Kế toán cho giám đốc Chỉ số tài chính doanh nghiệp Các nhóm chỉ số chính phân tích báo cáo tài chính trong...

Báo cáo tài chính là hình ảnh chụp nhanh, một “bức tranh” tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm và trong một giai đoạn cụ thể. Nhưng để hiểu sâu hơn về “câu chuyện” đằng sau những con số và tìm ra những thông điệp quan trọng về hiệu suất kinh doanh, độ an toàn tài chính, và triển vọng tương lai… của doanh nghiệp; các nhà quản trị, nhà đầu tư cần đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính ở mức độ sâu hơn.

Hình 1: Các nhóm chỉ số phân tích báo cáo tài chính trong doanh nghiệp

Bằng cách hiểu rõ và áp dụng những chỉ số phân tích này, các nhà quản trị, nhà đầu tư không chỉ có thể “đọc” báo cáo tài chính một cách chính xác, rõ ràng mà còn có thể “viết tiếp” câu chuyện thành công của doanh nghiệp.

Đọc thêm: Hướng dẫn 7 bước lập báo cáo tài chính đơn giản nhanh chóng

1. 6 nhóm chỉ số phân tích báo cáo tài chính cơ bản trong doanh nghiệp

Chỉ số phân tích báo cáo tài chính là các thước đo số học được tạo ra từ thông tin tài chính của doanh nghiệp, nhằm cung cấp các đánh giá quan trọng về hiệu suất kinh doanh, độ an toàn tài chính, và khả năng sinh lời… Các chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả của hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, 6 nhóm chỉ số là công cụ không thể thiếu trong tay các nhà quản trị, nhà đầu tư và các bên liên quan để đánh giá, so sánh… từ đó đưa ra các quyết định tài chính và chiến lược.

Hình 2: Các nhóm đối tượng sử dụng chỉ số tài chính

Chỉ số phân tích báo cáo tài chính thường được chia thành các 6 nhóm chủ yếu như sau: 

Hình 3: 6 nhóm chỉ số phân tích báo cáo tài chính cơ bản trong doanh nghiệp
Nhóm chỉ số Ý nghĩa
Nhóm chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản Cung cấp thông tin quan trọng về cấu trúc tài chính, kiểm tra tính cân đối trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp.

Kiểm tra tính cân đối trong việc đầu tư tài sản doanh nghiệp…

Nhóm chỉ số phản ánh khả năng thanh toán Kiểm tra khả năng của doanh nghiệp trong việc đối mặt và thanh toán các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính trong các khoảng thời gian khác nhau.

Một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn.

Nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động Tập trung vào việc đánh giá hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên và quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Giúp nhà quản trị đánh giá hiệu suất hoạt động, từ đó đưa ra các quyết định cải tiến và tối ưu hóa hoạt động.

Nhóm chỉ số hiệu quả hoạt động Đo lường khả năng sinh lời của tài sản và vốn chủ sở hữu.
Nhóm chỉ số phân phối lợi nhuận Đánh giá mức độ phân phối lợi nhuận so với thu nhập mà công ty tạo ra cho cổ đông (mức độ hưởng lợi của nhà đầu tư).
Nhóm chỉ số giá thị trường Phản ánh giá trị thị trường của cổ phiếu.

Các doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá các chỉ số tài chính & phân tích báo cáo tài chính nhằm nắm bắt được tình trạng doanh nghiệp, từ đó có những quyết định đúng đắn để tối ưu hiệu quả, hiệu suất hoạt động. Hiện nay, một số phần mềm kế toán như phần mềm kế toán online MISA AMIS đã tích hợp tính năng cung cấp báo cáo tổng quan và báo cáo hệ thống một số chỉ số tài chính doanh nghiệp để Anh/Chị Chủ doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp theo dõi tình hình tức thời và có những đánh giá & điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đánh giá theo mức tiêu chuẩn đã được cài đặt từ trước thì các doanh nghiệp cũng có thể tự cài đặt mức phù hợp với đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp mình

Dùng ngay miễn phí

2. Nhóm chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản

  • Hệ số nợ = Tổng nợ/ Tổng nguồn vốn 

Hệ số nợ giúp nhà quản trị, nhà đầu tư, chủ nợ… đánh giá mức độ phụ thuộc vào nợ hay mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp. Hệ số cao có thể là nguy cơ tài chính đối với doanh nghiệp.

– Đối với nhà quản trị: hệ số nợ cho thấy mức độ độc lập về tài chính của doanh nghiệp hay rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải từ đó đưa ra các quyết định, điều chỉnh về chính sách tài chính phù hợp.

– Đối với chủ nợ (ngân hàng, nhà cung cấp…): thông qua hệ số nợ, chủ nợ sẽ xem xét mức độ an toàn của những khoản cho vay từ đó đưa ra các quyết định cho vay hay thu hồi nợ.

– Đối với nhà đầu tư: Đánh giá mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. 

  • Hệ số vốn chủ sở hữu = Tổng vốn chủ sở hữu/Tổng nguồn vốn

Đo lường phần vốn được cung cấp bởi các chủ sở hữu, phản ánh mức độ “sức khỏe” tài chính và độ độc lập của doanh nghiệp.

  • Tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Tổng tài sản 

Đo lường mức độ doanh nghiệp đầu tư vào tài sản ngắn hạn.

  • Tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn = Tài sản dài hạn/Tổng tài sản 

Cho biết mức độ đầu tư vào tài sản dài hạn, phản ánh chiến lược tăng trưởng và đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Theo chiều dọc, các chỉ số này thể hiện cơ cấu các hạng mục của Bảng Cân đối kế toán. Theo chiều ngang các hệ số này thể sự biến động của các chỉ số qua các quý/năm (kỳ báo cáo).

Hình 4: Nhóm chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản

Ví dụ: 

Hình 5: Ví dụ các chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản

3. Nhóm chỉ số phản ánh khả năng thanh toán

Hình 6: Nhóm chỉ số phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp
  • Khả năng thanh toán hiện thời = Tổng tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn

Hệ số này phản ánh khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn, thể hiện mức độ đảm bảo thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành thường được so sánh với hệ số trung bình ngành.

  • Khả năng thanh toán nhanh = (Tổng tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Tổng nợ ngắn hạn

Hệ số khả năng thanh toán nhanh cho biết khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp mà không cần phải thanh lý hàng tồn kho.

  • Khả năng thanh toán tức thời = Tiền và tương đương tiền/Tổng nợ ngắn hạn

Hệ số này để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong những giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế hoặc của doanh nghiệp khi hàng tồn kho không tiêu thụ được, các khoản nợ phải thu khó thu hồi.

  • Khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Lãi vay phải trả

Hệ số cho biết khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp. Các chủ nợ thường sử dụng chỉ số này (số thực tế đã phát sinh và ước tính) để xem xét khoản cho vay với doanh nghiệp. 

4. Nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động

Nhóm chỉ số này được sử dụng để đánh giá năng lực quản lý, sử dụng tài nguyên, tài sản hiện có trong doanh nghiệp.

Hình 7: Nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp

Các chỉ số chính:

  • Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/Hàng tồn kho bình quân

Chỉ số “Vòng quay hàng tồn kho” đo lường tốc độ mà doanh nghiệp có thể bán và thay thế hàng tồn kho trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm tài chính. 

Số vòng quay hàng tồn kho phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm của ngành kinh doanh, chính sách tồn kho của doanh nghiệp. Chỉ số này giúp các nhà quản lý cân nhắc về việc đặt hàng và cấu trúc tồn kho.

  • Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho = 360/Vòng quay hàng tồn kho

Chỉ số “Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho” thể hiện thời gian trung bình mà doanh nghiệp mất để bán hết lượng hàng tồn kho hiện có. 

Thông thường, số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho càng thấp cho thấy doanh nghiệp có khả năng bán hàng và tái cơ cấu tồn kho nhanh chóng. Điều này cũng có ý nghĩa về mặt thanh khoản thể hiện doanh nghiệp có thể nhanh chóng chuyển đổi tồn kho thành tiền mặt.

Ngược lại, số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho cao có thể là dấu hiệu cảnh báo về rủi ro tồn kho, như việc hao mòn, giảm giá trị hoặc “cận date” (gần hết hạn sử dụng)… 

Chỉ số này thường được các nhà quản trị sử dụng đặc biệt trong các ngành công nghiệp bán lẻ, sản xuất, phân phối. Chỉ số này giúp nhà quản trị hiểu được việc có nên điều chỉnh các chiến lược vận hành, chẳng hạn như chiến lược mua sắm hoặc giảm giá…

  • Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu bán hàng (có thuế)/Các khoản phải thu bình quân

Chỉ số “Vòng quay các khoản phải thu” đánh giá tốc độ mà doanh nghiệp thu được tiền từ khách hàng (tốc độ thu hồi công nợ của doanh nghiệp).

  • Kỳ thu tiền bình quân = 360/Vòng quay các khoản phải thu

Kỳ thu tiền bình quân đo lường thời gian trung bình mà doanh nghiệp cần để thu hồi các khoản phải thu từ khách hàng, tức là kể từ lúc xuất giao hàng đến khi thu được tiền bán hàng thì mất bao lâu? 

Kỳ thu tiền bình quân của doanh nghiệp phụ thuộc vào chính sách bán chịu, việc tổ chức thanh toán của doanh nghiệp…

5. Nhóm chỉ số hiệu quả hoạt động

Nhóm chỉ số hiệu quả hoạt động không chỉ giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên, mà còn có thể được sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời của tài sản và vốn chủ sở hữu. Các chỉ số quan trọng bao gồm:

ROS là chỉ tiêu tài chính phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến công tác quản trị doanh thu, chi phí. Doanh nghiệp có ROS càng lớn, càng chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động tốt, khả năng sinh lời cao.

Hoặc ROA = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản

Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (ROA) là một chỉ tiêu tài chính tổng hợp phản ánh khả năng sinh lời của một doanh nghiệp trong mối quan hệ với tổng tài sản của nó.

Chỉ số ROE (Return On Equity) hay lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.   

6. Nhóm chỉ số phân phối lợi nhuận 

Nhóm chỉ số phân phối lợi nhuận có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá khả năng của doanh nghiệp phân phối lợi nhuận đến cổ đông. Dưới đây là các chỉ số trong nhóm này:

  • Tỷ suất sinh lời vốn cổ phần thường = LNST thuộc về cổ đông thường/ Vốn cổ phần thường
  • Thu nhập một cổ phần thường EPS = (LNST – Cổ tức ưu đãi)/Số cổ phần thường đang lưu hành 

EPS là một trong những chỉ số quan trọng và được nhà đầu tư quan tâm. Chỉ số này cung cấp cái nhìn chi tiết về lợi ích kinh tế mà cổ đông đạt được trên mỗi cổ phần thường.

  • Cổ tức một cổ phần thường (DPS) = LNST dành trả cho cổ đông thường/Số cổ phần thường đang lưu hành
  • Hệ số chi trả cổ tức = Cổ tức một cổ phần thường/Thu nhập một cổ phần thường

Tỉ lệ này phản ánh phần lợi nhuận được dành để trả cổ tức cho cổ đông, giúp đánh giá chính sách cổ tức của doanh nghiệp.

7. Nhóm chỉ số giá trị thị trường

  • Tỷ suất cổ tức = Cổ tức một cổ phần thường/Giá trị thị trường một cổ phần thường
  • Hệ số giá trị thu nhập (P/E) = Giá trị thị trường 1 cổ phần thường/Thu nhập một cổ phần thường
  • Hệ số giá trị thị trường trên giá trị sổ sách = Giá trị thị trường 1 cổ phần thường/Giá trị sổ sách 1 cổ phần thường

Nhóm chỉ số này thường được sử dụng bởi các nhà quản trị, nhà đầu tư để định hình chiến lược và quyết định đầu tư. 

Kết luận

Phân tích báo cáo tài chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong quy trình quản lý và đưa ra quyết định của doanh nghiệp. Tùy đặc điểm, đặc thù, quy mô… của từng doanh nghiệp, thông qua việc tính toán, đánh giá các chỉ số tài chính, so sánh các chỉ số theo các kỳ báo cáo, so sánh các chỉ số với các doanh nghiệp cùng ngành, với chỉ số trung bình ngành, các nhà quản trị, nhà đầu tư, chủ nợ… có thể có cái nhìn toàn diện về tình hình kinh doanh, tiềm năng và rủi ro của doanh nghiệp. Hiện nay phần mềm như phần mềm kế toán online MISA AMIS – giải pháp tài chính thông minh hỗ trợ nhiều cho kế toán doanh nghiệp nói riêng và chủ doanh nghiệp nói chung đã có tính năng phân tích các chỉ số tài chính doanh nghiệp. Anh/Chị Chủ doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp có thể dễ dàng xem được số liệu và đánh giá tình hình sức khoẻ doanh nghiệp và có những quyết định điều hành phù hợp hoặc có những tham mưu cho ban lãnh đạo.

Dùng ngay miễn phí

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]