Lãnh đạo chuyển đổi: Cách nhà lãnh đạo thay đổi và phát triển đội ngũ

29/06/2023
380

Lãnh đạo chuyển đổi được cho là đặc trưng của nhà lãnh đạo có thể khuyến khích và truyền cảm hứng cho mọi người đổi mới bản thân. Từ đó dẫn dắt tập thể cùng góp phần thúc đẩy sự phát triển cũng như thành công của doanh nghiệp.

Nhà lãnh đạo theo phong cách này luôn tràn đầy năng lượng, tinh thần nhiệt huyết và đam mê. Ngoài những hoạt động kinh doanh, họ cũng tập trung giúp đỡ các thành viên khác để đạt được mục tiêu chung. Vậy phong cách chuyển đổi được hiểu như thế nào? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu ngay!

1. Lãnh đạo chuyển đổi là gì? 

Lãnh đạo chuyển đổi (Transformational Leadership) là phong cách lãnh đạo tập trung khuyến khích và truyền cảm hứng cho mọi người đổi mới bản thân, cùng nhau đóng góp vào thành công chung. Họ đề cao việc xây dựng một nền tảng ý thức mạnh mẽ về văn hóa trong doanh nghiệp, quyền sở hữu cũng như quyền tự chủ trong công việc.

Lãnh đạo chuyển đổi là gì?
Khái niệm lãnh đạo chuyển đổi là gì?

Các nhà lãnh đạo chuyển đổi không quản lý theo mô hình vi mô (micro-manage). Thay vào đó, họ sẽ dành sự tin tưởng vào khả năng tự xử lý mọi công việc của nhân viên.

Phong cách lãnh đạo này mang đến cho nhân viên nhiều cơ hội sáng tạo, suy nghĩ táo bạo hơn và sẵn sàng đề xuất nhiều giải pháp mới lạ. Đặc biệt, thông qua quá trình làm việc thực tiễn, nhân viên đều được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết nhất để trở thành thế hệ lãnh đạo chuyển đổi tiếp theo trong tương lai.

Mặt khác, phong cách lãnh đạo chuyển đổi cũng được chứng minh là có tác động mạnh mẽ đến hạnh phúc cá nhân.

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Y học nghề nghiệp & môi trường (Journal of Occupational and Environmental Medicine), nhân viên tại nhiều công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của Đức đã tham gia khảo sát về phong cách lãnh đạo của cấp quản lý. Trong đó, nhà lãnh đạo chuyển đổi thường có sức hấp dẫn, dễ dàng lôi cuốn mọi người hơn cả. 

MỜI BẠN ĐĂNG KÝ NHẬN NGAY EBOOK MIỄN PHÍ: PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO NĂM 2023 – LỰA CHỌN NÀO CHO BẠN?

 

2. Nguồn gốc của khái niệm lãnh đạo chuyển đổi là gì?

Khái niệm này lần đầu tiên được giới thiệu bởi James MacGregor Burns, một chuyên gia, tác giả nổi tiếng về lãnh đạo và quản trị. Ông mô tả phong cách lãnh đạo chuyển đổi như một quá trình trong đó “người lãnh đạo và những người theo sau cùng hỗ trợ lẫn nhau để đạt đến những tiêu chuẩn đạo đức và động lực cao hơn.”

Nguồn gốc của khái niệm lãnh đạo chuyển đổi
Khái niệm lãnh đạo chuyển đổi, lần đầu được James MacGregor Burns giới thiệu, được phát triển bởi Bernard Bass

Nối tiếp sau đó, nhà nghiên cứu Bernard Bass đã phát triển các ý tưởng của Burns. Bass cho rằng lãnh đạo chuyển đổi có thể được đánh giá dựa trên cách nó ảnh hưởng đến những người theo dõi. Ông khẳng định rằng những nhà lãnh đạo chuyển đổi có khả năng thu hút sự tin tưởng, tôn trọng và ngưỡng mộ từ những người mà họ lãnh đạo.

Mặc dù lý thuyết trên đã ra đời từ những năm 1970, nhưng nó vẫn giữ được tính ứng dụng cao trong việc quản lý doanh nghiệp hiện nay. Phong cách lãnh đạo này không lỗi thời, mà luôn thích ứng theo từng hoàn cảnh và môi trường cụ thể.

3. Đặc điểm trong phong cách của lãnh đạo chuyển đổi

Lãnh đạo chuyển đổi có thể xuất hiện ở mọi cấp độ của tổ chức: đội nhóm, phòng ban, bộ phận hoặc ban quản trị. Họ là những người có chiến lược tầm nhìn, truyền cảm hứng, táo bạo, vô cùng thích mạo hiểm và suy nghĩ luôn chín chắn. 

Chân dụng nhà lãnh đạo chuyển đổi thường sẽ có những điểm chung dưới đây:

Đặc điểm trong phong cách của lãnh đạo chuyển đổi
Một số đặc điểm trong phong cách của lãnh đạo chuyển đổi
  • Họ sử dụng lời động viên, khích lệ, tạo động lực để giúp khuyến khích sự phát triển, tạo ra tinh thần tích cực cho mọi người
  • Họ tạo ra một môi trường làm việc có các giá trị, ưu tiên rõ ràng và các tiêu chuẩn cao về đạo đức
  • Họ luôn muốn chứng tỏ bản thân chính là một tấm gương về đạo đức, công bằng và sự chính trực
  • Họ xác định mục tiêu rõ ràng, đặt ra những kỳ vọng mang thách thức nhưng vẫn khả thi, có thể đạt được 
  • Họ mong muốn truyền cảm hứng cho mọi nhân viên phát triển theo chiều hướng tích cực nhất
  • Họ giàu tinh thần hợp tác, sẵn sàng công nhận những thành quả của người khác
  • Họ cho phép đội ngũ nhân viên phát huy các khả năng tự chủ và tự đưa ra quyết định
  • Họ xây dựng văn hóa làm việc đoàn kết, hướng mọi người tới các mục tiêu chung thay vì chỉ nghỉ đến lợi ích cá nhân

Những nhà lãnh đạo trên không sợ thay đổi. Họ chỉ ưu tiên việc giúp mọi người trong đội ngũ tạo ra những cải tiến quan trọng và có giá trị. Nhờ đó họ từng bước giúp đội ngũ gặt hái được nhiều thành công lớn hơn.

4. Ưu, nhược điểm của phong cách chuyển đổi

Lãnh đạo chuyển đổi là lựa chọn hợp lý nhất khi doanh nghiệp cần đến sự thay đổi mạnh mẽ, bứt phá hơn. Phong cách này không phù hợp với các doanh nghiệp mới thành lập, chưa hoàn thiện cơ cấu cũng như quy trình làm việc.

Ưu, nhược điểm của phong cách chuyển đổi
Các ưu, nhược điểm của phong cách chuyển đổi

Ưu điểm:

  • Tạo nên nhiều điều kiện để phát triển các ý tưởng mới
  • Đảm bảo được sự cân bằng giữa tầm nhìn ngắn hạn và những mục tiêu dài hạn
  • Củng cố hệ thống niềm tin vững chắc giữa các thành viên trong tổ chức
  • Khuyến khích tinh thần chính trực và khả năng đồng cảm với mọi người xung quanh (trí tuệ cảm xúc cao – EQ)

Nhược điểm:

  • Không thích hợp với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc cơ cấu doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh
  • Đòi hỏi tổ chức đã có cơ cấu tổ chức, quy trình phối hợp minh bạch
  • Không thể hoạt động tốt đối với những mô hình quan liêu

5. Ví dụ về phong cách lãnh đạo chuyển đổi

Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới mà ảnh hưởng của họ vẫn còn duy trì cho đến tận ngày nay.

Các nhà lãnh đạo chuyển đổi thành công
Các nhà lãnh đạo chuyển đổi thành công

5.1. Steve Jobs 

Phong cách lãnh đạo của Steve Jobs được biết đến là một trong những ví dụ chuyển đổi mang tính biểu tượng nhất trên thế giới.

Những người từng làm việc cho biết ông liên tục thách thức mọi người nghĩ xa hơn những gì họ đã đạt được. Ông khuyến khích họ nghĩ về những sản phẩm mà mọi người thậm chí chưa từng biết đến.

Steve Jobs đã sử dụng khả năng lãnh đạo để giúp chuyển đổi cơ cấu tổ chức, cải thiện sự hài lòng trong công việc và ra mắt các sản phẩm thay đổi thế giới. Cho đến nay, Apple vẫn nổi tiếng về sự đổi mới, bất ngờ nhờ công sức đóng góp to lớn của ông.

5.2. Jeff Bezos 

Phong cách lãnh đạo của Jeff Bezos liên quan đến hoạt động thúc đẩy nhân viên về những sản phẩm cùng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Amazon đã đưa ngành thương mại điện tử lên một tầm cao chưa từng thấy nhờ phong cách đổi mới, sáng tạo của mình. Amazon chính là mô hình hoàn hảo nhất của sự lãnh đạo chuyển đổi và cho thấy rằng bằng cách xây dựng dựa trên một loạt những mục tiêu ngắn hạn, mọi thứ có thể đạt được ở quy mô lớn.

>> Xem thêm: Phong cách lãnh đạo của Jeff Bezos: 11 cách làm khác biệt 

5.3. Barack Obama

Barack Obama nổi tiếng là người điều hành Nhà Trắng với phong cách chuyển đổi. Ông khuyến khích cấp dưới chia sẻ cởi mở về ý tưởng hoặc suy nghĩ của họ để cùng cải thiện vấn đề.

Ông luôn cố gắng tiếp cận gần nhất với nhân viên để họ lắng nghe, học hỏi ý tưởng sáng tạo của họ. Điều này đã giúp ông đề ra nhiều chính sách đổi mới ấn tượng, tạo ra những thay đổi quan trọng cho đất nước.

6. Lãnh đạo giao dịch và lãnh đạo chuyển đổi khác nhau như thế nào? 

Hiện nay, các lý thuyết về lãnh đạo chuyển đổi và lãnh đạo giao dịch thường xuyên bị lẫn lộn.

Phân biệt lãnh đạo giao dịch và chuyển đổi
Sự khác biệt giữa lãnh đạo giao dịch và chuyển đổi

Lãnh đạo giao dịch tập trung trực tiếp vào một môi trường có cấu trúc, có định hướng. Nhà lãnh đạo giao dịch sẽ chỉ đạo mọi người phải làm gì, đưa ra những kỳ vọng, yêu cầu hoặc quy tắc cụ thể.

Lãnh đạo giao dịch liên quan đến quá trình trao thưởng và hình phạt khiến nhân viên làm theo những gì họ được yêu cầu. Thói quen, lịch trình, quy tắc và thẩm quyền là những thành phần chính của các nhà lãnh đạo giao dịch.

Điều này rất khác với phong cách chuyển đổi, nơi nhân viên được trao quyền tự chủ, thỏa sức đổi mới và sáng tạo. Lý thuyết chuyển đổi coi trọng việc thay đổi thói quen cùng mô hình để tìm ra hướng đi mới.

7. 4 yếu tố tạo nên phong cách lãnh đạo chuyển đổi là gì?

Để mang lại những thay đổi lớn, các nhà lãnh đạo chuyển đổi phải thể hiện được 4 yếu tố sau:

4 yếu tố tạo nên phong cách lãnh đạo chuyển đổi
Các yếu tố tạo nên phong cách lãnh đạo chuyển đổi

7.1. Tạo động lực, truyền cảm hứng

Nền tảng của phong cách lãnh đạo chuyển đổi đó chính là thúc đẩy tầm nhìn, sứ mệnh một cách nhất quán và tập hợp các giá trị đó đến với nhân viên. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi hướng dẫn cấp dưới bằng cách cung cấp rõ ràng ý nghĩa, thách thức của công việc. 

Mặc khác, họ làm việc một cách nhiệt tình và lạc quan nhằm thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và trách nhiệm trong công việc.

7.2. Kích thích trí tuệ

Nhà lãnh đạo khuyến khích cấp dưới của mình không ngừng sáng tạo, đổi mới. Họ sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, không bao giờ chỉ trích công khai về những sai lầm mà cấp dưới đã mắc phải.

Bởi lẽ, nhà lãnh đạo cần tập trung giải quyết bản chất của vấn đề thay vì trách cứ khiến nhân sự mất đi động lực phát triển. Ngoài ra, họ cũng không ngần ngại loại bỏ một thông lệ cũ do chính mình đặt ra nếu nó không còn mang lại hiệu quả.

7.3. Ảnh hưởng bằng hình mẫu lí tưởng hóa 

Nhà lãnh đạo đóng vai trò là hình mẫu lý tưởng mà những cấp dưới muốn noi theo. Những nhà lãnh đạo như vậy luôn giành được sự tin tưởng cao cùng lòng tôn trọng của cấp dưới. Họ đặt nhu cầu của cấp dưới lên trên nhu cầu bản thân và luôn muốn thể hiện các tiêu chuẩn đạo đức cao. 

7.4. Cân nhắc từng cá nhân

Các nhà lãnh đạo thường đóng vai trò là người cố vấn cho cấp dưới, đồng thời khen tặng, động viên nhanh chóng vì những cải tiến mà cấp dưới đề xuất. Cấp dưới phải được trọng dụng dựa trên tài năng, kiến thức, thành quả họ mang lại cho doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo không chỉ trao quyền ra quyết định mà còn phải cung cấp đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện những quyết định đó.

V. Kết luận

Lãnh đạo chuyển đổi có thể sẽ không phải là lựa chọn phù hợp nhất trong một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, ưu điểm của phong cách lãnh đạo này đó là khả năng “giải phóng” trọn vẹn tiềm năng phát triển của đội ngũ. Xuất phát từ thực tế đó, các cấp quản lý, lãnh đạo cần không ngừng phải tập trung hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo để học cách trao quyền hiệu quả và góp phần đưa doanh nghiệp phát triển.

.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả