Nghiệp vụ Thuế Hướng dẫn cách tính thuế GTGT theo hai phương pháp chi tiết

Để giúp các bạn kế toán biết cách tính thuế GTGT phát sinh tại doanh nghiệp của mình được nhanh chóng và chính xác, MISA AMIS tổng hợp, chia sẻ đến quý bạn đọc cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp và phương pháp khấu trừ chi tiết và có ví dụ minh họa cụ thể. MISA AMIS hy vọng các bạn dễ nắm bắt và vận dụng được vào hoạt động tại doanh nghiệp mình.

1. Tính thuế GTGT là gì?

1.1 Sơ lược về thuế GTGT

Căn cứ theo Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT được nộp vào ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng là người chi trả nhưng người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Đặc điểm của thuế GTGT:

Người tiêu dùng là người chi trả nhưng người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Hình 1: Đặc điểm của thuế GTGT

1.2 Tính thuế GTGT

Như vậy, việc tính thuế GTGT chính là việc xác định số thuế GTGT phát sinh phải nộp trong kỳ (tháng, quý, năm) của một doanh nghiệp.

1.3 Mục đích việc tính thuế GTGT

Mục đích việc tính thuế GTGT là xác định được đúng đủ và chính xác số thuế GTGT phải nộp tuân thủ theo quy định của pháp luật, tránh bị phạt cho doanh nghiệp.

2. Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế GTGT

Trước đây, việc doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính GTGT nào thì doanh nghiệp cần đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp sau khi thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, tại bước đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng thực hiện luôn đăng ký thuế và những thông tin đăng ký thuế này được chuyển trực tiếp sang cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ phải đăng ký lại phương pháp tính thuế GTGT khi có sự thay đổi phương pháp tính thuế GTGT trong quá trình hoạt động, ví dụ doanh nghiệp muốn thay đổi từ phương pháp khấu trừ chuyển sang áp dụng phương pháp trực tiếp hoặc ngược lại thì doanh nghiệp cần gửi văn bản thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện việc chuyển đổi phương pháp tính thuế giá trị gia tăng.

3. Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

3.1 Đối tượng áp dụng:

(Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC)

– Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này;

– Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này;

– Hộ, cá nhân kinh doanh;

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí; 

– Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

3.2 Cách tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu

Căn cứ theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định cách tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, cụ thể như sau:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu X Tỷ l %

Trong đó:

– Doanh thu để tính thuế GTGT: là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm cả các khoản phụ thu, phí thu thêm mà doanh nghiệp được hưởng. 

*Chú ý:

+ Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên.

+ Doanh nghiệp nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định. Nếu không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Công ty có doanh thu phát sinh từ hoạt động bán phần mềm máy tính là 60.000.000đ và dịch vụ tư vấn bán hàng online là 20.000.000đ ? Công ty không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ (%) trên doanh thu từ hoạt động bán phần mềm máy tính: 60.000.000 (do phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT), mà doanh nghiệp chỉ phải kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 5% tính trên doanh thu từ dịch vụ tư vấn bán hàng online,  số tiền phải nộp là 20.000.000đ x 5% = 1.000.000đ 

– Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu như sau:

Hình 2: Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Chi tiết:

+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

*Lưu ý: 

– Các bạn có thể xem chi tiết về tỷ lệ % đối với từng ngành nghề trên (tải về phụ lục tỷ lệ từng ngành nghề tại đây

– Sau khi các bạn đã tính được số thuế GTGT phải nộp thì các bạn cần tiến hàng kê khai thuế và nộp thuế theo quy định.

4. Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

4.1 Đối tượng áp dụng:

Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

+ Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;

+ Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.

(Căn cứ theo Khoản 1, Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC)

*Công thức tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ

Căn cứ theo Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định: Công thức tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ cụ thể như sau:

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

a) Số thuế GTGT đầu ra

Số thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn GTGT. 

Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn GTGT = Giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ đó

Doanh nghiệp khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và nộp thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra.
Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. 

Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp B bán tivi giá bán chưa có thuế GTGT đối với tivi X là: 11.000.000 đồng/chiếc; thuế GTGT ở mức 10% (bằng 1.100.000 đồng/chiếc). Nếu hóa đơn doanh nghiệp lập chỉ ghi giá bán là 12.100.000 đồng/chiếc thì thuế GTGT tính trên doanh số bán được xác định bằng: 12.100.000 đồng/chiếc x 10% = 1.210.000 đồng/chiếc thay vì tính trên giá chưa có thuế là 11.000.000 đồng/chiếc.

*Lưu ý:

Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:

Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ:    

Hình 3: Xử lý hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế GTGT khi cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện

b) Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng điều kiện quy định. 

*Lưu ý: Nếu chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì các bạn phải tách thuế GTGT, cụ thể như sau:

– Đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá  thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết thì giá chưa có thuế được xác định như sau: 

Giá chưa thuế GTGT = Giá thanh toán (tiền bán tem, vé…)
1 + thuế suất của hàng hoá, dịch vụ (%)

Ví dụ 3: Như vé cước đường bộ có giá trị: 110.000đ (Đây là giá đã có thuế GTGT, và thuế suất là 10%)

Giá chưa thuế GTGT = 110.000 / (1 + 10%) = 100.000đ

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là = 100.000 * 10% = 10.000đ

Ví dụ 4: Doanh nghiệp C sản xuất kinh doanh hàng chịu thuế 10% và không chịu thuế có phát sinh hoá đơn đầu vào như sau:

– Hoá đơn mặt hàng A giá chưa thuế là 100.000.000đ, thuế GTGT 10.000.000đ dùng cho SXKD chịu thuế.

– Hoá đơn mặt hàng B giá chưa thuế là 50.000.000đ, thuế GTGT 5.000.000đ, dùng cho SXKD không chịu thuế

– Hoá đơn mặt hàng C giá chưa thuế là 10.000.000đ, thuế GTGT 1.000.000đ, dùng chung cho cả chịu thuế và không chịu thuế.

–> Do đó, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sẽ được xác định như sau:

Hoá đơn mặt hàng A – giá chưa thuế là 100.000.000đ

– thuế GTGT 10.000.000đ

dùng cho SXKD chịu thuế Sẽ được khấu trừ toàn bộ 10.000.000đ
Hoá đơn mặt hàng B – giá chưa thuế là 50.000.000đ

– thuế GTGT 5.000.000đ

dùng cho SXKD không chịu thuế Không được khấu trừ
Hoá đơn mặt hàng C – giá chưa thuế là 10.000.000đ

– thuế GTGT 1.000.000đ

dùng chung cho cả chịu thuế và không chịu thuế Hoá đơn này phải phân bổ


Hoá đơn mặt hàng C: Hoá đơn này phải phân bổ (vì dùng chung cho cả Chịu thuế và Không chịu thuế), cụ thể như sau:

Thuế GTGT được khấu trừ sẽ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT và doanh thu không chịu thuế so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

Tổng Doanh thu trong kỳ là 200.000.000đ

(Trong đó: Doanh thu chịu thuế 10% là: 150.000.000 (Chiếm 75%), Thuế GTGT đầu ra là 15.000.000đ

Doanh thu không chịu thuế: 50.000.000đ (Chiếm 25%)

–> Vì vậy, số thuế GTGT được khấu trừ của Hoá đơn mặt hàng C là :

Tiền thuế GTGT được khấu trừ = 1.000.000đ x 75% = 750.000đ

Như vậy, tổng cộng số thuế GTGT được khấu trừ là: 10.000.000 + 750.000 = 10.750.000đ.

Số thuế GTGT phải nộp  = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ 

  = 15.000.000 – 10.750.000 = 4.250.000đ

*Lưu ý:

– Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định theo nguyên tắc, điều kiện khấu trừ thuế GTGT quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 – Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế GTGT mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:

+ Đối với cơ sở kinh doanh mua vào hàng hóa, dịch vụ: 

Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.

Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán

Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn

+ Đối với cơ sở kinh doanh bán ra hàng hóa, dịch vụ:  

Cơ sở kinh doanh khi nhập khẩu hàng hóa đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi bán cho người tiêu dùng đã lập hóa đơn ghi thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn GTGT bán ra đúng bằng với mức thuế suất thuế GTGT đã khai, nộp thuế ở khâu nhập khẩu nhưng mức thuế suất thuế GTGT đã khai (ở khâu nhập khẩu và khâu bán ra nội địa) thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT và cơ sở kinh doanh không thể thu thêm được tiền của khách hàng Số tiền đã thu của khách hàng theo hóa đơn GTGT được xác định là giá đã có thuế GTGT theo thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT để làm cơ sở xác định đúng số thuế GTGT phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN


Sau khi các bạn đã tính được số thuế GTGT phải nộp các bạn cần tiến hành kê khai thuế và nộp thuế theo quy định. 

Trên đây là toàn bộ nội dung “Hướng dẫn cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp và phương pháp khấu trừ” được MISA AMIS chia sẻ gửi đến quý bạn đọc. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích và hỗ trợ cho công việc của các bạn trong doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc tính thuế GTGT được đúng, đủ, chính xác.

Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký:

Dùng ngay miễn phí

Tổng hợp: Người yêu kế toán

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]