Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không? 

23/01/2024
403

Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không và quy định đối với con dấu hộ kinh doanh như thế nào? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu ngay trong những chia sẻ dưới đây.

1. Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?

Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về pháp nhân cụ thể như sau:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được quy định như sau:

– Hộ kinh doanh do một cá nhân/các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ

– Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền 01 thành viên làm đại diện hộ kinh doanh

– Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình nên không đáp ứng đủ điều kiện pháp nhân. Do đó, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. 

Xem thêm: Đặc điểm và quy định về Hộ kinh doanh 

2. Hộ kinh doanh có thể có con dấu không?

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2016/NĐ-CP về điều kiện sử dụng con dấu:

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng con dấu khi đã có quy định về việc được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phải đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng. 

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng một con dấu theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định

Như vậy, Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên không đủ điều kiện đăng ký sử dụng con dấu pháp nhân hay được phép đăng ký mẫu dấu và chịu sự điều chỉnh của Nghị định này. 

Tuy nhiên, pháp luật không cấm việc hộ kinh doanh có thể tự thiết kế, đặt in hay sử dụng con dấu để phục vụ hoạt động kinh doanh. Do đó, hộ kinh doanh có thể tự thiết kế con dấu và sử dụng với mục đích cung cấp thông tin. 

3. Những điều cần lưu ý về con dấu hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh có thể thiết kế và khắc con dấu của mình, không cần đăng ký với cơ quan quản lý kinh doanh, tuy nhiên cần tuân thủ quy định như sau:

– Mẫu dấu không được trùng lặp, gây nhầm lẫn với các mẫu dấu đã được thông báo tại Cổng thông tin điện tử về đăng ký doanh nghiệp

– Tùy vào nhu cầu mà nội dung con dấu được khắc sẽ khác nhau:

  • Nội dung trên con dấu của hộ kinh doanh thường bao gồm các thông tin: Tên hộ kinh doanh, Mã số thuế, Địa chỉ, Số điện thoại…
  • Nội dung con dấu cung cấp thông tin cho người mua hàng thường có nội dung: Đồng kiểm, đã thanh toán, quý khách vui lòng quay video khi bóc hàng…

– Mẫu dấu không được vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ

– Các con dấu hộ kinh doanh có thể sử dụng không có tính pháp lý mà được dùng để cung cấp thông tin và thường bao gồm các loại con dấu:

  • Con dấu vuông
  • Con dấu logo
  • Con dấu chữ ký

– Hộ kinh doanh không bị giới hạn về số lượng con dấu được sử dụng

4. Quy định khác đối với con dấu

Theo Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về Công tác văn thư:

“1. Sử dụng con dấu

a) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.

b) Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.

c) Các văn bản ban hành kèm theo văn bản chính hoặc phụ lục: Dấu được đóng lên trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục.

d) Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.đ) Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

2. Sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật

Thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức được sử dụng để ký số các văn bản điện tử do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao từ văn bản giấy sang văn bản điện tử.”

Khoản 9 Điều 24 Nghị định 99/2016/NĐ-CP cũng quy định về việc quản lý và sử dụng con dấu như sau: Con dấu đang sử dụng bị biến dạng, mòn, hỏng hoặc có thay đổi tổ chức, đổi tên thì phải thực hiện thủ tục đăng ký lại mẫu con dấu, nộp lại con dấu cũng như giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu. 

MISA hy vọng rằng những chia sẻ trên của chúng tôi có thể giúp bạn hiểu rõ về vấn đề “Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?” và những điều cần lưu ý về con dấu hộ kinh doanh. 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả