Bảng cân đối kế toán là gì? Mẫu và cách lập chi tiết

12/11/2024
32272

Bảng cân đối kế toán (CĐKT) là một thành phần trong báo cáo tài chính, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Vậy cấu trúc của bảng CĐKT là gì? Mẫu, cách lập và cách đọc hiểu BCĐKT doanh nghiệp như thế nào? Tham khảo ngay bài viết dưới đây của MISA AMIS Kế Toán để được giải đáp chi tiết.

1. Tổng quan về bảng cân đối kế toán

1.1. Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán là một trong 4 báo cáo cực kỳ quan trọng của hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Nói cách khác đây là “Bức ảnh chụp nhanh” phản ảnh đến người xem hiện trạng Tài sản – Nguồn vốn của doanh nghiệp tại thời điểm chụp.

1.2. Ý nghĩa của Bảng CĐKT

Bảng CĐKT là cơ sở để đánh giá được tình hình tài chính doanh nghiệp. Bảng báo cáo này có ý nghĩa:

  • Phản ánh tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp: BCĐKT cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua một số yếu tố như
    • Tính thanh khoản: Khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt để doanh nghiệp có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong ngắn hạn.
    • Hiệu quả: Đánh giá mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản để tạo ra doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp
    • Đòn bẩy: Đánh giá khả năng chịu đựng rủi ro tài chính của doanh nghiệp
    • Lịch sử tài chính: Thể hiện tình hình tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định
  • Đánh giá doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh: Làm căn cứ để chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan khác đánh giá khả năng thanh toán, khả năng sinh lời và tiềm năng tăng trưởng của mình với đối thủ.
  • Củng cố niềm tin cho các bên liên quan: Bảng cân đối kế toán là căn cứ để đưa ra các quyết định đầu tư, cấp vốn và hợp tác. Dựa vào BCĐKT, nhà đầu tư có thể đánh tính an toàn hay triển vọng cho các khoản đầu tư của họ. Các cơ quan pháp luật sẽ đối chiếu BCĐKT với các biểu mẫu thuế và tài liệu tài chính khác để đảm bảo tính chính xác

2. Bảng CĐKT gồm những gì?

Cấu trúc của bảng cân đối kế toán bảng cân đối kế toán gồm 2 phần: tài sản và nguồn vốn. Trong đó, tổng tài sản sản và tổng nguồn vốn phải bằng nhau.

Tài sản = Nguồn Vốn

Tài sản Ngắn hạn + Tài sản dài hạn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Cấu trúc của bảng cân đối kế toán
Cấu trúc của bảng cân đối kế toán

2.1. Phần tài sản

Theo Investopedia ” tài sản là bất kỳ thứ gì có giá trị có thể chuyển thành tiền mặt”

Trong BCĐKT, phần tài sản liệt kê toàn bộ nguồn lực doanh nghiệp đang có và có khả năng đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai và được chia làm 2 loại

  • Tài sản ngắn hạn: Là các tài sản có khả năng chuyển thành tiền mặt, có thể bán hoặc sự dụng không quá 12 tháng hoặc 1 chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Tài sản dài hạn: Là các tài không dễ dàng chuyển thành tiền mặt, thường được sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên 12 tháng.

Các thành phần trong từng loại tài sản như sau:

Loại tài sản Bao gồm
Tài sản ngắn hạn Tiền mặt và các khoản tương đương tiền
Các khoản phải thu ngắn hạn
Đầu tư tài chính ngắn hạn
Hàng tồn kho
Tài sản ngắn hạn khác có thời gian thu hồi hoặc thời gian sử dụng không quá 12 tháng
Tài sản dài hạn Các khoản phải thu dài hạn
Tài sản cố định
Đầu tư tài chính dài hạn
Bất động sản đầu tư
Tài sản dở dang dài hạn
Tài sản dài hạn khác

2.2. Phần nguồn vốn

Trên BCĐKT, nguồn vốn được chia thành 2 thành phần chính là nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Trong đó:

  • Nợ phải trả: Là khoản nợ ngắn hạn, dài hạn và một số khoản nợ khác mà doanh nghiệp phải chi trả bằng cách sử dụng các nguồn lực của mình. Nợ phải trả bao gồm:
    • Nợ ngắn hạn: Khoản nợ có thời hạn thanh toán dưới 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
    • Nợ dài hạn: Khoản nợ có thời hạn chi trả từ 12 tháng trở lên hoặc trên một chu kỳ kinh doanh.
  • Vốn chủ sở hữu: Thể hiện số tiền còn lại của doanh nghiệp sau khi trừ đi khoản nợ phải
    • Vốn chủ sở hữu: là khoản vốn mà cổ đông và các thành viên góp vốn sở hữu như: thặng dư vốn cổ phần, cổ phiếu quỹ,…
    • Nguồn kinh phí và quỹ khác: Tổng kinh phí sự nghiệp, dự án được cấp để chi tiêu cho hoạt động sự nghiệp, dự án và nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ

>>Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc bảng cân đối kế toán chi tiết

3. Mẫu bảng cân đối kế toán 2024 theo thông tư 200

Kế toán viên có thể lập bảng CĐKT theo 2 mẫu sau:

  • Mẫu BCĐKT của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
  • Mẫu BCĐKT của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

3.1. Mẫu BCĐKT năm của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Với doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục, sử dụng bảng mẫu bảng cân đối kế toán số B 01 – DN ban hành theo thông tư 200/2014/BTC. Tải mẫu B 01 – DN TẠI ĐÂY

Mẫu BCĐKT dành cho doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
Mẫu BCĐKT dành cho doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục

3.2. Mẫu BCĐKT năm của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Với doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục, sử dụng bảng mẫu số B 01/CDHĐ – DNKLT ban hành theo thông tư 200/2014/BTC. Tải mẫu TẠI ĐÂY

Mẫu bảng cân đối kế toán năm dành cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục
Mẫu bảng cân đối kế toán năm dành cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

4. Hướng dẫn lập Bảng cân đối kế toán (CĐKT) theo thông tư 200 chi tiết

4.1. Nguyên tắc lập và trình bày bảng CĐKT

Nguyên tắc lập

  • Nguyên tắc 1: Căn cứ theo quy định chuẩn mực kế toán, khi lập và trình bày bảng CĐKT cần tuân thủ theo nguyên tắc chung về lập báo cáo tài chính. Thêm vào đó, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả cần được phân loại riêng thành ngắn hạn và dài hạn theo nguyên tắc như sau:
    • Loại “Ngắn hạn” gồm các tài sản, nợ phải trả có khả năng thu hồi hoặc thanh toán trong vòng một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
    • Loại “Dài hạn” gồm các tài sản, nợ phải trả có khả năng thu hồi hoặc thanh toán dài hơn một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
    • Với doanh nghiệp có tính chất đặc thù, không thể phân biệt ngắn hạn và dài hạn theo chu kỳ kinh doanh thì phải trình bày phần Tài sản và Nợ phải trả theo tính thanh khoản giảm dần.
  • Nguyên tắc số 2: Nếu doanh nghiệp có chi nhánh hạch toán độc lập hoặc có các công ty con thì sẽ phải lập thêm bảng CĐKT hợp nhất, bằng cách cộng các khoản tương ứng của tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập khác, chi phí…và loại bỏ các khoản cần loại trừ.
  • Nguyên tắc số 3: Những chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên bảng cân đối kế toán. Kế toán viên cần sắp xếp lại các chỉ tiêu theo số thứ tự và tuân theo nguyên tắc liên tục trong từng phần.

Cơ sở lập

Cơ sở để lập bảng cân đối kế toán
Cơ sở để lập bảng cân đối kế toán

Chú ý: Bảng cân đối phát sinh tài khoản là bảng tổng hợp số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ và số dư cuối kỳ của tất cả các tài khoản trong kỳ kế toán của một doanh nghiệp. Đây là báo cáo cơ bản, tổng hợp toàn bộ số liệu hạch toán trong kỳ từ các tài khoản riêng biệt. Báo cáo này hỗ trợ kế toán lập BCĐKT được nhanh hơn, thuận tiện trong việc kiểm tra đối chiếu số liệu.

4.2. Các việc cần chuẩn bị trước khi lập BCĐKT

Các bước cần chuẩn bị trước khi lập bảng cân đối kế toán
Các bước cần chuẩn bị trước khi lập bảng cân đối kế toán
  • Bước 1: Kiểm tra số dưa đầu kỳ xem các tài khoản hiện tại có khớp với số trên BCĐKT kỳ trước không?
  • Bước 2: Kiểm tra bút toán kế toán hạch toán trong kỳ đến thời điểm lập Báo cáo. Rà soát số dư tài khoản tại ngày lập báo cáo, đối chiếu với Thuế, Bảo hiểm, Khách hàng,…
  • Bước 3: Kiểm tra bút toán phần bổ, kết chuyển cuối kỳ. Đảm bảo tài khoản đầu 5,6,7,8,9 có số dư bằng 0 tại thời điểm lập báo cáo. Khóa số liệu kế toán đến thời điểm lập báo cáo.
  • Bước 4: Kiểm tra sổ chi tiết theo tài khoản, Chi tiết theo đối tượng. Phân loại các tài sản, nợ phải trả theo loại “Ngắn hạn” và “Dài hạn”.
  • Bước 5: Lập “Bảng cân đối phát sinh tài khoản” trong kỳ báo cáo. Đối chiếu số dư nợ, dư có trên bảng cân đối phát sinh khớp với tài khoản.

4.3. Các bước lập bảng cân đối kế toán chi tiết

Bước 1: Xác định ngày lập báo cáo

BCĐKT được lập để đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể mà không phải trong một khoảng thời gian. Vì vậy, cần phải xác định ngày, tháng, năm lập báo cáo để ghi vào trong bảng cân đối kế toán.

Thông thường, BCĐKT được lập vào cuối năm tài chính. Báo cáo này cũng có thể được lập theo quý hoặc theo chu kỳ nửa năm (nếu cần).

Bước 2: Liệt kê các tài khoản trong bảng CĐKT và tính tổng tài sản

Cách lấy dữ liệu vào cột Số đầu kỳ

Từ số liệu trên Bảng cân đối kế toán của kỳ trước, kế toán chuyển toàn bộ số liệu sang báo cáo kỳ này sau khi đã kiểm tra tại bước chuẩn bị lập báo cáo.

Cách lấy dữ liệu vào cột Số cuối kỳ

  • Các chỉ tiêu sử dụng số dư cuối kỳ của các tài khoản mà không cần phân loại chi tiết “Ngắn hạn”, “Dài hạn” theo đối tượng, kế toán sử dụng Bảng cân đối phát sinh tài khoản để lập các chỉ tiêu này.
  • Các chỉ tiêu sử dụng số dư cuối kỳ của tài khoản, có phân loại chi tiết “Dài hạn” và “ Ngắn hạn” theo đối tượng, Kế toán sử dụng kết hợp Sổ chi tiết tài khoản đã phân loại chi tiết theo đối tượng và Bảng cân đối phát sinh tài khoản để tạo lập.

Cụ thể như bảng dưới đây:

TÀI SẢN Mã số Cách lấy số liệu
A B D
A – TÀI SẢN NGẮN HẠN 100 = 110+120+130+140+150
I. Tiền và các khoản tương đương tiền 110 = 111+112
1. Tiền 111 Số Dư Nợ TK 111, 112, 113
2. Các khoản tương đương tiền 112 Số Dư Nợ TK 1281,1288 – Các khoản đầu tư thời hạn dưới 3 tháng.
II. Đầu tư tài chính ngắn hạn 120 = 121+122+123
1. Chứng khoán kinh doanh 121 Số Dư Nợ TK 121 – hạn dưới 12 tháng
2. Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh (*) 122 Dư Có 2291 Ghi số âm – hạn dưới 12 tháng
3. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 123 Dư Nợ 1281, 1282, 1288 – Các khoản đầu tư từ 3 tháng đến 12 tháng.
III. Các khoản phải thu ngắn hạn 130 =131+132+133+134+135+136+137+139
1. Phải thu ngắn hạn của khách hàng 131 Số Dư Nợ chi tiết TK 131 (kỳ hạn thu tiền dưới 12 tháng)
2. Trả trước cho người bán ngắn hạn 132 Số Dư Nợ chi tiết TK 331  (số đã trả trước dưới 12 tháng)
3. Phải thu nội bộ ngắn hạn 133 Số Dư Nợ chi tiết TK 1362,1363,1368 (kỳ hạn thu tiền dưới 12 tháng)
4. Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng 134 Số Dư Nợ TK 337
5. Phải thu về cho vay ngắn hạn 135 Số Dư Nợ chi tiết TK 1283 (Phải thu dưới 12 tháng)
6. Phải thu ngắn hạn khác 136 Số Dư Nợ chi tiết TK 1385, 1388, 334, 338, 141, 244 (Phải thu dưới 12 tháng)
7. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (*) 137 Số Dư Có chi tiết TK 2293 Ghi số âm (dưới 1 năm)
8. Tài sản thiếu chờ xử lý 139 Số Dư Nợ TK 1381
IV. Hàng tồn kho 140 = 141+149
1. Hàng tồn kho 141 Số Dư Nợ TK 151, 152, 153, 154, 155, 156, ….
2. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho (*) 149 Số Dư Có chi tiết TK 2294 Ghi số âm
V. Tài sản ngắn hạn khác 150 = 151+152+153+154+155
1. Chi phí trả trước ngắn hạn 151 Số Dư Nợ chi tiết TK 242 (Phân bổ dưới 12 tháng)
2. Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 152 Số Dư Nợ TK 133
3. Thuế và các khoản phải thu Nhà nước 153 Số Dư Nợ chi tiết TK 333
4. Giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ 154 Số Dư Nợ TK 171
5. Tài sản ngắn hạn khác 155 Số Dư Nợ chi tiết TK 2288 -(Thời gian hoàn vốn dưới 12 tháng)
B- TÀI SẢN DÀI HẠN 200 = 210+220+240+250+260
I. Các khoản phải thu dài hạn 210 =211+212+213+214+215+216+219
1. Phải thu dài hạn của khách hàng 211 Số Dư Nợ chi tiết TK 131 (kỳ hạn thu tiền trên 12 tháng)
2. Trả trước cho người bán dài hạn 212 Số Dư Nợ chi tiết TK 331 (số đã trả trước trên 12 tháng)
3. Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc 213 Số Dư Nợ TK 1361
4. Phải thu nội bộ dài hạn 214 Số Dư Nợ chi tiết TK 1362, 1363, 1368 (hạn phải thu trên 12 tháng)
5. Phải thu về cho vay dài hạn 215 Số Dư Nợ chi tiết TK 1283 (Hạn phải thu trên 12 tháng)
6. Phải thu dài hạn khác 216 Số Dư Nợ chi tiết TK 1385, 1388, 334, 338, 141, 244 – trên 12 tháng
7. Dự phòng phải thu dài hạn khó đòi (*) 219 Số Dư Có chi tiết TK 2293  ghi số âm (Hạn trên 12 tháng)
II. Tài sản cố định 220 = 221+224+227
1. Tài sản cố định hữu hình 221 = 222+223
    – Nguyên giá 222 Số Dư  Nợ TK 211
    – Giá trị hao mòn luỹ kế (*) 223 Số Dư  Có TK 2141
2. Tài sản cố định thuê tài chính 224 =225+226
    – Nguyên giá 225 Số Dư  Nợ TK 212
    – Giá trị hao mòn luỹ kế (*) 226 Số Dư  Có TK 2142
3. Tài sản cố định vô hình 227 =228+229
    – Nguyên giá 228 Số Dư  Nợ TK 213
    – Giá trị hao mòn luỹ kế (*) 229 Số Dư  Có TK 2143
III. Bất động sản đầu tư 230 =231+232
1. Nguyên giá 231 Số Dư  Nợ TK 217
2. Giá trị hao mòn lũy kế (*) 232 Số Dư  Có TK 2147
IV. Tài sản dở dang dài hạn 240 =241+242
1. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn 241 Số Dư Nợ chi tiết TK 154 và Số Dư Có chi tiết TK 2294 (Hạn trên 12 tháng)
2. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang 242 Số Dư Nợ TK 241
V. Đầu tư tài chính dài hạn 250 = 251+252+253+254+255
1. Đầu tư vào công ty con 251 Số Dư  Nợ TK 221
2. Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết 252 Số Dư  Nợ TK 222
3. Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 253 Số Dư  Nợ chi tiết TK 2281
4. Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn (*) 254 Số Dư  Có ghi âm chi tiết TK 2292
5. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 255 Số Dư Nợ TK 1281, 1282, 1288 (nắm giữ  trên 12 tháng
VI. Tài sản dài hạn khác 260 = 261+262+268
1. Chi phí trả trước dài hạn 261 Số Dư  Nợ chi tiết TK 242 (hạn phân bổ  trên 12 tháng)
2. Tài sản thuế thu nhập hoãn lại 262 Số Dư  Nợ TK 243
3. Thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn 263 Số Dư Nợ chi tiết TK 1534 và dư Có chi tiết TK 2294 (Thời hạn trên 12 tháng)
4. Tài sản dài hạn khác 268 Số Dư  Nợ chi tiết TK 2288
TỔNG CỘNG TÀI SẢN (270 = 100 + 200) 270 = 100+200

Bước 3: Liệt kê các tài khoản nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu doanh nghiệp

Dưới đây là bảng trình bày phần nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán bao gồm các chỉ tiêu về nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu theo thông tư 200/2014/TT – BTC.

NGUỒN VỐN Mã số Cách lấy số liệu
C- NỢ PHẢI TRẢ 300 = 310+330
I. Nợ ngắn hạn 310 = 311+312+313+314+315+316+317+318+319+320+321+322+323+324
1. Phải trả người bán ngắn hạn 311 Số Dư Có chi tiết TK 331 (Phải trả dưới 12 tháng)
2. Người mua trả tiền trước ngắn hạn 312 Số Dư Có chi tiết TK 131 ( Khách hàng trả trước dưới 12 tháng)
3. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 313 Số Dư Có TK 333 (Khoản thuế phải trả dưới 12 tháng)
4. Phải trả người lao động 314 Số Dư Có TK 334 (Các khoản phải trả người lao động dưới 12 tháng)
5. Chi phí phải trả ngắn hạn 315 Số Dư Có TK 335 (Các khoản chi phí phải trả dưới 12 tháng)
6. Phải trả nội bộ ngắn hạn 316 Số Dư Có chi tiết TK 3362, 3363, 3368 (Phải trả nội bộ dưới 12 tháng)
7. Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng 317 Số Dư Có TK 337
8. Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 318 Số Dư Có chi tiết TK 3387 (Các khoản dưới 12 tháng)
9. Phải trả ngắn hạn khác 319 Số Dư Có chi tiết TK 338, 138, 344 (dưới 12 tháng)
10. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 320 Số Dư Có chi tiết TK 341 và 34311 (Các khoản vay, thuê tài chính có hạn trong vòng 12 tháng)
11. Dự phòng phải trả ngắn hạn 321 Số Dư Có chi tiết TK 352 (thời hạn dưới 12 tháng)
12. Quỹ khen thưởng phúc lợi 322 Số Dư Có của TK 353
13. Quỹ bình ổn giá 323 Số Dư Có của TK 357
14. Giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ 324 Số Dư Có TK 171
II. Nợ dài hạn 330 = 331+332+333+334+335+336+337+338+339+ 340+341+342+343
1. Phải trả người bán dài hạn 331 Số Dư Có TK 331 (Phải trả người bán hạn trên 12 tháng)
2. Người mua trả tiền trước dài hạn 332 Số Dư Có chi tiết TK 131 (Thời hạn trên 12 tháng)
3. Chi phí phải trả dài hạn 333 Số Dư Có TK 335 (Phải trả hạn trên 12 tháng)
4. Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh 334 Số Dư Có chi tiết TK 3361
5. Phải trả nội bộ dài hạn 335 Số Dư Có chi tiết TK 3362, 3363, 3368 (Phải trả nội bộ trên 12 tháng)
6. Doanh thu chưa thực hiện dài hạn 336 Số Dư Có chi tiết TK 3387 (Các khoản trên 12 tháng)
7. Phải trả dài hạn khác 337 Số Dư Có chi tiết TK 338, 344 (Các khoản trên 12 tháng
8. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 338 Số Dư Có chi tiết TK 341 (kỳ hạn trên 12 tháng) và
Dư Có TK 34311 trừ (-) dư Nợ TK 34312 cộng (+) dư Có TK 34313.
9. Trái phiếu chuyển đổi 339 Số Dư Có chi tiết của TK 3432
10. Cổ phiếu ưu đãi 340 Số Dư Có chi tiết TK 41112 –  (chi tiết loại cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả)
11. Thuế thu nhập hoãn lại phải trả 341 Số Dư Có TK 347
12. Dự phòng phải trả dài hạn 342 Số Dư Có chi tiết TK 352 (Các khoản trên 12 tháng)
13. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ 343 Số Dư Có của TK 356
D- VỐN CHỦ SỠ HỮU 400 = 410+430
I. Vốn chủ sở hữu 410 =411+412+413+414+415+416+417 +418+419+420+421+422
1. Vốn góp của chủ sở hữu 411 =411a+411b
    – Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết 411a Số Dư Có TK 41111
    – Cổ phiếu ưu đãi 411b Số Dư Có chi tiết TK 41112
2. Thặng dư vốn cổ phần 412 Số dư có TK 4112 (Trường hợp tài khoản này có số dư bên nợ: ghi số âm  chỉ tiêu này)
3. Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu 413 Số Dư Có chi tiết TK 4113
4. Vốn khác của chủ sở hữu 414 Số Dư Có Tài khoản 4118
5. Cổ phiếu quỹ (*) 415 Số Dư Nợ TK 419 (Ghi số âm)
6. Chênh lệch đánh giá lại tài sản 416 Số dư Có TK 412, (Trường hợp tài khoản có số dư bên nợ, ghi số âm chỉ tiêu này)
7. Chênh lệch tỷ giá hối đoái 417 Số dư Có TK 413 (Trường hợp tài khoản có số dư bên nợ, ghi số âm chỉ tiêu này)
8. Quỹ đầu tư phát triển 418 Số Dư Có TK 414
9. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 419 Số Dư Có TK 417
10. Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu 420 Số Dư Có tài khoản 418
11. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 421 =421a+421b
    – LNST chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước 421a Số Dư có TK 4211 (Số Dư Nợ: ghi số âm)
    – LNST chưa phân phối kỳ này 421b Số Dư có TK 4212 (Số Dư Nợ: ghi số âm)
12. Nguồn vốn đầu tư XDCB 422 Số Dư Có TK 441
II. Nguồn kinh phí và quỹ khác 430 = 431+432+433
1. Nguồn kinh phí 431 Số Dư Có TK 461 – Dư Nợ TK 161
2. Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ 432 Số Dư Có TK 466
TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN (440 = 300 + 400) 440 = 300+400

Sau khi lập xong dữ liệu kế toán kiểm tra lại chỉ tiêu:

“Tổng Cộng tài sản – 270”= “ Tổng Cộng nguồn vốn – 440”

Lưu ý: Phần phía trên là cách lập bảng cân đối kế toán với doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục, với doanh nghiệp không hoạt động liên tục cũng áp dụng các bước tương tự như trên.

Tuy nhiên có một số điều chỉnh như sau:

  • Không cần tách riêng ngắn hạn và dài hạn
  • Không cần trình bày các chỉ tiêu dự phòng vì tất cả phần tài sản và nợ phải trả đã được đánh giá lại theo giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị có thể thu hồi hoặc giá trị hợp lý. Các chỉ tiêu không cần trình bày bao gồm:
    • Chỉ tiêu dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh(122)
    • Chỉ tiêu Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn(254)
    • Chỉ tiêu Dự phòng phải thu khó đòi
    • Chỉ tiêu Dự phòng giảm giá hàng tồn kho(149)
    • Chỉ tiêu Nguyên Giá
    • Chỉ tiêu Hao mòn lũy kế

Các chỉ tiêu được lập và trình bày bằng cách gộp số liệu tương ứng ở phần ngắn hạn và dài hạn của trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

4.4. Ví dụ cách lập BCĐKT

Ví dụ 1: Doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh 12 tháng, Tại ngày 31/12/2020 có các khoản tiền gửi ngân hàng lần lượt là: Sổ tiết kiệm 1: số tiền 3 tỷ đồng thời hạn 2 tháng, Sổ tiết kiệm 2: Số tiền 5 tỷ đồng thời hạn 6 tháng, Sổ tiết kiệm 3: 10 tỷ đồng thời hạn 13 tháng.

Trình bày trên “Bảng cân đối kế toán” các khoản tiết kiệm trên như sau:

  • Sổ tiết kiệm 1 thời hạn 2 tháng < 3 tháng, phân loại là Tài sản “Ngắn hạn” được trình bày tại khoản mục “Các khoản tương đương tiền” Mã số 112: 3 tỷ.
  • Sổ tiết kiệm 2 thời hạn 6 tháng < 12 tháng, phân loại là Tài sản “Ngắn hạn” được trình bày tại khoản mục “ Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” Mã số 123: 5 tỷ.
  • Sổ tiết kiệm 3 thời hạn 13 tháng >12 tháng, phân loại là Tài sản “Dài hạn” được trình bày tại khoản mục “ Phải thu dài hạn khác” Mã số 216: 10 tỷ.

Phần Tài sản: các khoản mục được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.

Phần Nợ phải trả: các khoản mục được trình bày theo thời gian phải thanh toán tăng dần.

Hiện nay một số phần mềm kế toán thông minh trước khi lập BCTC sẽ tự động kiểm tra sai lệch và đưa ra cảnh báo cho kế toán, tiêu biểu như phần mềm MISA AMIS. Phần mềm này còn có một số tính năng vượt trội khác như: tự động hạch toán, tự động nhập nhập liệu từ bảng excel, hóa đơn điện tử…giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất kế toán.

Bảng cân đối kế toán theo nhiều chi nhánh
Bảng cân đối kế toán theo nhiều chi nhánh

LẬP BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN CHUẨN CHỈNH VỚI MISA AMIS KẾ TOÁN

Dùng ngay miễn phí

Ví dụ: Trích một phần Bảng cân đối phát sinh tài khoản từ ngày 01/06/2020 đến ngày 30/06/2020 của Công ty cổ phần ABC. Phần dữ liệu “Số dư cuối kỳ” tô màu đỏ được sử dụng để lập bảng CĐKT tại thời điểm ngày 30/06/2020. Cụ thể như hình dưới đây:

Trích bảng cân đối tài khoản của Công ty cổ phần ABC 
Trích bảng cân đối tài khoản của Công ty cổ phần ABC từ ngày 01/01/20201 đến ngày 30/06/2020

Trong bảng trên: Chỉ tiêu “111- Tiền” trên Bảng cân đối kế toán được tạo lập bằng cách lấy số dư nợ cuối kỳ tài khoản 111 và 112 . Cụ thể cách tính:

“Chỉ tiêu 111” = 911.684.359+18.219.312 = 929.903.671.

Tài khoản 131 có Số dư bên Có, Kế toán phải phân tách chi tiết số dư này theo từng hợp đồng theo hai khoản mục thời hạn thanh toán <12 tháng và > 12 tháng. Cách nhận biết để phân loại chi tiết số dư này như bảng dưới đây:

CHI TIẾT SỐ DƯ TÀI KHOẢN 131 THEO ĐỐI TƯỢNG
ĐVT: Đồng
STT MÃ ĐƠN VỊ TÊN ĐƠN VỊ SỐ HỢP ĐỒNG/ HÓA ĐƠN THỜI HẠN
THANH TOÁN
SỐ TIỀN
1 KH003 Công ty CP giấy MBE HDMB02/2020 60 ngày 1,400,000,000
2 KH005 Công ty CP EFCA 05.2020 EFCA 30 ngày 38,500,000
TỔNG CỘNG 1,438,500,000

Kế toán căn cứ vào điều khoản “thời hạn thanh toán” trên hợp đồng hoặc hóa đơn để phân loại. Trong ví dụ này, tất cả các hợp đồng bán hàng đều có thời hạn thanh toán <12 tháng, được phân loại “Ngắn hạn” và ghi nhận vào phần Nguồn Vốn chỉ tiêu “312- Người mua trả tiền trước” cụ thể như sau: “Chỉ tiêu 312” = 1.438.500.000.

Ghi chú: Dữ liệu trên là dữ liệu thực tế của một đơn vị được lập trên phần mềm kế toán MISA, dữ liệu đã được lược bỏ bớt và tên đơn vị được thay đổi để bảo mật.

5. Hướng dẫn đọc và phân tích BCĐKT

Bước 1: Đọc các thông tin cơ bản về doanh nghiệp như đặc điểm hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, quy mô, mục tiêu của doanh nghiệp,…

Bước 2: Hiểu rõ kỹ thuật phân tích: Có 2 kỹ thuật bạn cần nắm vững khi phân tích là kỹ thuật phân tích theo chiều ngang và kỹ thuật phân tích theo chiều dọc. Trong đó:

  • Chiều ngang: So sánh sự biến động của các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán tại các thời điểm khác nhau.
  • Chiều dọc: Tính toán mối tương quan về tỷ lệ giữa các chỉ tiêu liên quan trên Bảng cân đối và so sánh sự thay đổi tỷ lệ đó theo thời gian.

Bước 3: Đọc số liệu tổng quan như tổng tài sản, tổng nguồn vốn

Bước 4: Phân tích các số liệu

Bước 5: Đánh giá và đưa ra nhận định cơ bản

>>xem chi tiết tại: Hướng dẫn phân tích chi tiết các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán

6. Một số lưu ý quan trọng khi lập BCĐKT

Sử dụng Bảng cân đối phát sinh tài khoản để bắt đầu việc lập báo cáo. Lập lần lượt các chỉ tiêu theo danh sách Tài khoản có số dư trên Bảng cân đối phát sinh tài khoản. Khi lập xong một chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán, bạn đã sử dụng những tài khoản nào trên Bảng cân đối phát sinh tài khoản thì phải đánh dấu lại để tránh bỏ sót hoặc sử dụng hai lần số liệu đó.

Với các chỉ tiêu phải tách Số dư tài khoản theo đối tượng có thời hạn “Dưới 12 tháng” và “Trên 12 tháng”, thông thường là các tài khoản công nợ hoặc đầu tư gồm: TK131, 331, 138, 338, 136, 336, 141, 128, 334, 341.., kế toán thực hiện tách đối tượng trên sổ chi tiết tài khoản. Căn cứ để tách là:

  • Điều khoản “Thời hạn thanh toán hoặc thời gian hoàn vốn” trên hợp đồng mua bán hàng hóa, hoặc hóa đơn, thỏa thuận hợp tác kinh doanh, hợp đồng vay vốn, hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng tiền gửi,…để xác định tài sản, nguồn vốn là ngắn hạn hay dài hạn.
  • Một số công nợ nội bộ hoặc khoản đầu tư không có điều khoản liên quan đến thời hạn như: tạm ứng nhân viên, mua hàng hóa dịch vụ giữa các đơn vị nội bộ, đầu tư tài chính,…có thể căn cứ vào: quy định về thanh toán nội bộ, quy chế tài chính, quyết định của Giám đốc, nghị quyết của hội đồng quản trị về khoản đầu tư,… để xác định thời hạn.

>>Xem thêm: Một số sai sót hạch toán tạm ứng tài khoản 141

Khi lập “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” và “Thuyết minh báo cáo tài chính”, cần thường xuyên đối chiếu chéo với các số liệu trên Bảng cân đối kế toán từ đó có thể dễ dàng trong việc phát hiện các sai sót (nếu có).

Ghi cùng lúc hai khoản mục “Ngắn hạn” và “Dài hạn” để tránh bỏ sót dữ liệu khi ghi nhận số liệu vào BCĐKT với cùng một tài khoản.

7. Cách xử lý khi lập bảng CĐKT xong mà không cân

Khi Tổng tài sản không bằng Tổng nguồn vốn, cần kiểm tra lại như sau:

Rà soát lại các bước “Chuẩn bị lập báo cáo”, một số lỗi cơ bản như:

  • Chưa kết chuyển hết số dư trên các tài khoản đầu 5,6,7,8,9;
  • Bảng cân đối số phát sinh chưa cân, do sai sót trong hạch toán;
  • Quên chưa khóa sổ kế toán, dẫn đến các kế toán khác tiếp tục hạch toán vào số liệu trong kỳ lập báo cáo.

Nếu các bước trên đều đã đúng, tiếp tục kiểm tra các lỗi:

  • Bỏ sót số liệu trên Bảng cân đối số phát sinh khi lập báo cáo (lỗi hay gặp nhất) dẫn đến thiếu dữ liệu phần “Tài Sản” hoặc “Nguồn Vốn” từ đó Bảng cân đối kế toán không cân;
  • Ghi nhận sai số liệu từ số dư cuối kỳ của tài khoản lên bảng CĐKT;
  • Nhầm lẫn giữa Số dư Nợ, Số dư Có của các tài khoản có số dư hai bên như: 131, 331, 138, 338, 136, 336, 141… dẫn đến số liệu phải ghi nhận vào phần “Tài sản” thì ghi sang phần “Nguồn vốn” và ngược lại.

8. Tạm kết

Trên đây là tổng hợp thông tin chi tiết về bảng cân đối kế toán là gì? Mẫu bảng CĐKT, cách lập và các điều cần lưu ý. MISA AMIS hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tự tin hơn trong việc lập và “kiểm soát” số liệu trên Bảng CĐKT.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Với nghiệp vụ lập báo cáo tài chính, phần mềm hiện nay tự động hóa việc lập báo cáo – tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác. Hơn nữa, phần mềm có đầy đủ báo cáo quản trị – hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.

Anh/Chị kế toán doanh nghiệp có thể đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả