Mô hình Warwick – Giải pháp quản trị nhân sự hiệu quả cho doanh nghiệp

23/04/2024
222

Matsushita Konosuke – ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật từng nói, “Tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp chính là con người”. Nhân sự chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển thành công của một tổ chức.

Với vai trò ngày càng tăng của công tác quản trị nhân sự, các công ty cần triển khai một mô hình nhân sự toàn diện, phù hợp với chiến lược tổng thể. Một trong những mô hình nhân sự hiệu quả nhất hiện nay chính là Mô hình Warwick. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về khái niệm, các bước triển khai mô hình này qua bài viết dưới đây.

1. Mô hình Warwick là gì?

Mô hình Warwick là một mô hình quản trị nhân sự dùng để phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố bên ngoài và bên trong của doanh nghiệp tác động lên công tác quản trị nguồn nhân lực, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển các chính sách nhân sự phù hợp.

Mô hình này được phát triển bởi hai học giả của Đại học Warwick là Chris Hendry và Andrew Pettigrew vào năm 1986. Trong mô hình Warwick, quản trị nguồn nhân lực được coi là một phần không thể thiếu trong chiến lược tổng thể của tổ chức.

mô hình warwick
Các yếu tố trong mô hình Warwick

2. 5 yếu tố chính của Mô hình Warwick

Mô hình Warwick liệt kê và mô tả những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động lên chiến lược nhân sự của doanh nghiệp, đồng thời giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố đó. Mô hình này phân tích 5 yếu tố chính:

Bối cảnh bên ngoài

Mô hình Warwick nhấn mạnh tác động của môi trường bên ngoài lên quản trị nhân sự, bao gồm các yếu tố như: chính trị, kinh tế xã hội, thị trường lao động, công nghệ, pháp luật,… 

Ví dụ dân số già hóa có thể dẫn đến thiếu hụt lao động có tay nghề cao, buộc các công ty phải đầu tư vào chương trình đào tạo và phát triển nhân viên.

Bối cảnh bên trong

Bao gồm các đặc điểm của chính doanh nghiệp như: cơ cấu tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, kết quả kinh doanh… 

Ví dụ, trong một công ty có văn hóa đề cao sự đổi mới linh hoạt, công ty đó có thể có nhiều nhân viên tham gia đóng góp vào các chính sách nhân sự hơn là một công ty coi trọng sự ổn định, truyền thống.

Chiến lược kinh doanh

Đề cập đến chiến lược tổng thể của một tổ chức như mục tiêu, sản phẩm, thị trường, lợi thế cạnh tranh…

Điều này nhấn mạnh rằng công tác quản trị nhân sự không nên hoạt động một cách độc lập mà phải phù hợp với mục tiêu chung của tổ chức

Bối cảnh quản trị nhân sự

Yếu tố này tập trung vào nền tảng của đội ngũ nhân sự hiện tại. Chẳng hạn như vai trò, định nghĩa công việc và kết quả nhân sự…

Các yếu tố quản trị nhân sự

Bao gồm các hoạt động nhân sự cụ thể, chẳng hạn như tuyển dụng, đào tạo và phát triển, quản lý hiệu suất, hệ thống khen thưởng…

Ví dụ, một công ty đang chú trọng sự phát triển của nhân viên có thể đầu tư nhiều hơn vào các chương trình đào tạo & phát triển; trong khi một công ty đang xem xét việc cắt giảm chi phí có thể cân nhắc thận trọng về chính sách trả lương và phúc lợi.

misa-amis-hrm

3. Các bước áp dụng Mô hình Warwick

Cách sử dụng mô hình Warwick có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp. Dưới đây là 8 bước cơ bản để doanh nghiệp áp dụng mô hình này:

Bước 1: Phân tích môi trường bên ngoài

Doanh nghiệp cần phân tích các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng như thế nào đến tổ chức, như xu hướng kinh tế, phát triển công nghệ, quy định pháp luật… Từ đó xác định những cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Bước 2: Đánh giá bối cảnh bên trong

Mô hình Warwick nhấn mạnh việc đánh giá thực trạng của một tổ chức để có thể đưa ra chính sách nhân sự phù hợp. Doanh nghiệp cần phân tích các đặc điểm nội tại, bao gồm: cơ cấu tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, kết quả kinh doanh…  

Bước 3: Xem xét chiến lược kinh doanh

Các nhà quản lý nhân sự cần nắm rõ mục tiêu chung và các chiến lược kinh doanh của tổ chức, qua đó đảm bảo sự liên kết liền mạch giữa công tác quản trị nguồn nhân lực và hoạt động tổng thể của công ty.

Bước 4: Xây dựng chiến lược quản trị nhân sự

Dựa trên việc phân tích bối cảnh bên ngoài và bên trong, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược nhân sự phù hợp. Các khía cạnh như: tuyển dụng, đào tạo, quản lý hiệu suất và khen thưởng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào công tác phát triển kỹ năng lãnh đạo, đảm bảo rằng các nhà quản lý có thể hỗ trợ quá trình áp dụng chiến lược nhân sự.

mô hình warwick
Các nhà quản trị xem xét các yếu tố liên quan đến chiến lược kinh doanh, chiến lược nhân sự

Bước 5: Áp dụng vào doanh nghiệp

Sau khi hoàn thành việc xây dựng chiến lược nhân sự, doanh nghiệp cần đảm bảo triển khai nhất quán với các mục tiêu đã đề ra, nhằm phản ánh đúng giá trị và văn hóa của tổ chức.

Bước 6: Linh hoạt và thích ứng

Trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi sự biến động của cả môi trường bên ngoài lẫn bên trong, các tổ chức cần thích ứng với những thay đổi đó. Điều chỉnh chiến lược quản trị nhân sự linh hoạt có thể mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Bước 7: Đo lường và đánh giá

Sử dụng các chỉ số có thể đo lường để đánh giá tác động của chiến lược quản trị nhân sự tới sự phát triển tổng thể của doanh nghiệp. Các công ty cần giám sát liên tục và điều chỉnh chiến lược kịp thời dựa trên những dữ liệu thu thập được.

Bước 8: Tối ưu hóa chiến lược nhân sự

Thu thập đánh giá và học hỏi từ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai, doanh nghiệp có thể cải tiến liên tục các chính sách và chiến lược nhân sự. Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới môi trường bên ngoài và bên trong doanh nghiệp để điều chỉnh chiến lược nhân sự sao cho phù hợp với mục tiêu chung của tổ chức.

Mô hình Warwick khuyến khích các công ty tập trung vào “bức tranh tổng thể”. Nó nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần chú trọng đến mối liên hệ mật thiết giữa bản thân doanh nghiệp với các yếu tố bên ngoài và bên trong.

4. Kết luận

Tóm lại, mô hình Warwick là một mô hình toàn diện giúp xây dựng chiến lược nhân sự phù hợp trong nhiều bối cảnh. Các doanh nghiệp biết cách áp dụng mô hình Warwick hiệu quả có thể nắm bắt được sớm các cơ hội trong tương lai, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng hơn khi đối mặt với những thách thức của thị trường.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả