Tổng hợp giải đáp thắc mắc về sử dụng hoá đơn điện tử từ Doanh nghiệp của Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên

09/08/2022
1727

Theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, các doanh nghiệp trên khắp cả nước sẽ chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử. Trong quá trình áp dụng hoá đơn điện tử, nhiều doanh nghiệp gặp phải những vướng mắc và đã thực hiện gửi đề nghị giải đáp tới cục Thuế các tỉnh thành mà đơn vị trực thuộc quản lý. MISA AMIS tổng hợp lại các thắc mắc về sử dụng HĐĐT của Doanh nghiệp đã gửi và được giải đáp bởi Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên trong bài viết sau đây.

Hỏi: Công ty CP Cơ Khí Gang Thép: Trong tháng 5/2022, Công ty tôi xuất hoá đơn điều chỉnh giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 8% theo NĐ 15/2022/NĐ-CP; ở phần thuế suất GTGT: 8% tôi lại không ghi dấu âm (-) đằng trước số tiền thuế mà chỉ ghi số tiền thuế được giảm, cột tên hàng hoá dịch vụ ghi: “Điều chỉnh giảm thuế suất GTGT, tổng tiền thanh toán của hoá đơn số…; ký hiệu,….. ngày…. tháng…. năm…, từ 10% xuống 8%”. Vậy cách ghi như vậy có đúng không?

Giải đáp của cục Thuế tỉnh Thái Nguyên như sau: 

Tại Điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hoá đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hoá ghi trên hoá đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hoá đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh hoá đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thoả thuận về việc lập văn bản thoả thuận trước khi lập hoá đơn điều chỉnh cho hoá đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thoả thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh cho hoá đơn đã lập có sai sót.

Hoá đơn điện tử điều chỉnh hoá đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hoá đơn Mẫu số.. Ký hiệu.. số.. ngày.. tháng.. năm..”.

b2) Người bán lập hoá đơn điện tử mới thay thế cho hoá đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thoả thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hoá đơn thay thế cho hoá đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thoả thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hoá đơn điện tử thay thế cho hoá đơn đã lập có sai sót. 

Hoá đơn điện tử mới thay thế hoá đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hoá đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm…”.

Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021.TT0BTC ngày 17/9/2021 của Bộ tài chính quy định:

“Riêng đối với nội dung về giá trị trên hoá đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh”.

Như vậy, Công ty thực hiện điều chỉnh giảm thuế suất do hoá đơn có sai sót nhưng không ghi dấu âm là không đúng quy định.

Hỏi: Công ty Cổ phần Elovi Việt Nam: Hoá đơn bán hàng, xuất hàng hoá theo bảng kê kèm theo, trong bảng kê có cả hàng hoá không được giảm thuế và hàng hoá có được giảm thuế thì có cần tách bảng kê hay không? Và ghi nội dung trên bảng kê/hoá đơn như nào?

Giải đáp của cục Thuế tỉnh Thái Nguyên như sau:

Căn cứ Tiết a Khoản 6 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ:

“Điều 10. Nội dung của hoá đơn

Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.

a) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ

– Số lượng hàng hóa, dịch vụ: Người bán ghi số lượng bằng chữ số Ả-rập căn cứ theo đơn vị tính nêu trên. Các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù như điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm được bán theo kỳ nhất định thì trên hóa đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đối với các dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh, được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn; bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền.

Hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số…, ngày… tháng… năm”. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số ngày… tháng… năm”.”

Trường hợp hoá đơn bán hàng, xuất hàng hoá theo bảng kê kèm theo, trong bảng kê có cả hàng hoá không được giảm thuế và hàng hoá được giảm thì Công ty không cần tách bảng kê. Nội dung trên bảng kê/hoá đơn được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. 

Hỏi: Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ SYC: Công ty tôi sử dụng hoá đơn điện tử có mã của Cơ quan thuế. Nhưng nếu trong trường hợp hoá đơn điện tử phát hành nhưng ngày lập hoá đơn và ngày ký hoá đơn này khác nhau thì hoá đơn này có được coi là hợp lệ hay không? Nếu hợp lệ thì khi kê khai thuế, người bán và người mua sẽ kê khai theo ngày lập hoá đơn hay ngày ký hoá đơn ạ?

Giải đáp của cục Thuế tỉnh Thái Nguyên như sau:

Căn cứ Khoản 9 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

“9. Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.”

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

“3. Gửi hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đến người mua ngay sau khi nhận được hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.”

Căn cứ vào các quy định nêu trên, thời điểm khai thuế của người bán là thời điểm lập hoá đơn, thời điểm khai thuế của người mua là thời điểm người bán chuyển HĐĐT đã có mã của Cơ quan Thuế cho người mua.

Hỏi: Công ty Cổ phần cột thép mạ kẽm Thái Nguyên: 

  • Ngày 30/6/2022 xuất hoá đơn giá trị gia tăng doanh thu: 3 tỷ đồng
  • Ngày 14/7/2022 xuất hoá đơn điều chỉnh tăng 70 triệu đồng
  • Ngày 10/7/2022 DN đã chốt BCTC quý gửi lên Công ty mẹ để hợp nhất BCTC (Quý 2)

Vậy trong trường hợp này đơn vị hạch toán doanh thu và kê khai thuế của hoá đơn điều chỉnh như thế nào cho đúng ạ? (Ghi nhận vào tháng 6 hay tháng 7)

Giải đáp của Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156.2013/TT-BTC: Trường hợp chưa hết hạn nộp tờ khai thuế GTGT tháng 6/2022 thì Công ty kê khai doanh thu, thuế GTGT đối với hoá đơn điều chỉnh vào tờ khai tháng 6/2022.

Trường hợp đã hết hạn nộp tờ khai thuế GTGT tháng 6/2022 thì Công ty thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT tháng 6/2022 đối với hoá đơn điều chỉnh nêu trên và kê khai bổ sung vào chỉ tiêu 37, 38 của kỳ khai thuế hiện tại nếu có tăng/giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết chuyển kỳ sau.

Ngoài những câu hỏi và giải đáp được nhắc đến trên đây, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cũng giải đáp nhiều câu hỏi được 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gửi về.

Xem chi tiết từng câu hỏi và giải đáp của cục Thuế tỉnh Thái Nguyên 

Việc lựa chọn phần mềm kế toán có tính năng kết nối với phần mềm hóa đơn điện tử như phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ giúp ích nhiều cho kế toán trong quá trình xử lý công việc hàng ngày. Phần mềm kế toán thông minh thế hệ mới MISA AMIS có khả năng: 

  • Kết nối trực tiếp phần mềm hóa đơn điện tử MISA meInvoice được Tổng cục Thuế tin tưởng nằm trong danh sách các đơn vị cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử đạt chuẩn, giúp phát hành hóa đơn điện tử ngay trên phần mềm và tự động hạch toán doanh thu ngay khi lập hóa đơn điện tử;
  • Khởi tạo mẫu hóa đơn điện tử từ bộ có sẵn: Chương trình có sẵn kho mẫu hóa đơn từ cơ bản đến đặc thù từng doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng, cho phép đơn vị lấy về sử dụng mà không mất công thiết kế lại;
  • Kiểm tra tình trạng nhà cung cấp có đang được phép hoạt động hay không, giúp giảm thiểu việc kê khai các hóa đơn không hợp lệ.
  • Đầy đủ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn: Cho phép in được báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng, quý, tuân thủ quy định mới nhất về quản lý và sử dụng hóa đơn của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, phần mềm kế toán online MISA AMIS còn có nhiều tính năng, tiện ích thông minh nổi bật khác như: Tự động tổng hợp số liệu để lập tờ khai thuế, báo cáo tài chính; tự động đối chiếu phát hiện sai lệch để đưa ra cảnh báo;…

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả