Thủ tục hoàn thuế GTGT mới nhất

20/05/2022
1930

Hoàn thuế giá trị gia tăng là gì? Thủ tục hoàn thuế GTGT như thế nào?… là những câu hỏi mà kế toán tại nhiều doanh nghiệp còn thắc mắc. Hãy cùng theo dõi bài viết để tìm hiểu chi tiết về hoàn thuế gtgt cũng như thủ tục hoàn thuế gtgt nhé.

thủ tục hoàn thuế gtgt1. Hoàn thuế gtgt là gì ?

Hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế gtgt) là việc doanh nghiệp được ngân sách nhà nước trả lại số thuế còn dư sau khi đã khấu trừ hết số thuế gtgt mà doanh nghiệp phải nộp trong kỳ.

Việc hoàn thuế gtgt sẽ được xác định theo từng thời kỳ và cũng có những quy định riêng liên quan đến hồ sơ chứng từ mà doanh nghiệp hoàn thiện để làm thủ tục hoàn thuế gtgt.

Có một số điều kiện nhất định mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được xét hoàn thuế gtgt. Theo Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì các doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện sau đây:

  • Là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ;
  • Được cấp giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hành nghề, giấy phép đầu tư, quyết định thành lập,… của cơ quan có thẩm quyền;
  • Có con dấu theo quy định của pháp luật;
  • Lập và lưu giữ sổ sách kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật;
  • Có Tài khoản ngân hàng theo mã số thuế của đơn vị.

>>> Đọc thêm: Tổng hợp từ A – Z quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng

2. Các trường hợp được hoàn thuế GTGT

  • Hoàn thuế GTGT dự án đầu tư mới: 

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm, trừ trường hợp hướng dẫn tại điểm c Khoản 3 Điều Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC. 

Nếu số thuế giá trị gia tăng lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.

  • Hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá dịch vụ xuất khẩu:

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.

>>> Đọc thêm: Hướng dẫn các trường hợp hoàn thuế GTGT dự án đầu tư mới

Thủ tục hoàn thuế gtgt

3. Trình tự thực hiện thủ tục hoàn thuế gtgt

Bước 1: Người nộp thuế (NNT) chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan Thuế quản lý trực tiếp

Những NNT thuộc các trường hợp được hoàn thuế như:

  • Có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết theo quy định của pháp luật về thuế GTGT;
  • Đang trong giai đoạn đầu tư chưa có thuế giá trị gia tăng đầu ra;
  • Bù trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư cùng với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh;
  • Có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.

sẽ chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế, sau đó nộp toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để yêu cầu hoàn thuế.

Bước 2: Cơ quan Thuế tiếp nhận:

NNT có thể nộp dưới nhiều hình thức và cơ quan Thuế sẽ có cách thức tiếp nhận phù hợp:

  • NNT nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan Thuế, cán bộ cơ quan sẽ tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
  • NNT nộp hồ sơ qua đường bưu điện, khi tiếp nhận, cán bộ cơ quan sẽ đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
  • NNT nộp hồ sơ thông qua giao dịch điện tử, cơ quan Thuế thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

Bước 3: Cơ quan Thuế hoàn thuế cho NNT

Sau khi hồ sơ hoàn thuế của NNT được chấp thuận, cơ quan Thuế sẽ chi trả số thuế được hoàn cho NNT qua cách thức mà NNT đã đăng ký (trả qua tài khoản hoặc trả bằng tiền mặt).

>>> Tìm hiểu ngay: Hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu và những điều cần biết

4. Hồ sơ hoàn thuế gtgt

4.1. Hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp dự án đầu tư mới

Căn cứ theo Điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC, hồ sơ hoàn thuế gtgt sẽ bao gồm: 

  • Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC.
  • Các tài liệu khác theo trường hợp hoàn thuế dự án đầu tư:
    • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư đối với trường hợp phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
    • Đối với dự án có công trình xây dựng: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; giấy phép xây dựng;
    • Bản sao Chứng từ góp vốn điều lệ;
    • Bản sao Giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật;
    • Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-1/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này, trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế;
    • Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án, Quyết định giao quản lý dự án đầu tư của chủ dự án đầu tư, Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh hoặc Ban quản lý dự án đầu tư (nếu chi nhánh, Ban quản lý dự án thực hiện hoàn thuế).

4.2 Hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp hàng hoá dịch vụ xuất khẩu

  • Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC.
  • Các tài liệu khác theo trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
    • Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-1/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này, trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế;
    • Danh sách tờ khai hải quan đã thông quan theo mẫu số 01-2/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này đối với hàng hóa xuất khẩu đã thông quan theo quy định về pháp luật hải quan.

4.3 Hồ sơ hoàn thuế đối với các trường hợp khác

  • Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC.
  • Các tài liệu khác theo từng trường hợp hoàn thuế cụ thể, một số trường hợp cụ thể như sau:
    • Trường hợp hoàn thuế chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại: Xem chi tiết tại điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC
    • Trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn tiền viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức: Xem chi tiết tại điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC
    • Trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn tiền viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam: Xem chi tiết tại điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC
    • Trường hợp hoàn thuế ưu đãi miễn trừ ngoại giao: Xem chi tiết tại điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC

Việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp song để đảm bảo quyền lợi thì Nhà nước cũng cho phép các doanh nghiệp được yêu cầu và nộp hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện. Kế toán viên cần cẩn trọng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán thuế nói chung và các nghiệp vụ tính, nộp và xin xét hoàn thuế nói riêng. Sự hỗ trợ của các phần mềm kế toán như phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ giúp công tác kế toán đơn giản và chính xác hơn nhiều lần. Phân hệ thuế của phần mềm MISA AMIS tích hợp các tính năng:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động tổng hợp số liệu
  • Hỗ trợ kế toán viên nộp tờ khai, nộp thuế điện tử cho cơ quan thuế
  • Các tiện ích khác: kiểm tra tình trạng hoạt động của nhà cung cấp, khách hàng, tự động khấu trừ thuế, hạch toán điều chỉnh thuế GTGT khi lập tờ khai

Những tính năng này sẽ giúp nghiệp vụ thuế nói chung và nghiệp vụ về xin xét hoàn thuế nói riêng trở nên dễ dàng hơn với người làm kế toán. Đăng ký trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trực tiếp đánh giá, dùng thử miễn phí trong 15 ngày.

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN MISA AMIS

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả