Business Analyst (BA) là gì? Học gì để làm BA giỏi

11/09/2023
650

Nghề Business Analyst đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam với trọng trách tối ưu hoá hoạt động kinh doanh cho những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Vậy Business Analyst là gì? Những kỹ năng nào cần có để trở thành một Business Analyst? Hãy cùng MISA AMIS HRM tìm hiểu cụ thể ngay dưới đây.

1. Business Analyst là gì?

Business Analyst (BA) là Chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Công việc chính của vị trí BA là phân tích, đánh giá nhu cầu của khách hàng với mục tiêu là xác định các vấn đề cần phải cải thiện, từ đó phối hợp với nội bộ đưa ra hướng giải quyết cụ thể.

Đối với nội bộ công ty, BA còn có vai trò đổi mới cách thức vận hành, làm việc giữa các bộ phận nhằm sử dụng tối ưu nguồn lực hiện tại. Từ đó BA giúp công ty tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

business analyst là gì
Business Analyst là nghề được nhiều bạn trẻ quan tâm

BA có thể làm việc trực tiếp cùng với khách hàng để tiếp nhận các ý kiến, sau đó sẽ chuyển thông tin về cho team nội bộ để xử lý. Ngoài ra BA còn đảm nhận thêm vai trò là viết và quản lý tài liệu kỹ thuật. Cụ thể trong một dự án IT, BA sẽ phân tích nghiệp vụ và chuyển yêu cầu cho đội ngũ lập trình viên, làm ra các sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của khách hàng.

BA không chỉ có riêng trong ngành IT mà còn phổ biến ở những ngành nghề và lĩnh vực khác như ngân hàng, logistics,… Các BA cần hiểu rõ về stakeholders (các bên liên quan) bao gồm bất kỳ ai có những đóng góp trong dự án: đội ngũ kỹ thuật viên, kinh doanh dự án, các chủ đầu tư, đối tác cũng như khách hàng,…

2. Các nghiệp vụ chính của Business Analyst

Nghề BA gồm nhiều nghiệp vụ chuyên môn, trong đó ba chuyên môn chính là:

2.1 Management Analyst (Chuyên gia chuyên phân tích quản lý)

Management Analyst chính là những chuyên gia tư vấn các giải pháp trong việc quản lý hiệu quả cho bất kỳ doanh nghiệp. Họ sẽ giúp cho các nhà quản lý phân tích các hoạt động và vấn đề đang gặp phải trong doanh nghiệp. Từ đó, họ có thể đề xuất cũng như đưa ra các phương án cắt giảm các chi phí hoạt động không cần thiết nhằm tăng hiệu suất kinh doanh cho tổ chức, công ty.

2.2 Systems Analyst (Chuyên viên chuyên phân tích hệ thống vận hành)

Systems Analyst hay còn được gọi là một chuyên viên phân tích hệ thống. Nhiệm vụ của họ đó chính là kiểm tra hệ thống, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của một công ty bất kỳ và tìm ra cách thức để cải thiện chúng. Công việc này thường đòi hỏi Systems Analyst phải có một trình độ chuyên môn về kỹ thuật cao cũng như hiểu biết rõ ràng về các phương thức kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp.

2.3 Data Analyst (Chuyên gia chuyên phân tích dữ liệu)

Một chuyên gia Data Analyst thường sẽ đảm nhận các nhiệm vụ sau: phân tích, thu thập và lưu trữ các dữ liệu liên quan về các doanh số bán hàng, nghiên cứu về thị trường, logistics hoặc các hoạt động khác của doanh nghiệp.

business analyst là gì
Phân tích data là một nghiệp vụ chuyên môn của BA

Sau đó, họ sẽ áp dụng những kỹ năng chuyên môn để đảm bảo chất lượng cũng như độ chính xác của từng dữ liệu đó. Dựa trên những dữ liệu đã được sàng lọc, họ sẽ tiến hành phân tích và trình bày dữ liệu đó một cách thật logic nhất để giúp tổ chức đưa ra các quyết định kinh doanh tốt hơn.

3. Mô tả chi tiết công việc của Business Analyst

Trách nhiệm chính của một Business Analyst bao gồm các kiến ​​thức sâu rộng về phân tích, dự báo cũng như lập ngân sách tài chính, hiểu rõ về các yêu cầu về báo cáo và những quy định, yếu tố thành công và các chỉ số liên quan đến hoạt động.

Dưới đây là yêu cầu công việc của Business Analyst để các ứng viên và nhà tuyển dụng tham khảo. Lưu ý rằng tùy thuộc vào ngành nghề, các hạng mục công việc sẽ có sự khác biệt nhật định.

  • Phối hợp với những đồng nghiệp và các bên liên quan để hiểu sâu hơn về những yêu cầu kinh doanh quan trọng.
  • Phân tích mô hình dữ liệu để đưa ra các kết luận hợp lý.
  • Phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm thay đổi các chiến lược và hoạt động.
  • Kết nối, truyền tải thông tin giữa đội ngũ nội bộ với khách hàng
  • Tương tác với quản lý và các thành viên trong nhóm để triển khai dự án
  • Thành thạo trong việc thiết lập quy trình hoặc đưa ra những hệ thống cần thiết để thực hiện cho các thay đổi.
  • Vận dụng kiến thức cũng như chuyên môn để đánh giá các tác động của những thay đổi.
  • Báo cáo và thuyết trình về dự án với nội bộ và khách hàng.
  • Giải quyết bất đồng giữa khách hàng và bộ phận liên quan.
  • Quản lý hồ sơ, hợp đồng của dự án
  • Hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm
  • Hỗ trợ đội ngũ kỹ thuật nghiệm thu sản phẩm

4. Học ngành nào để có thể trở thành một Business Analyst chuyên nghiệp?

Hiện nay tại các trường cao đẳng, đại học Việt Nam chưa có ngành học chuyên sâu về Business Analyst. Tuy nhiên vẫn có nhiều ngành đào tạo kiến thức hữu ích giúp bạn trở thành BA.

4.1 Ngành quản lý hệ thống thông tin

Sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu trong 3 nhóm kiến thức chính đó là:

  • Kiến thức cơ bản liên quan đến những vấn đề về Kinh tế.
  • Kiến thức cơ bản liên quan đến Hệ thống thông tin quản lý.
  • Kiến thức chuyên sâu liên quan đến Hệ thống thông tin quản lý.

Nhờ vậy, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ về phương pháp quản trị, vận hành hệ thống thông tin; phân tích các dữ liệu chính xác, kết nối trực tiếp giữa các bên liên quan bên trong công ty, doanh nghiệp cùng với các chuyên gia về công nghệ thông tin. Có thể nói, được đào tạo cả về kinh tế và kỹ thuật, các BA có xuất phát điểm từ ngành học này sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt.

business analyst là gì
Sinh viên học ngành quản lý hệ thông thông tin có nhiều cơ hội trở thành BA

4.2 Ngành công nghệ thông tin

Ngành CNTT thường bao gồm nhiều chuyên ngành nhỏ khác nhau chẳng hạn như khoa học máy tính, kỹ thuật về phần mềm, kỹ thuật liên quan đến máy tính, an toàn thông tin, truyền thông và mạng máy tính… 

Sinh viên học ngành này sẽ hiểu rõ kiến thức về công nghệ thông tin, cách thức để xây dựng, vận hành, bảo trì, phát triển các hệ thống phần mềm. Trực tiếp tham gia vào việc xây dựng các phần mềm để có thể giải quyết các bài toán thực tế nhanh nhất. Học CNTT bạn sẽ có rất nhiều lợi thế khi ra trường làm nghề Business Analyst, dễ dàng giao tiếp với bộ phận liên quan đến kỹ thuật, có khả năng đánh giá và đề xuất các nghiệp vụ kỹ thuật.

Khi vào nghề BA, người học CNTT cần bổ sung thêm các kiến thức về nghiệp vụ kinh doanh,  kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề.

4.3 Ngành kinh tế – quản lý

Ngành kinh tế thường liên quan tới quản trị, tài chính, kế toán/kiểm toán, ngân hàng. Đây cũng chính là một điều kiện thuận lợi khi ra làm BA, đặc biệt là trong nghiệp vụ phân tích tình hình kinh doanh – vận hành tại doanh nghiệp của khách hàng. 

Người học chuyên về kinh tế nên tự bổ sung thêm các kiến thức về CNTT hoặc tham gia các khóa học chuyên sâu BA. Ngoài đào tạo chính quy, hiện nay có nhiều khóa học offline và online ngắn hạn cung cấp kỹ năng để trở thành BA, phù hợp với người theo chuyên ngành kinh tế

5. Yêu cầu về kỹ năng của Business Analyst

Kỹ năng chuyên môn

Các Business Analyst cần có kiến thức về kinh doanh, quản trị và công nghệ thông tin. Có thể một BA không thành thạo và chuyên sâu ở trong một lĩnh vực, nhưng họ phải nắm bắt được các kỹ năng liên quan ở một mức độ nhất định. BA cũng cần có nền tảng cơ bản về công nghệ phần mềm, hiểu được các thuật ngữ cũng như hoạt động trong lĩnh vực này.

Kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ

Bản chất của công việc BA thường liên quan đến việc tương tác với các nhà phát triển, khách hàng, người dùng cuối và ban quản lý. Bởi vậy việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp và duy trì mối quan hệ đó giữa các bên là rất quan trọng.

Bản chất của công việc BA thường liên quan đến việc tương tác với các nhà phát triển, khách hàng, người dùng cuối và ban quản lý. Thành công của một dự án thường phụ thuộc vào cách mà BA truyền đạt các thông tin một cách chi tiết, chẳng hạn như thuyết trình các thay đổi được yêu cầu, kết quả thử nghiệm của các dự án một cách rõ ràng. Thông thạo trong giao tiếp chính là kỹ năng cần có đối với bất kỳ nhà phân tích nghiệp vụ nào.

business analyst là gì
Đàm phán giỏi, thuyết phục tốt là một điểm cộng khi ứng tuyển làm BA

Kỹ năng phân tích dữ liệu

BA cần có kỹ năng phân tích giải thích và chuyển những nhu cầu của khách hàng thành các yêu cầu kỹ thuật cụ thể cho đội ngũ triển khai hiểu được. Hầu hết các mô tả công việc tuyển dụng Business Analyst đều ưu tiên người có kỹ năng phân tích xuất sắc. Nhờ đó họ có thể chắt lọc thông tin giá trị, nhanh chóng nhận ra điểm cần cải thiện trong quy trình, xây dựng mô hình dữ liệu.

Kỹ năng quản lý

BA cần có kỹ năng quản lý sâu rộng, từ việc lập kế hoạch cho cả dự án, điều phối hoạt động trong nhóm, đến dự báo ngân sách, giám sát tiến độ… Kỹ năng này sẽ giúp BA phối hợp với đội nhóm nội bộ tốt hơn để xử lý khối lượng công việc lớn trong thời gian giới hạn. 

Kỹ năng giải quyết vấn đề 

Mỗi dự án được ví như một bài toán nan giải với nhiều vấn đề bên trong. BA cần có khả nắm bắt được tình hình tổng quan. Từ đó họ mới đề xuất các phương án phù hợp và trực tiếp tham gia giải quyết vấn đề.

Kỹ năng ra quyết định

Kỹ năng ra quyết định hợp lý chính là yêu cầu thường gặp đối với chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Họ phải có khả năng đánh giá đầu vào từ các bên liên quan, phân tích tình huống và lựa chọn các kế hoạch hành động phù hợp để mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động kinh doanh, hoặc cho các dự án.

Kỹ năng phản biện

BA là cầu nối giữa khách hàng và team nội bộ, đứng giữa nhiều luồng ý kiến có thể trái chiều. Bởi vậy BA cần có tư duy phản biện để đánh giá, chọn lọc ra những phương án tốt nhất. Tư duy phản biện cũng giúp BA không ngừng đặt ra các câu hỏi khả thi để hiểu rõ yêu cầu của khách hàng.

Nhạy bén trong kinh doanh

Để trở thành một Business Analyst xuất sắc, bạn cần phải sở hữu kiến thức về lĩnh vực kinh doanh cũng như sự hiểu biết về chiến lược của doanh nghiệp. Sở hữu tư duy nhạy bén, BA sẽ dễ dàng nắm bắt kiến thức về bất kỳ lĩnh vực nào, dễ dàng làm việc với khách hàng hơn.

6. Triển vọng và mức lương nghề Business Analyst

Tùy theo những kinh nghiệm, mức lương nghề của một Business Analyst (BA) tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 8 triệu đến trên 50 triệu VNĐ/tháng.

  • Lương của BA mới vào nghề  (0 – 1 năm kinh nghiệm) từ 7 – 12 triệu VNĐ/tháng.
  • Lương của một Junior (1-2 năm kinh nghiệm):  từ 12 – 20 triệu VNĐ/ tháng.
  • Lương của một Senior (3-5 kinh nghiệm tùy từng công ty, mô hình hoạt động): từ 20 – 35 triệu VNĐ/tháng.
  • Lương của BA cấp quản lý: trung bình từ 50-65 triệu VNĐ/ tháng

Mức lương này thường sẽ dao động tùy vào bằng cấp, kinh nghiệm của nhân sự, ngành nghề, quy mô, mô hình hoạt động của doanh nghiệp… Nghề BA có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kinh doanh, công nghệ, quản trị, phù hợp với những người hiểu biết rộng, năng động, không ngại cập nhật kiến thức mới.

7. Kết luận

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ dành sự quan tâm đặc biệt đối với nghề Business Analyst. Với những thông tin trên, bạn đọc chắc chắn đã nắm được Business Analyst là gì, công việc, yêu cầu cũng như triển vọng của nghề BA để ứng tuyển hoặc để tìm kiếm được các ứng viên phù hợp cho doanh nghiệp.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 4 Trung bình: 5]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả