Hạch toán chi phí sử dụng đường bộ trong Doanh nghiệp vận tải, logistics

15/10/2023
4480

Đối với các doanh nghiệp vận tải, logistics thì phí sử dụng đường bộ là khoản chi phí phát sinh mang tính chất thường xuyên và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi phí phát sinh trong kỳ. Vậy phí sử dụng đường bộ là gì, mức nộp phí hiện nay ra sao và cách hạch toán chi phí sử dụng đường bộ các doanh nghiệp vận tải, logistics như thế nào? Qua bài viết, MISA AMIS sẽ cùng các bạn làm rõ vấn đề này.

Tìm hiểu khái niệm phí đường bộ và đối tượng chịu phí đường bộ và cách hạch toán phí sử dụng đường bộ tại bài viết: Những điều cần biết về kế toán chi phí sử dụng đường bộ

1. Kỳ thu phí và mức thu phí sử dụng đường bộ

1.1 Về mức thu phí

Mức thu phí hiện nay đang áp dụng theo Phụ lục I “Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ” của Thông tư số 70/2021/TT-BTC. Theo biểu phí của Thông tư thì mức phí sẽ khác nhau giữa các loại xe ô tô và số chỗ ngồi của xe. Cụ thể như sau:

– Mức phí sử dụng đường bộ thấp nhất là xe “Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh”: 1 tháng là 130.000 đồng/xe, 30 tháng là 3.660.000 đồng/xe.

– Mức phí sử dụng đường bộ cao nhất là “Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên”: 1 tháng là 1.430.000 đồng/xe, 30 tháng là: 40.240.000 đồng/xe. 

Mức thu phí chi tiết cho từng loại xe ô tô, bạn đọc có thể tham khảo thêm trong Phụ lục I “Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ” của Thông tư số 70/2021/TT-BTC. 

1.2 Về kỳ thu phí

Phí sử dụng đường bộ có tính chất nộp cho thời gian sử dụng đường bộ ở tương lai, tức là chủ phương tiện phải nộp trước cho thời gian sử dụng sau đó. Theo Thông tư số 70/2021/TT-BTC, chủ phương tiện có thể nộp trước 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng hoặc 30 tháng

Ví dụ: Ngày 01/06/2022 công ty A đi đăng kiểm và nộp phí sử dụng đường bộ 1 năm từ ngày 02/06/2022 đến 01/06/2023. 

2. Hạch toán chi phí sử dụng đường bộ trong quá trình sử dụng ô tô

2.1. Chứng từ sử dụng hạch toán

– Khi nộp phí sử dụng đường bộ, doanh nghiệp sẽ được cấp biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 303/2016/TT-BTC (Hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước). 

– Biên lai thu phí sử dụng đường bộ không phải là một loại hóa đơn GTGT, do đó, kế toán không cần xem xét đến hạch toán thuế GTGT đầu vào. 

– Trên biên lai thu phí sử dụng đường bộ có ghi cụ thể khoảng thời gian thu phí sử dụng đường bộ.

Ví dụ: Xe ô tô con biển số 29F-666.66 của Công ty TNHH ABC có thời gian nộp phí sử dụng theo chu kỳ 30 tháng, từ ngày 01/01/2022 đến 30/06/2024. Khi công ty đi nộp phí sử dụng đường bộ thì thông tin về kỳ nộp phí được thể hiện đầy đủ trên Biên lai thu phí sử dụng đường bộ. 

Biên lai thu phí sử dụng đường bộ
Hình 1: Biên lai thu phí sử dụng đường bộ – Nguồn: Internet

2.2. Phương pháp hạch toán phí sử dụng đường bộ trong doanh nghiệp vận tải, logistics

2.2.1 Tài khoản sử dụng

Do phí sử dụng đường bộ được nộp trước cho thời gian sử dụng ở tương lai nên khoản tiền nộp trước sẽ được hạch toán trên TK 242.

Sau đó cuối mỗi tháng hoặc mỗi kỳ, khoản phí sử dụng đường bộ sẽ được phân bổ dần vào chi phí trong kỳ. Ô tô được sử dụng cho bộ phận nào thì sẽ hạch toán vào chi phí của bộ phận đó. Cụ thể:

– Ô tô sử dụng cho bộ phận quản lý văn phòng: TK 642

– Ô tô sử dụng cho bộ phận bán hàng: TK 641

– Ô tô sử dụng cho các bộ phận trực tiếp vận chuyển hàng hóa cho khách hàng: TK 6278. 

2.2.2 Bút toán hạch toán

– Khi thanh toán phí sử dụng đường bộ:

Nợ TK 242: Nếu thanh toán trước tiền phí cho nhiều kỳ

Nợ TK 641, 642, 6278: Nếu thanh toán tiền phí từng tháng một

Có TK 111,112,141…

– Trong trường hợp thanh toán trước cho nhiều kỳ, định kỳ sẽ tiến hành phân bổ phí sử dụng đường bộ vào chi phí trong kỳ:

Nợ TK 641, 642, 6278

Có TK 242

2.3. Một số lưu ý về hạch toán phí sử dụng đường bộ trong doanh nghiệp vận tải, logistics

2.3.1 Tài khoản sử dụng

Với doanh nghiệp vận tải, logistics các ô tô sử dụng trực tiếp cho mục đích vận chuyển hàng hóa tới khách hàng thì sẽ phải tập hợp khoản phí này như một khoản chi phí cấu thành nên giá vốn của dịch vụ. Do vậy, tài khoản thường xuyên được sử dụng trong DN vận tải, logistics để hạch toán phí sử dụng đường bộ là TK 6278.  

Trong các DN vận tải, logistics, các ô tô không sử dụng trực tiếp vào mục đích vận chuyển hàng hóa tới khách hàng thì vẫn căn cứ vào bộ phận sử dụng để hạch toán vào TK 641 hoặc hạch toán vào TK 642. Kế toán của các doanh nghiệp này lưu ý không nhầm lẫn hạch toán tất cả các khoản phí sử dụng đường bộ của ô tô trong doanh nghiệp vào TK 6278.

2.3.2 Tập hợp chứng từ

Kế toán cần lưu ý tập hợp và theo dõi đầy đủ phí với tất cả các ô tô. Do số lượng xe ô tô trong các doanh nghiệp vận tải, logistics thường rất nhiều nên phí sử dụng đường bộ cũng rất lớn. Kế toán viên cần lưu ý theo dõi phân bổ đầy đủ và theo từng xe của doanh nghiệp để đảm bảo khoản phí này được hạch toán kế toán đầy đủ và kịp thời. 

3. Hạch toán chi phí sử dụng đường bộ tại thời điểm mua ô tô

– Câu hỏi: Phí sử dụng đường bộ có được ghi tăng nguyên giá tài sản cố định là ô tô của doanh nghiệp vận tải, logistics hay không?  

Khi doanh nghiệp thực hiện mua ô tô, sau khi hoàn tất thủ tục mua bán thì để xe có thể lưu thông trên đường mà không bị phạt thì doanh nghiệp phải thanh toán phí sử dụng đường bộ. Nhiều kế toán băn khoăn phí này có được ghi tăng nguyên giá không? 

Câu trả lời là: KHÔNG

– Phí sử dụng đường bộ không được ghi tăng nguyên giá tài sản cố định (ô tô) trong tất cả các loại hình doanh nghiệp vì không phải là một yếu tố cấu thành nguyên giá tài sản cố định.

Lưu ý: Không nhầm lẫn phí sử dụng đường bộ với lệ phí trước bạ. Lệ phí trước bạ khi mua xe được ghi tăng nguyên giá của ô tô vì lệ phí trước bạ là khoản chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để ô tô sẵn sàng sử dụng. Còn phí sử dụng đường bộ là khoản phí phát sinh sau khi ô tô đã sẵn sàng sử dụng. 

hạch toán phí sử dụng đường bộ khi mua ô tô
Hình 2: Tránh nhầm lẫn phí sử dụng đường bộ khi mua ô tô với lệ phí trước bạ – Nguồn: freepik

– Hạch toán phí sử dụng đường bộ khi mua ô tô?

+ Kế toán hạch toán giống như các như hướng dẫn ở mục 2.2 bên trên, xác định bộ phận sử dụng ô tô để chọn tài khoản chi phí tương ứng: TK 641, TK 642 hoặc TK 6278. 

+ Nếu phí được đóng cho nhiều tháng thì sử dụng tài khoản 242 để phân bổ dần vào chi phí. 

Như vậy: Hạch toán phí sử dụng đường bộ khi mua xe ô tô hoàn toàn giống với hạch toán phí sử dụng đường bộ khi xe đã sử dụng. Nguyên tắc xác định tài khoản chi phí vẫn là căn cứ vào bộ phận/phòng ban sử dụng ô tô để chọn tài khoản phù hợp.

Ví dụ về hạch toán phí sử dụng đường bộ 

Để hiểu rõ hơn về hạch toán phí sử dụng đường bộ, kế toán có thể xem xét ví dụ sau: 

Ví dụ: Công ty TNHH Vận tải ZUY, có ô tô tải biển kiểm soát 29F-88888 dùng trực tiếp vào hoạt động chuyên chở hàng hóa giao cho khách hàng. Ô tô này sẽ hết hạn đăng kiểm vào ngày 10/03/2023. Ngày 06/03/2023, lái xe thực hiện đi đăng kiểm cho xe ô tô và nộp phí sử dụng đường bộ cho 1 năm. Theo biên lai thu phí sử dụng đường bộ thì: Số phí phải nộp (từ ngày 11/03/2023 đến 10/03/2024) là: 2.160.000 đồng. Lái xe của công ty đã thực hiện nộp tiền mặt tại địa điểm đăng kiểm. Kế toán của ZUY thực hiện trả tiền mặt cho lái xe của công ty sau khi nhận được biên lai thu phí sử dụng đường bộ.

Kế toán của ZUY thực hiện hạch toán như sau: 

– Căn cứ vào biên lai thu phí, kế toán hạch toán: 

Nợ TK 242: 2.160.000 đồng

(Chọn kỳ phân bổ là: 12 tháng)

Có TK 111: 2.160.000 đồng.  

– Hàng tháng, kế toán của ZUY phân bổ phí sử dụng đường bộ vào chi phí số tiền: 2.160.000/12 tháng = 180.000 đồng và thực hiện hạch toán: 

Nợ TK 6278: 180.000 đồng

Có TK 242: 180.000 đồng.

4. Phân biệt phí sử dụng đường bộ và phí cầu đường

4.1. So sánh phí sử dụng đường bộ và phí cầu đường

Do tên gọi tương đối giống nhau, nhiều kế toán nhầm lẫn giữa phí sử dụng đường bộ và phí cầu đường. Các bạn có thể tham khảo bảng so sánh dưới đây để thấy được sự khác nhau giữa 2 loại phí này: 

BẢNG SO SÁNH PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ VÀ PHÍ CẦU ĐƯỜNG

So sánh Phí sử dụng đường bộ Phí cầu đường
Tên gọi khác Phí bảo trì đường bộ, cước phí sử dụng đường bộ, phí đường bộ,… Cước đường bộ, phí cầu đường, phí sử dụng dịch vụ đường bộ, vé đường bộ,…
Định nghĩa Là loại phí mà chủ phương tiện giao thông phải nộp nhằm mục đích bảo trì, nâng cấp đường bộ để phục vụ cho các phương tiện. Là loại phí để bù lại cho chi phí làm đường, được thu trực tiếp tại các Trạm thu phí BOT, khi phương tiện lưu thông qua. 
Chu kỳ thu phí 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng hoặc 30 tháng.  Không có chu kỳ thu phí, mà phát sinh theo lượt lưu thông qua trạm thu phí. 
Chứng từ sử dụng Biên lai thu phí 

Đây không phải hóa đơn GTGT

Vé, cước vé thu phí

Đây là một loại hóa đơn giá trị gia tăng đặc biệt. Số tiền ghi trên vé là số tiền đã bao gồm thuế GTGT.

Bảng 1: Bảng so sánh phí sử dụng đường bộ và phí cầu đường

Vé thu phí đường bộ được coi là chứng từ hợp lệ
Hình 3: Vé thu phí đường bộ là chứng từ hoàn toàn hợp lệ của doanh nghiệp – Nguồn: Internet

4.2. Hạch toán phí cầu đường

4.2.1 Tập hợp chứng từ

Do phí sử dụng đường bộ phát sinh theo lượt lưu thông qua trạm thu phí, nên với một số doanh nghiệp có thể phát sinh một số lượng rất lớn các chứng từ này. Để thuận tiện, kế toán nên yêu cầu lái xe tập hợp lại toàn bộ các vé thu phí đường bộ theo tháng và lập bảng kê chi tiết kèm theo thành một bộ chứng từ. 

Căn cứ vào bảng kê này, kế toán sẽ hạch toán theo từng ô tô vào thời điểm cuối tháng. 

4.2.2. Tài khoản sử dụng

Nếu như phí sử dụng đường bộ thường phải hạch toán phân bổ trên TK 242 do đóng chu kỳ nhiều tháng thì vé thu phí đường bộ sẽ phải được hạch toán thẳng vào chi phí trong kỳ. Căn cứ vào bộ phận sử dụng ô tô, kế toán lựa chọn tài khoản chi phí tương ứng với các bộ phận: TK 641, TK 642, TK 6278. 

Lưu ý: Trong doanh nghiệp vận tải, logistics, kế toán cũng phải lựa chọn tài khoản chi phí phù hợp với bộ phận sử dụng, không nhầm lẫn đưa tất cả các khoản phí vào TK 6278.

4.3.3 Ví dụ hạch toán phí (vé) cầu đường

Ví dụ: Ngày 28/02/2023, kế toán của TYH nhận được bộ chứng từ yêu cầu thanh toán vé thu phí đường bộ của xe ô tô con Fortuner biển kiểm soát 29F-11.111 của Bộ phận quản lý của công ty. Số lượng vé: 15 vé, tổng số tiền là: 600.000 đồng. Kế toán của ABC đã thực hiện chi tiền mặt cho lái xe. 

Kế toán của TYH thực hiện hạch toán như sau: 

– Quy đổi số tiền trên vé cước đường bộ thành số tiền chưa VAT và tiền VAT

Do số tiền ghi trên vé (cước) đường bộ là số tiền đã bao gồm thuế VAT, kế toán phải thực hiện quy đổi như sau:

Số tiền chưa thuế GTGT: 600.000/(1+10%) = 545.455 đồng

Tiền thuế GTGT: 545.455 x 10% = 54.545 đồng. 

– Bút toán hạch toán:

Nợ TK 642: 545.455 đồng

Nợ TK 1331: 54.545 đồng

Có TK 111: 600.000 đồng

Qua bài viết, MISA AMIS đã giúp kế toán doanh nghiệp vận tải, logistics hiểu rõ về phí sử dụng đường bộ cũng như cách hạch toán loại phí này. Kế toán lưu ý tập hợp đầy đủ, xác định đúng chu kỳ đóng phí và bộ phận sử dụng để hạch toán vào tài khoản phù hợp. 

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo
  • ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn! 

Dùng ngay miễn phí

Tổng hợp: Nguyễn Huyền Trang

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả