Sau khi nhận giấy phép kinh doanh, các công ty mới thành lập cần phải nhanh chóng hoàn tất một số thủ tục liên quan. Việc chậm trễ sẽ khiến quá trình kinh doanh bị gián đoạn và doanh nghiệp bị xử phạt hành chính.
Trong bài viết này, MISA AMIS sẽ cung cấp chi tiết những điều công ty mới cần biết về thuế, bảo hiểm, hóa đơn… và giải đáp một số thắc mắc thường gặp. Hãy cùng theo dõi ngay!
I. Tổng hợp những việc công ty mới thành lập cần làm chi tiết nhất
1. Công bố thông tin thành lập công ty
Căn cứ luật doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp mới khi nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải tiến hành công bố thành lập. Chủ doanh nghiệp đại diện khai báo tại cổng thông tin quốc gia, mục đăng ký doanh nghiệp đúng theo quy định.
Thời hạn tối đa cho thủ tục này kéo dài 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được công khai. Chủ doanh nghiệp có thể dựa trên giấy đăng ký doanh nghiệp đã có để điền nội dung công bố.
2. Khắc con dấu riêng
Doanh nghiệp quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, con dấu cần thể hiện 2 thông tin quan trọng là tên cùng mã số thuế doanh nghiệp.
Đây là điểm thay đổi lớn từ Luật Doanh nghiệp 2014. Thay vì phải khai báo mẫu con dấu với Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 01/01/2021, những công ty mới thành lập có quyền chủ động quản lý và sử dụng con dấu riêng.
3. Treo bảng hiệu công ty
Nhiều chủ doanh nghiệp không quan trọng vấn đề treo bảng hiệu tại trụ sở, văn phòng. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện ngay sau khi công ty đi vào hoạt động.
Trên bảng hiệu cần có đầy đủ thông tin: tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp. Doanh nghiệp được phép tùy chỉnh kích thước dựa trên không gian thực tế.
Những thông tin trên bắt buộc phải tương đồng với nội dung đăng ký tại cơ quan chức năng. Nếu có sự sai lệch, chủ sở hữu có thể bị phạt và gặp khó khăn trong việc xuất hóa đơn kinh doanh.
4. Đăng ký tài khoản ngân hàng dành cho doanh nghiệp
Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều cần có tài khoản ngân hàng để xử lý công việc một cách chuyên nghiệp. Thủ tục đăng ký tài khoản tương đối đơn giản, hoàn tất nhanh chóng. Doanh nghiệp cần chuẩn bị bộ chứng từ gồm có:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Mẫu đơn đề nghị mở tài khoản theo mẫu ngân hàng cung cấp.
- Bản sao Điều lệ công ty.
- Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật.
- Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng của công ty.
- Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của kế toán trưởng.
- Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người đại diện giao dịch với ngân hàng.
Sau khi có tài khoản, doanh nghiệp gửi thông báo lên Sở Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 10 ngày. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lưu trữ thông tin này nhằm quản lý, kiểm soát giao dịch theo đúng quy định.
Ngoài ra, chủ sở hữu cần lưu ý một tài khoản ngân hàng chỉ được dùng cho một công ty. Nhưng một công ty có thể mở nhiều tài khoản tùy vào mục đích sử dụng hoặc đặc thù ngành nghề.
5. Mua ứng dụng chữ ký số
Chữ ký số, chữ ký điện tử hay Token là công cụ điện tử hữu ích giúp công ty mới thành lập thực hiện thủ tục, hồ sơ online trong thời đại số. Ví dụ, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng, giao dịch ngân hàng, đóng bảo hiểm trực tuyến mà không mất nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi thủ tục.
Tương tự như tài khoản ngân hàng, một doanh nghiệp được dùng nhiều chữ ký số nhưng một chữ ký số chỉ dùng cho một doanh nghiệp.
6. Nộp hồ sơ khai thuế
Theo Khoản 2, Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019, doanh nghiệp phải khai thuế ban đầu trong 10 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế muộn có thể chịu mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2 đến 25 triệu đồng theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Về hồ sơ khai thuế ban đầu, doanh cần có:
- Quyết định bổ nhiệm giám đốc.
- Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng của công ty.
- Tài khoản kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử (đăng ký trên trang thuedientu.gdt.gov.vn).
- Đăng ký phương pháp tính khấu hao tài sản cố định.
- Đăng ký hình thức kế toán cùng hóa đơn.
- Kê khai thông tin công ty mới thành lập.
>> Xem thêm: Quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp mới nhất năm 2023
7. Kê khai thuế môn bài
Thời điểm nộp thuế môn bài căn cứ vào thời gian doanh nghiệp phát sinh hoạt động kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp tiến hành kê khai thuế môn bài như sau:
- Nếu doanh nghiệp mới thành lập và chưa phát sinh hoạt động kinh doanh, thời hạn nộp thuế kéo dài 30 ngày kể từ ngày thành lập.
- Nếu doanh nghiệp mới thành lập nhưng đã phát sinh hoạt động kinh doanh, thời hạn nộp thuế là trước ngày cuối cùng của tháng thành lập.
Ngoài ra, mức thuế môn bài cần nộp được quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Nghị định 22/2020/NĐ-CP bổ sung quy định về lệ phí môn bài:
Đặc điểm căn cứ | Mức thuế môn bài cần nộp |
Công ty có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư lớn hơn 10 tỷ đồng. | 3 triệu đồng/năm |
Công ty có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ nhỏ hơn 10 tỷ đồng. | 2 triệu đồng/năm |
Chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 1 triệu đồng/năm |
Khi nộp thuế môn bài, doanh nghiệp sử dụng mẫu tờ khai của Bộ Tài Chính cùng nghị định 139/2016/NĐ-CP. Công ty mới thành lập cần nộp thuế môn bài đúng hạn, tránh trường hợp bị phạt do nộp chậm.
8. Lựa chọn phương pháp nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế đánh vào người tiêu dùng hay dịch vụ chịu thuế. Người tiêu dùng sẽ chi trả thông qua hóa đơn mua bán. Thế nhưng người chịu trách nhiệm nộp thuế là doanh nghiệp.
Hiện công ty mới thành lập có thể lựa chọn 2 phương pháp nộp thuế giá trị gia tăng là khấu trừ hoặc nộp trực tiếp.
8.1. Phương thức khấu trừ
Đây là phương thức nộp thuế áp dụng mặc định cho những doanh nghiệp mới thành lập. Hồ sơ kê khai thuế khấu trừ gồm những chứng từ dưới đây:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng mẫu 01/GTGT.
- Bảng kê khai hóa đơn.
- Chứng từ mua, bán hàng hóa mẫu 01-2/GTGT.
- Báo cáo sử dụng mẫu hóa đơn theo tháng hoặc theo quý.
Sau đó, doanh nghiệp gửi tờ khai thuế giá trị gia tăng mẫu 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
8.2. Phương thức nộp trực tiếp
Nếu muốn nộp thuế theo phương pháp trực tiếp, doanh nghiệp cần gửi hai tờ khai thuế theo mẫu 04/GTGT, 36/GTGT đến cơ quan thuế .
Đặc biệt, thời hạn kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng cần được chú trọng. Những doanh nghiệp dù mới thành lập vẫn sẽ bị phạt nặng nếu nộp chậm.
Theo quy định, những doanh nghiệp mới tiến hành kê khai thuế giá trị gia tăng theo từng quý và chỉ được phép nộp chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc mỗi quý. Những doanh nghiệp phát sinh hoạt động kinh doanh đủ 12 tháng, việc kê khai và nộp thuế được thực hiện theo tháng và quý.
Doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài cần chú trọng xây dựng kế hoạch một cách bài bản. Vì vậy, hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu ngay Ebook chuyên sâu về chủ đề này:
MỜI BẠN ĐĂNG KÝ NHẬN NGAY EBOOK MIỄN PHÍ: NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT KHI LẬP KẾ HOẠCH NĂM 2023 CHO DOANH NGHIỆP |
9. Phát hành hóa đơn điện tử
Đối với công ty mới thành lập có nhu cầu xuất hóa đơn, chủ sở hữu bắt buộc phải mua hóa đơn điện tử và gửi thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế trước 2 ngày sử dụng.
Hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn điện tử gồm có:
- Quyết định sử dụng hóa đơn do người đại diện doanh nghiệp ký, đóng dấu.
- Thông báo doanh nghiệp phát hành hóa đơn điện tử.
- Mẫu hóa đơn điện tử doanh nghiệp chọn.
Trên thị trường hiện có rất nhiều đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử doanh nghiệp như: Viettel, Bkav, Misa M-Invoice… Doanh nghiệp có thể căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau để chọn nhà cung cấp uy tín với mức giá phù hợp nhất.
10. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp đánh trực tiếp vào khoản thu nhập doanh nghiệp phải chịu thuế. Thuế này bao gồm các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các thu nhập khác của doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
Thuế thu nhập doanh nghiệp thường tạm tính theo quý, khai quyết toán năm. Điều 11, Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2020 quy định công thức tính thuế trong kỳ như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp = Doanh thu – Chi phí + Khoản thu nhập khác.
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: khoảng 20%
(Theo quy định tại Điều 10, Điều 13, Điều 14, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013 và Điều 10, Nghị định 218/2013/NĐ-CP).
11. Nộp thuế thu nhập cá nhân
Doanh nghiệp trả thu nhập đều thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, không phân biệt đơn vị có phát sinh khấu trừ thuế hay không. Doanh nghiệp sẽ đại diện khai quyết toán thuế thay cho cá nhân có ủy quyền.
Nếu tổ chức không phát sinh trả thu nhập trong năm thì không cần khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, những trường hợp không phát sinh thuế thu nhập cá nhân thì không phải nộp tờ khai thuế theo tháng/quý mà chỉ cần nộp tờ khai quyết toán năm.
12. Quản lý hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên
Luật Bảo hiểm xã hội quy định trong 30 ngày kể từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Các đối tượng mà công ty mới thành lập phải đóng bảo hiểm là:
- Người lao động ký hợp đồng làm việc có thời hạn/không thời hạn, theo mùa vụ có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
- Người lao động ký hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
- Người quản lý doanh nghiệp được hưởng lương.
Những công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên mức phạt tối đa không quá 75 triệu đồng.
Những công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng theo Điều 4 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
>> Thiết lập mục tiêu cho doanh nghiệp: 6 phương pháp xây dựng mục tiêu thành công
13. Hoàn thiện các điều kiện khác về giấy phép, chứng chỉ
Ở thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp không thể hoàn tất mọi thủ tục, chứng chỉ ngay lập tức. Vì vậy, sau khi nhận giấy phép chủ sở hữu cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện những thông tin liên quan như giấy phép con hay chứng chỉ hành nghề cho các mã ngành kinh doanh có điều kiện.
14. Gửi báo cáo lên Bộ Lao động thương binh xã hội
Công ty mới thành lập cần nộp những báo cáo sau cho Bộ Lao động thương binh xã hội:
- Danh sách quản lý lao động trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoạt động.
- Báo cáo tình hình sử dụng lao động 6 tháng đầu và báo cáo hàng năm.
- Bảng lương, thang lương đang lưu tại doanh nghiệp.
15. Tiến hành góp vốn đúng thời hạn quy định
Với doanh nghiệp là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh… chủ sở hữu cùng các cổ đông, thành viên liên quan phải thực hiện góp vốn đúng cam kết. Thời hạn quy định cho các doanh nghiệp mới là 90 ngày kể từ khi có giấy phép kinh doanh.
Những vấn đề phát sinh sau khi thành lập gây ảnh hưởng đến tài chính và thời hạn cam kết góp vốn, doanh nghiệp có thể thực hiện làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ.
II. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp khi mới thành lập công ty
1. Hồ sơ nào là quan trọng nhất đối với công ty mới thành lập?
Tờ khai lệ phí môn bài là hồ sơ doanh nghiệp nên ưu tiên thực hiện. Các hồ sơ còn lại doanh nghiệp có thể bổ sung sau tùy vào yêu cầu của Chi cục Thuế.
Như đã đề cập ở trên, hạn nộp tờ khai và tiền lệ phí môn bài là 30 ngày kể từ ngày thành lập. Nếu nộp chậm, doanh nghiệp sẽ bị phạt hai mức là chậm nộp tờ khai và tiền lệ phí môn bài theo quy định pháp luật.
2. Mở tài khoản ngân hàng công ty có bắt buộc không?
Chủ sở hữu nên mở tài khoản ngân hàng cho công ty vào thời điểm nhận giấy chứng nhận kinh doanh. Thủ tục thông báo tài khoản công ty phải được hoàn thiện trong vòng 10 ngày tính từ ngày xác nhận mở tài khoản thành công.
3. Doanh nghiệp mới thành lập có cần sử dụng phần mềm hỗ trợ công việc?
Công ty mới thành lập thường có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh dễ gặp rủi ro vì hệ thống, quy trình quản trị không thống nhất. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, chậm tiến độ và năng suất kém hiệu quả.
Vì vậy, người quản lý nên lựa chọn những phần mềm cốt lõi phù hợp ngay từ đầu để giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện, thông suốt hơn. Cụ thể, doanh nghiệp có thể tham khảo bộ giải pháp quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS.
MISA AMIS cung cấp đầy đủ phần mềm Kế toán, Marketing – Bán hàng, Quản lý nhân sự, Quản lý – điều hành công việc, dự án mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó, các doanh nghiệp quy mô từ nhỏ đến lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đều có thể triển khai từng bước hoặc kiến tạo kiến tạo môi trường làm việc số đồng bộ.
III. Kết luận
Trên đây là những điều cần làm khi công ty mới thành lập năm 2023. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho chủ doanh nghiệp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến quá trình thành lập, điều hành doanh nghiệp mới.