Nghị định số 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại

08/06/2022
1023

Ngày 23/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Trong bài viết sau đây, mời doanh nghiệp cùng MISA AMIS tìm hiểu những quy định đáng chú ý của Nghị định số 87/2012/NĐ-CP.

I. Nghị định số 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại

Số, ký hiệu 87/2012/NĐ-CP
Ngày ban hành 23-10-2012
Ngày có hiệu lực 01-01-2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký duyệt Nguyễn Tấn Dũng
Trích yếu Quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại
Tải nghị định TẢI VỀ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật giao dịch điện tử 2005 (ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005);

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 87/2012/NĐ-CP bao gồm: thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

Đối tượng áp dụng của Nghị định số 87/2012/NĐ-CP được quy định như sau: Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thương mại; Cơ quan Hải quan, công chức Hải quan; Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

II. Một số điểm đáng chú ý trong Nghị định số 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại

nghị định 87 2012 ND CP

Nghị định 87/2012/NĐ-CP được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo sự nhất quán về thủ tục hải quan quy định tại Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời, Nghị định này đảm bảo tính kế thừa những nội dung đang thí điểm thành công của Quyết định 149/2005/QĐ-TTg và Quyết định 103/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sửa đổi, bổ sung các nội dung còn bất cập, loại bỏ một số nội dung không đạt hiệu quả trong quá trình thí điểm; và vẫn đảm bảo tính dự báo trong điều kiện văn bản quy phạm pháp luật luôn được xây dựng và hoàn thiện; đặc biệt đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan.

Nghị định 87/2012/NĐ-CP gồm 3 Chương với 17 Điều, được ban hành với 3 điểm mới cơ bản liên quan đến người khai hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại. Sau đây là một số quy định quan trọng mà doanh nghiệp cần chú ý:

1. Quy định về hồ sơ khai hải quan điện tử

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP quy định hồ sơ khai hải quan điện tử bao gồm: Tờ khai hải quan điện tử; Các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan điện tử là những chứng từ được quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật hải quan mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan Hải quan. Những chứng từ này có thể ở dạng chứng từ giấy, chứng từ điện tử, chứng từ chuyển đổi từ chứng từ giấy sang dạng điện tử hoặc ngược lại. Chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan ở dạng điện tử hoặc chuyển đổi có giá trị để làm thủ tục hải quan điện tử như chính chứng từ đó ở dạng giấy trừ khi pháp luật có quy định khác.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể nội dung, định dạng các chỉ tiêu thông tin của tờ khai hải quan điện tử; định dạng các chứng từ điện tử khác thuộc hồ sơ hải quan điện tử và việc sử dụng hồ sơ hải quan điện tử.

Điều đáng chú ý, hồ sơ hải quan điện tử lưu giữ tại Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có giá trị pháp lý để làm thủ tục hải quan và xử lý các tranh chấp.

2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan điện tử

Ngoài các quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan quy định tại Luật hải quan; quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế quy định tại các Luật về thuế; quyền, nghĩa vụ của đối tượng lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử quy định tại Luật giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện, Điều 4 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP quy định người khai hải quan điện tử còn có các quyền và nghĩa vụ sau:

Về quyền lợi, người khai hải quan điện tử có các quyền sau:

– Được ưu tiên thực hiện trước so với trường hợp đăng ký hồ sơ hải quan bằng giấy khi cơ quan Hải quan xác định phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa;

– Được thực hiện khai hải quan điện tử 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần và nhận thông tin phản hồi của cơ quan Hải quan trực tiếp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; trường hợp khai hải quan trong thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật, nhưng thuộc diện phải nộp, xuất trình chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan để cơ quan Hải quan kiểm tra làm cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo thì được phản hồi kết quả chậm nhất 04 giờ kể từ thời điểm bắt đầu ngày làm việc kế tiếp;

– Được sử dụng chứng từ in ra từ Hệ thống khai hải quan điện tử (có đóng dấu và chữ ký của người khai hải quan điện tử) đối với lô hàng đã được cơ quan Hải quan chấp nhận thông quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường;

– Được lựa chọn hình thức nộp lệ phí hải quan và các loại phí do cơ quan Hải quan thu hộ các hiệp hội, tổ chức (nếu có) cho từng tờ khai hải quan hoặc nộp gộp theo tháng;

– Được cơ quan Hải quan cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ hải quan điện tử thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Về nghĩa vụ, các nghĩa vụ của người khai hải quan điện tử bao gồm:

– Thực hiện việc lưu giữ chứng từ điện tử thuộc hồ sơ hải quan (bao gồm cả bản sao) theo quy định của Luật giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; cung cấp các chứng từ điện tử có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan Hải quan để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền;

– Trường hợp pháp luật quy định phải nộp chứng từ, tài liệu dưới dạng giấy cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải ký tên, đóng dấu vào các chứng từ, tài liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các chứng từ, tài liệu đó;

– Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải sử dụng chữ ký số đã đăng ký với cơ quan Hải quan. Trong giai đoạn chưa có chữ ký số thì được sử dụng tài khoản truy nhập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Người khai hải quan có trách nhiệm bảo mật tài khoản để sử dụng khi giao dịch với cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và chịu trách nhiệm về các giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính quy định lộ trình áp dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

– Đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử. Trường hợp chưa đáp ứng được các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử thì thông qua đại lý làm thủ tục hải quan có đủ điều kiện để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

3. Quy định về trách nhiệm, cách xử lý trong trường hợp gặp sự cố về thủ tục hải quan

nghị định 87 2012 ND CP

Khi xảy ra sự cố với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, cơ quan Hải quan có trách nhiệm thông báo trên trang Thông tin điện tử ngành Hải quan chậm nhất 02 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố đối với những sự cố xảy ra trong giờ hành chính hoặc 02 giờ kể từ thời điểm bắt đầu ngày làm việc tiếp theo đối với những sự cố xảy ra trong thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức thủ công.

Đối với người khai hải quan, khi gặp sự cố đối với hệ thống khai hải quan điện tử, phải thông báo ngay cho cơ quan Hải quan bằng văn bản hoặc bằng điện thoại hoặc bằng thư điện tử đã đăng ký với cơ quan Hải quan để phối hợp giải quyết. Đồng thời, theo yêu cầu để đảm bảo việc thực hiện thủ tục hải quan kịp thời, người khai hải quan được thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức thủ công.

Trên đây là những nội dung quan trọng mà doanh nghiệp cần biết về Nghị định số 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Các Bộ, cơ quan nhà nước liên quan có trách nhiệm phối hợp chuẩn hóa, cung cấp và trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử quy định tại Nghị định này, thực hiện cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

Luật sư Nguyễn Xuân Nhất

Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất.

Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế.

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả