“Kiểm soát truyền thông, làm chủ lợi nhuận” – Hiểu và sử dụng sức mạnh của Hiệu ứng lan truyền trong Marketing

15/09/2023
859

“Marketing là cuộc chơi của sự ảnh hưởng,” Philip Kotler, một trong những huyền thoại trong lĩnh vực này, đã từng nói. Hiệu ứng lan truyền là cụ thể hóa cho quá trình ảnh hưởng này, làm cho một sản phẩm hay ý tưởng nhanh chóng được biết đến và chấp nhận rộng rãi. Đây không chỉ là một chiến lược marketing độc đáo mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Bài viết này sẽ đưa ra cái nhìn đa chiều về hiệu ứng lan truyền và cách tận dụng nó thành công. 

1.Hiệu Ứng Lan Truyền là gì?

Hiệu Ứng Lan Truyền, hay Hiệu Ứng Đám Đông (Tiếng Anh: Social Proof hay Informational Social Influence), là một hiện tượng tâm lý xã hội được nêu rõ đầu tiên bởi Tiến Sĩ người Mỹ Robert D. Cialdini. Theo đó, ông giải thích rằng: “Khi con người không chắc chắn điều gì, thay vì tìm kiếm câu trả lời bằng suy nghĩ và kiến thức của mình, họ sẽ dựa vào nhận xét và chứng thực từ môi trường bên ngoài. Một trong những yếu tố tác động tới quyết định và hành vi của họ là từ giọng nói và thông tin có ảnh hưởng lớn. Nhưng yếu tố quyết định chính là từ cá nhân xung quanh khác có điểm chung đối với họ.

Cụ thể hơn, Hiệu Ứng Lan Truyền dùng để lý giải xu hướng hành vi của một cá nhân chịu sự ảnh hưởng bởi hành động hoặc ý kiến từ những người xung quanh hoặc nhóm số đông giống họ. Nói cách khác, đây là hành vi chủ động chạy theo số đông.

Hiệu ứng này đặc biệt nổi bật khi thông tin cần tìm kiếm không rõ ràng, mỗi cá nhân không thể xác định được chính xác các yếu tố, hành vi thích hợp. Từ đó họ bị tác động bởi ý kiến xung quanh dẫn đến việc tin rằng cách giải quyết của đám đông là chính xác.

2. Vai trò của Hiệu Ứng Lan Truyền trong Marketing

Tại 1 nghiên cứu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 1 nhà hàng tô điểm và nhấn mạnh 1 món ăn cụ thể trong menu, sự tô điểm thể hiện thông điệp: “Đây là món ăn được ưa chuộng nhất của chúng tôi”. Từ đó, sản phẩm được nhấn mạnh tăng 13% – 21% mặc dù không có bất cứ sự thay đổi nào khác.

Hiệu Ứng Lan Truyền là hiện tượng tâm lý mạnh mẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của chiến dịch Marketing. Đây là một trong những công cụ tiếp thị hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ chuyển đổi và sự tin tưởng của khách hàng, đặc biệt đối với thương mại điện tử nói chung và Digital Marketing nói riêng.

Hiệu Ứng Lan Truyền giúp doanh nghiệp tạo được thông điệp ẩn, xây dựng lòng tin và uy tín trong việc quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên phản hồi tích cực và ủng hộ từ người khác. Đồng thời hiệu ứng này giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quảng cáo và đạt được hiệu quả cao hơn nhờ thông điệp được truyền tải bởi phương thức mouth-to-mouth.

Case Study

Hãy cùng tìm hiểu một chiến dịch thành công mang dấu ấn lớn trong ngành tiếp thị: “Chia sẻ 1 chai Coca-Cola” (tiếng Anh: Share a coke) của hãng nước giải khát quen thuộc Coca-Cola bắt đầu vào năm 2011. Đây là chiến dịch Marketing xuyên quốc gia hướng tới thị trường người tiêu dùng đánh giá cao sự kết nối, tình bạn và lưu giữ những kỉ niệm đẹp khi bên nhau.

Slogan cho chiến dịch đầy tinh tế: “Một cốc nước Coca-Cola với đá lạnh sẽ có vị ngon hơn khi chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc thậm chí là những người xa lạ”. Trong đó, điểm đặc biệt thu hút trong chiến dịch này là việc cá nhân hóa thị trường với tên riêng của từng người. Điều này cho phép mọi người có thể tạo liên kết cá nhân với sản phẩm và tìm thấy lý do để mua chai Coca-Cola. Thậm chí nếu không thể tìm thấy tên riêng của mình, bạn cũng có thể tìm được tên của một người thân quen nào đó. Hơn thế nữa, Coca-Cola còn cho phép người tiêu dùng có thể tự tạo tên hoặc cụm từ mình thích trên chai Coca, rồi chia sẻ hoặc thậm chí có thể đặt hàng để sở hữu chai Coca đó vĩnh viễn.

#shareacoke được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội bởi người tiêu dùng. Doanh số bán hàng trung bình của Coca-Cola lên tới 7% trong năm 2011. Tần suất lượt xem trên truyền thông cũng đã tăng hơn 18 triệu. Lưu lượng truy cập trang web của công ty tăng vượt trội, lên đến 870% so với phần trăm trước đó là 100%. Đồng thời, trang Facebook của Coca-Cola lên tới 39% so với các trang mạng xã hội khác.

Có thể nói, chiến dịch “Share a Coke” của Coca-Cola đã thành công nhờ hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Chiến dịch đã giúp Coca-Cola tiếp cận được với nhiều người hơn, đồng thời tạo ra sự kết nối cá nhân chặt chẽ giữa thương hiệu và người tiêu dùng.

Chiến dịch #shareacoke mang lại giá trị đặc biệt cho người tiêu dùng – nguồn: Youtube.com/share-a-coke

3.3 nguyên mẫu chính của Hiệu Ứng Lan Truyền

Để có thể áp dụng vào thực tiễn, cần hiểu rõ cách thức hoạt động của Hiệu Ứng Lan Truyền. dưới đây là 3 khuynh hướng chính của Hiệu Ứng Lan Truyền

3.1.Hiệu ứng đoàn tàu (Bandwagon Effect)

Hiệu ứng đoàn tàu là hành vi vô thức trong suy nghĩ, nhưng chủ động trong hành vi. Hiệu ứng miêu tả cá nhân có khuynh hướng tin hoặc làm theo lời nói hay hành động của người khác, cho dù hành động đó không phù hợp với nguyên tắc và niềm tin ban đầu, hay có khi không hiểu vì sao lại làm vậy nhưng cá nhân vẫn lựa chọn đi theo.

Hiệu ứng này len lỏi trong mọi ngóc ngách cuộc sống, đặc biệt xuất hiện trong hoạt động chính trị và hành vi người tiêu dùng. Có nhiều lý giải cho sự xuất hiện và tồn tại của hiệu ứng đoàn tàu, cụ thể

  • Con người có xu hướng tin vào trải nghiệm tương đối, hơn là tin vào con số tuyệt đối khi đối mặt với vấn đề cần giải quyết nhanh
  • Căn bệnh FOMO (Nỗi sợ bị bỏ lại, bị trở thành lỗi thời) luôn ám ảnh nhiều người
  • Cá nhân có xu hướng tin vào hành động được số đông cho là “đúng”
  • Xu hướng đi theo trend và cảm thấy hài lòng khi được xã hội chấp nhận

Để dễ hình dung, chúng ta có thể xem xét vào các ví dụ thực tiễn sau:

  • Tạo hiệu ứng “lăn bóng tuyết” (Snowball), càng nhiều người biết tới, càng nhiều người sử dụng. Ví dụ như hành động chạy theo trend trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook. 
  • Điện thoại flagship bày bán với giá cao ban đầu, rồi hạ giá mạnh khi ra mắt máy đời mới, tạo cảm giác “hết mốt” mang áp lực tới người tiêu dùng.

3.2.Hiệu Ứng Mặc Định (Default effect)

“Mặc định” trong kinh doanh là lựa chọn được sắp đặt ngay từ đầu khi không có sự can thiệp của người tiêu dùng. Nghiên cứu (researchgate.net) chỉ ra rằng phần lớn con người rất hiếm khi thay đổi lựa chọn đã được định sẵn. Microsoft cũng chỉ ra rằng 95% người sử dụng giữ nguyên cài đặt mặc định, kể cả để nguyên chế độ tắt các tính năng quan trọng như Tự Động Sao Lưu.

Hiểu một cách đơn giản, Hiệu Ứng Mặc Định giải thích tình huống khi cá nhân đang phân vân hoặc không có ấn tượng rõ ràng, thì đối tượng có thiên hướng lựa chọn phương án đã được định sẵn. Đa số thích mọi thứ được giữ nguyên, không muốn thay đổi những hành vi quen thuộc.

Nói cách khác, đa số thường lười suy nghĩ. Vì vậy những lựa chọn “Mặc định” cung cấp cho con người lối đi tắt và tín hiệu dẫn tới các cách thức “nên” chọn khi giải quyết vấn đề. Có thể thấy rằng, Hiệu Ứng Mặc Định là công cụ thiết kế đơn giản nhưng cực kì mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu, trong kinh doanh có 6 ứng dụng chính của Hiệu Ứng Mặc Định:

  • Mặc định đại trà (Mass Defaults): áp dụng cho tất cả khách hàng, không tùy chỉnh theo từng chân dung khách hàng. Doanh nghiệp áp dụng cách thức này khi biết rằng mặc dù đối với người tiêu dùng đây không phải lựa chọn rẻ nhất, nhưng thường họ không thay đổi.
  • Mặc định “tốt nhất” (Benign defaults): là cài đặt và quảng bá theo chuẩn đoán của thương hiệu về những gì mà khách hàng muốn. Từ đó giúp khách hàng không bị sao nhãng và giúp doanh nghiệp chủ động thu hẹp được chân dung chính của khách hàng.
  • Lựa chọn ẩn: trong trường hợp này, lựa chọn được hiển thị rõ nhất là lựa chọn mặc định, trong khi các lựa chọn khác tồn tại trong hệ thống. Các “lựa chọn ẩn” này vẫn có thể sử dụng, nhưng hành trình tìm kiếm phức tạp hơn.
  • Mặc định thông minh hóa: Những thiết lập mặc định này dựa trên dữ liệu khách hàng, từ dữ liệu cá nhân hoặc là một phần thông tin chính của một nhóm khách hàng cụ thể. Thường mặc định này được thiết kế dựa trên thông tin vị trí hoặc dân số thống kê.
  • Mặc định kéo dài (Persistent defaults): sử dụng dữ liệu lựa chọn trong quá khứ của người tiêu dùng để quyết định những thiết lập mặc định phục vụ tính tiện lợi cho khách hàng khi họ quay trở lại.
  • Mặc định thích ứng (Adaptive defaults): cập nhật thông tin liên tục trong thời gian thực, hoạt động như chuyên viên tư vấn giúp người tiêu dùng tìm được bộ tính năng hoàn hảo và hợp mong muốn nhất.

3.3.Hiệu Ứng Bầy Đàn (Herd effect)

Hiệu Ứng Bầy Đàn là tập con của Hiệu Ứng Đoàn Tàu. Hiệu ứng này mô tả cá nhân chịu sự ảnh hưởng bởi đám đông, từ đó suy nghĩ và hành vi bị thay đổi mạnh mẽ kể cả đi lệch với niềm tin ban đầu.

Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt, tâm lý ảnh hưởng bởi Hiệu Ứng Bầy Đàn hầu hết mang tính bị động hơn so với 2 hiệu ứng trên. Chính vì thế hiệu ứng này nếu không kiểm soát triệt để, thì thường mang lại kết quả tiêu cực.

Người Việt phẫn với quyết định của trọng tài
“Bão phẫn nộ” từ cộng đồng người dùng Việt Nam thường thấy trên trang Facebook của các trọng tài đảm nghiệm trận đá của đội tuyển Việt Nam. – nguồn: Facebook

Mặc dù khó kiểm soát, Hiệu Ứng Bầy Đàn được sử dụng trong mọi khía cạnh của hoạt động doanh nghiệp, từ các bài Blog, chiến dịch quảng cáo, tới tạo dựng hình ảnh chung cho toàn thể thương hiệu. Hiệu ứng này thấy rõ nhất khi chiến dịch Marketing tạo dựng được làn sóng “viral”, trong kết quả tích cực lẫn tiêu cực.

Với tư cách là Marketer, Hiệu Ứng Bầy Đàn là vũ khí 2 lưỡi cần phải chú ý sử dụng cẩn thận. Khi bạn muốn đưa hiệu ứng này vào thông điệp chiến dịch, thay vì lấy mong muốn và nỗi đau của khách hàng đối tượng làm chủ đạo, nội dung cần tập trung vào nhóm người tiêu dùng mang điểm tương đồng với đối tượng muốn nhắm đến. Chiến dịch với nội dung “…còn bạn thì sao?” hoặc “…đã đến lúc chúng ta cần phải…” là điển hình rõ ràng nhất khi đưa Hiệu Ứng Bầy Đàn vào thông điệp.

4.10 phương pháp tận dụng Social Proof tiêu biểu nhất trong môi trường số hóa

Với sự phát triển của Internet, người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm nhanh chóng hơn bao giờ hết chỉ bằng 1 lần nhấp chuột. Đối với đối tượng khách hàng mới sử dụng, họ thường tìm các nguồn thông tin đáng tin cậy khác ngoài nội dung chính của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định. Đây chính là nơi Hiệu Ứng Lan Truyền tác động mạnh mẽ tới hành vi mua hàng của người tiêu dùng.

4.1.Đánh giá và chứng thực

Một trong những cách sử dụng Hiệu Ứng Lan Truyền cơ bản nhất là đưa ra xếp hạng và đánh giá tích cực. 91% người tiêu dùng đọc đánh giá trước khi đưa ra quyết định mua hàng hoặc đăng ký gói dịch vụ.

Phần lớn người tiêu dùng đọc từ 1 đến 6 đánh giá trước khi mua hàng, 12% nói rằng họ đọc trên 10 đánh giá, thấp nhất là không đọc dưới 10%.

Dựa vào ví dụ dưới đây, trang chủ chính của MISA AMIS thiết kế với mục tiêu làm rõ đánh giá từ trải nghiệm khách hàng và thành tích đạt được. 

 trải nghiệm và đánh giá của khách hàng về MISA AMIS
Sau nội dung miêu tả sơ bộ về sản phẩm và công ty, trải nghiệm và đánh giá của khách hàng được đặt kế tiếp, có thể thấy MISA AMIS tự hào về trải nghiệm và giá trị cao cấp mang lại được cho khách hàng.

Có thể thấy, sự trung thực với khách hàng là cách cực kỳ hữu hiệu để tạo độ tin cậy của thương hiệu và sản phẩm. Từ trải nghiệm của khách hàng khác, người tiêu dùng cảm thấy an tâm khi mua hàng và hợp tác với doanh nghiệp bạn. Chính vì thế, các đánh giá cần được thiết kế hiệu quả sao cho người tiêu dùng tìm kiếm nhanh nhất.

4.2.Nghiên cứu tình huống (Case study)

Case study được sử dụng rộng rãi trong mô hình B2B, nhưng ngược lại không có quá nhiều tác động tới mô hình B2C hay thương mại điện tử.

Nếu chạy chiến dịch cho thương hiệu B2B, doanh nghiệp cần đưa Case study làm yếu tố chú ý hàng đầu. Đây là công cụ hiệu quả giúp làm rõ điểm mạnh của doanh nghiệp, tạo ấn tượng tốt và động lực mong muốn hợp tác đối với khách hàng.

Case study hoặc câu chuyện của khách hàng là các mẫu thông tin, bài viết chia sẻ những nỗi lo, “điểm đau (pain points)” của khách hàng trước khi họ tìm đến thương hiệu để tìm cách giải quyết vấn đề. Từ đó giúp thương hiệu có vấn đề tương đồng nhìn trước được cách giải quyết vấn đề đang gặp và kết quả có tiềm năng trước khi ký hợp đồng.

Câu chuyện khách hàng của MISA AMIS
Pain point được làm rõ từ mẩu chuyện nhỏ được chia sẻ bởi người dùng, cho tới các bài báo nêu cách giải quyết vấn đề của MISA AMIS

Từ những bài Blog, bài chia sẻ, khách hàng tiềm năng có thể hiểu rõ sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp có thực sự giải quyết được vấn đề của họ hay không.

4.3.Khách hàng/nhà cung cấp nổi tiếng & đáng tin cậy

Đặt khách hàng và nhà cung cấp đã có “máu mặt” trong thị trường để quảng bá thương hiệu cũng chính là một trong những cách sử dụng Hiệu Ứng Lan Truyền hiệu quả phổ biến nhất. Được chứng thực bởi khách hàng hoặc thương hiệu có tiếng nói, sẽ làm tăng độ tin cậy và đưa tên thương hiệu của doanh nghiệp tới người dùng đã và đang quan tâm tới các thương hiệu nổi tiếng nói trên.

Ở ví dụ dưới đây, thương hiệu Iron Roots – Marketing agency chuyên về các chiến dịch trên mạng xã hội –  chia sẻ tên của các nhãn hàng lớn trong ngành truyền thông và mạng xã hội ngay trong trang chủ của họ.

sử dụng khách hàng uy tín để làm thương hiệu
Nếu các Brand lớn như Netflix hay Gillette tin tưởng sử dụng dịch vụ của Iron Roots, tại sao ta lại không? – nguồn: ironrootsinc.com

4.4.Các mốc vượt quan trọng (Milestone)

Ngoài đánh giá từ phía bên ngoài, doanh nghiệp có thể tăng tên tuổi thương hiệu bằng cách chủ động chia sẻ mốc vượt chỉ tiêu quan trọng hoặc số lượng người dùng. Phương pháp này không chỉ tăng trưởng được độ tin cậy trong mắt khách hàng tiềm năng, mà còn có thể dùng để làm một bài đăng chúc mừng trên mạng xã hội, mở tiệc ăn mừng với nhân viên, hay tạo tiền đề cho chiến dịch Marketing mới. Ví dụ: Cách thức này thường thấy trên các kênh Youtube với tiêu đề như: “Cảm ơn XXX lượt đăng ký”

Một hình thức tương tự để biểu hiện mốc quan trọng các doanh nghiệp thường sử dụng là nhấn mạnh điểm mốc hơn bao nhiêu khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.Ví dụ như: Phần mềm kế toán MISA được doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh tin dùng nhất hiện nay, tự hào mang tới hiệu quả vượt trội cho hơn 250.000 khách hàng tổ chức đang sử dụng.

4.5.Tiếp thị từ người nổi tiếng/ KOLs (Influencer Marketing)

Cách thức tiếp thị từ người nổi tiếng mạnh mẽ hơn bao giờ hết với sự phát triển rộng lớn của các kênh mạng xã hội. Cách thức này là điển hình của Hiệu Ứng Đoàn Tàu, sử dụng hình ảnh và tiếng nói của các Influencers làm “đầu tàu”, kéo theo người tiêu dùng là “toa tàu” để kéo cả “đoàn tàu” thành leads.

Case study

Khi nhắc đến Influencer Marketing. không thể không nhắc đến chiến dịch thành công nổi trội của nhãn hàng điện tử đến từ Trung Quốc: Oppo. Mặc dù mới bước vào thị trường điện thoại thông minh Việt Nam năm 2013, chỉ sau 3 năm tới 2016, Oppo đã vươn lên vị trí thứ 2 về thị phần (27.2% theo Gfk), vượt mặt Lumia của Microsoft, đe dọa cả “ngôi vương” của ông trùm công nghệ Samsung (35.4% theo Gfk).

Oppo đã xác định đúng phân khúc và thời điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Point -USP). Trong khoảng thời gian từ 2013, với nền kinh tế phát triển và thời trang công nghệ đang trên đà lên dốc, khách hàng không ngại bỏ ra 4 – 10 triệu cho 1 chiếc smartphone thiết kế sang trọng với đầy đủ tính năng, đặc biệt phục vụ mục đích giải trí và chụp ảnh “tự sướng”. Từ đây, Oppo đã đánh đúng thị yếu của người tiêu dùng với dòng điện thoại mang thông điệp “Điện thoại selfie thời trang”.

Những yếu tố trên là lý do nền móng tạo sự thành công của Oppo trong khoảng thời gian trên, nhưng yếu tố chủ yếu nảy bật tên tuổi thương hiệu trong tim người dùng trẻ là chiến dịch Marketing Mix khôn khéo với đại sứ thương hiệu, đặc biệt phải nhắc đến Sơn Tùng M-TP, cái trên “làm mưa làm gió” thời bấy giờ trong làng giải trí Việt. Với một loại ca khúc sử dụng hình ảnh Oppo, các MV của Sơn Tùng M-TP mang dấu ấn đậm trong lòng giới trẻ với thông điệp “Điện thoại Sơn Tùng”.

 Sơn Tùng M-TP làm đại sứ thương hiệu cho Oppo
Sau hơn 10 năm gắn bó, Sơn Tùng M-TP vẫn được bổ nhiệm làm đại sứ thương hiệu cho Oppo – nguồn: youtube.com/@oppomobilevietnam.

Ở phân khúc khác, Oppo sử dụng những KOLs phù hơn: Hồ Ngọc Hà – Cô ca sĩ bước cùng với hình ảnh “Tinh tế và Đẳng cấp”, Chi Pu – hình mẫu đáng yêu hướng tới các cô gái tuổi teen, Noo Phước Thịnh – cái tên lâu đời bậc nhất trong lòng các bạn trẻ Việt. Như vậy, Oppo đã vươn thương hiệu tới mọi phân khúc để thu về nhiều lợi nhuận nhất.

4.6.Bài viết do người dùng, bởi người dùng (User-generated content – UGC)

UGC giúp doanh nghiệp nâng cao số lượng content trong trang mạng xã hội hoặc trang web chính, từ đó tăng hiệu lực Hiệu Ứng Lan Truyền của doanh nghiệp tới khách hàng tiềm năng.

Lợi ích này nghiêng nhiều hơn về chiến dịch B2C, nhưng UGC cũng góp phần khiêu gợi tính tò mò của người theo dõi. Khi người xem thấy những bài đăng của người tiêu dùng thương hiệu được chia sẻ trên trang chính, khả năng call-to-action cũng được thúc đẩy theo.

4.7.Nhận được sự công nhận tích cực từ khách hàng

Như đã nói ở trên, được đánh giá tích cực là một trong những yếu tố tạo nên tên tuổi của thương hiệu. Cùng lúc đó, doanh nghiệp chưa “sưu tập” đầy đủ đánh giá 5 sao cũng có thể chủ động đẩy hình ảnh sản phẩm với chiến dịch Marketing khôn khéo.

Case Study

Những năm đầu 2000, hầu hết các sản phẩm tai nghe mang kiểu dáng và màu sắc tối tương tự nhau, chúng thường thiết kế theo dạng ôm đầu hoặc vòng qua vành tai. Nhưng Apple giới thiệu một kiểu dáng hoàn toàn khác biệt khi ra mắt sản phẩm iPod vào năm 2001.

Khi giới thiệu ra thị trường, iPod đi kèm với một bộ tai nghe màu trắng, có kiểu dáng chưa bao giờ nhìn thấy, chúng gắn trực tiếp trong tai thay vì vòng qua tai. Có thể ý tưởng sở hữu 1 bộ tai nghe màu trắng không có ấn tượng mạnh ban đầu, nhất là khi tất cả người tiêu dùng khác đều dùng màu tối. Nhưng hình ảnh người sử dụng tai nghe màu trắng bỗng xuất hiện trên xe buýt, khi đi tàu, khi đang đi bộ dần len lỏi vào tầm nhìn. Sau đó, hình ảnh này không chỉ có một vài, mà số lượng tăng dần lên. Có thể nói hầu như tất cả mọi người đều có một bộ tai nghe màu trắng – sản phẩm chỉ có thể sở hữu khi mua iPod. Từ đây, áp lực phải sở hữu bộ tai nghe màu trắng dần lớn mạnh vì ai cũng sở hữu chúng. Kết quả là, càng nhiều người tiêu dùng muốn mua iPod, không phải vì họ muốn nổi bật, mà là vì họ muốn hòa nhập.

Vậy bài học rút ra được đối với doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp có thể tạo thông điệp cho một sản phẩm với nội dung quảng bá được độ chứng thực cao từ cộng đồng đối với sản phẩm. Thúc đẩy mong muốn và áp lực hòa nhập với cộng đồng của người tiêu dùng, cho họ thấy rằng ai cũng dùng sản phẩm này trừ họ ra. 

các dòng sản phẩm của Apple
Không chỉ iPod, các dòng sản phẩm của Apple cho tới nay luôn hướng tới thiết kế sang trọng, tinh tế nhưng không kém phần độc đáo – nguồn: Wikipedia

4.8.Trao thưởng, huy chương, bằng cấp chứng thực

Một cách doanh nghiệp nào cũng nên làm và hướng tới, đó là hoạt động xuất sắc để được trao thưởng. Khách hàng không ai tin đối tượng cố vấn hay thông điệp quảng bá gán mác chuyên môn nhưng không hề có bất cứ bằng cấp hoặc thành tích chứng thực nào.

Cách này gần tương tự với phương thức “Đánh giá và chứng thực”. Ngoài ý kiến của khách hàng, doanh nghiệp có thể chủ động trong kinh doanh, tạo được thành tích tốt và được công nhận bởi nhà nước và xã hội. 

Trong ví dụ của MISA AMIS tại phần “Đánh giá và chứng thực”, chúng tôi không chỉ được đánh giá cao bởi người dùng, mà còn được công nhận bởi nhiều thành tích cống hiến cho xã hội nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Đây chính là cách tạo độ tin cậy với thương hiệu mạnh mẽ và nhanh chóng, cho khách hàng biết rằng ngay từ giây phút nhấp chuột đầu tiên vào trang chủ, họ có thể an tâm hợp tác với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có được nhắc tới trong báo đài truyền hình? Điều này chính là bộ mặt rõ ràng nhất của Hiệu Ứng Lan Truyền. Vì thế, chia sẻ những bài báo về doanh nghiệp trong trang chủ và trên trang mạng xã hội chính là cách để cho người tiêu dùng biết doanh nghiệp là “thương hiệu có máu mặt”. Để đẩy mạnh được tính lan truyền, cách thiết kế phù hợp với hình ảnh doanh nghiệp cũng là yếu tố lớn góp phần tăng tính chuyên nghiệp và trải nghiệm của thương hiệu.

Case study

Dưới đây là một ví dụ một cách thiết kế trang web thông minh của hãng nội thất phòng ngủ Casper.

Website casper
Nhìn qua có vẻ đơn giản, nhưng chính điểm đó là yếu tố giúp thông tin muốn truyền tải được đưa ngay vào mắt người đọc.

Casper đưa ra 3 bài báo nổi bật nhất trong từng hạng mục, từ trái sang phải là: đánh giá thiết kế cửa hàng, đánh giá chất lượng sản phẩm, và cuối cùng đánh giá về thương hiệu. Sau đó kéo xuống phía dưới là các bài báo khác. Có thể thấy cách thiết kế này phù hợp với hình ảnh thương hiệu, mang cảm giác thoải mái, “êm con mắt” người đọc. không làm người xem trang web bị “ngộp thông tin”.

4.10.Hợp tác (Collaborations)

Ngoài những hoạt động KOLs, chứng thực làm làm việc với các Brand lớn, công nhận bởi truyền thông nói trên, còn tồn tại một hoạt động nữa được đẩy mạnh bởi tính chân thực và mang lại cảm giác gắn bó với người xem, được gọi là Podcast. Hiểu đơn giản nhất, Podcast giống như một chương trình radio thu sẵn hoặc phát trực tiếp,  nhưng không chỉ dưới dạng âm thanh, mà còn tồn tại dưới dạng video. Hơn nữa, ai cũng có thể tạo một kênh Podcast cho riêng mình.

Các kênh Podcast cũng được cho là Influencer, mang độ tin cậy cao do ít hoặc không chỉnh sửa, cắt nội dung. Khi khách hàng tiềm năng thấy nhân viên của công ty, chuyên gia hay CEO chia sẻ về câu chuyện và kiến thức của họ trên nền tảng Podcast phù hợp và đáng tin cậy, khoảng cách giữa thương hiệu và người dùng sẽ thu hẹp lại đáng kể, từ đó tạo được độ hứng thú mạnh phủ đến toàn bộ người xem.

Podcast phỏng vấn người nổi tiếng, chuyên gia và CEO
Vietcetera là công ty truyền thông Việt Nam hướng thế hệ Millennial và Gen Z. Content ấn tượng qua các Podcast phỏng vấn người nổi tiếng, chuyên gia và CEO – nguồn: Youtube.com/Vietcetera

5. Lưu ý mặt tối của Hiệu Ứng Lan Truyền: Khủng Hoảng Truyền Thông

Khi các chiến dịch truyền thông đua nhau xuất hiện thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, và khi số lượng này càng nhiều thì phần trăm khả năng xuất hiện khủng hoảng càng lớn.

Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp không có sự đề phòng với sự khủng hoảng này, vì tính ngẫu nhiên và sự hỗn loạn không ai có thể lường trước. Hơn nữa, “vết nhơ” truyền thông nếu không được xử lý kịp thời, hoặc tệ hơn khi doanh nghiệp “lau” không đúng cách, vết “chấm bẩn” nhanh chóng trở thành vạch dài.

Khủng hoảng truyền thông thường kéo theo các cảm xúc tiêu cực không cần thiết mà hệ quả mang lại rất nặng nề:

  • Lu mờ phán đoán chính xác đối với cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc.
  • “Nói nhiều rồi cũng thành sự thật”, nhấn chìm thông tin thật sự.
  • Tổn hại đến đối tác của tổ chức bị khủng hoảng.
  • Hiệu Ứng Lan Truyền cao.

Vậy làm thế nào để có thể xử lý khủng hoảng truyền thông? Để nêu rõ được cách giải quyết, doanh nghiệp cần làm sáng tỏ gốc rễ khủng hoảng bắt đầu từ đâu, từ đó vận dụng mọi nỗ lực của đội ngũ truyền thông ở mức độ cao nhất để làm giải tỏa bầu không khí tiêu cực bủa vây hình ảnh thương hiệu.

Hiểu theo một cách khác, xử lý khủng hoảng truyền thông là đi ngược lại với Hiệu Ứng Lan Truyền. Thay vì lan tỏa và phủ rộng văn hóa và giá trị của thương hiệu với khách hàng, Marketer sẽ điều hòa và ngăn chặn mức độ lan truyền trước truyền thông.

Tuy vậy, yếu tố thành bại quyết định không nằm ở năng lực xử lý của đội ngũ, mà nó hoàn toàn dựa vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng của thương hiệu và doanh nghiệp nhằm đối phó với khủng hoảng. Do tính hỗn loạn và khó kiểm soát của sự tràn lan thông tin, khủng hoảng khó có thể giải quyết tuyệt đối sau vài giờ, nhưng cũng tuyệt đối không để sức ảnh hưởng từ dư luận kéo dài trong nhiều ngày.

6.Tạm kết

Hiệu ứng lan truyền trong Marketing không chỉ đơn thuần là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ, mà còn là chìa khóa để kiểm soát truyền thông và làm chủ lợi nhuận. Các chiến dịch Marketing muốn thành công đều tận dụng triệt để hiệu ứng lan truyền, nhằm xây dựng một hình ảnh tích cực về thương hiệu và thu hút sự quan tâm của đám đông.

Tuy nhiên, điều quan trọng là Hiệu Ứng Lan Truyền cần được điều hành cẩn thận và có mục tiêu rõ ràng. Cần đảm bảo rằng thông điệp được lan truyền là tích cực và đáng tin cậy, tránh việc phổ biến thông tin sai lệch hoặc gây hại cho thương hiệu và đối tác. Một chiến dịch sử dụng Hiệu Ứng thành công đòi hỏi sự tương tác chặt chẽ với cộng đồng, lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và linh hoạt.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy được Hiệu Ứng Lan Truyền mang một sức mạnh to lớn tới chiến dịch nhằm kiểm soát truyền thông quảng bá. Sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh của Hiệu Ứng Lan Truyền và chiến lược tiếp thị sẽ thúc đẩy tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường doanh thu và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, từ đó đạt được mục tiêu làm chủ lợi nhuận và giá trị hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả