Vai trò của doanh nhân theo các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp

13/09/2024
151

Ứng với từng giai đoạn tăng trưởng của doanh nghiệp, vai trò và vị trí của người doanh nhân sẽ thay đổi tương ứng, từ việc tự mình thực hiện nhiều công việc ban đầu đến việc dần chuyển giao trách nhiệm và tập trung vào chiến lược dài hạn. 

Qua bài viết MISA AMIS phân tích chi tiết sự thay đổi trong vai trò, vị thế và trách nhiệm của doanh nhân qua các giai đoạn tăng trưởng của doanh nghiệp .

1. Các giai đoạn tăng trưởng của doanh nghiệp theo mô hình Churchill và Lewis

Mô hình tăng trưởng doanh nghiệp của Churchill và Lewis (1983) chia quá trình phát triển của một doanh nghiệp thành năm giai đoạn, từ khởi sự cho đến trưởng thành. Đây là một công cụ hữu ích cho các doanh nhân, nhà quản trị nhằm định hình chiến lược quản lý và phát triển doanh nghiệp theo từng giai đoạn cụ thể.

giai đoạn tăng trưởng của doanh nghiệp

Giai đoạn Tồn tại (Existence): Đây là giai đoạn đầu tiên cho sự bắt đầu và hình thành một doanh nghiệp  khi bạn bắt đầu các kế hoạch và dự án kinh doanh và vẫn đang cố gắng làm cho chúng có khả thi. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp tập trung vào việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ, đồng thời nỗ lực thu hút khách hàng.

Giai đoạn Sinh tồn (Survival): Khi doanh nghiệp đã có một lượng khách hàng ổn định, mục tiêu chuyển sang đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục hoạt động. Sự tồn tại lúc này phụ thuộc vào việc kiểm soát chi phí và tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh.

Giai đoạn Thành công (Success): Ở giai đoạn này, doanh nghiệp đã có nền tảng tài chính vững chắc và bắt đầu phát triển quy mô. Nhà quản trị cần cân nhắc chiến lược tái đầu tư hoặc chuyển giao quyền quản lý đồng thời đảm bảo sự bền vững lâu dài.

Giai đoạn Phát triển vượt trội (Take-off): Đây là giai đoạn đòi hỏi sự bứt phá trong quản trị và tài chính. Doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng về quy mô, sản phẩm, thị trường… nhưng cũng đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát nếu không có chiến lược quản lý hiệu quả.

Giai đoạn Trưởng thành (Resource Maturity): Doanh nghiệp đã đạt đến sự ổn định trong hoạt động và tài chính. Thách thức chủ yếu ở đây là duy trì sự đổi mới và tránh rơi vào tình trạng bão hòa, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực hiện có để tăng trưởng bền vững.

Hiểu rõ từng giai đoạn trong mô hình này giúp các doanh nhân, nhà quản trị cấp cao dễ dàng xác định và đưa ra các quyết định chiến lược ứng với từng thời kỳ phát triển của doanh nghiệp.

Xem thêm: Doanh nhân là gì? Hành trình trở thành doanh nhân thành đạt

2. Vai trò của doanh nhân thay đổi theo các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp

2.1 Giai đoạn Khởi sự (Existence)

Vai trò và trách nhiệm của doanh nhân:

Ở giai đoạn này, doanh nhân thường là người sáng lập và nắm toàn bộ quyền kiểm soát, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như lập kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm, marketing, và thậm chí là quản lý tài chính, nhân sự…

Trách nhiệm chính của người doanh nhân lúc này là biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, tìm kiếm những khách hàng đầu tiên, tạo dựng sản phẩm/dịch vụ và đảm bảo doanh nghiệp tồn tại.

Giai đoạn này, doanh nhân chính là cốt lõi của doanh nghiệp với tầm ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Tầm nhìn, tư duy và quyết định của doanh nhân lúc này là yếu tố quyết định sự tồn tại trong bước đầu phát triển đầu tiên của doanh nghiệp.

Thách thức:

Doanh nhân thường phải làm việc dưới áp lực cao vì phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau và chịu rủi ro lớn nếu kế hoạch không thành công. Ngoài ra, sự cô đơn trong quá trình ra quyết định cũng là một vấn đề vì ở giai đoạn này, doanh nhân thường chưa có nhiều sự tín nhiệm cũng như kinh nghiệm và không có hệ thống hỗ trợ đáng tin cậy.

2.2 Giai đoạn Sống còn (Survival)

Vai trò và trách nhiệm của doanh nhân:

Chúc mừng doanh nghiệp bạn đã qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang giai đoạn sống còn. Tại giai đoạn này, doanh nhân vẫn là người nắm quyền quản lý và điều hành trực tiếp, nhưng có sự chuyển dịch trong vai trò. Bạn cần chú trọng đến việc quản lý dòng tiền và tối ưu hóa hoạt động hàng ngày để đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại.

Ngoài ra, doanh nhân cần phát triển kỹ năng quản lý nhân sự khi doanh nghiệp có thể bắt đầu mở rộng đội ngũ và phân chia công việc cho các nhân viên khác.

Trách nhiệm chính của doanh nhân là duy trì hoạt động kinh doanh và tìm cách đạt đến điểm hòa vốn hoặc tạo ra lợi nhuận nhỏ, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, cạnh tranh, và thị trường.

Thách thức:

Doanh nhân phải duy trì sự cân bằng giữa việc tăng trưởng chậm rãi và tối ưu hóa các quy trình vận hành. Nếu không quản lý tốt, doanh nghiệp có thể nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực.

Ở giai đoạn này, doanh nhân phải bắt đầu chuyển từ việc chỉ tập trung vào sáng tạo sản phẩm sang phát triển hệ thống quản lý hiệu quả.

2.3 Giai đoạn Thành công (Success)

Vai trò và trách nhiệm của doanh nhân:

Ở giai đoạn thành công, doanh nhân cần chuyển dần từ vai trò nhà quản lý sang vai trò nhà quản trị, tập trung vào việc đưa ra các quyết định chiến lược và hoạch định hướng đi lâu dài cho doanh nghiệp.

Trách nhiệm chính của doanh nhân là xác định chiến lược phát triển dài hạn, quyết định liệu doanh nghiệp sẽ giữ vững ở mức ổn định hay mở rộng quy mô. Doanh nhân cũng có thể bắt đầu giao quyền quản lý cho các nhà quản lý cấp trung để họ đảm nhận hoạt động hàng ngày.

quản trị nhân lực

Doanh nhân đóng vai trò lãnh đạo tầm nhìn, giúp định hình chiến lược kinh doanh và bảo đảm doanh nghiệp vẫn đi đúng hướng.

Thách thức:

Doanh nhân phải học cách ủy quyền và phát triển đội ngũ lãnh đạo. Việc từ bỏ sự kiểm soát trực tiếp và tin tưởng vào các nhà quản lý khác là thách thức lớn đối với nhiều doanh nhân. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam không gia tăng được quy mô do các thách thức trong việc xây dựng đội ngũ quản lý đủ tín nhiệm là rất lớn. Do đó, việc quyết định liệu có nên tiếp tục giữ quy mô nhỏ nhưng ổn định hay mở rộng doanh nghiệp cũng là một bài toán khó và đòi hỏi sự suy xét kỹ lưỡng.

2.4 Giai đoạn Cất cánh (Take-off)

Vai trò và trách nhiệm của doanh nhân:

Trong giai đoạn này, doanh nhân đóng vai trò người điều phối chiến lược tăng trưởng. Đây là giai đoạn mà doanh nhân phải tập trung vào việc mở rộng quy mô, tìm kiếm nguồn vốn, mở rộng thị trường và tuyển dụng đội ngũ lãnh đạo chuyên nghiệp để điều hành doanh nghiệp.

Doanh nhân cần dẫn dắt chiến lược mở rộng và giữ vững tầm nhìn dài hạn. Bạn có thể phải đối mặt với vấn đề quản lý tăng trưởng đảm bảo việc mở rộng doanh nghiệp không diễn ra quá nhanh dẫn đến mất kiểm soát về tài chính và quản lý.

Vai trò lãnh đạo tầm cao càng trở nên quan trọng khi doanh nghiệp lớn mạnh, và doanh nhân cần có khả năng truyền cảm hứng, dẫn dắt văn hóa tổ chức và quyết định hướng phát triển.

Thách thức:

Việc cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng nhanh và quản lý rủi ro là thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp có thể thất bại nếu mở rộng quá nhanh mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực và quản lý.

Doanh nhân cần phải nắm rõ tài chính và tìm kiếm các nguồn vốn, cũng như xây dựng các hệ thống kiểm soát chặt chẽ để quản lý tăng trưởng.

2.5 Giai đoạn Trưởng thành (Maturity)

Vai trò và trách nhiệm của doanh nhân:

Ở giai đoạn này, vai trò của doanh nhân chuyển thành nhà lãnh đạo chiến lược, tập trung vào việc tối ưu hóa hoạt động và duy trì sự đổi mới để giữ vững vị thế cạnh tranh. Doanh nhân không còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý hàng ngày mà thay vào đó sẽ tập trung vào tầm nhìn và định hướng chiến lược dài hạn.

Trách nhiệm chính của doanh nhân là giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững, đồng thời tìm kiếm cơ hội đổi mới và phát triển các sản phẩm hoặc thị trường mới.

Doanh nhân lúc này có thể đóng vai trò cố vấn hoặc nhà điều hành cấp cao, với sự tham gia ít hơn vào các quyết định hàng ngày, thay vào đó giám sát việc thực hiện các chiến lược quan trọng.

Thách thức:

Đảm bảo rằng doanh nghiệp tiếp tục đổi mới và không rơi vào trạng thái trì trệ. Sự phát triển bền vững trong giai đoạn này đòi hỏi doanh nhân phải liên tục tìm kiếm các cơ hội mới và đảm bảo văn hóa tổ chức phù hợp với sự thay đổi của thị trường.

Ở giai đoạn trưởng thành, việc duy trì sự cân bằng giữa việc tối ưu hóa hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng bền vững là thách thức quan trọng với các doanh nhân.

3. Kết luận 

Qua mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, vai trò của doanh nhân sẽ dịch chuyển từ việc thực thi trực tiếp sang quản lý chiến lược và cuối cùng là lãnh đạo tầm cao. Ban đầu, doanh nhân chịu trách nhiệm chính về việc sáng tạo và thực hiện ý tưởng kinh doanh, nhưng khi doanh nghiệp trưởng thành người doanh nhân sẽ trở thành người dẫn dắt chiến lược, giúp định hình hướng đi và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Việc ủy quyền, phát triển đội ngũ lãnh đạo, và tối ưu hóa chiến lược là những kỹ năng quan trọng mà doanh nhân cần phát triển khi doanh nghiệp tiến lên các giai đoạn cao hơn. Do đó để trở thành một doanh nhân thành công, khả năng thích ứng và điều chỉnh vai trò theo các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt.

Trở thành một doanh nhân không chỉ là một hành trình đầy khó khăn, thách thức mà còn mang lại những trải nghiệm phong phú, mở ra nhiều cơ hội học hỏi và phát triển bản thân, giúp doanh nhân trưởng thành cùng với sự phát triển của doanh nghiệp. MISA AMIS hy vọng nội dung trên là hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả