Tài chính - kế toán Mẫu biểu, quy định 3 chính sách thuế, phí, kế toán có hiệu lực từ...

Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư, Nghị định quy định về các vấn đề liên quan đến kế toán, trong đó có 1 số chính sách thuế, phí, kế toán sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2022 tới đây. Trong bài viết sau đây, MISA AMIS cùng bạn đọc điểm danh 3 chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2022.

1. Nghị định 49/2022/NĐ-CP  –  06 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng

1.1 Quy định cần nắm

Nghị định 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 sửa đổi Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 146/2017/NĐ-CP.

Căn cứ theo nghị định này, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Một số sai sót về doanh thu chuyển nhượng của kế toán bất động sản

Trong đó, 06 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

  • Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

(Bỏ quy định “không kể tiền sử dụng đất được miễn, giảm” so với hiện hành).

  • Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.
  • Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

(Hiện hành, quy định không bao gồm tiền thuê đất được miễn, giảm).

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. 

(Hiện hành bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng (nếu có)).

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có)…

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.
  • Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật; nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.

Ngoài ra, trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ (-) giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.

1.2 Thời điểm có hiệu lực của Nghị định 49/2022

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 49/2022/NĐ-CP thì Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/9/2022.

>>> Đọc thêm: Tổng hợp từ A – Z quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng

2. Giảm 50% phí xác thực khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Thông tư 48/2022/TT-BTC

2.1 Quy định cần nắm

Mới đây, ngày 3/8/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 48/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Căn cứ theo Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin là 1.000 đồng/trường thông tin.

Tuy nhiên, căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 thì

  • Kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023: Áp dụng mức thu bằng 50% mức phí quy định nêu trên.
  • Kể từ ngày 01/01/2024 trở đi: Áp dụng mức thu theo mức phí nêu trên.

Về đối tượng nộp phí, căn cứ theo Điều 2 Thông tư 48/2022/TT-BTC thì:

Đối tượng nộp phí khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân:

  • Có đề nghị khai thác và sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư; và
  • Được cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư có thẩm quyền cung cấp thông tin trong CSDLQG về dân cư theo quy định pháp luật.

Căn cứ theo phụ lục đính kèm Thông tư 48/2022/TT-BTC, các trường thông tin thuộc nhóm khai thác, sử dụng phải nộp phí bao gồm:

  • Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01);
  • Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02);
  • Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03);
  • Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04);
  • Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05).

2.2 Thời điểm có hiệu lực của Thông tư

Thông tư 48/2022.TT-BTC có hiệu lực từ ngày 17/9/2022.

3. Thông tư 41/2022 hướng dẫn mở sổ kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện

3.1 Quy định cần nắm

Thông tư 41/2022/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện do Bộ Tài chính ban hành ngày 05/7/2022

Căn cứ theo hướng dẫn của thông tư, việc mở sổ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện diễn ra như sau:

  • Nguyên tắc mở sổ kế toán:
    • Sổ kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm hoặc ngay sau khi có quyết định thành lập và bắt đầu hoạt động của đơn vị. 
    • Sổ kế toán được mở đầu năm tài chính mới để chuyển số dư từ sổ kế toán năm cũ chuyển sang và ghi ngay nghiệp vụ kinh tế, tài chính mới phát sinh từ ngày 01/01 của năm tài chính mới. Đơn vị được mở thêm các sổ kế toán chi tiết theo yêu cầu quản lý của đơn vị.
  • Trường hợp mở sổ kế toán thủ công: Đơn vị phải hoàn thiện thủ tục pháp lý của sổ kế toán như sau:
    • Đối với sổ kế toán đóng thành quyển: Ngoài bìa (góc trên bên trái) phải ghi tên đơn vị, giữa bìa ghi tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khoá sổ; họ tên và chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán và thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu; ngày, tháng, năm kết thúc ghi sổ hoặc ngày chuyển giao sổ cho người khác.
      • Các trang sổ kế toán phải đánh số trang từ trang một (01) đến hết trang số cuối cùng, giữa hai trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị.
      • Sổ kế toán sau khi làm đầy đủ các thủ tục trên mới được coi là hợp pháp.
    • Đối với sổ tờ rời:
      • Đầu mỗi sổ tờ rời phải ghi rõ tên đơn vị, số thứ tự của từng tờ sổ, tên sổ, tháng sử dụng, họ tên của người giữ sổ và ghi sổ kế toán.
      • Các sổ tờ rời trước khi sử dụng phải được Thủ trưởng đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và ghi vào sổ đăng ký sử dụng thẻ tờ rời.
      • Các sổ tờ rời phải sắp xếp theo thứ tự các tài khoản kế toán và phải đảm bảo an toàn và dễ tìm.
  • Trường hợp lập sổ kế toán trên phương tiện điện tử:
    • Phải đảm bảo các yếu tố của sổ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán. Nếu lựa chọn lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử thì vẫn phải in sổ kế toán tổng hợp ra giấy, đóng thành quyển và phải làm đầy đủ các thủ tục quy định nêu tại điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư 41/2022/TT-BTC.
    • Các sổ kế toán còn lại, nếu không in ra giấy, mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

3.2 Thời điểm có hiệu lực của thông tư 41/2022/TT-BTC

Thông tư 41/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2022 và thay thế Thông tư 103/2018/TT-BTC.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc kế toán và chủ doanh nghiệp được cập nhật các thông tư, nghị định mới nhất từ chính phủ, phần mềm kế toán online MISA AMIS thường xuyên cập nhật các thông tư, nghị định mới do Bộ Tài chính ban hành để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng hơn trong công việc. Phần mềm online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • ….

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm 15 ngày miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]