt hại được hiểu là:

Điều 302. Bồi thường thiệt hại
1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

Theo đó, khi một bên vi phạm hợp đồng thương mại thì bên kia có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hành vi vi phạm hợp đồng thương mại là xử sự của các chủ thể không phù hợp với các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Biểu hiện cụ thể của hành vi vi phạm hợp đồng là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Cần lưu ý, các bên không chỉ thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng mà còn phải thực hiện cả những nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (nội dung thường lệ của hợp đồng).

Vậy nên, khi xem xét một hành vi có là hành vi vi phạm hợp đồng thương mại hay không phải căn cứ vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng và cả quy định pháp luật có liên quan.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được xác định như thế nào?

Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005 quy định về giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm:

– Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra;

– Khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

3. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại

Điều 303 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi chứng minh hội đủ cả 3 yếu tố là: có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế và thiệt hại được trực tiếp gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng.

Cũng theo Điều 304 và Điều 305 của Luật Thương mại 2005 thì để có thể áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm phải chứng minh được những tổn thất của mình và cũng phải hạn chế tổn thất để tránh việc bên bị vi phạm chỉ vào bên vi phạm bồi thường mà không làm gì để hạn chế tổn thất dù việc ngăn chặn đó là trong khả năng của họ:

– Nghĩa vụ chứng minh tổn thất: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

– Nghĩa vụ hạn chế tổn thất: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

4. Yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như một cách áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại

Việc chậm thanh toán là khá phổ biến khi các bên thực hiện hợp đồng, đây được coi là một hành vi vi phạm hợp đồng và có thể được xử lý bằng cách áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.

Cụ thể là nếu một bên chậm thanh toán thì bên kia có quyền yêu cầu trả lãi đối với số tiền chậm trả, áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm chậm thanh toán. Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 2005:

“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

5. Có thể áp dụng một hay một vài chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại?

Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại khi xảy ra tranh chấp hợp đồng.

III. Ví dụ về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại

bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại

Ví dụ dưới đây sẽ giúp các doanh nghiệp có thể hình dụng rõ hơn về bồi thường thiệt hại trong quan hệ hợp đồng thương mại:

A là thương nhân (bên mua) và B cũng là thương nhân (bên bán) sản phẩm là linh kiện điện tử (chíp, màn hình LCD). Cả hai đã ký hợp đồng mua bán linh kiện điện tử bao gồm (100 chip bán dẫn, 200 màn hình LCD 43 inch) trị giá hợp đồng là 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên A đã không thanh toán tiền hàng theo thỏa thuận. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền của bên B và hệ quả làm bên B mất đi nhiều cơ hội kinh doanh khác.

Trong trường hợp này, bên B có quyền yêu cầu bên A thanh toán và bồi thường thiệt hại (nếu có) do không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn như thỏa thuận. Theo đó, bên B cần chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra và thiệt hại thực tế này phát sinh trực tiếp do hành vi không thanh toán của bên A gây ra.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005, bên B còn có quyền yêu cầu bên A trả tiền lãi quá hạn trên số tiền chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

IV. So sánh chế tài bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự

bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại

Về cơ bản, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự do đó, ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại còn được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015.

Vậy chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự 2015 và bồi thường thiệt hại trong Luật thương mại năm 2005 giống và khác nhau như thế nào?

– Giống nhau:

  • Bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự mà theo đó khi một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây tổn hại cho người khác thì phải bồi thường những tổn thất mà hành vi vi phạm gây ra.
  • Mục đích của việc bồi thường thiệt hại là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; nhằm hạn chế các hành vi vi phạm của các bên khi tham gia vào bất kỳ quan hệ hay giao dịch nào.

– Khác nhau:

Tiêu chí Luật Thương mại 2005 Bộ luật Dân sự 2015
Khái niệm
  • Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
  • Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Mục đích
  • Bảo vệ lợi ích bên bị vi phạm.
  • Nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên vi phạm.
  • Bảo vệ quyền lợi bên bị vi phạm;
  • Ngoài khôi phục, bù đắp các tổn thất về vật chất, còn các tổn thất về tinh thần
Mức bồi thường
  • Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
  • Thứ nhất: Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại dựa vào thiệt hại thực tế. Ngoài ra, theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc cụ thể.
  • Thứ hai: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác…).
  • Tổn thất vật chất: Căn cứ vào giá trị tổn thất thực tế, tuy nhiên cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào yếu tố lỗi và khả năng tài chính của bên vi phạm;
  • Tổn thất tinh thần: Căn cứ vào thỏa thuận của các bên, nếu không có thể yêu cầu Tòa án ấn định theo luật căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
  • Thứ ba: Bồi thường thiệt hại trong các trường hợp cụ thể theo luật định.
Căn cứ áp dụng chế tài
  • Có hành vi vi phạm hợp đồng.
  • Có thiệt hại thực tế.
  • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
  • Có hành vi vi phạm hợp đồng.
  • Có thiệt hại thực tế, bao gồm thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần.
Mối quan hệ giải quyết
  • Các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật có quy định khác.
  • Nếu các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật có quy định khác.
  • Nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm
Thời hiệu yêu cầu bồi thường
  • Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 237 của Luật Thương mại 2005.
  • Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Căn cứ pháp lý
  • Từ Điều 302 đến Điều 305, Điều 307, Điều 319, các quy định khác có liên quan.
  • Điều 419, Điều 588, Chương XX, các quy định khác có liên quan.

Trên đây là nội dung các chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại MISA muốn gửi đến các doanh nghiệp. Hy vọng rằng bài viết sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp (nếu có) liên quan đến bồi thường thiệt hại cách ổn thỏa nhất.

 

Luật sư Nguyễn Xuân Nhất

Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất.

Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế.

 

Xem thêm các nội dung liên quan

>>> Mẫu hợp đồng thương mại được cập nhật mới nhất hiện nay

>>> Hợp đồng thương mại tiếng Anh và những điều cần biết

>>> Vi phạm hợp đồng thương mại và các biện pháp xử lý

>>> Các điều khoản trong hợp đồng thương mại theo quy định hiện hành

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả