Nghiệp vụ Thuế Thuế giá trị gia tăng là gì? Nội dung thuế VAT chi...

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay còn gọi là VAT (Value-Added Tax) là một trong những loại thuế phổ biến, hầu hết các loại hàng hóa đều phải chịu loại thuế này ở mức 10% hoặc 5%. Để hiểu rõ hơn, bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về Thuế giá trị gia tăng là gì, đối tượng chịu thuế, cách tính thuế GTGT và toàn bộ những quy định liên quan tới thuế VAT chi tiết nhất.

1. Thuế giá trị gia tăng là gì?

Theo điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:

“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, thuế giá trị gia tăng (VAT) là loại thuế gián thu được cộng vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng sản phẩm chi trả khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó. 

Thuế VAT có những đặc điểm cơ bản như:

  •  Là một loại thuế gián thu

Mặc dù người tiêu dùng là người chi trả thuế GTGT, nhưng người trực tiếp đóng thuế GTGT cho cơ quan nhà nước lại chính là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Khoản thuế này được nộp vào Ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

  • Là loại thuế có đối tượng chịu thuế lớn

Thuế GTGT được đánh thuế trên phạm vi toàn lãnh thổ. Đối với các trường hợp cần khuyến khích sử dụng thì Nhà nước sẽ không thực hiện đánh thuế hoặc đánh thuế với mức thuế suất thấp

thuế giá trị gia tăng
Thuế GTGT là gì ?

2. Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT

2.1. Đối tượng chịu thuế GTGT 

Đối tượng chịu thuế VAT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. 

Hầu hết các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đều thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT được liệt kê bên dưới đây.

2.2. Đối tượng không chịu thuế GTGT

Theo điều 4 thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư 151/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC) quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm:

  • Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu
  • Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền
  • Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp
  • Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl)
  • Chuyển quyền sử dụng đất
  • Các dịch vụ tài chính, kinh doanh chứng khoán, ngân hàng
  • Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
  • Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ…
  • ………………………

Và một số đối tượng khác không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định theo pháp luật 

>> Xem chi tiết: 26 nhóm hàng hóa/dịch vụ không chịu thuế GTGT

Khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, doanh nghiệp không cần kê khai nộp thuế. Thuế GTGT đầu vào của các hàng hóa dịch vụ này sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí hoặc nguyên giá tài sản.

Trong trường hợp DN sản xuất, kinh doanh đồng thời cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT, kế toán phải theo dõi riêng thuế VAT đầu vào của 2 nhóm hàng hóa dịch vụ này. Nếu không thể tách riêng được số thuế GTGT đầu vào dùng chung, kế toán tiến hành phân bổ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ chịu thuế theo tỉ lệ giữa doanh thu hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu. Hướng dẫn chi tiết cách Phân bổ thuế GTGT đầu vào tại đây

3. Thuế suất GTGT

Căn cứ theo luật thuế giá trị gia tăng 2008 và các luật sửa đổi của luật thuế này, thuế suất thuế giá trị gia tăng hiện nay gồm các mức: 0%; 5% và 10%

3.1. Mức thuế suất 0% 

Theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng 2008, luật số 13/2008/QH12, Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 quy định về đối tượng chịu thuế GTGT 0%, mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ dưới đây:

  •  Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: bao gồm hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, bán vào khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế…; dịch vụ cung ứng cho khách hàng nước ngoài hoặc KH trong khu phi thuế quan; các trường hợp khác được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
  • Vận tải quốc tế
  • Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải: Một số dịch vụ hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp cho các tổ chức nước ngoài hoặc thông qua đại lý (như cung cấp suất ăn, băng chuyền hành lý, bốc xếp…)

3.2. Mức thuế suất 5% 

Theo quy định tại Thông tư số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư số 12/2015/NĐ-CP, bổ sung một số điều của Thông số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài Chính về Hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định mức thuế suất 5% áp dụng cho hàng hoá, dịch vụ sau:

  • Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt
  • Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng
  • Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ. Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp
  • Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản
  • Mủ cao su sơ chế 
  • Thực phẩm tươi sống 
  • Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường
  • Sản phẩm bằng đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công 
  • Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế 
  • Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập 
  • Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim
  • Đồ chơi cho trẻ em; Sách các loại
  • Dịch vụ khoa học và công nghệ 
  • Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở.

>> Xem chi tiết: Đối tượng chịu thuế Giá trị Gia tăng 5%

3.3. Mức thuế suất 10%

Theo quy định tại điều 11, thông tư 219/2013/TT-BTC, ngoại trừ các hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 0%, 5% và không chịu thuế GTGT, các hàng hóa dịch vụ còn lại chịu mức thuế suất thuế GTGT 10%.

Thuế suất thuế GTGT

4. Cách tính thuế GTGT

4.1. Cách tính thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ

  • Đối tượng áp dụng

Theo Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC phương pháp khấu trừ thuế bắt buộc áp dụng với đối tượng:

Cơ sở kinh doanh (trừ hộ, cá nhân kinh doanh) thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng thì bắt buộc áp dụng kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Ngoài ra, một số tổ chức khác không bắt buộc nhưng có thể tự nguyện đăng ký áp dụng phương pháp kê khai này.

  • Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Theo đó công thức tính thuế GTGT theo phương pháp sau:

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

Số thuế GTGT đầu ra/đầu vào = Giá tính thuế GTGT x thuế suất thuế GTGT 

  • Giá tính thuế GTGT sẽ bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Kế toán cần lưu ý tính đúng giá tính thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

>> Xem thêm: Thuế GTGT hàng nhập khẩu

Ngoài ra, số thuế GTGT đầu vào để được khấu trừ thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào và thực hiện theo các nguyên tắc khấu trừ quy định tại thông tư 219/2013/TT-BTC

Ví dụ: 

Công ty CoZic nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, kê khai theo quý. Quý I/2020, sau khi tổng hợp hóa đơn, xác định thuế GTGT đầu ra đã kê khai là 30 triệu đồng, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là 12 triệu đồng.

Công ty CoZic tiến hành tính số thuế GTGT phải nộp cho quý I/2020:

Số thuế GTGT phải nộp  = 30 triệu – 12 triệu = 18 triệu

Phần mềm kế toán online MISA AMIS hỗ trợ tự động tổng hợp hóa đơn để tính số thuế GTGT phải nộp, tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính chính xác. Đồng thời phần mềm còn tự động cập nhật thông tư, các quy định về thuế GTGT và các loại thuế khác.

profit margin là gì

4.2. Cách tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng

  • Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu

Trong đó:

Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

  •  Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
  • Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
  • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%; 
  • Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Ví dụ:

Công ty LoKa tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng. Công ty bán 1 lô hàng áo T-shirt, ghi nhận doanh thu 30.000.000VNĐ, thuế suất thuế GTGT 5%. Vậy số thuế GTGT công ty B phải nộp là: 30.000.000 x 5% = 1.500.000VNĐ

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách tính thuế GTGT phải nộp theo các phương pháp

** Trường hợp đặc biệt: Đối với trường hợp đặc biệt là hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc đá quý sẽ có cách thức tính thuế GTGT riêng theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT được tính như sau, quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC)

Thuế GTGT phải nộp = GTGT x Thuế suất GTGT

Trong đó:

GTGT = Giá thanh toán bán ra – Giá thanh toán mua vào tương ứng

5. Hoàn thuế GTGT

Hoàn thuế VAT là một khoản thuế được cơ quan Nhà nước trả lại cho người nộp thuế sau khi họ đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đây là khoản tiền đã thuộc Ngân sách nhà nước nhưng được trả lại cho người nộp thuế số tiền thuế VAT đầu vào đã nộp khi mua hàng hóa – dịch vụ. 

 Hoàn thuế GTGT chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Môt số trường hợp hoàn thuế GTGT:

  • Cơ sở KD hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên 
  • Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.
  • Cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư mới chưa đi vào hoạt động, sau khi bù trừ số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư với số thuế GTGT phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mà số thuế chưa bù trừ hết lớn hơn 300 triệu đồng.

Ngoài ra, có 4 trường hợp khác được hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

>> Xem chi tiết: tổng hợp các trường hợp được hoàn thuế GTGT

6. Hạch toán thuế giá trị gia tăng

6.1. Hạch toán thuế GTGT đầu vào

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 như sau: 

  • Bên Nợ: Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
  • Bên Có:

+ Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;

+ Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;

+ Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;

+ Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:

+ Tài khoản 1331: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ dùng vào sản xuất, kinh doanh đối tượng chịu thuế GTGT

+ Tài khoản 1332: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của tài sản cố định

6.2. Hạch toán thuế GTGT đầu ra

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 như sau:

Bên Nợ:

  • Số thuế GTGT đã được khấu trừ trong kỳ;
  • Số thuế GTGT đã nộp vào NSNN trong kỳ;
  • Số thuế GTGT được giảm trừ vào số thuế phải nộp;
  • Số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá.

Bên Có:

  • Số thuế GTGT đầu ra và số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp;
  • Số dư bên Có cho biết Số thuế GTGT còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Tài khoản 3331 có 2 tài khoản cấp 3:

+ Tài khoản 33311 – Thuế giá trị gia tăng đầu ra

+ Tài khoản 33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu

hạch toán thuế GTGT

7. Quy định về kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng 

7.1. Hướng dẫn kê khai thuế GTGT trên phần mềm HTKK

Để thực hiện kê khai thuế GTGT nhanh chóng và chính xác trên phần mềm HTKK, cần thực hiện các bước dưới đây:

  • Bước 1: Tải phần mềm HTKK bản mới nhất và ấn đăng nhập

kê khai thuế HTKK

  • Bước 2: Chọn tờ khai

Trên giao diện chọn “Tờ khai” => Chọn “Thuế Giá trị gia tăng” và lựa chọn đúng loại tờ khai GTGT ứng với cách kê khai của doanh nghiệp

Có 2 mẫu tờ khai các doanh nghiệp thường sử dụng:

+ Tờ khai thuế GTGT khấu trừ theo mẫu 01/GTGT (kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ)

+ Tờ khai thuế GTGT trên doanh thu theo mẫu 04/GTGT (kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp)

Kế toán cập nhật các số liệu lên tờ khai thuế GTGT theo đúng nội dung các chỉ tiêu của tờ khai.

Xem hướng dẫn chi tiết cách lập tờ khai thuế GTGT

  • Bước 3: Chọn kỳ kê khai thuế GTGT

Tại kỳ kê khai thuế GTGT, tích chọn “Tờ khai tháng” hoặc “Tờ khai quý” theo mong muốn của doanh nghiệp. Tại đây, doanh nghiệp cần lựa chọn kỳ kê khai theo đúng tình trạng của doanh nghiệp ở thời điểm kê khai. Cụ thể:

  • Đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý:

+ Doanh nghiệp mới thành lập

+ Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề từ 50 tỷ trở xuống

  • Đối tượng kê khai thuế theo tháng: Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề trên 50 tỷ

Sau đó, lựa chọn “Tờ khai lần đầu” hoặc “Tờ khai bổ sung”, chọn “Danh mục ngành nghề”“Phụ lục kê khai” rồi nhấn “Đồng ý”

  • Bước 4: Hoàn thiện tờ khai thuế GTGT theo mẫu 01/GTGT

Chúng ta có thể hoàn thiện tờ khai thuế GTGT theo 3 cách dưới đây:

+ Dùng số liệu phần mềm kế toán

+ Dùng số liệu đã hạch toán trên sổ kế toán

+ Dùng bảng Excel để tổng hợp số liệu mua vào – bán ra theo các chỉ tiêu hiển thị trên tờ khai

  • Bước 5: Nộp tờ khai

Sau khi hoàn tất các bước, doanh nghiệp thực hiện xuất tờ khai dưới dạng XML để nộp tờ khai, với hóa đơn điện tử thì lựa chọn hình thức nộp tờ khai thuế qua mạng.

7.2. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng

Theo Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC, thời hạn kê khai và nộp thuế GTGT được quy định như sau:

  • Khai và nộp thuế theo tháng: Chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.
  • Khai và nộp thuế theo quý, tạm tính theo quý: Chậm nhất là ngày 30 của quý tiếp theo.
  • Khai và nộp thuế theo năm: Chậm nhất là ngày 20 của tháng đầu tiên – năm dương lịch.
  • Khai và nộp theo từng lần phát sinh: Chậm nhất là ngày thứ 10, tính từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Khai quyết toán thuế năm: Chậm nhất là ngày thứ 90, tính từ thời điểm kết thúc năm dương lịch/năm tài chính.

>> Xem chi tiết: Thời hạn nộp thuế gtgt và cách xử lý vấn đề chậm nộp thuế gtgt theo quy định 

8. Mức xử phạt khi nộp chậm, không nộp thuế VAT

Ngoài việc có nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN thì cá nhân và tổ chức còn phải đảm bảo nộp đúng hạn và đúng số lượng. Nếu không hoàn thiện nộp thuế cho NSNN đúng hạn, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý theo đúng quy định của Nhà nước. Theo đó:

Mức tiền chậm nộp = 0,03% /ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp NSNN

Thời gian tính chậm nộp: tính liên tục kể từ ngày tiếp theo của ngày phát sinh chậm nộp đến ngày liền kề phía trước ngày hoàn thiện nộp thuế cho NSNN

Số thuế chậm nộp: Người nộp thuế phải tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định và hoàn thiện nộp thuế cho NSNN sớm nhất. Nếu người nộp thuế có khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp, thực hiện theo quy định của Khoản 1 – Điều 60 Luật số: 38/2019/QH14.
Trường hợp đặc biệt: Sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa hoàn thiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp thông báo cho người nộp thuế số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

Việc tìm hiểu và nắm rõ các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp và trường hợp không tính tiền chậm nộp sẽ giúp kế toán doanh nghiệp có được cái nhìn tổng thể chung nhất về cách thức xử lý doanh nghiệp chậm nộp thuế GTGT vào NSNN.

Như vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chi tiết về thuế GTGT là gì, các quy định và cách tính thuế VAT, hi vọng bài viết đã phần nào cung cấp cho các bạn một cái nhìn tổng quan về loại thuế phổ biết này.

Trong xu thế ứng dụng khoa học, công nghệ vào mọi lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực tài chính kế toán khiến công việc của kế toán viên trở nên đơn giản, nhanh chóng và chính xác hơn. Các công cụ quản lý tự động như phần mềm kế toán online MISA AMIS giúp kế toán hạn chế tối đa các sai sót trong công tác kê khai thuế, đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức của kế toán viên một cách hiệu quả so với việc thực hiện các thao tác thủ công như trước đây.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS hiện nay còn giảm bớt gánh nặng nghiệp vụ thuế, trong đó có nghiệp vụ về thuế GTGT cho người làm kế toán thông qua việc:

  • Tự động tổng hợp hóa đơn để tính số thuế GTGT phải nộp, tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính chính xác
  • Tự động hóa việc chuyển số liệu thuế GTGT, thuế TTĐB vào các chứng từ: mua vào – bán ra ở các phân hệ có liên quan.
  • Tự động cập nhật thông tư, các quy định về thuế GTGT và các loại thuế khác
  • Đáp ứng mọi phương pháp kê khai thuế, kế toán chỉ cần tích chọn phương pháp kê khai
  • Tự động thống kê, xây dựng báo cáo thuế đầy đủ, nhanh chóng
  • Tích hợp thêm dịch vụ kê khai thuế MTAX.VN cho phép kế toán viên nộp trực tiếp tờ khai đã lập trên phần mềm, doanh nghiệp có thể xuất tờ khai ra định dạng xml để nộp qua cổng nhận tờ khai của cơ quan thuế.

Tham khảo ngay phần mềm kế toán online MISA AMIS để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn.

Nhận tư vấn MISATác giả tổng hợp: Kiều Lục

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]