Thông tư 05/VBHN-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động

16/05/2022
875

Ngày 15/03/2022, Bộ Công thương ban hành thông tư số 05/VBHN-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động. Trong bài viết sau đây, hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu những quy định cần chú ý trong thông tư 05/VBHN-BCT.

I. Thông tư số 05/VBHN-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động

Số, ký hiệu 05/VBHN-BCT
Ngày ban hành 15-03-2022
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Hồng Diên
Trích yếu Thông tư quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động
Tải thông tư TẢI VỀ

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 05/VBHN-BCT:

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động (sau đây gọi là ứng dụng di động) quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (sau đây gọi là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP).

Đối tượng điều chỉnh của Thông tư 05/VBHN-BCT:

Thứ nhất: Thông tư này áp dụng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam thông qua các ứng dụng di động, bao gồm:

– Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng;

– Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

– Thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ;

– Tổ chức, cá nhân thực hiện việc phản ánh trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Thứ hai: Thương nhân, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này là thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.

II. Những quy định đáng chú ý trong Thông tư 05/VBHN-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động

thông tư 05 VBHN-BCT 2022

Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động, có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 10 năm 2018;

2. Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 3 năm 2022.

Ứng dụng di động là ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, bao gồm ứng dụng bán hàng và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Sau đây là các điểm đáng chú ý trong thông tư 05/VBHN-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động:

1. Quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Đối với trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, Điều 6 Chương I của thông tư số 05/VBHN-BCT quy định cụ thể như sau:

1. Đăng ký với Bộ Công Thương ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này.

2. Xây dựng và công bố trên ứng dụng những thông tin sau:

a) Phạm vi trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng trong những giao dịch được thực hiện qua ứng dụng này;

b) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;

c) Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;

d) Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng ứng dụng theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ;

đ) Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thực hiện qua ứng dụng.

3. Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người sử dụng ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ cung cấp các thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 29 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

4. Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.

5. Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này nếu ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

6. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 41 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nếu ứng dụng có chức năng tương tự như website khuyến mại trực tuyến.

7. Thực hiện các quy định tại Mục 4 Chương III Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nếu ứng dụng có chức năng đấu giá trực tuyến.

8. Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

9. Ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

10. Loại bỏ khỏi ứng dụng những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

11. Yêu cầu người bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên ứng dụng của mình phải cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó (trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).

12. Cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật sử dụng ứng dụng của mình.

13. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2. Quy định về hồ sơ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

thông tư 05 VBHN-BCT 2022

Hồ sơ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được quy định chi tiết tại Điều 14 Chương II của thông tư số 05/VBHN-BCT, bao gồm:

Thứ nhất: Đơn đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

Thứ hai: Bản sao được chứng thực quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân).

Thứ ba: Đề án cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

Thứ tư: Quy chế quản lý hoạt động của ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau:

– Các nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;

– Quy trình xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Thứ năm: Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hoặc tổ chức đấu giá, khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ trên ứng dụng đó.

Thứ sáu: Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hoặc tổ chức đấu giá, khuyến mại hàng hóa, dịch vụ trên ứng dụng (nếu có).

3. Quy định về công bố danh sách các ứng dụng di động đã thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký

Về trách nhiệm công bố danh sách các ứng dụng di động đã thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong thông tư số 05/VBHN-BCT cũng đã nêu rõ:

Ngay sau khi ứng dụng di động hoàn thành thủ tục thông báo hoặc đăng ký theo các quy định tại Thông tư này và nhận được xác nhận của Bộ Công Thương, thông tin về ứng dụng sẽ được đưa vào danh sách ứng dụng đã thông báo hoặc đăng ký để công bố công khai trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Thông tin công bố bao gồm:

– Tên ứng dụng và loại hình ứng dụng theo thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương;

– Địa chỉ lưu trữ ứng dụng hoặc địa chỉ để tải ứng dụng;

– Tên và thông tin liên hệ của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng;

– Số đăng ký kinh doanh của thương nhân, số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân sở hữu ứng dụng.

Điều đáng chú ý, khi một ứng dụng di động bị chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, thông tin về ứng dụng sẽ bị rút khỏi danh sách quy định tại khoản 1 Điều này và chuyển sang chế độ ứng dụng đã chấm dứt đăng ký hoặc chuyển vào danh sách ứng dụng vi phạm quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

Trên đây là các thông tin quan trọng mà Doanh nghiệp cần biết về thông tư số 05/VBHN-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động. Trong quá trình thực hiện thông tư này, nếu có phát sinh vướng mắc, thương nhân hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý.

 

Luật sư Nguyễn Xuân Nhất

Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất.

Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế.

 

Xem thêm các nội dung liên quan

>>> Văn bản luật giao dịch điện tử 2005 ban hành bởi Quốc hội

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả