Để chính thức kết thúc quan hệ lao động, doanh nghiệp phải gửi văn bản thông báo, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trực tiếp đến người lao động. Vậy nội dung của văn bản này gồm có những gì? Mời doanh nghiệp tham khảo mẫu thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và quy định liên quan trong bài viết sau của MISA AMIS.
1. Quy định về chấm dứt hợp đồng cần nắm rõ
Trường hợp ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động
Các trường hợp doanh nghiệp (hay người sử dụng lao động) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động được liệt kê trong Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019 như sau:
a) Mức độ hoàn thành công việc của người lao động thường xuyên không đạt theo các tiêu chí đánh giá trong quy chế doanh nghiệp. Lưu ý rằng, trước khi áp dụng quy chế đánh giá này, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
b) Người lao động bị bệnh hoặc tai nạn đã điều trị nhưng sức lao động chưa hồi phục trong các trường hợp sau:
– Thời gian điều trị 12 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động không thời hạn;
– Thời gian điều trị 06 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 – 36 tháng;
– Quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Bên cạnh đó, khi sức khỏe của người lao động hồi phục thì doanh nghiệp nên xem xét về việc tiếp tục giao kết quan hệ lao động.
c) Doanh nghiệp đã tìm mọi phương án khắc phục cho các sự cố bất khảng kháng như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,… nhưng vẫn phải cắt giảm lao động.
d) Người lao động tự ý vắng mặt tại nơi làm việc sau thời hạn theo quy định tại Điều 31 Bộ luật này;
đ) Người lao động đến độ tuổi về hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật này, trừ khi nào hai bên có thỏa thuận khác;
e) Người lao động bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không đưa ra lý do chính đáng;
g) Các thông tin mà người lao động cung cấp khi giao kết hợp đồng lao động không trung thực theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật này.
Thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ theo 1 Điều 45 , khoản 2 Điều 3 và khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 thì ta có thể hiểu người nào có quyền giao kết hợp đồng lao động sẽ có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Mẫu quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất
1. Nội dung cần có trong văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ theo Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019, trong trường hợp quyết định chấm dứt hợp đồng với người lao động thì doanh nghiệp phải ra văn bản thông báo. Sau đây là một số nội dung quan trọng cần có trong văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động:
– Họ tên người lao động chấm dứt hợp đồng;
– Vị trí / chức vụ của người lao động đó trong doanh nghiệp;
– Lý do chấm dứt hợp đồng hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật;
– Phòng ban, bộ phận tiếp nhận bàn giao công việc và tài sản của người lao động nghỉ việc;
– Phòng ban, bộ phận, các đơn vị có liên quan. Ví dụ: Phòng kế toán, Phòng Tài chính, Phòng Nhân sự,…
Xem thêm:
- Mẫu hợp đồng lao động mới năm 2024, đúng tiêu chuẩn
- Mẫu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định mới nhất
2. Mẫu thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thông dụng
Dưới đây là mẫu thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thông dụng theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp có thể tải về: TẠI ĐÂY
CÔNG TY …………………… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc | |
Số: …………………… | ……, ngày….. tháng …. năm …… |
THÔNG BÁO
Về việc chấm dứt hợp đồng lao động
Kính gửi: Ông/bà ………………………
Căn cứ Bộ luật Lao động nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 20 tháng 11 năm 2019.
Căn cứ Hợp đồng lao động số…………… ngày…..tháng ….. năm …… (sau đây gọi là “Hợp đồng”) giữa Công ty ………………với ông/bà …………………(sau đây gọi là “Người lao động”),
Công ty xin thông báo nội dung như sau:
1/ Chấm dứt hợp đồng lao động với ông/bà:……………………….……….
Chức vụ: ……………………………
2/ Thời gian: Kể từ ngày..…/……/……
3/ Lý do: ………………………………………………………………………
Trước khi chấm dứt hợp đồng, người lao động có nghĩa vụ bàn giao lại toàn bộ tài sản, hồ sơ, tài liệu, công việc đã và đang làm cho Phòng……………tiếp nhận công việc.
Đề nghị người lao động thực hiện theo đúng pháp luật và sự hướng dẫn của công ty trong thời gian chuyển tiếp.
Trân trọng!
Nơi nhận:
– Ông/bà: …………(thực hiện); – Phòng …………(thực hiện); – Lưu: VT. |
Giám đốc (Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu) |
3. Thủ tục doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động
Điều kiện về thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng với người lao động
Khi muốn chấm dứt hợp đồng với người lao động thì doanh nghiệp không chỉ phải có những lý do chính đáng theo quy định trên mà còn phải đảm bảo về điều kiện thời gian báo trước, nếu không việc chấm dứt hợp đồng sẽ được xem là trái pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019, Thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được thực hiện như sau:
a) 45 ngày đối với hợp đồng lao động không thời hạn;
b) 30 ngày đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 – 36 tháng;
c) 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Giải quyết quyền lợi cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng
Dù cho việc chấm dứt hợp đồng lao động với lý do nào đi chăng nữa thì doanh nghiệp cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động để tránh khiếu nại, kiện tụng.
Theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Trên đây là mẫu quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất bạn đọc có thể tham khảo và tải về. Hy vọng bài viết đã cung cấp các thông tin hữu ích cho bạn.