Các khoản tương đương tiền là gì? Bao gồm những khoản nào?

01/11/2023
30007

“Các khoản tương đương tiền” – từ khóa quen thuộc đối với những ai muốn đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính. Bài viết này, MISA AMIS Kế toán sẽ giúp bạn đọc nắm vững khái niệm này, từ đó đưa ra những quyết định tài chính sáng suốt. Cùng khám phá những kiến thức hữu ích về chỉ tiêu quan trọng này!

1. Tổng quan về Tiền và các khoản tương đương tiền

Tiền và các khoản tương đương tiền là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số tiền và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm:

  • Tiền mặt tại quỹ
  • Tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn)
  • Tiền đang chuyển và
  • Các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp.

Trên bảng cân đối kế toán, tiền và các khoản tương đương tiền tương ứng với (mã số 110), tiền (mã số 111), các khoản tương đương tiền (mã số 112). Mã số 110 = Mã số 111 + Mã số 112.

Xem thêm: Kế toán vốn bằng tiền và những lưu ý

Tiền và các khoản tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán
Tiền và các khoản tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán

Tiền và các khoản tương đương tiền còn được bổ sung thêm thông tin trên phần Thuyết minh báo cáo tài chính, hỗ trợ cho việc đọc hiểu bảng cân đối kế toán.

Hiện nay, một số phần mềm kế toán thông minh như Phần mềm kế toán MISA có thể tự động tổng hợp dữ liệu lên báo cáo tài chính, dễ dàng kết xuất với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời các yêu cầu của ban lãnh đạo.

Tìm hiểu thêm

2. Các khoản tương đương tiền là gì?

Trên bảng cân đối kế toán thuộc báo cáo tài chính, các khoản tương đương tiền được xếp vào mục tài sản ngắn hạn. Đây là chỉ tiêu tài sản có tính thanh khoản cao nhất trong phần tài sản của bảng cân đối kế toán. Các khoản tương đương tiền là loại tài sản có tính thanh khoản cao.

Các khoản tương đương tiền (cash equivalents) là các khoản đầu tư ngắn hạn, có tính thanh khoản cao (có kỳ hạn từ ba tháng trở xuống), có thể chuyển đổi thành các khoản tiền mặt và có ít rủi ro về thay đổi giá trị. Các khoản tương đương tiền chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền tại thời điểm báo cáo.

Căn cứ chủ yếu vào số dư Nợ chi tiết của các tài khoản sau, kế toán sẽ sử dụng số liệu để ghi vào các khoản tương đương tiền:

– Số dư Nợ chi tiết của tài khoản 1281 “Tiền gửi có kỳ hạn” (chi tiết các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng)

– Số dư Nợ chi tiết tài khoản 1288 “Các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn” (chi tiết các khoản đủ tiêu chuẩn phân loại là tương đương tiền).

3. Các khoản tương đương tiền gồm những gì?

Một số loại tài sản được xếp vào khoản tương đương tiền như đã nêu ở trên bao gồm các khoản:

  • Kỳ phiếu ngân hàng: là một loại giấy tờ văn bản có nội dung cam kết trả tiền vô điều kiện do người lập viết ra. Nội dung của kỳ phiếu sẽ yêu cầu trả một số tiền nhất định cho người hưởng lợi hoặc theo lệnh người lập phiếu trả cho người khác được quy định trong kỳ phiếu đó.
  • Tín phiếu kho bạc: là tín phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành để vay ngắn hạn cho ngân sách Nhà nước, ghi nhận cam kết của Chính phủ trong việc trả nợ gốc và lãi cho người sở hữu. Tín phiếu kho bạc là công cụ vay nợ ngắn hạn của Chính phủ thường được phát hành và có kỳ hạn.
  • Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng.

Nhiều loại tài sản thỏa mãn điều kiện chung và được xếp vào các khoản tương đương tiền
Nhiều loại tài sản thỏa mãn điều kiện chung và được xếp vào các khoản tương đương tiền

Lưu ý: Trường hợp tại ngày kết thúc kỳ kế toán, đối với các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng nhưng thời gian đáo hạn dưới 3 tháng, có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền thì kế toán cũng không được phân loại là tiền và tương đương tiền khi lập và trình bày báo cáo tài chính, nhưng có thể được coi là tương đương tiền cho mục đích phân tích các chỉ tiêu tài chính. (Căn cứ theo trả lời của Bộ Tài Chính ngày 11/05/2021).

Ngoài ra, trong quá trình lập báo cáo, nếu nhận thấy các khoản được phản ánh ở các tài khoản khác thỏa mãn định nghĩa tương tương tiền (có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống, khả năng thanh khoản cao) thì kế toán được phép trình bày trong chỉ tiêu này.

Ngược lại, các khoản trước đây được phân loại là tương đương tiền nhưng quá hạn chưa thu hồi được phải chuyển sang trình bày tại các chỉ tiêu khác, phù hợp với nội dung của từng khoản mục.

Các khoản đầu tư vào chứng khoán có tính thanh khoản cao, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm phái sinh, không được tính vào tiền và các khoản tương đương tiền. Mặc dù những tài sản đó có thể dễ dàng chuyển thành tiền mặt chúng vẫn bị loại trừ. Các tài sản được liệt kê trên là các khoản đầu tư trên bảng cân đối kế toán.

4. Tầm quan trọng của tiền và các khoản tương đương tiền

Các khoản tương đương tiền cũng đóng vai trò là một trong những chỉ số sức khỏe quan trọng nhất của hệ thống tài chính của một doanh nghiệp. Các nhà phân tích cũng có thể ước tính xem việc đầu tư vào một doanh nghiệp có tốt hay không thông qua khả năng tạo ra tiền và các khoản tương đương tiền vì nó phản ánh khả năng một doanh nghiệp có thể thanh toán các hóa đơn trong một khoảng thời gian ngắn. Tiền và các khoản tương đương tiền phản ánh rõ nét tình hình hoạt động của doanh nghiệp bởi nó biểu thị khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.

Tiền hoặc các khoản tương đương tiền của một doanh nghiệp luôn được thể hiện ở dòng trên cùng của bảng cân đối kế toán vì những tài sản này là những tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Các doanh nghiệp giữ những khoản này với mục đích đáp ứng các cam kết tiền mặt ngắn hạn hơn là để đầu tư hoặc các mục đích khác. Đây là nguồn dự trù tiền mặt để đối phó với các tình huống bất ngờ như thiếu hụt doanh thu, sửa chữa hoặc thay thế máy móc, hoặc các trường hợp bất khả kháng khác không có trong kế hoạch.

[Demo] Bảng cân đối kế toán trên Phần mềm kế toán MISA

Thêm vào đó, có một số lý do khiến một doanh nghiệp có thể lưu trữ vốn của họ dưới dạng tương đương tiền. Thứ nhất, chúng là một phần của vốn lưu động ròng của doanh nghiệp (tài sản lưu động trừ đi nợ ngắn hạn), được sử dụng để mua hàng tồn kho, trang trải chi phí hoạt động và thực hiện các giao dịch mua khác.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp có tiền và các khoản tương đương tiền dồi dào, doanh nghiệp cũng sử dụng công cụ này để kiếm lãi tiền trong thời gian chờ sử dụng.

5. Hạn chế của các khoản tương đương tiền

Theo một cách nào đó, các khoản tương đương tiền có thể là một sự thất thu do tạo ra sự “giam vốn”. doanh nghiệp có thể tạo ra một tỷ lệ lãi cao hơn nếu họ dùng tiền để đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh tiềm năng. Nhìn chung, khi đó khoản tiền đầu tư ngắn hạn này có tỷ suất sinh lợi thấp hơn và không thể theo kịp tỷ lệ lạm phát. Do đó, các doanh nghiệp chỉ nên duy trì tiền ở một mức độ nhất định nhằm tối ưu hiệu quả sinh lời của nguồn vốn.

Xem thêm: Các phương thức huy động vốn trong doanh nghiệp, ưu và nhược điểm

Lời kết

Lượng tiền và các khoản tương đương tiền mà một doanh nghiệp nắm giữ có ý nghĩa đối với chiến lược hoạt động chung của doanh nghiệp. Nhiều giả thuyết được đưa ra để làm rõ về khối lượng doanh nghiệp nên nắm giữ. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào ngành và giai đoạn tăng trưởng của doanh nghiệp. Với MISA AMIS Kế toán, tác nghiệp giữa kế toán và thủ quỹ sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. MISA AMIS Kế toán thiết lập chương trình tự động hóa các nghiệp vụ quỹ và thủ quỹ thường gặp, đảm bảo công việc diễn ra nhanh chóng và chính xác:

  • Truy xuất chứng từ gốc: Cho phép thủ quỹ xem được sổ quỹ theo từng loại tiền, truy xuất lại chứng từ gốc đã nhập để kiểm tra ngay khi đang xem báo cáo
  • Đầy đủ chứng từ: Tự động xuất hiện toàn bộ thông tin về chứng từ, thủ quỹ chỉ cần kiểm đếm tiền thực tế rồi ghi vào Sổ quỹ chứng từ thu chi mà không cần nhập liệu lại
  • Tự động xử lý chênh lệch theo kết quả kiểm kê: Thêm nhanh Phiếu thu nếu phát hiện thừa, Thêm Phiếu chi nếu phát hiện thiếu
  • Xem ngay sổ quỹ tiền mặt: Cho phép thủ quỹ xem được sổ quỹ theo từng loại tiền, truy xuất lại chứng từ gốc đã nhập để kiểm tra ngay khi đang xem báo cáo


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả