Tổng hợp các quy định và mức phạt vi phạm hành chính về kê khai và nộp thuế

03/05/2023
764

Việc kê khai và nộp thuế là một trong những trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp được tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm với số liệu khai nộp của mình. Nhà nước có cơ chế xử phạt trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về thời hạn kê khai, nộp thuế. MISA AMIS tổng hợp, trình bày các quy định và mức phạt vi phạm hành chính về kê khai và nộp thuế hy vọng giúp các bạn nắm rõ các quy định và áp dụng đúng cho doanh nghiệp của mình. 

Hình 1: Tổng hợp các quy định và mức phạt vi phạm hành chính về kê khai và nộp thuế

1. Tóm tắt quy định về trách nhiệm của người nộp thuế

Các quy định về trách nhiệm của người nộp thuế 

Khoản 1, 2,3,4,5, Điều 17, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định một số trách nhiệm của người nộp thuế như sau:

Điều 17. Trách nhiệm của người nộp thuế

1. Thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.

2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.

3. Nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.

4. Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

5. Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.

………….”

Căn cứ theo quy định nêu trên, được hiểu rằng người nộp thuế sẽ tự chịu trách nhiệm về việc tính tiền thuế, kê khai và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp mình. Trường hợp trong quá trình tính toán, kê khai nếu có các sai sót phát sinh, người nộp thuế được khai, nộp bổ sung hồ sơ khai thuế và tiền thuế, tiền chậm nộp… theo quy định và sẽ phải tự chịu trách nhiệm và nộp các khoản phạt vi phạm theo quy định hiện hành. 

Nắm rõ nguyên tắc này, doanh nghiệp cần lưu ý hơn trong quá trình kiểm soát nội bộ, tuân thủ các quy định về thuế liên quan để giảm thiểu các rủi ro về thuế nếu không được bổ sung điều chỉnh kịp thời có thể phát sinh trong quá trình thanh, kiểm tra sau này.

2. Mức phạt vi phạm hành chính trong trường hợp doanh nghiệp chậm nộp các hồ sơ khai thuế theo quy định

Hình 2: Mức phạt vi phạm hành chính trong trường hợp doanh nghiệp chậm nộp các hồ sơ khai thuế theo quy định

Theo quy định tại Điều 47, Luật Quản lý thuế, người nộp thuế được kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót nhưng trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh, kiểm tra. 

Theo quy định tại Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, MISA AMIS tóm tắt lại các mức phạt vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

STT Mức phạt Hành vi bị phạt
1 Phạt cảnh cáo Hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ
2 Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng Hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày (trừ trường hợp 1)
3 Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng Hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày
4 Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày hoặc;
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc;
  • Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc;
  • Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
5 Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng Hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Lưu ý: Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.

Mức phạt vi phạm hành chính về hồ sơ khai thuế khi Cơ quan thuế đã tiến hành kiểm tra, thanh tra

Khi Cơ quan thuế đã công bố quyết định thanh, kiểm tra, người nộp thuế vẫn được kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế tuy nhiên sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính với từng hành vi tương ứng. 

  • Khoản 2, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế:

“2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế

a) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế …………………

b) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

……………………..”

  • Khoản 6, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn truy thu thuế như dưới đây

“6. Thời hạn truy thu thuế

a) Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

b) Thời hạn truy thu thuế tại điểm a khoản này chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a khoản này.”

  • Điểm b, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về phạt hành vi trốn thuế và hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, giảm, hoàn:

Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.”

Căn cứ theo các quy định trích dẫn nêu trên, bạn đọc có thể tham khảo tổng hợp quy định về phạt vi phạm hành chính như dưới đây:

Thời gian Các khoản phạt
Trong thời gian 

02 năm

  • Phạt vi phạm hành chính về hồ sơ khai thuế như quy định tại Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP
  • Phạt kê khai sai 20% số tiền khai thiếu hoặc số tiền đã được miễn, giảm, hoàn (Điều 16, Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
  • Phạt chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp (Điều 42, Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
  • Nộp số tiền còn thiếu
Trong thời gian 

05 năm

  • Phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
  • Phạt kê khai sai 20% số tiền khai thiếu hoặc số tiền đã được miễn, giảm, hoàn (Điều 16, Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
  • Phạt chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp (Điều 42, Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
  • Nộp số tiền còn thiếu
Trong thời gian 

10 năm

  • Phạt kê khai sai 20% số tiền khai thiếu hoặc số tiền đã được miễn, giảm, hoàn (Điều 16, Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
  • Phạt chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp (Điều 42, Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
  • Nộp số tiền còn thiếu

Bên cạnh đó, bạn đọc lưu ý rằng, hành vi không nộp hồ sơ khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế có rủi ro bị xem như hành vi trốn thuế và bị xử phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế tùy theo tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ (Tham khảo quy định tại khoản 1, Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP).

Căn cứ theo các quy định và phân tích nêu trên, doanh nghiệp sẽ tự khai, tự nộp hồ sơ quyết toán thuế theo quy định về thuế. Trường hợp nộp chậm, nộp sai… doanh nghiệp lưu ý một số mức phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp có thể phải nộp để có kế hoạch nộp hồ sơ khai thuế bổ sung, nộp tiền thuế… phù hợp, giảm thiểu số tiền phạt vi phạm tương ứng.

MISA AMIS hy vọng nội dung tổng hợp trên có thể giúp bạn đọc nắm rõ các quy định và các mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về kê khai và nộp thuế để áp dụng thực hiện đúng tại doanh nghiệp mình. 

Việc nộp thuế vào ngân sách Nhà nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp song để đảm bảo quyền lợi thì Nhà nước cũng cho phép các doanh nghiệp được yêu cầu và nộp hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện. Kế toán viên cần cẩn trọng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán thuế nói chung và các nghiệp vụ tính, nộp và xin xét hoàn thuế nói riêng. Sự hỗ trợ của các phần mềm kế toán như phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ giúp công tác kế toán đơn giản và chính xác hơn nhiều lần. Phân hệ thuế của phần mềm MISA AMIS tích hợp các tính năng:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động tổng hợp số liệu
  • Hỗ trợ kế toán viên nộp tờ khai, nộp thuế điện tử cho cơ quan thuế
  • Các tiện ích khác: kiểm tra tình trạng hoạt động của nhà cung cấp, khách hàng, tự động khấu trừ thuế, hạch toán điều chỉnh thuế GTGT khi lập tờ khai

Những tính năng này sẽ giúp nghiệp vụ thuế trở nên dễ dàng hơn với người làm kế toán. Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị kế toán đăng ký trải nghiệm 15 ngày miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS!

Dùng ngay miễn phí

Tác giả: Ngô Thị Mơ

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả