Mẫu biểu, quy định Quy định Một số điểm mới của Thông tư 13/2023/TT-BTC hướng dẫn Nghị định...
Hình 1: Thông tư 13/2023/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi quy định về thuế GTGT

Ngày 28 tháng 02 năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi quy định về thuế GTGT. Thông tư đưa ra nhiều quy định mới nổi bật đáng chú ý về thuế GTGT mà các doanh nghiệp và các bạn kế toán nên lưu ý. Theo đó, có ba nội dung chính như sau:

  • Thứ 1: Quy định giá tính thuế giá trị gia tăng của hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
  • Thứ 2: Quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư 
  • Thứ 3: Quy định giá tính thuế đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

MISA AMIS tập trung phân tích 2 nội dung các doanh nghiệp thường gặp hơn là nội dung 1 và 2. Mời các bạn cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết những nội dung này ngay dưới đây.

1. Quy định giá tính thuế giá trị gia tăng của hoạt động chuyển nhượng bất động sản

Căn cứ theo khoản 1, Điều 1, Thông tư 13/2023/TT-BTC quy định giá tính thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP.

Theo đó, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản giá tính thuế là:

Giá tính thuế giá trị gia tăng của hoạt động chuyển nhượng bất động sản = Giá chuyển nhượng bất động sản Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng

Trong đó:

  • Giá chuyển nhượng bất động sản:
    • Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
    • Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
    • Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước là giá ghi trên hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng quyền thuê mặt đất, thuê mặt nước.
  • Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể cho các trường hợp sau:
    • Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
    • Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.
    • Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng quy định tại khoản này là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

đọc thêm: Kế toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng.
Hình 2: Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất – nguồn: freepik.com

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có). Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân đã xác định giá đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 209/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng không bao gồm cơ sở hạ tầng.

Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.
  • Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật; nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.

Trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.

  • Phân tích điểm mới: 

Quy định mới đã bổ sung quy định chi tiết về việc xác định giá đất được trừ để tính thuế GTGT đối với chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là: Số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà Nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Ngoài ra, một điểm mới nữa của Thông tư là đã bổ sung khoản tiền thuê mặt nước vào mục giá đất được trừ để tính thuế GTGT.

Trước đây: Không quy định cụ thể mà chỉ nêu chung là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn mới về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư 

Căn cứ theo khoản 3, Điều 1, Thông tư 13/2023/TT-BTC quy định hoàn thuế đối với dự án đầu tư hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy định tại khoản 3, Điều 1, Nghị định 49/2022/NĐ-CP như sau:

  • Cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ (bao gồm cả cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư) có dự án đầu tư mới. 
  • Dự án đầu tư mới (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư) theo quy định của Luật Đầu tư.
  • Tại địa bàn cùng tỉnh, thành phố hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này và dự án đầu tư xây dựng nhà để bán, dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định) đang trong giai đoạn đầu tư hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí.
  • Dự án đầu tư mới đang trong giai đoạn đầu tư.
  • Dự án đầu tư mới có số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong giai đoạn đầu tư lũy kế chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên được hoàn thuế giá trị gia tăng.
    • Nếu cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng riêng đối với dự án đầu tư và phải bù trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của dự án đầu tư với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện (nếu có). Sau khi bù trừ nếu số thuế giá trị gia tăng đầu vào lũy kế của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên được hoàn thuế giá trị gia tăng.
    • Trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì cơ quan thuế có thể sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để quyết định việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

>> Có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm hoàn thuế GTGT với dự án đầu tư và cơ sở SXKD hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

  • Tổng hợp một số điểm mới về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư như sau:
Hình 3: Một số điểm mới về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư
    • Điểm mới 1: Mở rộng đối tượng hoàn thuế GTGT cho cả dự án đầu tư mới cùng hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính.

 Trước đây, theo quy định tại Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định việc hoàn thuế GTGT chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư mới đầu tư tại tỉnh, thành phố khác với địa phương nơi đóng trụ sở chính thì tại Nghị định 49/2022/NĐ-CP, việc hoàn thuế GTGT được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới cùng hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính (trừ dự án đầu tư xây dựng nhà để bán, dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định và một số trường hợp không được hoàn thuế khác).

*Nội dung này sẽ giúp tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn cho việc hoàn thuế GTGT của các dự án đầu tư.

    • Điểm mới 2: Quy định mới về hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Căn cứ Điều 2 Thông tư 13/2023/TT-BTC quy định sửa đổi, bổ sung điểm a.4 khoản 2 Điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:

“a.4) Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ: Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”

=> Như vậy, kể từ ngày 14/4/2023 (ngày có hiệu lực của Thông tư 13/2023/TT-BTC) thì hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT (quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP) bao gồm các giấy tờ sau:

(1) Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC.

(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư đối với trường hợp phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

(3) Đối với dự án có công trình xây dựng: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; giấy phép xây dựng.

(4) Bản sao Chứng từ góp vốn điều lệ.

(5) Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

(6) Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo Mẫu số 01-1/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC, trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế.

(7) Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án, Quyết định giao quản lý dự án đầu tư của chủ dự án đầu tư, Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh hoặc Ban quản lý dự án đầu tư (nếu chi nhánh, Ban quản lý dự án thực hiện hoàn thuế).

Trước đây: Hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn chưa rõ ràng và phức tạp. 

*Quy định mới này giúp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thuế GTGT của các dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trên đây là toàn bộ phân tích một số điểm mới của Thông tư 13/2023/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về thuế GTGT. MISA AMIS mong rằng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp quý doanh nghiệp và các bạn nắm bắt nhanh chóng thông tin, chính sách thuế mới của luật thuế để thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp được đảm bảo và thuận lợi.

Qua bài viết, MISA AMIS mong muốn các kế toán doanh trong quá trình làm việc của mình được cập nhật đầy đủ các quy định mới nhất của Chính phủ, Bộ Tài chính,… để không gặp khó khăn trong quá trình làm việc. Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • ….

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm 15 ngày miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS!

Dùng ngay miễn phí

Người tổng hợp: Người yêu kế toán

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]