Anh Trương Minh Nhựt, Founder/Managing Partner tại AND agency từng là Account Director Leo Burnett & Asatsu-DK.
Anh đã trải qua hơn 10 năm làm việc tại nhiều loại hình agency khác nhau, từ agency truyền thống chuyên về xây dựng thương hiệu, quảng cáo và truyền thông tích hợp (branding, advertising và IMC), đến agency chuyên tạo trải nghiệm trực tuyến (digital agency).
Một vài công ty anh Trương Minh Nhựt đã từng cộng tác: Leo Burnett, Asatsu-DK, Dentsu, và DNA Digital. Là một chuyên gia quản trị khách hàng (Account Management),… anh Nhựt đã từng phụ trách nhiều khách hàng tên tuổi như Honda, Samsung, TH true Milk, Tường An, Tân Hiệp Phát, Vietnam Airlines, Mondelez, Toshiba, Anlene, Acecook, KFC, Manulife, …
Thành tích trong công việc của anh còn được ghi dấu với giải Đồng, hạng mục Digital, bảng Chuyên Nghiệp, Vietnam Young Spikes 2016.
MISA: Xin chào anh Nhựt, cảm ơn anh đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay với chủ đề “Cơ hội nghề nghiệp Account Management dành cho các bạn trẻ”. Trước tiên, MISA rất muốn lắng nghe góc nhìn của anh về công việc Account Management, đó là vị trí như thế nào, có vai trò gì cũng như con đường phát triển, thăng tiến ra sao?
Anh Trương Minh Nhựt: Xin chào Quý độc giả và ban biên tập MISA. Với anh, Account Management giống như người nhạc trưởng trong một dàn nhạc. Người nhạc trưởng có thể không chơi một nhạc cụ nào, không trực tiếp thực thi, nhưng sẽ là người biết được ai, phần nào đang đánh sai, không hoà nhập vào nhịp điệu của bản nhạc và cần phải điều chỉnh. Nhạc trưởng cũng sẽ là người nhìn được tổng thể để chỉ dẫn và điều phối.
Và đặc biệt, nhạc trưởng sẽ hiểu nhất người nghe muốn gì. Ba vai trò đó của người nhạc trưởng tương đương như ba chức năng chính của một Account Management. Và đây cũng là những điểm khác biệt cơ bản giữa Account và Sale tại các agency.
Một là, Account Management có thể không là người trực tiếp thực hiện từng công việc cụ thể, nhưng sẽ là người quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến dự án, ví dụ như tiến độ, chất lượng, chi phí, con người …
Hai là, Account phải là người hiểu khách hàng nhất, biết được điều gì cần cho họ và đôi khi biết được khách hàng muốn gì ngay cả trước khi họ nói ra. Và cuối cùng, Account phải là người cố vấn, tư vấn cho cả khách hàng và nội bộ, là nhân tố bao quát toàn diện đảm bảo dự án vận hành thông suốt.
Anh lấy ví dụ một trường hợp, khi các bạn trong nhóm creative (sáng tạo nội dung) có những ý tưởng rất hay, rất lạ nhưng lại cần rất nhiều thời gian để thực hiện, hoặc ở phía khách hàng, họ đưa ra những yêu cầu riêng, khắt khe thì Account phải là người cân đối mọi vấn đề kể trên; xem xét xem liệu ý tưởng mà các bạn đề xuất đó có có giải quyết được vấn đề gì cho khách hàng không, có phù hợp và khả thi không. Còn khách hàng, phải tìm hiểu xem lý do tại sao họ muốn vậy, mình có thể làm gì tốt hơn cho họ không.
Về con đường thăng tiến, theo kinh nghiệm của anh tại các công ty đa quốc gia, tùy cấu trúc công ty sẽ có khoảng 6 đến 8 cấp độ thăng tiến cho vị trí Account và tên gọi vị trí cũng khác nhau từ Executive cho đến Director.
Nhanh nhất các bạn sẽ mất ít nhất 1 năm để được thăng một cấp, hoặc xuất sắc có thể chỉ sau 9 tháng đã lên cấp rồi, nhưng có những người 3, 4 năm vẫn chỉ ở một vị trí và không phát triển lên được. Nhìn chung thì anh nghĩ việc thăng tiến phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân mỗi người.
MISA: Vậy giữa các cấp độ, khối lượng công việc sẽ khác nhau cụ thể như thế nào? Có phải dựa trên số lượng dự án người đó phụ trách hay không?
Anh Trương Minh Nhựt: Không hẳn dựa trên số lượng dự án, mà theo anh phụ thuộc vào scope of work (phạm vi công việc). Dù ở level nào thì căn bản Account vẫn sẽ đảm nhận ba vai trò chính như anh đã chia sẻ ở trên, tuy nhiên với những level khác nhau thì tỷ trọng giữa ba vai trò đó sẽ có sự khác nhau.
Những người ở vị trí càng cao thì càng phải làm các đầu việc nhiều thử thách, đòi hỏi chất xám và trách nhiệm với công việc cao hơn. Trường hợp, những hợp đồng có giá trị lớn thì thường người quản lý cũng cần trực tiếp tham gia trong suốt cả quá trình để đảm bảo, kiểm soát được.
Thông thường, cho các dự án nhỏ, công việc và khách hàng đơn giản thì các bạn Executive sẽ trực tiếp làm việc với khách hàng mỗi ngày, Manager chỉ tham gia khi có những vấn đề phức tạp, nếu không thì chỉ quản lý chung, điều phối nhân sự, đảm bảo tiến độ công việc.
Tuy nhiên, khi dự án lớn, nhiệm vụ và khách hàng phức tạp, thì Manager sẽ là người chủ chốt làm việc, thuyết phục khách hàng và tham gia sâu vào các đầu việc có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng thành phẩm cuối cùng. Khi đó Executive sẽ theo chỉ đạo của Manager cho các công việc chi tiết.
Còn vị trí Director lại làm những việc mà Manager không làm được như chịu trách nhiệm về KPI, đấu thầu, đảm bảo tỷ lệ thắng thầu, phát triển khách hàng hoặc xử lý các vấn đề từ phía khách hàng quan trọng. Một vai trò nữa của Director là xây dựng và luân chuyển đội ngũ cho phù hợp, xây dựng lộ trình sự nghiệp cho từng thành viên trong team.
Dù vậy, có một lưu ý là ở vị trí nào thì việc thấu hiểu khách hàng đều quan trọng, là cốt lõi của sự thành công trong mỗi dự án.
MISA: Như anh đã chia sẻ, một trong ba chức năng chính của Account là phải hiểu được khách hàng để đưa ra các gợi ý và phương án trước cả khi khách hàng yêu cầu. Vậy làm thế nào để nắm bắt tâm lý khách hàng, khai thác hiệu quả cũng như hiểu được khách hàng muốn gì?
Anh Trương Minh Nhựt: Theo anh để làm việc được với khách hàng, trước tiên các bạn cần yêu thích những công việc liên quan đến thấu hiểu con người. Khi anh còn là một thực tập sinh, sếp từng nhận xét anh là người có óc quan sát và có khả năng xây dựng, duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng; anh cũng thích tìm hiểu về hành vi khách hàng, thói quen, tâm lý,… con người và anh luôn cố gắng để có góc nhìn đa chiều trong mọi vấn đề.
Anh nhận thấy, học cách lắng nghe không định kiến là một trong những phương pháp khiến các bạn hiểu về con người tốt hơn. Đồng thời các bạn cũng cần chuẩn bị tâm thế, kỹ năng, kinh nghiệm giao tiếp thật tốt nữa.
Tóm lại với anh để nắm bắt tâm lý khách hàng chỉ có hai thứ các bạn cần là yêu thích công việc “hiểu về con người” và “biết cách lắng nghe” chứ không có công thức cụ thể nào, vì mỗi khách hàng lại có những khác biệt nhất định.
MISA: Vậy theo anh trong việc thấu hiểu khách hàng, tố chất bẩm sinh hay sự rèn luyện, tích lũy sẽ đóng vai trò quan trọng hơn?
Anh Trương Minh Nhựt: Anh nghĩ nếu có tố chất không qua rèn luyện cũng sẽ mai một đi, còn sự rèn luyện không từ tố chất căn bản sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế nếu có cả hai thì quá tốt, còn nếu không có tố chất thì phải chăm chỉ và nỗ lực mài dũa rất nhiều.
Cuối cùng thì dù bằng cách nào, Account cũng phải mang lại cho khách hàng cảm giác thoải mái và hài lòng về trải nghiệm với thương hiệu, với đội ngũ phụ trách. Ví dụ câu chuyện của anh, trước đây việc giao lưu, gặp gỡ khách hàng đối với anh chỉ là công việc, nhưng sau đó anh nhận ra nếu anh cố gắng để xây dựng được mối quan hệ vui vẻ, chân thành với khách hàng thì sẽ có được những giá trị thật, lâu dài và gắn bó hơn.
>> Xem thêm: 7 cách để xây dựng mối quan hệ với khách hàng hiệu quả nhất
MISA: Vậy theo kinh nghiệm của anh, làm thế nào để nhận biết được một người có tố chất làm Account; Hay nói cách khác, để trở thành một Account thì các bạn nên chú trọng vào điều gì? Anh có thể chia sẻ cùng độc giả một trường hợp điển hình anh đã gặp không?
Anh Trương Minh Nhựt: Theo kinh nghiệm chủ quan của anh khi lựa chọn Account, đầu tiên anh sẽ nhìn xem bạn đó có kỹ tính hay không. Vì công việc của Account Management dù không trực tiếp thực thi, nhưng luôn cần có sự quan sát và chú tâm đến các chi tiết, nên anh sẽ nhìn cách bạn đó làm việc có chỉn chu, chuẩn mực hay không, từ cách viết tiêu đề, gửi email, đặt lịch làm việc với khách hàng …
Có thể ban đầu vào các bạn chưa quen nên các bạn cần dành thời gian học hỏi, để ý và quan sát từ đồng nghiệp, từ sếp. Để trở thành một Account thực thụ, thì các bạn phải chú trọng rèn luyện và duy trì được tiêu chuẩn “kỹ tính” được.
Điều thứ hai anh quan tâm là các bạn làm việc có trách nhiệm không, có cần cù chăm chỉ, không ngại học hỏi và tôn trọng deadline hay không. Bởi điều này thể hiện thái độ, tinh thần cầu tiến, nỗ lực của bạn với công việc. Ví dụ có những bạn kỹ năng rất tốt nhưng khi cần gì thì lại “biến mất” hoặc luôn phản hồi trễ, mà như thế thì không thể chấp nhận đối với một nghề luôn đòi hỏi “sự kịp thời” như Account.
Để có được điều này thì cần cả tố chất và thời gian rèn luyện. Hai đến ba năm đầu anh đi làm, cuối tuần anh đều lên công ty để học thêm, nghe video, đọc sách để tăng thêm kỹ năng cho mình.
MISA: Những người làm công việc Account Management thường được ví như “làm dâu trăm họ”, vừa phải làm hài lòng đối tác lại phải phối hợp nhịp nhàng với các phòng ban nội bộ, thường xuyên phải giải quyết các vấn đề phát sinh. Anh thấy thế nào về ý kiến trên và anh đánh giá như thế nào về những áp lực mà vị trí account hay gặp phải?
Anh Trương Minh Nhựt: Nếu mà so sánh vui vui thì có thể xem như thế. Anh nghĩ làm Account đối mặt với ba loại áp lực rất rõ. Thứ nhất là áp lực về môi trường làm việc, đội nhóm của mình, áp lực thứ hai là từ khách hàng, áp lực thứ ba là từ bản thân mình khi đối diện với những dự án, lĩnh vực mới mình chưa từng làm.
Nói riêng về áp lực từ phía khách hàng, đó là khi khách hàng và mình không cùng tiếng nói, không cùng phong cách làm việc hoặc góc nhìn, trường hợp này gây ra rất nhiều áp lực cho Account.
Anh có những đối tác rất cởi mở, luôn lắng nghe và trân trọng những nỗ lực của agency, dễ dàng đi đến tiếng nói chung nhưng cũng có lúc gặp những khách hàng khá cứng nhắc, chỉ nhìn KPI cuối cùng mà không xem quá trình, cách làm việc không chuyên nghiệp và thiếu sự tôn trọng với agency.
MISA: Vậy khi làm việc với các phòng ban khác, account thường gặp mâu thuẫn gì và cần dung hoà như thế nào?
Anh Trương Minh Nhựt: Anh nghĩ mức độ mâu thuẫn sẽ phụ thuộc vào level của bạn Account đó. Nếu bạn là người mới, chưa có dự án nào nổi bật, rất có thể ý kiến của bạn không được coi trọng. Nhưng nếu bạn đã có những ý tưởng thành hiện thực và mang lại hiệu quả, những khách hàng lớn, thì chắc chắn sẽ dễ thuyết phục các phòng ban khác cùng hợp tác. Để có được niềm tin của khách hàng hay chính nội bộ sẽ luôn cần thời gian xây dựng, bồi đắp. Có thể nói, đây chính là bức tranh thực tế của hầu hết các agency mà bạn ít được biết.
Đừng quên bạn còn hai “cứu cánh” cực kỳ lợi hại, đó là sếp và khách hàng của bạn. Hãy tận dụng đúng lúc để đàm phán với các phòng ban khác cho phù hợp nhé. Đừng quên thái độ linh hoạt, vui vẻ nhưng chuyên nghiệp và có nguyên tắc.
MISA: Vậy, trường hợp anh và khách hàng không đạt được sự đồng thuận, anh sẽ xử lý như thế nào?
Anh Trương Minh Nhựt: Trong quan điểm của anh, anh luôn bắt đầu bằng câu hỏi tại sao, chấp nhận mọi thứ đều mang tính tương đối và giữ lối suy nghĩ thật tối giản, điều đó giúp anh đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.
Khi làm việc với khách hàng, anh đưa ra giải pháp, nếu khách hàng đồng ý thì anh triển khai. Còn nếu khách hàng không đồng ý, anh sẽ cố gắng tư vấn thêm lần nữa, đặc biệt là nhắc lại mục đích/tại sao, ưu và nhược điểm của các giải pháp để khách hàng cân nhắc thêm. Cuối cùng sẽ để khách hàng quyết định, và anh sẽ thực thi quyết định đó một cách tốt nhất. Vì anh hiểu tất cả những gì anh đưa ra đều dựa trên lý thuyết và kinh nghiệm, đôi khi góc nhìn còn hạn hẹp và khách hàng họ hiểu những điều đang xảy ra hơn nên phương án đó sẽ sát với thị trường hơn.
Nhìn ở một khía cạnh nào đó, có thể khách hàng thuê mình tư vấn, nhưng thật sự họ cần một bên giúp họ thực hiện điều họ muốn một cách hoàn hảo nhất. Vậy khi đó mình nên tư duy ngược lại, làm theo mong muốn, yêu cầu của khách hàng và hành động một cách chuyên nghiệp nhất.
Nên tóm lại, theo anh để thoát khỏi tình trạng “không đồng thuận” chỉ có hai chữ “thấu hiểu”. Các bạn vừa phải thấu hiểu khách hàng, vừa cần thấu hiểu và chia sẻ trong đội nhóm. Và các bạn cần chú ý rằng ngay khi mâu thuẫn phát sinh nếu các bạn không thể tự giải quyết trên vai trò, trách nhiệm của mình thì cần báo cáo và đề xuất với quản lý để quản lý can thiệp vào và xử lý kịp thời. Những việc cấp bách cần chia sẻ càng sớm càng tốt để tránh rủi ro và nguy cơ lớn hơn về sau.
MISA: Quay lại những chia sẻ trước đó của anh, một trong ba nhiệm vụ chính của Account Management là quản lý dự án. Anh có kinh nghiệm nào trong việc xây dựng và lên kế hoạch dự án có thể chia sẻ cùng độc giả không?
Anh Trương Minh Nhựt: Theo anh công việc nào cũng đều không có lối tắt, đặc biệt với Account Management. Vì vậy, nguyên tắc của anh là phải thực sự dành rất nhiều thời gian suy nghĩ cho công việc và làm kỹ từng việc một.
Một lời khuyên của anh cho các bạn trong mọi lĩnh vực, không riêng Account Management đó là các bạn phải hiểu rõ các bạn muốn làm và cần làm gì. Các bạn cần phải nhìn tổng thể dự án, hình dung rõ từng bước nối tiếp nhau như thế nào, cần làm việc với ai, mất bao nhiêu thời gian, cần có những nguồn lực gì, liệu có vấn đề gì phát sinh không… Thời gian suy nghĩ này rất quan trọng, các bạn phải hiểu được quy trình chung, có định hướng rồi mới bắt tay vào làm.
Để làm được điều này, các bạn có thể dùng kinh nghiệm hoặc hỏi trực tiếp quản lý để được tư vấn. Khi đã hỏi rõ và đủ dữ kiện, các bạn hãy lên kế hoạch thật chi tiết và làm mọi cách để tránh hoặc dự phòng cho các rủi ro có thể xảy ra, thậm chí đưa trước cho khách hàng để họ nắm được. Tuy nhiên, các bạn cũng cần chú ý rằng các nhận định cần dựa trên căn cứ và tiêu chuẩn chứ không phải dựa trên ý kiến chủ quan cá nhân.
Trong quá trình làm dự án, cần hạn chế tối đa các mâu thuẫn, tranh cãi và chú trọng tới sự đồng thuận. Đồng thuận ở đây không có nghĩa tất cả phải cùng đồng ý một vấn đề, mà là tất cả cùng hiểu và hướng tới một mục tiêu chung.
Tóm lại, để quản lý tốt dự án các bạn cần 3 thứ. Một là hiểu rất rõ mình muốn gì và cần làm gì. Hai là bạn phải có kế hoạch cho từng bước, từng vấn đề xảy ra. Thứ ba là bạn phải theo dõi rất sát kế hoạch theo từng ngày hoặc từng đầu việc, bám sát timeline và nhắc nhở khách hàng để đảm bảo công việc thông suốt.
MISA: Nói về việc bám sát timeline, đảm bảo tiến độ thì thực tế tình trạng trễ deadline từ phía khách hàng khá phổ biến, ví dụ khách hàng gửi thông tin muộn hơn so với thời gian đã thống nhất, hoặc khách hàng chậm trễ trong việc phản hồi, …. Theo anh, Account Management nên ứng xử như thế nào trong trường hợp này?
Anh Trương Minh Nhựt: Đúng là tình trạng này khá là phổ biến, tuy nhiên muốn giải quyết một cách tuyệt đối thì gần như không thể vì cũng có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến việc khách hàng chậm trễ.
Để hạn chế, theo anh nên đưa ra các nguyên tắc làm việc ngay từ đầu, thống nhất việc phối hợp, hỗ trợ nhau. Dù vậy, tùy tình huống để chúng ta có sự linh hoạt nhất định; Đôi khi có thể để khách hàng chậm trễ một thời gian nhất định, trong khả năng đội nhóm của mình có thể xoay xở vẫn hoàn thành các đầu mục còn lại.
Tất nhiên trên vai trò doanh nghiệp, dự án hoàn thành và bàn giao càng nhanh thì công ty càng có lợi, do đó cũng không nên để dự án quá kéo dài. Đó cũng là lý do các quản lý đều cần được đào tạo về góc nhìn quản lý chi phí vận hành. Khi thấy một dự án chậm trễ, các quản lý sẽ hiểu rằng đến lúc cần thúc đẩy để hoàn thiện dự án, để càng lâu thì công ty càng có nhiều thiệt hại.
MISA: Trong quản lý dự án có rất nhiều yếu tố. Theo anh để có một dự án thành công cần chú trọng yếu tố nào nhất và vì sao? Với một yếu tố khó có thể đo lường như vậy, theo anh căn cứ nào để biết được dự án đã thành công?
Anh Trương Minh Nhựt: Một dự án thành công là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, về căn bản thì theo anh có các yếu tố sau cần quan tâm, đó là quản lý chi phí, thời gian, chất lượng, kỳ vọng, sự hài lòng của khách hàng và cuối cùng rút ra được những đánh giá trong nội bộ.
Tuy nhiên, các yếu tố này hầu như đều có thể thay đổi theo quá trình làm việc và nhu cầu thực tế của khách hàng, nên quan trọng nhất vẫn là cần đảm bảo sự hài lòng. Cần lưu ý rằng, nếu chỉ làm khách hàng hài lòng không thôi là chưa đủ để nói một dự án thành công.
Một dự án thành công chỉ khi cân bằng được cả ba yếu tố, đó là sự hài lòng của khách hàng, sự hài lòng của đội ngũ và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ giúp mang lại sự ổn định, bền vững cho doanh nghiệp.
Và điều này rất quan trọng, ví dụ có nhiều dự án lớn, lợi nhuận cao, đối tác hài lòng nhưng đội ngũ không hài lòng và sau đó không ai muốn tiếp tục dự án đó nữa, như vậy doanh nghiệp khó có thể bền vững được. Hoặc một số dự án kéo dài, lợi nhuận không đủ duy trì nhân sự, tất yếu sẽ dẫn đến cắt giảm; … Những điều này đều dễ dẫn tới trạng thái mất cân bằng và như vậy không thể gọi là thành công.
MISA: Một dự án lãi hay lỗ còn phụ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân, vậy làm sao để hạn chế các trường hợp lỗ?
Anh Trương Minh Nhựt: Anh nghĩ đa số các trường hợp lỗ không nằm ở chi phí nguồn cung đầu vào và giá đầu ra, mà nằm ở việc dùng quá nhiều thời gian để làm một dự án, phải chỉnh sửa quá nhiều lần, dùng nhiều nhân sự nội bộ trong thời gian dài, lỗ chính là chi phí cho những nhân sự đó và mất đi dự án tiềm năng khác do không đủ nguồn lực để phân bổ. Và cũng có một số trường hợp lỗ phát sinh do Account gây ra hiểu nhầm trong cách truyền đạt và quản lý kỳ vọng của khách hàng
Vì thế, đôi khi cần đánh giá khách hàng và dự án trước khi nhận và báo giá, đảm bảo đảm bảo khách hàng hiểu đúng outcome sẽ được nhận để không phát sinh để dự án không bị kéo dài quá lâu về mặt thời gian.
MISA: Có ý kiến cho rằng Account management tại các agency là vị trí “kiếm tiền nuôi cả công ty”, góc nhìn của anh như thế nào với nhận định này?
Anh Trương Minh Nhựt: Anh nghĩ góc nhìn này không hẳn đúng. Anh chỉ đồng ý trên phương diện Account là người mang lại “cơ hội mới” cho công ty, chứ không hẳn là nuôi sống công ty đâu. Vì để hoàn thiện một dự án cần rất nhiều phòng ban tham gia, một mình Account là cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân được.
MISA: Account Management có tham gia vào quá trình đấu thầu dự án không, hay chỉ là người tiếp nhận và quản lý dự án?
Anh Trương Minh Nhựt: Account có vai trò nhất định trong hoạt động đấu thầu. Thường quy trình của các buổi đấu thầu khá giống nhau, agency sẽ trình bày chiến lược và ý tưởng trong khoảng 2-3 vòng, rồi đi đến chốt báo giá cùng hợp đồng.
Đội ngũ nội bộ sẽ gồm nhiều team, thường là team chiến lược và team ý tưởng sẽ phải đưa ra một số giải pháp và cùng thống nhất trước khi đưa ra KH. Nếu Strategy là người hiểu thị trường, người dùng; Creative là người hiểu ý tưởng, câu chữ và hình ảnh; thì Account là người sẽ hiểu khách hàng nên sẽ dễ tư vấn cho nội bộ về việc: đâu sẽ là giải pháp thực sự giải quyết được vấn đề, nhu cầu mà doanh nghiệp của khách hàng đang gặp và giải pháp đó có khả năng thực thi về mặt ngân sách và thời gian không.
MISA: Anh có thể chia sẻ một case study anh ấn tượng nhất về đấu thầu, quản lý dự án, … để độc giả tham khảo không?
Anh Trương Minh Nhựt: Anh có rất nhiều case study thú vị, và điểm hấp dẫn của ngành này là mỗi khách hàng sẽ mang đến một đề bài, một thử thách khác nhau. Có lúc là áp lực về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức, có lúc lại về thời gian.
Ví dụ, họ cần làm website trúng thưởng và thời hạn là 2-3 tuần, với hình thức quay số trên web để nhận quà tặng. Với giá trị giải thưởng rất lớn, hệ thống bán hàng cũng trải rộng trên toàn quốc, và có rất nhiều luật chơi được đưa ra như giới hạn quà theo tuần, chỉ được phát số quà giới hạn, đồng thời cũng không được hết quà quá sớm, …. Rất nhiều agency phải từ chối vì không thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu của khách hàng vì dễ xảy ra nhiều rủi ro mất quà hoặc lố quà tặng, với giá trị rất cao.
Cái khó là khách hàng sẽ không muốn hiểu những gì về kỹ thuật, mà team kỹ thuật thì rất am hiểu kỹ thuật nhưng lại không muốn hiểu và xây dựng thể lệ luật chơi sao cho an toàn, hiệu quả cho khách hàng mà lại dễ dàng thay đổi khi cần.
Anh đã phải bỏ thời gian để hiểu hai bên và trực tiếp ngồi suy nghĩ và xây dựng luật chơi, cách vận hành và quản lý khi có các yêu cầu cập nhật/chỉnh sửa trong xuyên suốt chiến dịch.
Với các bạn trẻ thích một nghề nghiệp năng động, luôn sẵn sàng đón nhận bất ngờ và đam mê chinh phục thử thách thì nghề Account Management chính là cơ hội dành cho bạn.
MISA: Nhiều bạn muốn học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng trong nghề Account nhưng rất hiếm trường lớp đào tạo, vậy các bạn nên học tập từ đâu?
Anh Trương Minh Nhựt: Đơn giản nhất, bạn hãy nhìn cách quản lý của bạn (leader, manager, director) làm việc, học cách họ tiếp nhận và xử lý vấn đề, cách đặt câu hỏi. Hãy đưa mình vào tâm thế một ngày nào đó mình cũng ngồi vị trí ấy, mình sẽ xử lý việc này như thế nào.
Hãy chủ động tương tác với cấp trên để họ biết bạn đang gặp vấn đề, khó khăn ở đâu và giúp bạn giải quyết. Người sếp nào cũng mong muốn nhân viên tốt lên, khi đó công việc của họ sẽ được giảm tải, hiệu suất cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, luôn recap (tóm tắt) mọi cuộc họp, ghi chép thật chính xác, đầy đủ, lưu vết những dự án đã làm để lấy kinh nghiệm cho lần sau. Mỗi lần bước vào phòng họp, lúc bước ra các bạn phải xem xem mình có thêm được điều gì khác. Đó là cách anh triển khai trong 5 năm đầu tiên của sự nghiệp.
Ngoài ra, các bạn có thể học từ các trung tâm online hay offline, nhưng phải tìm hiểu kỹ profile người dạy, họ là ai, đã từng làm các công ty nào, có phù hợp với mục tiêu của mình không, … Ngoài ra, nên đọc thêm các sách nâng cao về kỹ năng, như quản lý công việc, hiểu con người, cách thương hiệu phát triển, …
MISA: Cuối cùng, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn theo nghề account?
Anh Trương Minh Nhựt: Như anh đã chia sẻ, học cách quan sát, lắng nghe, không ngại việc, chủ động học hỏi từ đồng nghiệp, từ cấp trên chính “chìa khóa” để giúp các bạn có thể gắn bó và phát triển trong công việc nói chung và với nghề Account nói riêng.
Bên cạnh đó, anh muốn nhấn mạnh với các bạn là trước khi quản lý bất cứ thứ gì khác, hãy tập “account management” chính bản thân mình, cân bằng 4 yếu tố physical (Thể chất), mental (Tâm trí), emotional (Cảm xúc), spiritual (Tinh thần) và có những giao tiếp xã hội tích cực với những người tích cực (social relationship). Chỉ khi bạn kiểm soát được bản thân mình, bạn mới có nền tảng vững chắc để bước ra thế giới.
Xin cảm ơn anh Trương Minh Nhựt về buổi trao đổi hôm nay. Xin chúc anh luôn đạt được thành công và ghi nhiều dấu mốc son trên chặng đường sự nghiệp của mình với nghề Account !
*Một số chú thích trong bài do Ban biên tập MISA AMIS bổ sung
Ban biên tập MISA AMIS