Một trong những cách hiệu quả để tạo dấu ấn đặc biệt trong các chiến dịch marketing là sử dụng marketing gimmick. Khi các hoạt động gimmick được sử dụng hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tạo ra dấu ấn riêng biệt và có sự kết nối nhất định với khách hàng.
I. Marketing gimmick là gì?
Marketing gimmick là một hình thức marketing với những “chiêu trò” độc đáo, bất ngờ, độc quyền, hài hước, đôi khi là kỳ quặc hoặc gây tranh cãi để thương hiệu nổi bật giữa đám đông và dễ dàng ghi nhớ.
Marketing gimmick có thể gồm:
- Quảng cáo sáng tạo
- Khuyến mãi bắt mắt
- Bao bì độc đáo
- Quà tặng giới hạn
- Khẩu hiệu đáng nhớ
- …
Mục tiêu của marketing gimmick là tạo ra sự nổi bật và khác biệt, khiến khách hàng ấn tượng mạnh mẽ, tò mò, từ đó thôi thúc tìm hiểu sản phẩm, và cuối cùng thúc đẩy doanh số bán hàng.
Dù mang tính ngắn hạn nhưng marketing gimmick đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng tiềm năng.
Để tránh bị xem là các chiêu trò marketing hời hợt, chiến lược gimmick marketing cần đảm bảo phù hợp với hình ảnh và giá trị cốt lõi của thương hiệu, đồng thời mang lại giá trị thực sự cho khách hàng.
II. Cách thức hoạt động của Marketing gimmick
Marketing gimmick hoạt động bằng cách tác động trực tiếp vào tâm lý người tiêu dùng khi họ nhận thông tin về sản phẩm. Cách này khiến họ có ấn tượng đặc biệt đến sản phẩm hoặc dịch vụ từ doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp, người tiêu dùng có thể cảm thấy sự kết nối với các thông điệp quảng cáo của doanh nghiệp.
Những cách thức hoạt động của marketing gimmick phổ biến:
- Tạo sự khác biệt: tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt so với các sản phẩm cạnh tranh. Điều này có thể thông qua thiết kế sản phẩm độc đáo, bao bì hấp dẫn, hoặc các chương trình khuyến mãi sáng tạo.
- Tạo sự khan hiếm: Sử dụng các chiến dịch khan hiếm, như sản phẩm phiên bản giới hạn, để tạo ra cảm giác cấp bách cho khách hàng, khiến họ cảm thấy cần phải hành động ngay lập tức.
- Gây chú ý: Sử dụng hình ảnh bắt mắt, video sáng tạo hoặc nội dung hài hước để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
- Kích thích cảm xúc: Kích thích niềm vui, sự hồi hộp hoặc cảm giác hào hứng, để tạo ra ấn tượng sâu sắc.
- Khuyến khích tương tác: Tham gia cuộc thi, chương trình tặng quà, hoặc cho phép tùy chỉnh sản phẩm. Điều này không chỉ tạo ra sự tương tác mà còn giúp khách hàng cảm thấy có kết nối với thương hiệu.
III. 8 loại chiêu trò Marketing gimmick phổ biến
1. Quảng cáo sáng tạo
Chiêu thức này sử dụng yếu tố hài hước hoặc gây sốc trong quảng cáo để khiến người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm hoặc gây bất ngờ để kích thích sự thảo luận.
Ví dụ, quảng cáo của Điện máy Xanh năm 2016 với khẩu hiệu “Bạn muốn mua tivi đến Điện máy XANH” đã viral khắp mạng xã hội.
Với thông điệp dễ nhớ, hình ảnh độc đáo, quảng cáo này đã giúp Điện máy Xanh thu về 14.304 bình luận, 15.068 chia sẻ và 167.464 tương tác chỉ trong 9 ngày từ khi ra mắt. (Theo số liệu cung cấp bởi Buzzmetrics)
2. Khuyến mãi bất ngờ
Giảm giá lớn trong thời gian ngắn hoặc cung cấp quà tặng miễn phí để kích thích mua sắm. Đồng thời, cung cấp sản phẩm mẫu hoặc quà tặng kèm giúp khách hàng có cơ hội trải nghiệm sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua cũng là chiêu trò marketing phổ biến trong chiến lược khuyến mãi bất ngờ.
Chiến lược này rất hiệu quả với các sản phẩm mới hoặc dịch vụ cần trải nghiệm thực tế. Chiêu trò marketing khuyến mãi bất ngờ thường tạo ra sự khẩn cấp và kích thích khách hàng đưa ra quyết định nhanh chóng,…
3. Sản phẩm phiên bản giới hạn (Limited Edition)
Hoạt động marketing gimmick này đưa ra sản phẩm phiên bản giới hạn về màu sắc, bao bì, hoặc tính năng đặc biệt nhằm tạo cho khách hàng cảm giác độc quyền và hiếm có, khuyến khích khách hàng mua nhanh trước khi hết hàng.
Những chiếc ly giới hạn của Starbucks trong các mùa lễ hội là ví dụ điển hình trong trường hợp này.
Những chiếc ly “quyền lực” khiến khách hàng “xếp slot” xuyên đêm đã khiến thương hiệu Starbucks vừa tăng trưởng doanh thu vượt trội, vừa khiến khách hàng khao khát sở hữu sản phẩm và ủng hộ thương hiệu lâu dài.
4. Bao bì và thiết kế độc đáo
Thiết kế bao bì hoặc hình thức sản phẩm bắt mắt để gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bao bì lạ mắt hoặc có yếu tố vui nhộn thường dễ dàng thu hút khách hàng và có khả năng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
5. Cuộc thi và mini-game trên mạng xã hội
Tổ chức các cuộc thi hoặc trò chơi nhỏ yêu cầu khách hàng tham gia để giành giải thưởng. Đây là cách tốt để tăng tương tác, nhận diện thương hiệu và khuyến khích khách hàng chia sẻ.
6. Tùy chỉnh & cá nhân hóa sản phẩm
Đưa ra các sản phẩm có thể cá nhân hóa theo sở thích hoặc thông tin cá nhân của khách hàng, chẳng hạn như in tên hoặc thông điệp lên sản phẩm.
Ví dụ, Coca-Cola từng in tên khách hàng trên vỏ chai, tạo nên chiến dịch “Share a Coke” thành công.
Đọc thêm: Cẩm nang xây dựng content mapping: Cá nhân hóa hoạt động marketing
7. Sự kiện độc đáo
Tổ chức các sự kiện đặc biệt hoặc không gian trải nghiệm để khách hàng có thể tương tác trực tiếp với sản phẩm hoặc thương hiệu.
Các buổi giới thiệu sản phẩm thực tế ảo hoặc sự kiện thử nghiệm tại cửa hàng thường được tổ chức trong các hoạt động marketing gimmick.
8. Lời mời độc quyền và sự kiện VIP
Gửi lời mời đặc biệt tới một nhóm khách hàng giới hạn hoặc VIP để họ cảm thấy mình đặc biệt.
Ví dụ, Apple thường tổ chức các buổi ra mắt sản phẩm dành riêng cho một số khách hàng và báo chí.
IV. Case study marketing gimmick nổi tiếng
1. Chiến dịch đầy tranh cãi Pepsi Challenge vào năm 1975
“Chiêu trò” marketing từng gây tranh cãi nhất đến giờ có thể kể đến chiến dịch Pepsi Challenge vào những năm 1970.
Vào năm 1975, Pepsi đã khởi động một chiến dịch nếm thử “bịt mắt” để so sánh hương vị của mình với Coca-Cola. Người tham gia được thử hai loại nước ngọt mà không biết nhãn hiệu và chọn loại mình thích.
Kết quả cho thấy hơn 50% người tham gia thích Pepsi hơn, giúp thương hiệu này có cú hích lớn và ngay lập tức, họ phát động chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên TV là các đoạn ghi hình từ chiến dịch để chứng minh Pepsi được yêu thích hơn Coca.
Mặc dù kết quả khách hàng có vẻ ủng hộ Pepsi, nhưng chiêu trò marketing này nằm ở việc người tham gia chỉ uống một ngụm nhỏ. Trong khi vị chính của Pepsi là “ngọt”, còn Coca là vị sắc mà hãng gọi là “bite”.
Với một ngụm nhỏ, người tiêu dùng thường thích vị ngọt hơn và Pepsi có lợi thế trong thử nghiệm này. Nếu được yêu cầu uống hết một cốc, kết quả có thể đã khác, người thử sẽ có xu hướng ngán vị ngọt và dễ dàng bị thu hút bởi hương vị phức tạp hơn.
Trong trường hợp này, chiêu trò marketing của Pepsi khả năng cao sẽ thất bại và Coca-cola có thể Coca-Cola sẽ thắng nhờ hương vị “bite” của mình.
Cuộc thử nghiệm gimmick này cũng đã khiến Coca-Cola rơi vào hoảng loạn và có những chiến lược sai lầm. Họ đã phản ứng bằng cách phát hành công thức mới “New Coke”, nhưng thất bại và Coca-Cola rơi vào khủng hoảng truyền thông sau đó.
Đọc thêm: New Coke & cuộc khủng hoảng truyền thông của Coca Cola
2. Whopper Sacrifice của Burger King tạo ra tác động lớn trên mạng xã hội
Năm 2009, Burger King đã phát hành chiến dịch “Whopper Sacrifice”, trong đó người dùng Facebook phải xoá 10 người bạn khỏi danh sách bạn bè trên nền tảng để nhận được một chiếc bánh Whopper miễn phí.
Theo Ông Matt Walsh, trưởng phòng thiết kế tương tác tại công ty quảng cáo Crispin Porter & Bogusky, chiến dịch này thực tế mang một ý nghĩa thiết thực về định nghĩa tình bạn của người sử dụng mạng xã hội.
Ông Walsh chia sẻ rằng, mạng xã hội cho phép người dùng được giao lưu và kết nối với đa dạng “tình bạn” khác nhau, nhưng thực chất một vài kiểu “tình bạn” này sẽ khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu thực sự có “tình bạn” trong thời đại số này không.
Mặc dù đây là một chiến dịch đơn giản, nhưng nó là một trong những chiến dịch đầu tiên đẩy giới hạn trong không gian mạng xã hội và tạo ra tác động đáng kể.
Chiến dịch đã thu hút sự ý đông đảo với gần 20.000 chiếc Whopper đã được gửi đi và hơn 200.000 bạn bè trên Facebook đã bị xóa.
Lúc này, Facebook gửi thông báo cho những người bạn bị xóa khỏi danh sách bạn bè, nên cứ mỗi người tham gia chiến dịch, có tới 10 người khác nhìn thấy thông tin này. Thế nên, mỗi chiếc Whopper mà Burger King tặng, 10 người dùng khác đã thấy thương hiệu xuất hiện trong thông báo của họ.
Chiến dịch này cho thấy lợi ích rõ ràng của việc đưa ra những quyết định marketing khác biệt so với đối thủ và dám thực hiện những chiến lược mà các thương hiệu khác có thể không dám thử.
Chiến dịch “Share a Coke” từ Coca Cola bắt đầu vào năm 2014, đã tạo nên một cú hit lớn nhờ vào việc tận dụng yếu tố cá nhân.
Thay vì sử dụng logo truyền thống, Coca-Cola đã in tên riêng của từng người lên các lon nước. Điều này đã kích thích được tính tò mò và thích thú của người tiêu dùng với lon nước được “thiết kế riêng” cho khách hàng bằng tên của họ.
Chiến dịch đã khai thác mong muốn của khách hàng mục tiêu là được nhìn nhận như những cá nhân riêng biệt. Chiến dịch gimmick này đã giúp Coca-Cola tăng 2% doanh số và nhanh chóng trở thành xu hướng trên mạng xã hội.
Việc cá nhân hoá một sản phẩm hàng ngày như lon nước đã biến nó từ một mặt hàng đơn thuần thành một trải nghiệm thú vị, mang lại cho người tiêu dùng cảm giác lựa chọn và làm cho việc mua đồ uống tặng bạn bè hoặc người thân trở nên mới mẻ hơn.
V. Tạm kết
Việc khéo léo sử dụng marketing gimmick đã góp phần xây dựng thương hiệu bền vững và tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ dành cho khách hàng. Những chiến lược sáng tạo hay chiêu trò marketing bất ngờ giúp thương hiệu khẳng định được vị thế trên thị trường đầy cạnh tranh, đồng thời xây dựng được lòng trung thành từ khách hàng.