Equity là gì? Tìm hiểu chi tiết các hình thức Equity trong kinh doanh

21/09/2023
953

Trong lĩnh vực tài chính, chắc hẳn bạn đọc đều đã từng được nghe đến thuật ngữ “Equity” hay “Vốn chủ sở hữu” và thường thắc mắc equity là gì, vốn chủ sở hữu là gì. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá giá trị doanh nghiệp và ra quyết định đầu tư hay hợp tác kinh doanh. Mời các bạn tìm hiểu bản chất, các thành tố cấu thành, vai trò và một số lưu ý về Vốn chủ sở hữu qua bài viết này. 

1. Equity là gì?

Equity là một danh từ trong tiếng anh, dịch nghĩa qua tiếng việt có nghĩa là “Vốn chủ sở hữu”. Equity là vốn cổ đông đối với trường hợp công ty cổ phần (hoặc vốn của chủ doanh nghiệp với các công ty tư nhân), nó là phần còn lại của giá trị tài sản doanh nghiệp sau khi đã bù đắp các khoản nợ phải trả. 

Khi thanh lý công ty, Equity sẽ được trả lại cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp, nhưng trước đó, phải tất toán toàn bộ các khoản nợ của công ty, nói cách khác, sau khi các khoản nợ đã được thanh toán xong.

Công thức tính Vốn chủ sở hữu như sau:

Vốn chủ sở hữu = Tổng giá trị tài sản – Tổng nợ phải trả

>>> Đọc thêm: Vốn chủ sở hữu là gì, phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ

2. Các hình thức equity trong kinh doanh

Dựa theo nguồn gốc hình thành, Equity để được phân loại thành các nhóm:

Các hình thức equity trong kinh doanh

Cụ thể:

2.1 Vốn góp của chủ sở hữu

Vốn góp của chủ sở hữu là giá trị phần vốn góp của các chủ sở hữu vào doanh nghiệp. Chủ sở hữu có thể là cá nhân (có thể gồm cả người lao động trong doanh nghiệp), tổ chức hoặc Nhà nước, các đối tác của công ty (như các bên liên doanh liên kết, các thành viên hợp danh trong công ty Hợp danh, các nhà phân phối, nhà cung cấp…).

Đối với công ty cổ phần, vốn góp ban của chủ sở hữu – các cổ đông – sẽ được tính theo mệnh giá của cổ phần phát hành ra công chúng là 10.000đ/Cổ phiếu, phần tiền mua cổ phiếu cao hơn mệnh giá khi cổ phiếu phát hành sẽ được theo dõi và báo cáo ở mục “thặng dư vốn cổ phần” trong bảng Cân đối kế toán.

Trên báo cáo tài chính, số liệu để ghi vào chỉ tiêu Vốn góp của chủ sở hữu là số dư bên Có của tài khoản 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn lập bảng cân đối kế toán theo thông tư 200

Đối với công ty cổ phần, Vốn góp của chủ sở hữu là Mã số [411] được cấu thành từ chỉ tiêu Cổ phiếu có quyền biểu quyết (Mã số [411a]) và chỉ tiêu Cổ phiếu đặc biệt (Mã số [411b]).

Trong đó:

+ Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết (Mã số [411a]): Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có TK 41111 – Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết.

+ Cổ phiếu ưu đãi (Mã số [411b]): Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của TK 41112 – Cổ phiếu ưu đãi (chi tiết loại cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu )

Trường hợp giá phát hành cao hơn mệnh giá, Equity bao gồm cả thặng dư vốn cổ phần – đây là phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá của cổ phần do giá cổ phần cao hơn so với mệnh giá phát hành cổ phần. Thặng dư vốn cổ phần cũng là phần được ghi tăng thêm vào vốn đầu tư của chủ sở hữu. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 4112.

Ví dụ: Tại ngày 20/6/2022, công ty cổ phần AB Gold chuyên kinh doanh mặt hàng đồ nội thất văn phòng phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng:

  • tổng số cổ phần phát hành: 1 triệu cổ phần
  • mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần
  • giá phát hành: 12.000 đồng/cổ phần

Sau khi bán thành công toàn bộ số lượng cổ phiếu đã phát hành, tổng giá trị phần chênh lệch giữa mức giá bán ra 12.000 đồng/cổ phần so với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu là 2 tỉ đồng. Số chênh lệch 2 tỉ đồng chính là thặng dư vốn cổ phần, được ghi tăng thêm vào vốn đầu tư của chủ sở hữu của công ty cổ phần AB Gold. 

2.2 Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Lợi nhuận sau thuế trong tiếng Anh là “Profit After Tax”, là phần lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp sau khi lấy tổng doanh thu trừ tất cả các khoản chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trừ cả tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Nếu doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì doanh nghiệp sẽ quyết định giữ lại một phần lợi nhuận lợi nhuận này để tái đầu tư, điều này làm tăng vốn của chủ sở hữu. Nếu trường hợp kinh doanh thua lỗ, phần lỗ sẽ được trừ vào vốn chủ sở hữu. 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư bên Có của tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Trường hợp tài khoản 421 có số dư bên Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn hoặc bút toán đỏ. 

Trong đó bao gồm:

+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước: là số dư bên Có của tài khoản 4211 cộng với số dư bên Có chi tiết của tài khoản 4212, chi tiết số lợi nhuận lũy kế từ đầu năm đến đầu kỳ.

+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này: là số dư bên Có của tài khoản 4212, chi tiết số lợi nhuận phát sinh trong kỳ.

>> Xem thêm: Lợi nhuận chưa phân phối là gì? Cách tính lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

2.3 Các hình thức vốn chủ sở hữu khác

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp được hình thành ngoài các nguồn trên thì còn được hình thành từ các nguồn khác: 

equity là gì
Các hình thức vốn chủ sở hữu khác

Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu: là giá trị phần vốn của trái phiếu được chuyển đổi sang cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của tài khoản 4113. 

Vốn khác của chủ sở hữu: là giá trị các khoản vốn khác có nguồn gốc của chủ sở hữu tại thời điểm báo cáo, căn cứ lấy số liệu là số dư Có Tài khoản 4118. 

Chênh lệch đánh giá lại tài sản: là tổng số chênh lệch do đánh giá lại tài sản được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 412. 

Cổ phiếu quỹ: là giá trị cổ phiếu quỹ hiện có ở thời điểm báo cáo của công ty cổ phần. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 419 và được ghi bằng số âm.

Chênh lệch tỷ giá hối đoái bao gồm:

  • giá trị chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được xử lý tại thời điểm báo cáo 
  • khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam trong trường hợp đơn vị sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 413 hoặc ghi âm trong trường hợp tài khoản 413 có số dư Nợ. 

Quỹ đầu tư phát triển: là số dư Quỹ đầu tư phát triển chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư bên Có của tài khoản 414. 

Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp: là số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo, căn cứ lấy số liệu là số dư bên Có của tài khoản 417. 

Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu: là số quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trích lập từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện có tại thời điểm doanh nghiệp lập báo cáo, căn cứ lấy số liệu là số dư bên Có tài khoản 418 “Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu”.

Nguồn vốn đầu tư XDCB là tổng số nguồn vốn đầu tư xây dựng căn bản hiện có tại thời điểm báo cáo, số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư bên Có của tài khoản 441. 

Nguồn kinh phí và quỹ khác (chỉ có tại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp…) bao gồm: 

  • Tổng số kinh phí sự nghiệp, dự án được cấp để chi tiêu cho hoạt động sự nghiệp, dự án sau khi trừ đi các khoản chi sự nghiệp, dự án tại thời điểm báo cáo. Căn cứ lấy số liệu là giá trị chênh lệch giữa số dư Có của tài khoản 461 với số dư Nợ tài khoản 161. Nếu số dư Nợ TK 161 lớn hơn số dư Có TK 461 thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm. 
  • Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ tại thời điểm báo cáo, là số dư Có tài khoản 466.

3. Vai trò của equity 

3.1 Đối với doanh nghiệp

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp là nguồn tiền cơ sở ban đầu dùng để mua sắm, đầu tư máy móc, thiết bị; và để trang trải cho các chi phí chuẩn bị phục vụ sản xuất, bán hàng, quản lý, chi phí khác trong giai đoạn ban đầu. Trong những giai đoạn kinh doanh khó khăn, báo cáo kết quả kinh doanh “lỗ”, vốn chủ sở hữu được coi là nguồn cứu cánh cuối cùng, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động.

Không chỉ quan tâm tới giá trị vốn chủ sở hữu, vốn vay nợ cũng cũng rất quan trọng trong đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay và nợ phải trả, khi tình hình kinh tế vĩ mô có biến động tiêu cực, ví dụ Covid 19 ập đến làm tê liệt gần như hoàn toàn các hoạt động kinh doanh toàn cầu trong một khoảng thời gian, doanh nghiệp có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền, về khả năng trả nợ, dẫn tới mất khả năng chi trả, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.

Như vậy, dù vay được nhiều vốn để mở rộng sản xuất, nhưng vốn chủ sở hữu dồi dào vẫn là sự đảm bảo cho khả năng tồn tại, là cơ sở để doanh nghiệp mạnh dạn phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các giai đoạn bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. 

>> Xem thêm: Chi phí sử dụng vốn – cách tính và ý nghĩa

3.2 Đối với nhà đầu tư và các đối tác

Trước khi tiến hành đầu tư vào một doanh nghiệp, một trong những chỉ tiêu mà nhà đầu tư xem xét định giá doanh nghiệp chính là Vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu càng lớn thể hiện quy mô doanh nghiệp càng lớn và ngược lại.

Đối với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, người cho vay, cho mượn, các nhà cung cấp, vốn chủ sở hữu là biểu hiện giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp nên giá trị vốn chủ sở hữu có thể coi là một trong các thước đo cho khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà đầu tư, các đối tác như nhà cung cấp, khách hàng cũng thường xem xét cơ cấu vốn của một doanh nghiệp trước khi hợp tác. Cơ cấu vốn với phần vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn giảm có thể cũng là tín hiệu cho thấy tương lai thu hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh; có thể là cảnh báo kỳ tới sẽ bị giảm doanh thu, lợi nhuận. 

4. Phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ

Nội dung

Vốn chủ sở hữu

(tổng nguồn vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp)

Vốn điều lệ

(vốn được đăng ký theo GPDKKD)

Định nghĩa

Luật Doanh nghiệp năm 2020 không đưa ra quy định cụ thể về vốn chủ sở hữu.
Vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của doanh nghiệp còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông, thành viên góp vốn (chủ sở hữu). Đồng thời, cũng là phần tài sản ròng của doanh nghiệp, tính bằng tổng tài sản trừ đi nợ phải trả.

Định nghĩa vốn điều lệ được nêu chi tiết tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên góp vốn công ty, chủ sở hữu công ty đã đóng góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá của cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Bản chất

Là khoản tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp bao gồm cả vốn điều lệ và có thể thay đổi trong quá trình hoạt động như được bổ sung thêm từ lợi nhuận để lại, hoặc các khoản khác như: Chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoán, thặng dư vốn cổ phần….

Là khoản tài sản mà chủ sở hữu và các thành viên đóng góp ban đầu khi mới thành lập đảm bảo đủ điều kiện như trong điều lệ doanh nghiệp quy định.

Nguồn gốc hình thành

Vốn chủ sở hữu có thể hình thành từ các nguồn:

– doanh nghiệp góp vốn, đầu tư từ ngân sách Nhà nước (với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) hoặc do góp vốn cổ phần

– thặng dư vốn cổ phần

– lợi nhuận thu được từ các kỳ hoạt động kinh doanh 

– các nguồn khác như tổng hợp ở hình 2

Vốn điều lệ được hình thành dựa trên số vốn đăng ký ban đầu do các thành viên và chủ sở hữu đóng góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ doanh nghiệp.

Nghĩa vụ nợ phải  thanh toán

Vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành bổ sung từ kết quả kinh doanh. Nên nguồn vốn chủ sở hữu không phải là một nghĩa vụ nợ phải thanh toán.

Vốn điều lệ có thể được coi là một căn cứ pháp lý về tài sản doanh nghiệp đã cam kết khi thành lập. 

Do đó, trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì nghĩa vụ nợ phải thanh toán tối đa bằng số vốn điều lệ đã đăng ký. 

Ý nghĩa

Vốn chủ sở hữu phản ánh giá trị và biến động tình hình tăng, giảm các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp, của các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp.

Vốn điều lệ:

– là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty; làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông.

– thể hiện sự cam kết về mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với các đối tác trong trường phát sinh các nghĩa vụ nợ phải thanh toán. 

Ví dụ minh họa phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ:

Tại công ty TNHH Tiến Phát tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm 2021 có số liệu trên bảng cân đối tài khoản phát sinh như sau:

Tài khoản 411: 5.000.000.000VND

Tài khoản 421 (lợi nhuận chưa phân phối): 500.000.000 VND

Chênh lệch đánh giá lại tài sản: 500.000.000 VND

Biết thêm rằng trên giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đăng ký là 5.000.000.000 VND. Xác định vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tính tại 31/12/2021.

Vốn điều lệ theo giấy đăng ký kinh doanh là 5.000.000.000 VND 

Vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2021 là: 

5.000.000.000 + 500.000.000 + 500.000.000 = 6.000.000.000 VND

Tại 31/12/2021, vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ ban đầu do vốn chủ sở hữu được bổ sung thêm các khoản lợi nhuận chưa phân phối và chênh lệch đánh giá lại tài sản tính đến 31/12/2021. 

Trong quá trình quản trị doanh nghiệp, CEO/chủ doanh nghiệp cần theo dõi nhanh chóng các chỉ số tài chính của công ty. Phần mềm kế toán online MISA AMIS – công cụ đang được đánh giá rất cao hiện nay không chỉ trong công tác kế toán mà còn trong hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp. Phần mềm đem đến cho nhà quản trị góc nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các tính năng ưu việt:

  • Xem báo cáo điều hành mọi lúc mọi nơi: Giám đốc, kế toán trưởng có thể theo dõi tình hình tài chính ngay trên di động, kịp thời ra quyết định điều hành doanh nghiệp.
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.

Đặc biệt, phần mềm AMIS Kế toán được thiết lập sẵn công thức tính cho các hệ số phân tích tài chính. Căn cứ vào số liệu kế toán được nhập vào, phần mềm sẽ tự động tổng hợp và tính toán ra các hệ số này. Dựa vào đó nhà quản lý có thể nhanh chóng đưa ra những đánh giá tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại bất cứ thời điểm nào, từ đó đưa ra những quyết định điều hành hợp lý.

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

Dùng ngay miễn phí

Người tổng hợp: Người yêu kế toán.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả