Hướng dẫn lập tờ kê khai bổ sung thuế GTGT theo Thông tư 80

20/07/2023
12520

MISA AMIS trình bày hướng dẫn chi tiết cách kê khai điều chỉnh, bổ sung tờ khai thuế GTGT theo hướng dẫn của TT 80/2021/TT-BTC kèm theo các ví dụ minh họa và hình ảnh giúp các bạn có thể dễ dàng hình dung và vận dụng khi lập tờ kê khai bổ sung tờ khai thuế GTGT theo Thông tư 80/2021/TT-BTC tại doanh nghiệp mình.

1. Các trường hợp sai sót trên tờ khai thuế GTGT phải kê khai bổ sung

Trên tờ khai thuế GTGT có 23 chỉ tiêu, từ chỉ tiêu số [21] đến chỉ tiêu số [43].

Hình 3: Các chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT theo mẫu TT80/2021/TT-BTC

Các trường hợp phải kê khai bổ sung như sau:

Trường hợp 1: Sai ở chỉ tiêu số [22] – Thuế GTGT còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang.

Trường hợp 2: Sai ở chỉ tiêu số [23],[24],[25] – Giá trị và thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào, số thuế GTGT được khấu trừ kỳ này (các chỉ tiêu này thường liên quan đến hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp bị kê khai sai)

Trường hợp 3: Sai ở chỉ tiêu số [26],[27],[28],[29],[30],[31],[32],[33],[34],[35] – Giá trị và thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ bán ra (các chỉ tiêu này thường liên quan đến hóa đơn đầu ra của doanh nghiệp bị kê khai sai)

Trường hợp 4: Sai ở chỉ tiêu số [37],[38] – chỉ tiêu số [37] “Điều chỉnh giảm số thuế GTGT”, chỉ tiêu số [38] “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT”. Nguyên nhân do nhập sai số thuế GTGT điều chỉnh của các tờ khai bổ sung kỳ trước vào kỳ hiện tại.

Trường hợp 5: Riêng các chỉ tiêu số [28],[35],[36],[39a],[40a],[40],[41],[43] (trên phần mềm HTKK bôi dòng màu xanh) là các chỉ tiêu không điền bằng tay được. Chúng ta không tự sửa các chỉ tiêu này mà phần mềm HTKK tự động tính, do đó, chúng ta cũng không điều chỉnh các chỉ tiêu này mà sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu từ trường hợp 1 đến trường hợp 4, khi điều chỉnh đúng tự động các chỉ tiêu này sẽ cho kết quả đúng.

Lưu ý: Các bạn cần lưu ý khi kê khai bổ sung sẽ được thực hiện bằng cách sai chỉ tiêu nào điều chỉnh chỉ tiêu đó (ngoại trừ trường hợp 5 ở trên) trên tờ khai bổ sung rồi sau đó các bạn tổng hợp thông tin bổ sung có ảnh hưởng đến số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển sang kỳ sau vào kỳ tính thuế hiện tại áp dụng cho các trường hợp nêu trên.

2. Hướng dẫn chi tiết cách lập tờ khai bổ sung thuế GTGT có hình ảnh

Để giúp các bạn kế toán dễ hình dung và áp dụng được phương pháp kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT theo Thông tư 80/2021/TT-BTC MISA AMIS xin minh họa một trường hợp điển hình cho các bạn xem dưới đây:

Ví dụ 3: Tại Công ty TNHH Thái Bình nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng, kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ, đã kê khai thuế GTGT của kỳ tháng 1/2022 vào ngày 19/02/2022 nhưng đến ngày 28/05/2022 thì phát hiện tờ khai tháng 1/2022 trên đã kê khai sai do kế toán nhầm lẫn số học. Cụ thể các chỉ tiêu bị sai sót như sau:

ĐVT: Việt Nam đồng

Chỉ tiêu sai sót Tên chỉ tiêu Số đã kê khai sai Số phải kê khai đúng Chênh lệch
[22] Thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang 2.208.026.986 2.218.026.986 10.000.000
[24] Thuế GTGT của HHDV mua vào 40.000.000 48.000.000 8.000.000
[25] Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào được khấu trừ kỳ này 30.000.000 38.000.000 8.000.000
[27] Hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu thuế giá trị gia tăng – Giá trị HHDV 38.995.874.810 39.095.874.810 100.000.000
[28] Hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu thuế giá trị gia tăng – Thuế GTGT 10.000.000 10.000.000
[32] Hàng hoá, dịch vụ bán ra chịu thuế suất 10% – Giá trị HHDV 100.000.000 100.000.000
[33] Hàng hoá, dịch vụ bán ra chịu thuế suất 10% – Thuế GTGT 10.000.000 10.000.000

Các bước thực hiện kê khai bổ sung cho tờ khai tháng 1/2022 bị sai sót như sau:

Hình 4: Các bước thực hiện kê khai bổ sung tờ khai

Bước 1: Chọn tờ khai thuế GTGT bổ sung

Bước 1.1 Đăng nhập vào phần mềm HTKK 5.2.0

Nhập đúng mã số thuế của doanh nghiệp => rồi chọn “Đồng ý”

Hình 5: Cách đăng nhập vào phần mềm HTKK mới nhất

Lưu ý: Các bạn nên nâng cấp phần mềm HTKK lên phiên bản mới nhất để được cập nhật các sửa chữa, sai, sót,… và biểu mẫu tờ khai mới nhất. Ví dụ trong hình trên khi mở phần mềm HTKK ra thì phiên bản của phần mềm là 4.8.2 khi bấm đăng nhập có phiên bản cao hơn 4.8.3 phần mềm sẽ cảnh báo bạn có muốn nâng cấp hay không lúc này các bạn bấm có thì phần mềm sẽ tự động cập nhật lên phiên bản 4.8.3 mới nhất.

Bước 1.2 Chọn loại tờ khai thuế GTGT:

Lựa chọn loại tờ khai cần điều chỉnh, bổ sung ở trường hợp này là tờ khai thuế GTGT khấu trừ (01/GTGT theo TT80/2021/TT-BTC).

Hình 6: Chọn tờ khai thuế GTGT 01/GTGT (TT80/2021)

Bước 1.3 Chọn kỳ tính thuế GTGT bổ sung

Các bạn cần lưu ý kê khai bổ sung lần thứ mấy thì chọn số lần trên phần mềm tương ứng như vậy. Lần đầu tiên làm tờ khai bổ sung cho kỳ bị sai sót thì chọn lần bổ sung là lần 1. Lần tiếp theo kê khai bổ sung sẽ chọn lần bổ sung tăng lên theo số lần khai bổ sung. Trong ví dụ này, MSA AMIS đang lựa chọn kê khai bổ sung lần thứ nhất nên sẽ thực hiện chọn như sau:

  • Chọn “Tờ khai tháng 01/2022” ? rồi chọn “Tờ khai bổ sung” ? tiếp đến chọn lần bổ sung “Lần 1”? Chọn danh mục ngành nghề “Hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường” ? rồi chọn “Đồng ý”.
  • Ngày kê khai bổ sung: Phần mềm HTKK sẽ lấy ngày kê khai bổ sung là ngày mặc định trên máy tính. Tại đây, bạn có thể sửa ngày kê khai bổ sung tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp, tuy nhiên ngày lập tờ khai kê khai bổ sung không được lớn hơn ngày hiện tại trên máy tính.
Hình 7: Chọn tờ khai bổ sung cho kỳ tính thuế có sai sót

Chú ý: Những doanh nghiệp kinh doanh thông thường không phải doanh nghiệp kinh doanh “xổ số, điện toán; dầu khí; doanh nghiệp có chuyển nhượng dự án đầu tư, nhà khác tỉnh với trụ sở; nhà máy sản xuất điện khác tỉnh với trụ sở” thì chọn “Hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường”)

Bước 2: Thực hiện kê khai điều chỉnh vào tờ khai bổ sung 

Phần mềm HTKK sẽ lấy dữ liệu trên tờ khai chính thức gần nhất trong cùng kỳ tính thuế để làm dữ liệu mặc định trên tờ khai điều chỉnh bổ sung. Ví dụ:

  • Nếu tờ khai bổ sung lần 1, phần mềm sẽ lấy dữ liệu của tờ khai chính thức lần đầu
  • Nếu tờ khai bổ sung lần 2, phần mềm sẽ lấy dữ liệu của tờ khai bổ sung lần 1

Lưu ý: Chỉ nhập các chi tiêu sai sót vào tờ khai thuế GTGT điều chỉnh, không kê khai trên biểu 01/KHBS.

Do ví dụ cho chúng ta sai sót ở nhiều chỉ tiêu khác nhau nên chúng ta cần bổ sung điều chỉnh tất cả các chỉ tiêu sai đó cho đúng.

Thứ nhất: Do sai sót xảy ra là lỗi sai số học hoặc bỏ sót hóa đơn bán ra nên việc kê khai sẽ thuộc trường hợp bắt buộc kê khai bổ sung.

Thứ hai: Cách bổ sung là chúng ta sẽ nhập đúng tất cả các chỉ tiêu bị sai sót về đúng trên tờ khai bổ sung lần 1 của tháng 1/2022.

Cách thức bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế tháng 1/2022 như sau:

Bước 2.1 Nhập đúng các chỉ tiêu sai sót vào tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT (vào lần bổ sung)

– Nhập đúng các chỉ tiêu sai sót vào tờ khai GTGT 01/GTGT bổ sung lần thứ 1 các bạn hãy quan sát 2 hình ảnh tờ khai GTGT chính thức lần đầu và lần bổ sung dưới đây

Hình 8: Tờ khai chính thức lần đầu tháng 1/2022 trước khi bổ sung

Hình 9: Tờ khai GTGT bổ sung lần thứ 1 cho tờ khai chính thức tháng 1/2022

Bước 2.2 Tổng hợp dữ liệu kê khai bổ sung và lên tờ khai bổ sung (01/KHBS)

  • Sau khi các bạn đã điều chỉnh các chỉ tiêu sai về chỉ tiêu đúng trên tờ khai GTGT mẫu số 01/GTGT bổ sung lần thứ 1 thì các bạn bấm vào nút “Tổng hợp KHBS” để tổng hợp dữ liệu lên tờ khai bổ sung (01/KHBS) và bản giải trình bổ sung (01-1/KHBS) và các bạn bấm “ghi” để lưu lại các thay đổi.
Hình 10: Tổng hợp dữ liệu kê khai bổ sung và lên tờ khai bổ sung (01/KHBS)

Với doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán online MISA AMIS thì có thể thao tác tổng hợp khai bổ sung ngay tại nghiệp vụ Thuế

Bạn chưa có Phần mềm kế toán online MISA AMIS? Bắt đầu ngay với 15 ngày trải nghiệm miễn phí phần mềm tại đây

Nhận tài khoản dùng thử

  • Tiếp theo trong tờ khai bổ sung (01/KHBS) các bạn điền một số thông tin bổ sung như hình dưới đây.

Hình 11: Lên tờ khai bổ sung (01/KHBS)

Ở bước lên tờ khai bổ sung (01/KHBS) các bạn chú ý phải điền mã giao dịch điện tử của tờ khai GTGT các bạn bổ sung điều chỉnh, cách thức tra cứu mã giao dịch các bạn vào trang thuế điện tử và tra cứu lại tờ khai GTGT mẫu số 01/GTGT đã nộp và copy mã giao dịch đã nộp trước đó để paste vào ô trên.

Ngoài ra các bạn có thể kiểm tra lại số tiền chậm nộp điều chỉnh tăng/giảm tại mục 3 nằm trong phần A (xem ảnh bên trên), phần mềm sẽ tự động tính và cho ra kết quả, các bạn có thể kiểm tra tính lại nếu cảm thấy chưa chính xác. (Căn cứ tính tiền chậm nộp các bạn có thể tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp theo khoản 2, Điều 59 của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14).

Thêm nữa chú ý xem phần mục “II. Số thuế GTGT được khấu trừ tăng/giảm” và mục “III. Số thuế đề nghị hoàn đề nghị điều chỉnh tăng/giảm”. Các mục này phần mềm tự động điền các bạn có thể kiểm tra lại nếu kết quả tính toán khác với phần mềm.

Bước 2.3 Lập bản giải trình khai bổ sung (01/KHBS)

Các bạn mở “Bản giải trình khai bổ sung (01/KHBS)” lên để ghi lý do giải trình cho từng chỉ tiêu bị thay đổi. Như trước đây thì chỉ cần lý do sai sót 1 lần cho toàn bộ sai sót nhưng từ khi Thông tư 80/2021/TT0BTC có hiệu lực thì các bạn cần nhập đầy đủ lý do cho từng chỉ tiêu bị kê khai điều chỉnh.

Sau đó các bạn bấm ? Chọn “Ghi” để lưu lại các thay đổi và dữ liệu các bạn đã ghi trong “Bản giải trình khai bổ sung (01/KHBS)” và toàn bộ dữ liệu trên tờ khai bổ sung cũng được lưu lại.

Hình 12: Lập bản giải trình khai bổ sung (01/KHBS)

Chú ý: Các bạn cần đặc biệt xem xét kỹ phần thông tin này vì số liệu chênh lệch giữa số kê khai và số điều chỉnh sẽ được tổng hợp trên “Bản giải trình khai bổ sung (01/KHBS)” này và là căn cứ để ghi vào chỉ tiêu [37] và [38] của tờ khai thuế GTGT tại kỳ hiện tại (kỳ mà các bạn lập và nộp lại tờ khai bổ sung).

Cụ thể phần chênh lệch giữa số kê khai và số điều chỉnh được ghi tại mục “A. Thông tin khai bổ sung” có 2 chỉ tiêu quan trọng cần ghi nhớ là:

– Chỉ tiêu số 40 – Thuế GTGT còn phải nộp trong kỳ: Thể hiện số thuế GTGT còn phải nộp trong kỳ có thể dương (+) hoặc âm (-). Chỉ tiêu này không ảnh hưởng đến tờ khai thuế của kỳ tiếp theo, chúng ta chỉ theo dõi riêng và nộp tiền thuế và tiền chậm nộp phát sinh nếu chỉ tiêu này có số dương (+).

+ Nếu chỉ tiêu 40 dương (+) thì chúng ta phải nộp thêm tiền thuế GTGT và cả tiền chậm nộp đi nộp nữa.

+ Nếu chỉ tiêu 40 âm (-) thì chúng ta đã nộp thừa tiền GTGT, số tiền nộp thừa sẽ được bù trừ cho các kỳ thuế sau.

– Chỉ tiêu số 43 – Thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau: Thể hiện số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, chỉ tiêu này có thể dương (+) hoặc âm (-).

Chỉ tiêu này đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tờ khai thuế của kỳ tiếp theo, chúng ta phải điền vào chỉ tiêu số [37], [38] của kỳ tiếp theo, cụ thể:

+ Nếu chỉ tiêu 43 dương (+) thể hiện số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau tăng lên. Khi đó tại tờ khai thuế của kỳ tiếp theo chúng ta phải điền vào chỉ tiêu số [38]- “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của kỳ trước”

 + Nếu chỉ tiêu 43 âm (-) thì thể hiện số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau giảm đi. Khi đó tại tờ khai thuế của kỳ tiếp theo chúng ta phải điền vào chỉ tiêu số [37]- “Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của kỳ trước”.

Hình 13: Các trường hợp chỉ tiêu 43 và hướng dẫn xử lý

Chú ý: Đến thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT tháng là ngày 20 tháng 6 năm 2022, khi chúng ta lập tờ khai GTGT của tháng 5/2022 thì chúng ta phải điền số tiền tại chỉ tiêu [22] là bằng số tiền tại chỉ tiêu số [43] của tờ khai thuế GTGT lần đầu tháng 4/2022 đã chấp nhận và điền số tiền chênh lệch giữa số điều chỉnh và số đã kê khai trong “Bản giải trình khai bổ sung (01/KHBS)” trên “Tờ khai bổ sung lần 1” của tháng 1/2022 số tiền 8.000.000 đồng vào chỉ tiêu số 38- Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của kỳ trước của tờ khai tháng 5/2022.

Bước 3: Nộp tờ khai bổ sung lên trang thuế điện tử

Các bạn hãy đăng nhập trên trang thuế điện tử tại địa chỉ: https://thuedientu.gdt.gov.vn/ của Tổng cục thuế và nộp tờ khai bổ sung lần 1 của tháng 1/2022.

Lập tờ khai thuế GTGT bổ sung kịp thời đúng thời hạn giúp doanh nghiệp tránh được bị phạt về hành vi kê khai sai. Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ: Thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế TNCN
  • Tự động lập tờ khai có mã vạch theo mẫu biểu mới nhất của cơ quan thuế
  • Tự động khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đầu ra để xác định số thuế phải nộp hay được hoàn lại
  • Cho phép doanh nghiệp xuất khẩu tờ khai ra định dạng XML để nộp qua cổng nhận tờ khai của cơ quan thuế
  • Tích hợp dịch vụ kê khai thuế mtax giúp kế toán nộp trực tiếp tờ khai đã lập trên phần mềm
  • Dễ dàng tra cứu người mua, người bán có đang được phép hoạt động hay không, giúp loại bỏ rủi ro hóa đơn không hợp lệ
  • Tự động lập Tờ khai thuế TNDN tạm tính theo mẫu số 01A/TNDN, 01B/TNDN hàng quý, mẫu số 03/TNDN và các phụ lục


MISA AMIS mong rằng qua bài viết “Hướng dẫn cách kê khai bổ sung, điều chỉnh thuế GTGT theo TT80/2021/TT-BTC” với 2 phần rất chi tiết và đầy đủ đã giúp các bạn kế toán trong các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được phương pháp kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT theo biểu mẫu mới nhất của Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Các vấn đề tiếp theo về khai thuế, tính thuế GTGT được tiếp tục trình bày tại các bài viết cùng chủ đề tiếp theo. Mời bạn cùng theo dõi.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 4 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả