Marketing 7P là gì? 7 bước áp dụng mô hình 7P trong Marketing

17/11/2021
4834

7P trong Marketing là một phần trong chiến lược Marketing Mix, cho phép doanh nghiệp hiểu sâu về nhu cầu và mong đợi của khách hàng, từ đó đưa ra giải pháp đáp ứng những nhu cầu này. Hãy cùng tìm hiểu 7P trong Marketing là gì và các bước áp dụng mô hình này trong bài viết dưới đây.

7p trong marketing

Marketing-Mix là gì?

Trước khi tìm hiểu về Marketing 7P, bạn cần phải hiểu rõ định nghĩa về Marketing mix.

Marketing mix hay còn gọi là Marketing hỗn hợp chỉ tập hợp các công cụ tiếp thị được doanh nghiệp sử dụng để đạt được mục tiêu tiếp thị trên thị trường.

Marketing mix vốn được phân loại theo mô hình 4P gồm có: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (phân phối), Promotion (xúc tiến) được sử dụng trong hoạt động Marketing hàng hóa. Theo thời gian, mô hình này được phát triển thành marketing 7Ps theo sự phức tạp và cải tiến của marketing hiện đại.

Vậy 7P trong marketing là gì?

Mô hình 7P trong Marketing là gì?

Mô hình 7P là một phần trong chiến lược Marketing Mix. 7P trong Marketing được biết đến là 7 yếu tố cũng như chiến lược thiết yếu để quảng bá hiệu quả đến đối tượng mục tiêu bao gồm: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Kênh phân phối), Promotion (Xúc tiến), People (Con người), Process (Quá trình), và Physical evidence (Bằng chứng hữu hình).

7p trong marketing là gì

Phân biệt mô hình 4P và 7P trong Marketing Mix

mô hình 7p trong marketing

Mô hình 4P được giáo sư E. Jerome McCarthy giới thiệu lần đầu vào năm 1960. Khái niệm này xoay quanh 4 yếu tố cơ bản bao gồm Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Địa điểm), Promotion (Xúc tiến). Đây được coi là nền tảng để phát triển những mô hình Marketing Mix sau này. Đến nay, những giá trị của mô hình này vẫn được ứng dụng rộng rãi ở các doanh nghiệp.

Đọc thêm: Mô hình 4P Marketing là gì? Cách áp dụng khi lập chiến lược marketing

Tuy nhiên, vào cuối những năm 70, các nhà tiếp thị đều cho rằng chiến lược Marketing Mix cần được cải tiến để thích ứng với thị trường. Vào năm 1981, Booms & Bitner mở rộng chiến lược này, thêm 3 yếu tố mới tạo thành mô hình 7P. Với mô hình mới này đã cho phép chiến lược Marketing Mix được mở rộng, không chỉ được áp dụng với hàng hoá hữu hình, mà còn áp dụng với mảng dịch vụ. 

Có thể nói, 7P trong Marketing là mô hình cải tiến dựa trên nền móng của mô hình 4P. Dưới đây sẽ là một số điểm cải tiến mới, khác biệt hoàn toàn so với người tiền nhiệm.

Điểm khác biệt giữa 2 mô hình này nằm ở mục đích mong muốn đạt được. Mô hình 7P trong Marketing cho phép doanh nghiệp hiểu sâu về nhu cầu và mong đợi của khách hàng, từ đó đưa ra giải pháp đáp ứng những nhu cầu này. Còn với mô hình 4P, đây được xem là công cụ thiết yếu và đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ, khi mà sản phẩm của họ là những hàng hoá thông thường.

Mặc khác, đối với một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ hay những sản phẩm có tính khác biệt cao, việc áp dụng mô hình 7P trong Marketing là cần thiết. Trong trường hợp này, trải nghiệm của khách hàng và mức độ chăm sóc sau bán giúp tạo dựng sự hài lòng của khách hàng.

Cũng cần nhấn mạnh rằng mô hình 7P trong Marketing hỗ trợ các doanh nghiệp xem xét và xác định các vấn đề chính ảnh hưởng tới chiến lược Marketing Mix trực tuyến. Với sự hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, chuyển đổi số và sự gia tăng của thương mại điện tử đã thay đổi thói quen tìm và mua sản phẩm của người tiêu dùng. Họ không còn thụ động trước sự lựa chọn của mình mà có sự chọn lọc và khắt khe hơn.  Chính vì vậy, mô hình 7p được ra đời, lấy khách hàng làm trung tâm bằng việc bổ sung ba yếu tố: People (Con người), Process (Quy trình) và Physical evidence (Bằng chứng hữu hình).

Nhìn chung, thị trường thay đổi nhanh chóng với sự phát triển của công nghệ.  Mặc dù 4P – nền tảng của marketing mix, vẫn còn giá trị trong hoạt động kinh doanh, nhưng ở thời đại chuyển đổi số đã thay đổi cách khách hàng lựa chọn sản phẩm. Chính vì vậy, để thích nghi với thị trường ngày càng biến động, sự ra đời của mô hình 7P là điều cần thiết.

Các yếu tố chính của mô hình 7P trong Marketing

Như đã đề cập ở trên, mô hình 7P trong Marketing gồm 7 yếu tố: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Kênh phân phối), Promotion (Xúc tiến), People (Con người), Process (Quá trình), và Physical evidence (Bằng chứng hữu hình). Hãy cùng phân tích chi tiết về 7 yếu tố này trong phần dưới đây. 

Product (Sản phẩm)

yếu tố sản phẩm của 7p trong marketing

Product (Sản phẩm) là chữ P đầu tiên trong mô hình này, và đây cũng được nhất trí là chữ P đầu tiên trong tất cả các phiên bản của Marketing Mix. Bởi lẽ, sản phẩm luôn là cốt lõi của mọi doanh nghiệp.

Thông thường, mọi người cho rằng sản phẩm đơn giản là một hàng hóa hữu hình. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng gia tăng, sản phẩm còn được mở rộng thành hàng hóa vô hình – hay còn gọi là dịch vụ.

Để làm rõ bản chất của sản phẩm, các chuyên gia marketing đã chia thành 3 phiên bản khác nhau của sản phẩm: sản phẩm cốt lõi, sản phẩm thực, và sản phẩm gia tăng.

  • Sản phẩm cốt lõi không phải là sản phẩm hữu hình, hay có thể hiểu rằng chúng ta không thể chạm, hay có bất kỳ cảm nhận vật lý về nó. Đó là bởi vì sản phẩm cốt lõi là lợi ích mà sản phẩm đó đem lại và tạo giá trị cho người tiêu dùng. Ví dụ khi mua ô tô, lợi ích là sự thuận tiện, tức là nó giúp chúng ta có thể dễ dàng đi đến bất cứ nơi nào, ở bất cứ thời điểm nào. Ngoài ra, một lợi ích khác là tốc độ vì ô tô giúp chúng ta di chuyển tương đối nhanh.
  • Sản phẩm thực là sản phẩm hữu hình, chúng ta hoàn toàn có thể chạm hay cảm nhận vật lý về sản phẩm này. Quay trở lại với ví dụ xe ô tô ở trên, sản phẩm thực ở đây chính là chiếc xe này, chúng ta hoàn toàn có thể cầm nắm hay lái nó.
  • Sản phẩm gia tăng là sản phẩm giúp sản phẩm trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm này bao gồm rất nhiều giá trị gia tăng mà anh/chị có thể trả thêm hoặc không. Ví dụ, khi mua chiếc ô tô, một phần của sản phẩm tăng cường có thể là bảo hành, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, chăm sóc sau bán.

Một sản phẩm tốt cần đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng, nếu không sẽ bị đối thủ giành mất thị phần hay thậm chí bị đào thải khỏi thị trường. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến vòng đời của sản phẩm (Product Life Cycle). 

Vòng đời của một sản phẩm gồm 4 giai đoạn:

giai đoạn của sản phẩm

  • Giai đoạn 1 – Giới thiệu sản phẩm (Introduction): Giai đoạn này là khi sản phẩm mới được tung ra thị trường. Lúc này, doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra nhiều chi phí cho hoạt động quảng bá, chiến dịch marketing. 
  • Giai đoạn 2 – Tăng trưởng (Growth): Doanh thu trong giai đoạn này bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng, do số lượng người biết và tìm mua sản phẩm tăng đáng kể. Ngoài ra, việc sản xuất hàng loạt cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
  • Giai đoạn 3 – Trưởng thành (Maturity): Đây là giai đoạn tăng trưởng nóng nhất, cũng như doanh nghiệp thu về được nhiều lợi nhuận nhất.
  • Giai đoạn 4 – Thoái trào (Decline): Với sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp bắt đầu để tuột mất thị phần của mình do chưa có sự đổi mới sáng tạo trong sản phẩm.

Việc nghiên cứu và xác định vòng đời sản phẩm nhằm mục đích kéo dài “tuổi thọ” của sản phẩm bằng cách kéo dài và duy trì giai đoạn tăng trưởng và trưởng thành, đồng thời làm chậm quá trình suy thoái của sản phẩm.

Price (Giá cả)

yếu tố giá trong 7p marketing

Giá cả là chi phí mà người tiêu dùng phải trả cho một sản phẩm.

Giá sản phẩm là một yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên định nghĩa Marketing Mix. Giá cả trong mô hình marketing 7p cũng là một thành phần quan trọng trong chiến lược marketing vì nó quyết định lợi nhuận và sự tồn tại của công ty bạn.

Điều chỉnh giá bán sản phẩm sẽ tác động lớn đến toàn bộ chiến lược marketing. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng lớn đến doanh số và nhu cầu của sản phẩm.

Nếu công ty mới tham gia thị trường và chưa tạo được tên tuổi cho mình thì khách hàng mục tiêu của bạn sẽ không sẵn sàng trả giá cao. Mặc dù trong tương lai có thể họ sẽ sẵn sàng trả một số tiền lớn, nhưng sẽ rất khó khăn để làm điều đó ở giai đoạn khởi nghiệp.

Khi đặt giá cho sản phẩm các marketers nên xem xét giá trị cảm nhận mà sản phẩm cung cấp. 

Các nhà tiếp thị cần phải tăng giá trị cảm nhận về lợi ích của sản phẩm mang lại, bên cạnh giá trị thực. Đồng thời, cũng phải xem xét chi phí cung ứng, chiết khấu và giá của đối thủ cạnh tranh. Trong một số trường hợp, các nhà điều hành doanh nghiệp có thể tăng giá với mục đích làm sản phẩm trở nên cao cấp hơn. Ngoài ra, họ có thể giảm giá để nhiều người có thể tiếp cận và dùng thử sản phẩm hơn.

Xác định thời điểm tung ra chiết khấu phù hợp cũng rất quan trọng. Giảm giá đôi khi có thể thu hút nhiều khách hàng hơn, nhưng nó cũng để lại ấn tượng rằng sản phẩm kém sang trọng hơn so với khi nó được định giá cao hơn.

Chính sách về giá cả luôn giúp định hình nhận thức về sản phẩm của bạn trong mắt người tiêu dùng.

  • Luôn nhớ rằng giá thấp thường có nghĩa là sản phẩm chất lượng kém hơn khi họ so sánh sản phẩm của bạn với đối thủ cạnh tranh.
  • Tuy nhiên nếu giá quá cao sẽ khiến chi phí vượt xa lợi ích trong mắt khách hàng. Và do đó họ sẽ coi trọng tiền của họ hơn sản phẩm của bạn.
    => Hãy cân nhắc kiểm tra giá cả của đối thủ cạnh tranh và đưa ra giá cả phù hợp.

Đọc thêm: 10 chiến lược định giá sản phẩm phổ biến trong Marketing

Place (Kênh phân phối)

kênh phân phối 7p trong marketing

Địa điểm còn được gọi là kênh phân phối hoặc trung gian. Đó là nơi mà qua đó hàng hóa hoặc dịch vụ được chuyển từ nhà sản xuất/ cung cấp đến người tiêu dùng.

Khi một công ty đưa ra quyết định liên quan đến địa điểm, họ đang cố gắng xác định nơi bán sản phẩm và làm thế nào để cung cấp sản phẩm ra thị trường. Mục tiêu của các nhà điều hành doanh nghiệp là luôn đưa sản phẩm của họ đến với đối tượng có nhiều khả năng mua chúng nhất.

Trong một số trường hợp, điều này có thể đề cập đến việc đặt sản phẩm trong một số cửa hàng nhất định, nhưng nó cũng nói đến việc cách trưng bày sản phẩm trong cửa hàng. Trong một số trường hợp, địa điểm có thể là việc đưa sản phẩm lên các chương trình truyền hình, trong phim hoặc trên các trang web để thu hút sự chú ý cho sản phẩm.

Để các kênh phân phối hoạt động hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần xác định chiến lược phân phối sản phẩm.

Dưới đây là 3 chiến lược về phân phối phổ biến nhất:

  • Phân phối rộng rãi (Intensive distribution): Chiến lược này, doanh nghiệp sẽ tìm càng nhiều điểm tiêu thụ càng tốt. Mục tiêu của chiến lược này để tăng sự hiện diện của sản phẩm và khách hàng có thể bắt gặp ở mọi nơi họ tới
  • Phân phối độc quyền (Exclusive distribution): Nhà sản xuất lúc này sẽ không bán sản phẩm phủ rộng rãi, mà chỉ bán cho nhà phân phối độc quyền. Chiến lược này đảm bảo hình ảnh thương hiệu. Chiến lược này thường được áp dụng cho sản phẩm cao cấp như Chanel hay Ferrari.
  • Phân phối chọn lọc (Selective distribution): Các kênh phân phối được chọn lọc kỹ, và chỉ có số ít cửa hàng tại địa điểm nhất định được chọn để phân phối sản phẩm.

chiến lược phân phối

Bạn phải định vị và phân phối sản phẩm ở nơi dễ tiếp cận với mục tiêu tiềm năng. Điều này thường đòi hỏi vốn hiểu biết sâu sắc về thị trường. Từ đó, bạn sẽ tìm được các kênh phân phối mà chúng có thể kết nối trực tiếp với khách hàng mục tiêu của bạn.

Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn nên trả lời trong việc phát triển chiến lược phân phối của mình:

  • Khách hàng tìm thấy dịch vụ hoặc sản phẩm ở đâu?
  • Những loại cửa hàng nào khách hàng tiềm năng thường đi đến? Họ mua sắm trong một trung tâm, một cửa hàng thông thường, trong siêu thị, hay online?
  • Làm thế nào để bạn truy cập các kênh phân phối khác nhau?
  • Chiến lược marketing phân phối của bạn khác với đối thủ như thế nào?
  • Bạn có cần một lực lượng bán hàng hùng hậu?
  • Bạn có cần tham dự hội chợ thương mại?
  • Hay bạn có nên xây dựng kênh bán hàng online?

Promotion (Xúc tiến)

xúc tiến hỗn hợp 7p trong marketing

Xúc tiến hay quảng bá bao gồm quảng cáo, quan hệ công chúng, marketing trực tiếp, chiến lược khuyến mại, và bán hàng cá nhân. Mục tiêu của việc quảng bá một sản phẩm là cho người tiêu dùng lý do tại sao họ cần nó và tại sao họ nên trả một mức giá nhất định cho nó.

Xúc tiến đóng vai trò rất quan trọng trong Marketing Mix. Nếu sản phẩm không được xúc tiến hiệu quả, khách hàng không thể tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ của chúng ta, đồng thời doanh số bán hàng sẽ bị đình trệ.

Vậy hãy cùng đi sâu hơn vào 5 yếu tố của xúc tiến:

  • Quảng cáo (Advertising): Quảng cáo chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi độ bao phủ của nó rộng rãi, đồng thời thị trường mục tiêu cũng phải chú ý tới chiến dịch này. Hình thức quảng cáo cũng rất đa dạng, từ offline như đặt bảng quảng cáo, banner trên xe bus… cho đến online như quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
  • Quan hệ công chúng (Public relations): Đối với quan hệ công chúng, các công ty chia sẻ thông điệp thông qua các kênh hiện có — thường là báo chí — bằng cách chia sẻ điều gì đó đáng tin cậy mà sau đó kênh sẽ chia sẻ với khán giả của họ. Các công cụ và kênh quan hệ công chúng bao gồm từ các thông cáo báo chí đến các chiến dịch Marketing du kích, các sự kiện đặc biệt và tài trợ.
  • Marketing trực tiếp (Direct marketing): Giống như tên gọi, Marketing trực tiếp sẽ tiếp thị trực diện tới một đối tượng. Bằng việc kết nối tới một nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng, các công ty sẽ quảng bá thông qua điện thoại, email, hay catalogs.
  • Chiến lược khuyến mại (Sales promotion): Khuyến mại là hình thức kích nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Xây dựng tốt chiến lược khuyến mại có thể tạo ra lưu lượng truy cập ngay lập tức và thúc đẩy doanh số bán hàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp doanh số tăng nhanh chóng, nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều chiến lược này sẽ phản tác dụng. Bởi lẽ, khi người tiêu dùng đang quen với việc được khuyến mại, một khi sản phẩm kết thúc chương trình, người tiêu dùng sẽ không còn hứng thú với sản phẩm nữa.
  • Bán hàng cá nhân (Personal selling): Các công ty lúc này sẽ thuê nhân viên bán hàng để tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng, đồng thời trao đổi thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ, cũng như trả lời câu hỏi, cuối cùng là chốt đơn. Bán hàng cá nhân mang tính hiệu quả cao, vì khi đó, các nhân viên bán hàng có thể dễ dàng điều chỉnh thông điệp của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiềm năng.

Để tạo được chiến lược quảng bá sản phẩm hiệu quả bạn cần trả lời các câu hỏi sau:

  • Làm thế nào bạn có thể gửi thông điệp marketing cho các khách hàng tiềm năng của bạn?
  • Khi nào là thời điểm tốt nhất để quảng bá sản phẩm?
  • Bạn sẽ tiếp cận đối tượng tiềm năng và người mua của bạn thông qua quảng cáo truyền hình chứ?
  • Có tốt hay không nếu sử dụng các social media trong việc quảng bá sản phẩm?
  • Chiến lược quảng bá của đối thủ là gì?

Sự kết hợp giữa các chiến lược quảng bá và cách bạn tiến hành quảng cáo sẽ phụ thuộc vào ngân sách của bạn, thông điệp bạn muốn truyền đạt và thị trường mục tiêu của bạn.

People (Con người)

yếu tố con người

Con người là yếu tố quan trọng nhất đối với bất kỳ loại hình dịch vụ hoặc trải nghiệm của khách hàng. Tất cả các loại hình dịch vụ đều có chung một đặc điểm đó là được sản xuất cùng thời điểm với người sử dụng tiêu thụ dịch vụ đó. Vì vậy, đối với những gì liên quan tới trải nghiệm khách hàng cần được vận dụng linh hoạt để đáp ứng được nhu cầu cá nhân của người sử dụng dịch vụ.

Một điều cần ghi nhớ rằng khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ từ những cá nhân đem lại cho họ trải nghiệm tuyệt vời. Vì vậy, thái độ, kỹ năng cũng như ấn tượng ban đầu phải được đặt lên trước hết. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong mô hình 7P, vì họ là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, việc khách hàng có trải nghiệm tốt đẹp hay không đều phụ thuộc ở họ.

Vì vậy, điều quan trọng và bạn phải tuyển dụng và đào tạo đúng người dù đó là người thuộc bộ phận hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, copywriter, lập trình viên,… Nhân viên được tuyển dụng và đào tạo tốt sẽ góp phần vào sự phát triển hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.

Process (Quy trình)

quy trình 7p trong marketing

Quy trình là yếu tố thứ 6 của mô hình 7P trong Marketing. Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của dịch vụ công ty cung cấp, quy trình này có thể là quy trình phân phối sản phẩm, quy trình thanh toán, hay logistics…

Đối với mọi doanh nghiệp, tính hữu ích và kịp thời rất quan trọng, nó giúp việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn. Đảm bảo rằng doanh nghiệp có một quy trình tốt cũng giúp tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, đồng thời nâng cao hiệu quả và tiêu chuẩn dịch vụ của mình. Đây cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng danh tiếng của thương hiệu, cũng như tạo dựng lòng trung thành của khách hàng. 

Physical evidence (Bằng chứng hữu hình)

yếu tố physical evidence

Các dịch vụ như chúng ta biết phần lớn là không thể nhìn thấy, hay có bất kỳ cảm nhận vật lý nào. Tuy nhiên, khách hàng có xu hướng dựa vào các yếu tố hữu hình để giúp họ đánh giá sản phẩm trước khi mua. Do đó, các nhà tiếp thị phát triển bằng chứng hữu hình để thay thế các yếu tố vật lý này trong một dịch vụ. Nhiệm vụ của các nhà tiếp thị cần phải phát triển các bằng chứng hữu hình đó.

Vậy bằng chứng hữu hình là gì?

Bằng chứng hữu hình bao gồm trải nghiệm thực tế trong môi trường dịch vụ, hay các yếu tố vật chất do con người và tự nhiên tạo nên. Những yếu tố này có ảnh hưởng tới kết quả của hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Các yếu tố vật chất mà con người tạo ra bao gồm:

  • Do bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tạo nên: cách bài trí không gian, nội thất, đồng phục nhân viên, cách đóng gói, hóa đơn, tờ rơi quảng cáo…
  • Không do doanh nghiệp tạo nên: công trình kiến trúc, hệ thống phương tiện công cộng…

Các yếu tố vật chất mà tự nhiên tạo ra có thể kể tới cảnh đẹp thiên nhiên: sông, núi, vịnh, hang động…

7 bước xây dựng mô hình 7P trong Marketing 

Ở trên, chúng tôi đã đề cập chi tiết 7 yếu tố của mô hình 7P trong Marketing. Vậy cách áp dụng mô hình này như nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua case study của Burger King. 

Tổng quan về thương hiệu Burger King

Được thành lập vào năm 1954, Burger King là chuỗi cửa hàng bánh hamburger thức ăn nhanh lớn thứ hai trên thế giới. Hiện tại, thương hiệu này đã có mặt trên 71 quốc gia. Có thể nói Burger King là một trong những thương vận dụng mô hình 7P trong Marketing thành công nhất. 

7p trong marketing của burger king

Dưới đây là 7 bước áp dụng mô hình này của Burger King.

Bước 1: Hiểu rõ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp

Là một chuỗi cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh, Burger King cung cấp các sản phẩm như: bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, salad, hay các loại đồ uống như cà phê, nước trái cây…

Điều gì làm nên sự khác biệt khi Burger King cũng chỉ bán đồ ăn giống như các đối thủ của mình?

Câu trả lời là thương hiệu này cho phép cá nhân hóa từng đơn hàng của mình. Ví dụ, khách hàng có thể đa dạng hóa các lựa chọn của mình bao gồm khoai tây chiên hoặc hành tây, các loại sốt như mayonaise, hay các loại rau. Chính điều này giúp Burger King trở nên khác biệt, và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Burger King cũng đưa ra nhiều lựa chọn đi kèm với cà phê (vani, mocha, hay lớp kem phủ bên trên).

Bước 2: Định giá phù hợp

Burger King cũng đã bắt tay với McDonald’s cho ra mắt bánh burger gấp đôi phô mai chỉ có giá 1 USD. Một số chi nhánh nhượng quyền của thương hiệu này cũng tuyên bố giảm giá, và chấp nhận việc sụt giảm lợi nhuận.

Ngoài ra, nhằm cạnh tranh với McDonald’s, thương hiệu này cũng cho ra mắt đồ uống mùa hè với giá 1 USD.

Bước 3: Xây dựng hệ thống kênh phân phối

Burger King nhân rộng độ hiện diện của mình thông qua hình thức nhượng quyền. Các bên nhận nhượng quyền sẽ bỏ tiền ra mua lại thương hiệu của Burger King bao gồm cách bài trí, nội thất, cho đến những trang thiết bị. 

Thương hiệu này thu lại lợi nhuận thông qua 3 nguồn thu chính: doanh thu từ nhà hàng Burger King, tiền bản quyền và phí nhượng quyền thương mại, cuối cùng là thu nhập từ tài sản cho thuê.

Bước 4: Xúc tiến, quảng bá dịch vụ của doanh nghiệp

Thương hiệu này cũng đưa ra rất nhiều chiến dịch quảng bá. Điển hình là chương trình tìm kiếm tài năng, người chơi sẽ gửi video thể hiện tài năng của mình cho Burger King. Giải thưởng là mua tất cả các món trong menu với giá 1 USD. 

Ngoài ra, chuỗi cửa hàng này còn khởi động các tour lưu động với khẩu hiệu “Di chuyển nhanh chóng đến nơi tiếp theo” ngụ ý rằng Burger King phục vụ đồ ăn nhanh chóng không làm lãng phí thời gian của khách hàng.

Bước 5: Chú trọng vào yếu tố con người

Để đưa ra những chính sách đúng đắn, không thể không nhắc tới John W. Chisley – Giám đốc điều hành của Burger King. Điều đầu tiên mà ông thay đổi đó là cơ cấu, việc sở hữu một chuỗi cửa hàng sẽ đội chi phí rất nhiều, tuy nhiên nếu không mở rộng chuỗi thì không thể bao phủ được thị trường. Để giải quyết vấn đề này, ông đã sử dụng hình thức nhượng quyền, vừa cắt giảm chi phí mà vẫn đảm bảo được độ hiện diện của thương hiệu.

Vào năm 2009. Burger King đã ghi tên mình vào danh sách “40 doanh nghiệp biến hóa đa dạng nhất” của tạp chí Black Enterprise.

Bước 6: Tối ưu quy trình

Chiến lược của Burger King tập trung vào những khách hàng sẵn sàng chi tiêu nhiều nhất tại các cửa hàng của mình. Tệp khách hàng này sẽ đến cửa hàng trung bình 10 lần mỗi tháng.

Chuỗi thương hiệu này đã tăng giá bán tất cả các món trong menu, đặc biệt là khoai tây chiên và nước ngọt để đánh vào đúng đối tượng mục tiêu đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu. Bởi lẽ, đối với tập khách hàng này, họ rất muốn thể hiện đẳng cấp bằng việc mua những thứ đắt tiền.

Ngoài ra, Burger King cũng tập trung vào việc mở rộng, bổ sung thêm các cửa hàng mới nhằm giúp thâm nhập thị trường. Trong khoảng 3 năm, thương hiệu này đã mở thêm 400 cửa hàng mới.

Bước 7: Cải thiện cơ sở vật chất

Burger King có trụ sở nằm tại vùng ngoại ô Miami thuộc bang Florida, Mỹ với hơn 11.900 nhà hàng trên khắp 50 tiểu bang gồm 107 cửa hàng ở Alabama, 122 ở Arizona, 336 ở Michigan và 547 tại Florida.

Chuỗi cửa hàng này sở hữu riêng trang web để đăng tải thông tin của công ty như thông cáo báo chí, hay tình hình cổ phiếu.

Hình ảnh của cửa hàng cũng được Burger King đầu tư rất nhiều, với kiến trúc hình hộp, hiện đại.

Tổng kết

7P là mô hình, công cụ cực kỳ hữu ích cho các doanh nghiệp. Mô hình này giúp doanh nghiệp thấu hiểu được khách hàng của mình và đưa ra những giải pháp kịp thời. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường.

Hiểu được tầm quan trọng của 7P trong Marketing, trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp tới anh/chị những thông tin chi tiết về mô hình này như:

  • 7P trong Marketing là gì
  • Phân biệt mô hình 4P và 7P trong Marketing Mix
  • Các yếu tố chính của mô hình 7P trong Marketing
  • 7 bước áp dụng mô hình 7P trong Marketing thông qua case study của Burger King

Hy vọng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp anh/chị có thêm hiểu biết về mô hình 7P trong marketing và áp dụng hiệu quả cho các chiến lược marketing trong doanh nghiệp mình. 

Ghé thăm blog của chúng tôi thường xuyên để tìm đọc các bài viết hay về Marketing nhé!

Tham khảo thêm một số bài viết hay khác:

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả