Báo cáo tài chính giữa niên độ là bản tổng hợp tài chính được lập để phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của một doanh nghiệp tại thời điểm giữa năm tài chính. Bài viết dưới đây MISA AMIS sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin quan trọng về loại báo cáo này.
1. Báo cáo tài chính giữa niên độ là gì?
Căn cứ theo Chuẩn mực số 27 thuộc Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 12/2005/QĐ-BTC, báo cáo tài chính giữa niên độ được hiểu như sau:
Báo cáo tài chính giữa niên độ gồm các báo cáo đầy đủ theo quy định trong Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính” hoặc các báo cáo tài chính tóm lược quy định trong Chuẩn mực này cho một kỳ kế toán giữa niên độ.
2. Đối tượng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ
Theo quy định tại Điều 99 của Thông tư 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, việc lập BCTC giữa niên độ áp dụng cho một số đối tượng cụ thể:
– Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ hoặc sở hữu cổ phần chi phối, cùng với những đơn vị có lợi ích công chúng
– Đối với các doanh nghiệp khác không thuộc nhóm trên, việc lập báo cáo này chỉ mang tính chất khuyến khích và không phải là yêu cầu bắt buộc.
Báo cáo có thể được trình bày dưới dạng đầy đủ hoặc tóm tắt, tùy theo quyết định của chủ sở hữu, nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý liên quan.
Xem thêm: Báo cáo tài chính là gì? tổng hợp thông tin về báo cáo tài chính doanh nghiệp
3. Thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ
Thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ được quy định thực hiện vào mỗi quý của năm tài chính, ngoại trừ quý IV.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể lập theo các kỳ kế toán khác như tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng… tùy thuộc vào yêu cầu của pháp luật, của công ty mẹ hoặc chủ sở hữu.
Đối với các đơn vị kế toán đang trong quá trình chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản, thì phải được lập tại thời điểm diễn ra các sự kiện này.
Có thể bạn quan tâm: Các loại báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
4. Báo cáo tài chính giữa niên độ gồm nội dung gì?
Nội dung báo cáo tài chính giữa niên độ
BCTC giữa niên độ có thể được lập dưới hai hình thức: dạng đầy đủ và dạng tóm lược.
Đối với dạng tóm lược chỉ phản ánh các thông tin quan trọng và cơ bản của từng hạng mục. Nội dung của báo cáo tóm lược giữa niên độ bao gồm
- Bảng cân đối kế toán tóm lược;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tóm lược;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tóm lược; và
- Bản Thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc.
Dạng đầy đủ có các chỉ tiêu, mã số chỉ tiêu, nội dung phản ánh và phương pháp lập giống như báo cáo năm tương ứng. Khi lập và trình bày dạng đầy đủ, kế toán phải tuân thú các quy định cũng như nguyên tắc về lập và trình bày theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính”.
Nội dung phần thuyết minh báo cáo tài chính
Trong phần thuyết minh, doanh nghiệp cần nêu rõ rằng bctc giữa niên độ được lập và trình bày tuân thủ theo các chuẩn mực kế toán hiện hành. Báo cáo này chỉ được coi là phù hợp với các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt Nam khi đáp ứng đầy đủ các quy định do Bộ Tài chính ban hành.
Doanh nghiệp không cần trình bày lại các thông tin không quan trọng đã được đề cập trong báo cáo tài chính năm gần nhất mà cần tập trung vào việc làm rõ các sự kiện và giao dịch quan trọng giúp người dùng hiểu được những thay đổi tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp kể từ ngày lập báo cáo gần nhất.
Doanh nghiệp phải trình bày những thông tin mang tính trọng yếu, nếu chưa được đề cập trong báo cáo trước đây, dựa trên cơ sở lũy kế từ đầu năm đến thời điểm lập báo cáo. Ngoài ra, các sự kiện và giao dịch quan trọng trong kỳ kế toán giữa niên độ cũng cần được nêu rõ để người đọc có cái nhìn tổng quan về các thay đổi. Cụ thể, doanh nghiệp cần công bố các nội dung sau:
- Doanh nghiệp phải công bố việc lập báo cáo tài chính giữa niên độ và năm gần đây nhất là cùng áp dụng các chính sách kế toán như nhau. Trường hợp có thay đổi thì phải mô tả sự thay đổi và ảnh hưởng của những thay đổi này;
- Giải thích về tính thời vụ hoặc tính chu kỳ của các hoạt động kinh doanh trong kỳ kế toán giữa niên độ;
- Tính chất và giá trị của các khoản mục ảnh hưởng đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, thu nhập thuần, hoặc các luồng tiền được coi là các yếu tố không bình thường do tính chất, quy mô hoặc tác động của chúng;
- Những biến động trong nguồn vốn chủ sở hữu luỹ kế tính đến ngày lập báo cáo tài chính giữa niên độ, cũng như Phần thuyết minh tương ứng mang tính so sánh cùng kỳ kế toán trên của niên độ trước gần nhất;
- Tính chất và giá trị của những thay đổi trong các ước tính kế toán đã được báo cáo trong báo cáo giữa niên độ trước của niên độ hiện tại hoặc những thay đổi trong các ước tính kế toán đã được báo cáo trong các niên độ trước, nếu những thay đổi này có ảnh hưởng trọng yếu đến kỳ kế toán giữa niên độ hiện tại;
- Phát hành, mua lại và hoàn trả các chứng khoán nợ và chứng khoán vốn;
- Cổ tức đã trả (tổng số hay trên mỗi cổ phần) của cổ phiếu thường và cổ phiếu khác;
- Doanh thu và kết quả bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý, dựa trên cơ sở phân chia của báo cáo bộ phận;
- Những sự kiện trọng yếu phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ chưa được phản ánh trong các báo cáo tài chính giữa niên độ đó;
- Tác động của những thay đổi trong cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ kế toán giữa niên độ, chủ yếu là các nghiệp vụ hợp nhất kinh doanh, mua hoặc thanh lý công ty con, đầu tư dài hạn, tái cơ cấu và ngừng hoạt động;
- Những thay đổi trong các khoản nợ ngẫu nhiên hoặc các tài sản ngẫu nhiên kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm gần nhất.
Các kỳ kế toán phải trình bày
Báo cáo tài chính giữa niên độ, dù ở dạng tóm lược hay đầy đủ, phải bao gồm các kỳ kế toán cụ thể như sau:
- Bảng cân đối kế toán cần được lập vào ngày kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ hiện tại và phải kèm theo số liệu so sánh từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm trước.
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải bao gồm số liệu của kỳ kế toán giữa niên độ hiện tại, cũng như số liệu lũy kế từ đầu niên độ đến ngày lập báo cáo giữa niên độ đó. Số liệu này cũng có thể kèm theo số liệu so sánh từ báo cáo kết quả kinh doanh của kỳ giữa niên độ cùng kỳ năm trước.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần trình bày số liệu lũy kế từ đầu niên độ hiện tại đến ngày lập báo cáo giữa niên độ, kèm theo số liệu so sánh từ kỳ kế toán giữa niên độ của năm trước.
5. Quy định cụ thể về ghi nhận và xác định thông tin khi lập báo cáo tài chính giữa niên độ
Quy định về việc ghi nhận và xác định thông tin trong quá trình lập báo cáo tài chính giữa niên độ được thể hiện rõ qua các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc ghi nhận và xác định các khoản dự phòng: Việc ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, lỗ từ tái cơ cấu hoặc tổn thất phải tuân theo các nguyên tắc áp dụng tương tự như khi lập báo cáo tài chính năm. Nếu các khoản này đã được ghi nhận trong kỳ kế toán giữa niên độ và có sự thay đổi trong ước tính các yếu tố liên quan trong kỳ kế toán sau đó, doanh nghiệp phải điều chỉnh các ước tính ban đầu bằng cách hạch toán bổ sung khoản lỗ hoặc hoàn nhập các khoản dự phòng đã ghi nhận trước đây.
- Khoản chi phí không thỏa mãn định nghĩa tài sản: Nếu tại thời điểm cuối kỳ giữa niên độ, một khoản chi phí không đáp ứng định nghĩa của một tài sản, thì khoản chi phí đó không được hoãn lại trên Bảng cân đối kế toán để chờ đợi thông tin bổ sung trong tương lai nhằm xác định xem liệu chi phí có đủ điều kiện để được ghi nhận là tài sản hay không hoặc để che dấu các khoản lợi nhuận trong các kỳ kế toán giữa niên độ của năm tài chính
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp: Trong mỗi kỳ kế toán giữa niên độ, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải được ghi nhận dựa trên ước tính tối ưu về thuế suất bình quân gia quyền được dự tính cho cả năm tài chính. Nếu có thay đổi trong ước tính về thuế suất cho cả năm, số thuế phải nộp trong kỳ giữa niên độ sẽ cần được điều chỉnh trong các kỳ kế toán giữa niên độ sau của cùng năm tài chính đó.
Tìm hiểu thêm: Các bước lập báo cáo tài chính chi tiết – dễ hiểu – chuẩn pháp luật
6. Điều chỉnh báo cáo tài chính giữa niên độ đã được báo cáo trước đây
Việc thay đổi chính sách kế toán khác với việc thay đổi do Chuẩn mực kế toán mới được áp dụng. Trường hợp này cần được phản ánh bằng cách:
- Điều chỉnh lại báo cáo của các kỳ kế toán giữa niên độ trước của năm tài chính hiện tại và các kỳ kế toán giữa niên độ tương ứng có thể so sánh được của năm tài chính trước đây được điều chỉnh trong báo cáo tài chính năm theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 29 “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”; hoặc
- Khi không thể xác định được ảnh hưởng của việc áp dụng chính sách kế toán mới đến các kỳ trong quá khứ, thì thực hiện phi hồi tố chính sách kế toán mới kể từ kỳ sớm nhất có thể thực hiện được bằng cách điều chỉnh lại báo cáo tài chính của các kỳ giữa niên độ trước niên độ hiện tại và các kỳ kế toán so sánh giữa niên độ tương ứng.
Báo cáo tài chính giữa niên độ cung cấp dữ liệu quan trọng giúp các nhà quản lý và các bên liên quan hiểu rõ hơn về hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp trong một phần của năm tài chính. MISA AMIS hi vọng với bài viết trên đây sẽ giúp cho các anh chị kế toán và các nhà quản trị hiểu rõ hơn về báo cáo tài chính giữa niên độ, từ đó có thể lập BCTC giữa niên độ một cách chính xác nhất.
Phần mềm kế toán online MISA AMIS được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lập Báo cáo tài chính (BCTC) một cách nhanh chóng và chính xác và tích hợp nhiều tính năng khác như:
- Tự động hóa Báo cáo tài chính: MISA AMIS cho phép tự động hóa việc lập các báo cáo tài chính cần thiết như bảng cân đối kế toán, báo cáo lãi lỗ, và báo cáo dòng tiền, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót.
- Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: MISA AMIS hỗ trợ toàn diện các nghiệp vụ kế toán như lập và theo dõi bctc, quản lý công nợ, tính lương, quản lý thuế và các nghiệp vụ khác, đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành.
- Hệ sinh thái kết nối: MISA AMIS kết nối đồng bộ với các phần mềm khác trong hệ sinh thái MISA, như phần mềm bán hàng, nhân sự và quản lý tài sản, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý mọi hoạt động kinh doanh từ một nền tảng duy nhất.
- Xem báo cáo điều hành mọi lúc mọi nơi: Giám đốc, kế toán trưởng có thể theo dõi tình hình tài chính ngay trên di động, kịp thời ra quyết định điều hành doanh nghiệp.
Đăng ký để được tư vấn và dùng thử phần mềm kế toán online MISA AMIS trong 15 ngày tại đây