Zara là một trong những nhà bán lẻ “thời trang nhanh” thành công nhất trên thế giới với những chiến lược marketing cực kỳ thông minh và ấn tượng. Vậy chiến lược đó là gì? Các doanh nghiệp có thể rút ra bài học gì cho thương hiệu thời trang của mình? Để hiểu rõ hơn về chiến lược marketing của Zara, mời bạn đọc cùng tìm hiểu bài phân tích dưới đây nhé!
1. Zara bắt đầu xây dựng “đế chế” thời trang nhanh từ khi nào?
Zara là thương hiệu may mặc bình dân được thành lập từ năm 1975 bởi Amancio Ortega – là sáng lập viên và là cựu giám đốc của tập đoàn dệt may Inditex, Tây Ban Nha. Tên gốc của thương hiệu là Zorba, được lấy cảm hứng từ bộ phim “Zorba The Greek”. Tuy nhiên, do trùng tên với một quán bar nên các chữ cái đã được sắp xếp lại và tên “Zara” cũng ra đời từ đó.
Hiện nay, Zara thuộc sở hữu của Inditex – là thương hiệu chuyên cung cấp đa dạng các mặt hàng thời trang với thiết kế đẹp, độc đáo theo các xu hướng thời trang mới nhất trên thế giới.
Các dòng sản phẩm chính của Zara bao gồm:
- Zara nữ: áo khoác, áo sơ mi, áo thun, váy, quần, giày dép…
- Zara nam: Vest, áo khoác, áo sơ mi Zara, quần áo hàng ngày, quần áo thể thao, giày dép…
- Zara trẻ em: quần áo, giày dép dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên
- Phụ kiện: túi xách, cặp tóc, khăn choàng, trang sức,…
Sau hơn 40 năm thành lập, Zara đang dần trở thành một trong thương hiệu “thời trang nhanh” hay còn gọi là thời trang “mì ăn liền” nổi tiếng nhất trên thế giới. Họ sao chép các xu hướng thời trang và sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, sau đó phân phối đến các điểm bán lẻ một cách nhanh chóng.
Hiện nay, Zara đã mở rộng chi nhánh để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân với số lượng cửa hàng lên tới 1,939 cửa hàng đặt tại 96 quốc gia trên thế giới (tính đến năm 2021), trong đó có 2 cửa hàng tại Việt Nam.
1.1 Zara định vị khách hàng mục tiêu là ai?
Khách hàng mục tiêu của thương hiệu thời trang Zara chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là thế hệ millennials (là nhóm nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z, sinh trong khoảng 1981-1996). Trong đó tỷ lệ nữ giới chiếm hơn 50%, còn lại là nam giới và trẻ em. Đặc điểm chung của nhóm khách hàng này là họ mong muốn mua được những sản phẩm có giá cả hợp lý, nhưng vẫn phải hợp thời trang.
Chính vì vậy khi xác định phân khúc khách hàng mục tiêu và tâm lý mua hàng của họ, Zara đã lên chiến lược cân bằng giữa hai yếu tố giá bán và chất lượng nhằm hướng đến việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giá và tính thẩm mỹ của người tiêu dùng.
Chiến lược của Zara chính là cân bằng giữa hai yếu tố: giá bán – chất lượng, nhằm chinh phục người tiêu dùng.
1.2 Lợi thế cạnh tranh của Zara
Thương hiệu thời trang Zara có ba lợi thế cạnh tranh rất khác biệt để thành công định vị là thương hiệu “thời trang nhanh” đúng nghĩa.
Những lợi thế cạnh tranh của Zara bao gồm:
- Hệ thống phân phối rộng khắp trên thế giới
- Thời gian thiết kế, sản xuất và bán ra chỉ trong 2 tuần
- Tốc độ gửi hàng thần tốc: Giao sản phẩm chỉ trong 48 giờ
Vậy tại sao Zara có thể đồng thời sở hữu 3 lợi thế nêu trên? Điều mà các doanh nghiệp khác khó có thể cạnh tranh lại? Để có được điều này, thương hiệu đã thực hiện các chiến lược marketing vô cùng thông minh và khác biệt.
2. Khách hàng đồng sáng tạo: Nhà thiết kế chính của Zara là khách hàng
Luôn tập trung vào khách hàng là cốt lõi tạo nên thành công của Zara. Có một câu chuyện khá thú vị liên quan đến cách Zara đồng sáng tạo với khách hàng để thiết kế ra sản phẩm của mình. Vào năm 2015, một phụ nữ tên Miko bước vào một cửa hàng Zara ở Tokyo để mua một chiếc khăn màu hồng, nhưng cửa hàng lại không có chiếc khăn màu hồng nào.
Điều tương tự cũng xảy ra gần như đồng thời với Michelle ở Toronto, Elaine ở San Francisco và Giselle ở Frankfurt, tất cả đều bước vào các cửa hàng Zara và yêu cầu những chiếc khăn quàng cổ màu hồng. Nhưng tất cả họ đều rời khỏi cửa hàng mà không có bất kỳ chiếc khăn quàng cổ nào – một trải nghiệm khách hàng mà nhiều “fan” nữ của Zara cũng gặp phải tại các cửa hàng Zara khác nhau.
Bảy ngày sau, hơn 2.000 cửa hàng Zara trên toàn cầu bắt đầu bán khăn quàng cổ màu hồng. 500.000 chiếc khăn quàng cổ màu hồng đã được gửi đi và hãng đã bán hết tất cả chỉ trong 3 ngày. Câu hỏi đặt ra là tại sao chiếc khăn quàng cổ này lại đắt khách đến vậy?
Bí quyết của Zara nằm ở cách quản trị và tư duy cởi mở, sẵn sàng đón nhận cái mới. Zara trao quyền cho các nhân viên và quản lý cửa hàng, những người tiếp xúc trực tiếp và đặc biệt nhạy cảm với nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Nhân viên Zara sẽ lắng nghe và ghi lại những nhận xét của khách hàng, chẳng hạn như ý tưởng về đường cắt, loại vải hay dòng sản phẩm mới.
Đồng thời, Zara cũng hướng dẫn nhân viên học cách quan sát tỉ mỉ những bộ quần áo, phụ kiện mà khách mang khi đến cửa hàng, đánh giá về tiềm năng của những phong cách thời trang này, rằng liệu chúng có thể để trở thành mẫu thiết kế mới của Zara hay không. Tất cả những phản hồi của khách hàng hay thông tin về hành vi mua sắm của họ từ góc quan sát của người quản lý sẽ được ghi lại thành một bản báo cáo và gửi đến trung tâm thiết kế Zara.
Và để tối ưu cho quá trình thu thập những dữ liệu này, Zara đã sử dụng ứng dụng công nghệ giúp tổng hợp báo cáo hàng ngày từ các cửa hàng Zara trên toàn thế giới. Bằng cách làm này, Zara có thể phản ứng trước sự thay đổi nhu cầu của người mua cũng như trong xu hướng thời trang một cách nhanh chóng nhất.
Một trong những bí quyết khác của Zara là sử dụng công nghệ RFID trong các cửa hàng từ năm 2014. Những con chip RFID được gắn trong thẻ an ninh, khi khách hàng mua, chúng sẽ được gỡ bỏ khỏi quần áo và tái sử dụng.
Đồng thời, khi một sản phẩm được bán ra, con chip sẽ tự động thông báo lên hệ thống quản lý hàng hóa, nhờ đó nhân viên có thể nhanh chóng nắm được tình trạng hàng trong kho, và đánh giá chính xác hơn về những mẫu thời trang đang bán chạy, hay mẫu nào đang bán chậm. Không chỉ vậy, công nghệ này cũng giúp khách hàng cũng có thể kiểm tra xem một mặt hàng đang có sẵn tại cửa hàng nào để việc mua hàng trở nên thuận tiện hơn.
3. Chiến lược phân phối của Zara – Tập trung mở rộng quy mô
Trong khi thời đại của marketing trên mạng Internet ngày càng lên ngôi, Zara lại có chiến lược tưởng chừng như đi ngược lại hoàn toàn. Đó là tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư cho cơ sở sản xuất và trung tâm hậu cần của mình. Cụ thể,
3.1 Zara phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh
Sản phẩm của Zara được sản xuất và phân phối theo mô hình khép kín hoàn toàn. Ngay từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào, Zara đã lên kế hoạch đặt trụ sở thiết kế chính tại Tây Ban Nha và có liên kết chặt chẽ với hệ thống thu mua nguyên liệu đầu vào của công ty này ở nhiều nơi như: Barcelona, Bắc Kinh, Hongkong…
Các nhà cung ứng vận chuyển nguyên liệu đến cơ sở sản xuất Zara ở La Coruna (Tây Ban Nha). Tại đây, những sản phẩm như quần áo, giày dép, phụ kiện được sản xuất, và sau đó được vận chuyển đến trung tâm hậu cần (trung tâm phân phối logistic) để đi đến các cửa hàng trên toàn thế giới.
Có thể nhận thấy, Zara chú trọng mở rộng hệ thống nhà máy sản xuất ngay tại nước sở tại thay vì ở nước ngoài, đặc biệt là những nước có nguồn nguyên liệu đa dạng và nhân công giá rẻ . Tỷ lệ hàng hóa sản xuất tại các khu vực được phân bổ như sau:
- 50% các mặt hàng thời trang nhất và có tỷ lệ rủi ro cao (những sản phẩm có vòng đời ngắn do chạy theo xu hướng hiện tại) được sản xuất tại các nhà máy xung quanh Arteixo, Tây Ban Nha.
- 26% ở phần còn lại của Châu Âu chủ yếu sản xuất các trang phục thời trang cao cấp hơn, giá đắt hơn so với châu Á và châu Phi, nhưng thời gian sản xuất ngắn hơn.
- 24% ở Châu Á và Châu Phi sản xuất các mặt hàng cơ bản, bình dân và thiết yếu.
Amancio Ortega – nhà sáng lập thương hiệu Zara tin rằng, dù chi phí nhân công lớn hơn nhưng sản phẩm đi đến các cửa hàng sẽ nhanh hơn, đồng nghĩa với mức lợi nhuận lớn hơn. Cách 2 tuần, chuỗi cửa hàng của ZARA sẽ lại có hàng mới để bán.
Sản phẩm được vận chuyển từ trung tâm phân phối đến các cửa hàng hai lần trong một tuần, không giống như các cửa hàng bán lẻ khác là chỉ vận chuyển vài lần trong một mùa. Điều này đã giúp Zara giảm bớt chi phí xây dựng nhà kho và giảm thiểu rủi ro lưu trữ hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, Zara còn đầu tư 14 nhà máy tự động hóa cao cấp đặt tại Tây Ban Nha với hệ thống robot thông minh, hệ thống mã vạch laser giúp phân loại, sắp xếp hàng trăm ngàn miếng vải nhanh chóng chỉ với tỉ lệ lỗi dưới 0,5%.
Về trung tâm hậu cần, ban đầu Zara sở hữu một cơ sở lớn với diện tích 400 nghìn m2 tại Arteixo, và các cơ sở nhỏ hơn ở Mexico, Brazil và Argentina, đảm bảo nguồn hàng luôn có sẵn để cung ứng đến các cửa hàng trên toàn thế giới.
Năm 2003, Zara xây dựng một cơ sở phân phối lớn thứ hai của mình tại Zaragoza, phía Đông Bắc Madrid. Cơ sở này có diện tích 120.000 m2 với chi phí đầu tư là 88 triệu đô, nằm ở vị trí vô cùng đắc địa do gần sân bay địa phương và có thể tiếp cận trực tiếp mạng lưới đường sắt cùng đường bộ.
>> Xem thêm: Chiến lược kinh doanh của Zara – Lý do đứng sau sự thành công vang dội
Đặc biệt, Zara còn xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược với các nhà sản xuất tại châu Âu, vì vậy giúp Zara tối ưu được thời gian vận chuyển, linh hoạt và nhanh chóng hơn khi nắm bắt các xu hướng thời trang trên thế giới.
Chẳng hạn như trong năm 2007, tiếp thu những phản hồi và những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, thời trang Zara đã cho ra mắt “bộ sưu tập thời trang đầu tiên cho các mẹ bầu”. Kể từ khi ra mắt vào tháng 3 tại hơn 100 cửa hàng ở Tây Ban Nha, đến tháng 9/2007, bộ sưu tập này đã có mặt tại tất cả cửa hàng Zara trên toàn thế giới.
3.2 Mở rộng quy mô cửa hàng
Với tiêu chí mở rộng quy mô cửa hàng ra phạm vi toàn thế giới, Zara đã và đang liên tục đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ tại 96 quốc gia. Mỗi cửa hàng được thiết kế nội thất theo phong cách địa phương hóa và tọa lạc ở các địa điểm thuận tiện trong trung tâm thành phố. Không chỉ vậy tại một số nơi, Zara đã tiến hành nhượng quyền kinh doanh cửa hàng nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng tại địa phương diễn ra thuận lợi hơn.
Từ 1723 cửa hàng năm 2010, đến năm 2021 công ty đã sở hữu hệ thống cửa hàng thời trang bán lẻ gồm 1,939 cửa hàng, đem lại doanh số bán hàng là 27.72 tỷ Euro (so với năm 2010 là 12.53 tỷ euro). (Tham khảo từ Globaldata)
3.3 Vị trí cửa hàng ở trung tâm thành phố với không gian thiết kế sang trọng
Hầu hết, các cửa hàng của Zara đều tọa lạc tại các vị trí trung tâm, trên những tuyến phố đông đúc, nhộn nhịp người qua lại với thiết kế ấn tượng, sáng tạo.
Nhờ vào việc xây dựng và củng cố nguồn lực cơ sở vật chất mà Zara đã có thể sở hữu một hệ thống hoạt động trơn tru, linh hoạt từ khâu sản xuất cho đến phân phối sản phẩm, từ đó tiết kiệm thời gian và nắm bắt cơ hội đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, chiến lược về kênh phân phối chưa đủ để Zara vươn lên trở thành ông hoàng thời trang nhanh, bởi các đối thủ cạnh tranh cũng có thể học hỏi và xây dựng lợi thế phân phối như của Zara. Vì vậy, song song với chiến lược kênh phân phối, Zara đã áp dụng đồng thời nhiều chiến lược marketing khác trong mô hình 4P nhằm gia tăng lợi thế cho mình.
>> Xem thêm: Key visual là gì? Làm thế nào để tạo một key visual hiệu quả?
4. Chiến lược marketing sản phẩm – thỏa mãn tâm lý mua hàng và tối ưu trải nghiệm mua sắm
Chiến lược sản phẩm của Zara được thể hiện trong năm yếu tố chính, đó là:
4.1 Zara bán sản phẩm chất lượng, hợp xu hướng nhưng vòng đời ngắn
Zara bán các sản phẩm đáp ứng mong muốn của khách hàng, đó là sở hữu một sản phẩm của thương hiệu cao cấp, chất lượng và có mức giá hợp lý. Tuy nhiên những sản phẩm này có vòng đời sử dụng rất ngắn. Và do nó được thiết kế theo xu hướng ở hiện tại, nên thường chỉ có giá trị trong một mùa (những mặt hàng chạy theo xu hướng thời trang sẽ rất nhanh lỗi mốt, nên chúng chỉ được mặc trong 1 năm).
Hàng ngày, các quản lý cửa hàng của Zara trên toàn thế giới sử dụng công nghệ để báo cáo trực tiếp tới các trung tâm sản xuất và những nhà thiết kế ở Tây Ban Nha về sản phẩm như: kiểu dáng, màu sắc, những sản phẩm nào nên giữ, sản phẩm nào cần thay thế, hay khi nào nên có sản phẩm mới. Bên cạnh đó, những phản hồi từ người tiêu dùng ngay tại cửa hàng cũng được tổng hợp lại để tạo nên ý tưởng thiết kế mỗi ngày.
4.2 Zara rút ngắn thời gian cho ra thành phẩm nhằm tạo ấn tượng về một thương hiệu “thời trang nhanh”
Zara có một tốc độ bắt nhịp với xã hội, đi kèm là tốc độ thay đổi mẫu thời trang nhanh để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì vậy khi nhắc đến Zara, khách hàng sẽ ngay lập tức liên tưởng đến khái niệm “thời trang nhanh” với tốc độ thay đổi mẫu nhanh vượt qua cả GAP và H&M. Công ty này tuyên bố chỉ mất hai tuần để thiết kế lại sản phẩm hiện có, sản xuất và bán ra tại các cửa hàng trên toàn cầu.
Đối với sản phẩm mới hoàn toàn, Zara tối ưu toàn bộ từ khâu thiết kế, sản xuất thành thành phẩm chỉ trong 4-5 tuần. Trong khi các nhãn hàng khác phải mất đến 6 tháng để thực hiện. Điều này cho thấy khả năng tiếp nhận và phản ứng nhanh chóng đối với phản hồi từ khách hàng, cũng như tiếp thu những sự thay đổi của thời trang đã giúp tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn về hình ảnh của đế chế “thời trang nhanh” Zara trong tâm trí người tiêu dùng.
>> Xem thêm: Những điều cần biết và các ví dụ về hành vi mua của người tiêu dùng
4.3 Zara tạo sự khan hiếm cho sản phẩm
Mặc dù có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh chóng, chất lượng, song Zara không sản xuất ồ ạt mà thay vào đó, thương hiệu này giới hạn mỗi kiểu dáng của một loại sản phẩm với số lượng ít hơn so với dự đoán nhu cầu của thị trường. Thay vì sản xuất số lượng nhiều hơn cho mỗi kiểu, Zara sản xuất nhiều kiểu dáng hơn, khoảng 12.000 mẫu một năm. Ngay cả khi một phong cách bán hết rất nhanh, vẫn có những phong cách mới đang chờ đợi để thay thế, giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn khi mua hàng. Zara không chỉ hạn chế tình trạng tồn kho (không phù hợp với định hướng “thời trang nhanh” của Zara) mà còn thôi thúc tâm lý muốn sở hữu do sự khan hiếm của các mẫu thời trang hiện đại, trendy.
Không chỉ vậy, Zara chỉ cho phép các thiết kế của mình bày bán trong cửa hàng từ ba đến bốn tuần. Thông lệ này thúc đẩy khách hàng thường xuyên ghé thăm các cửa hàng. Bởi nếu họ chỉ đến muộn hơn so với thời gian kể trên, tất cả quần áo của một phong cách hoặc một xu hướng nào đó sẽ biến mất và được thay thế bởi một xu hướng mới. Đồng thời, việc liên tục làm mới phong cách thiết kế của các cửa hàng cũng là một trong những bí quyết thôi thúc khách hàng đến xem và mua sắm.
Khi cửa hàng Zara lần đầu tiên khai trương trên phố Regent, London, khách hàng chỉ đến xem và dự định quay lại vào dịp sale. Nhân viên Zara đã giải thích với họ rằng những mẫu mã hiện tại đều thay đổi hàng tuần, vì vậy đến tuần sau kiểu mẫu khách ưng ý có thể không còn nữa. Nhờ chiến lược này, Regent đã trở thành một trong những cửa hàng thời trang đắt khách nhất của Zara, dù trong thời điểm đó cửa hàng của các thương hiệu thời trang khác được mở ra tại Anh mỗi lúc một nhiều.
4.4 tối ưu chi phí nguyên liệu đầu vào
Zara luôn tìm cách tối ưu chi phí đầu vào bằng cách nhập nguyên vật liệu từ các khu vực gần trung tâm sản xuất của mình nhằm đảm bảo các vật liệu này luôn được bổ sung kịp thời trong thời gian ngắn nhất. Các sản phẩm được sản xuất liên tục, không gián đoạn. Mặt khác, Zara thực hiện chiến lược tích hợp dọc khi tự thiết kế, sản xuất và phân phối sản phẩm.
Nhờ đó, thương hiệu này có thể giữ quyền kiểm soát quy trình như nhuộm vải và xử lý vải theo yêu cầu để cung cấp loại vải chính xác cho mẫu thiết kế theo sở thích khách hàng. Chiến lược tích hợp dọc cũng loại bỏ nhu cầu về kho bãi, giúp giảm tác động trước sự biến động của nhu cầu khách hàng.
5. Chiến lược về giá – tung ra “tín hiệu mẫu” thu hút sự chú ý của khách hàn
Chiến lược định giá của Zara tập trung vào những người mua sắm có mức thu nhập trung bình khá trở lên, họ mong muốn sở hữu những mặt hàng thời trang mới nhất với giá cả phải chăng. Vì vậy mức giá mà Zara đưa ra cũng phải phù hợp với nhóm đối tượng này.
Chiến lược định giá chất lượng cao – giá thành ở mức trung bình giúp đã giúp sản phẩm của hãng đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng rất lớn. Có thể thấy, mặc dù Zara không phải là hãng rẻ nhất trong ngành thời trang nhanh, nhưng mức giá của Zara thường thấp hơn khi so sánh với các thương hiệu khác như Hugo Boss hay Uniqlo và đặc biệt hãng cung cấp các sản phẩm phù hợp với xu hướng với mức giá hấp dẫn nhất quán, khiến nó có giá trị thương hiệu tốt nhất.
>> Xem thêm: Top 10 chiến lược định giá sản phẩm mới phổ biến trong marketing
Mặt khác, giá của Zara sẽ cụ thể theo từng quốc gia. Zara được nhận diện là thương hiệu thời trang xa xỉ và giá bán cao tại một số nước châu Á (Nhật Bản, các tiểu vương quốc Ả Rập…). Tại sở tại Tây Ban Nha, Zara duy trì mức giá thấp, và và nhỉnh hơn đôi chút so với các nước khác sử dụng tiền Euro. Có thể nói Zara đã thiết lập chiến lược định giá dựa theo thị trường đặc thù của mỗi nước, đặt ra mức giá mục tiêu mà người mua sẵn sàng trả. Ngân sách cho sản xuất trang phục sẽ theo mức giá mục tiêu này.
Hơn nữa, chiến lược giảm giá của hãng cũng khá “khiêm tốn” so với những thương hiệu thời trang khác. Zara cũng áp dụng chiến lược giảm giá thông minh cho các sản phẩm của mình. Khi giảm giá sâu, hãng sẽ không tung ra nhiều sản phẩm mới. Khi đã tung ra sản phẩm mới, hãng sẽ giảm giá sâu cho các mặt hàng cũ. Điều này tương tự như một tín hiệu mẫu giúp người tiêu dùng chú ý và nhận biết đâu là thời điểm nên mua hàng Zara với mức giá ưu đãi hơn.
6. Chiến lược về quảng bá – cuộc cách mạng digital trong ngành thời trang với concept “Click & Collect”
Zara không bỏ tiền vào các tuần lễ thời trang tốn kém hay truyền thông marketing online. Thay vào đó Zara chỉ phát triển các website để giới thiệu sản phẩm mới. Như đã nêu ở trên, việc thu thập những dữ liệu, thông tin và phản hồi từ khách hàng cũng được chính các quản lý cửa hàng thực hiện và báo cáo về trung tâm sản xuất & thiết kế bằng các thiết bị cầm tay POS.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của marketing online hiện nay, Zara đã không hề bỏ qua cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu của mình trên mạng Internet. Nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng, Zara đã cho ra đời cửa hàng với concept “Click & Collect” – là sự kết hợp hài hòa giữa kênh bán hàng online và offline. Quy trình hoạt động của concept “Click & Collect” được trình bày qua hình ảnh dưới đây:
Sau khi đặt hàng trên website Zara, mỗi khách hàng sẽ nhận được mã xác nhận qua điện thoại. Họ sẽ dùng đoạn mã này để quét mã tại cửa hàng offline và nhận sản phẩm. Lúc này, người mua có thể mang quần áo về nhà hoặc thử ngay tại chỗ.
Thông thường, vì tâm lý tò mò liệu trang phục có hợp với mình hay không nên phần lớn khách hàng sẽ sẽ mở gói hàng và mặc thử tại phòng thay đồ. Những căn phòng này được bố trí ngay gần khu vực nhận hàng.
Ngoài ra, trong phòng sẽ được gắn gương thông minh cung cấp hình ảnh người mẫu mặc đồ và những gợi ý phối phụ kiện phù hợp với trang phục người mua chọn. này được trang bị chúng được thiết kế ngay gần khu vực nhận hàng). Nếu không ưng ý, người mua có thể trả lại hàng, và phía việc hoàn phí vào thẻ tín dụng sẽ được thực hiện tự động ngay sau đó.
Với concept độc đáo này, Zara đã có thể khắc phục những bất tiện trong mua sắm online của khách hàng. Cụ thể là khách hàng có thể tiết kiệm tối đa thời gian chờ đợi giao hàng hay hoàn tiền bằng cách chủ động qua cửa hàng nhận đồ. Và trong chuyến đi đến cửa hàng, họ có thể thực hiện nhiều công việc: thử đồ, thanh toán, hoàn tiền tự động nếu không ưng ý, thậm chí là chọn mua thêm sản phẩm nếu có nhu cầu.
Là thương hiệu đầu tiên sáng tạo và phát triển concept “Click & Collect”, Zara đã nhanh chóng tạo nên ấn tượng khác biệt sâu đậm và tích cực trong tâm trí khách hàng. Đây là kế hoạch kết hợp kênh bán lẻ truyền thống và online hết sức thông minh của Zara, vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển lại vừa mang lại sự tiện lợi tốt nhất cho khách hàng của mình.
>> Xem thêm: 5 yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng lớn nhất bạn nên biết
7. Bài học từ chiến lược marketing của Zara
Có thể thấy, Zara không có nhiều chiến dịch quảng bá (Promotion) như các thương hiệu thời trang khác. Tuy nhiên, bằng cách đầu tư vào các các chữ “P” còn lại trong mô hình 4P, Zara đã có được những thành công nổi bật trong ngành thời trang bán lẻ trên thế giới hiện nay.
Dưới đây là một bản tóm tắt nhanh về những gì bạn có thể học được từ chiến lược marketing của Zara:
- Zara là một thương hiệu thời trang “mì ăn liền” tập trung vào việc cung cấp những gì người mua cần nhanh hơn tất cả những doanh nghiệp khác.
- Zara không ngừng cố gắng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
- Zara chi tiêu rất ít vào quảng cáo, thay vào đó họ tập trung vào phát triển kênh phân phối.
- Zara sử dụng dữ liệu để hiểu thông tin chi tiết về khách hàng và xu hướng hiện tại.
- Zara luôn lắng nghe khách hàng, cho khách hàng tham gia vào quá trình thiết kế sản phẩm
8. Tổng kết
Xu hướng thời trang luôn luôn thay đổi là một thách thức to lớn đối với Zara. Tuy nhiên Zara vẫn luôn có thể nhanh chóng bắt kịp làn sóng và mang lại chính xác những gì người mua có nhu cầu. Điều này không chỉ nhờ vào chiến lược marketing độc đáo, khác biệt mà còn bởi những nỗ lực đầu tư nhằm tối ưu trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Qua bài viết chia sẻ trên, hy vọng bạn có thể học được những kiến thức bổ ích từ chiến lược marketing của Zara, và áp dụng thành công cho doanh nghiệp của mình.
Tác giả: Hoàng Thủy