Ngày 23/03/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2022/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Thông tư 19/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2022.
Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số và Thông tư số 17/2018/TT-BTC ngày 09/02/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu những điểm cần chú ý trong bài viết này.
I. Thông tư số 19/2022/TT-BTC của Bộ tài chính: Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số
Số, ký hiệu | 19/2022/TT-BTC |
Ngày ban hành | 23-03-2022 |
Ngày có hiệu lực | 01-06-2022 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Vũ Thị Mai |
Trích yếu | Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. |
Tải thông tư | TẢI VỀ |
Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thông tư 19/2022/TT-BTC quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm:
– Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
II. Những nội dung đáng chú ý tại thông tư 19/2022/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số
– Theo đó, thông tư 19/2022/TT-BTC áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thu, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
– Bên cạnh đó, thông tư 19/2022/TT-BTC quy định người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật.
– Về tổ chức thu phí, thông tư 19/2022/TT-BTC quy định rõ: Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia là tổ chức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
– Đối với mức thu phí, thông tư 19/2022/TT-BTC quy định mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số: 3.000 đồng/tháng/01 chứng thư số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm cá nhân). Thời gian tính phí được tính từ tháng chứng thư số được cấp cho thuê bao bắt đầu có hiệu lực hoạt động đến tháng trước liền kề tháng thuê bao hết hạn sử dụng. Trường hợp chứng thư số có hiệu lực và hết hiệu lực trong cùng tháng thì tính là một tháng.
– Đối với quản lý và sử dụng phí, thông tư 19/2022/TT-BTC quy định: Tổ chức thu phí được để lại 85% số phí thu được để trang trải chi phí phục vụ công việc, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
– Thông tư 19/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2022.
– Bãi bỏ thông tư số 305/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
– Bãi bỏ thông tư số 17/2018/TT-BTC ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 305/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
– Các nội dung khác liên quan đến kê khai, thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu phí và công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
III. Những điểm mới của thông tư 19/2022/TT-BTC so với thông tư 305/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư số 17/2018/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số
So với những quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số của thông tư 305/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư số 17/2018/TT-BTC thì thông tư 19/2022/TT-BTC đã có một số thay đổi đáng kể.
1. Điều chỉnh quy định về đối tượng áp dụng
Theo đó, quy định về đối tượng áp dụng đã được điều chỉnh. Cụ thể, tại Điều 2 của Thông tư mới, Bộ Tài chính đã bãi bỏ quy định: “Không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số ký hợp đồng với thuê bao trước ngày 1/1/2017. Trường hợp gia hạn hợp đồng hoặc ký mới phải nộp phí theo quy định”.
Như vậy, theo quy định tại thông tư 19/2022/TT-BTC, đối tượng áp dụng bao gồm: các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thu, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
2. Điều chỉnh quy định về mức thu phí
Đáng chú ý, tại Điều 4 của thông tư 19/2022/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng đã sửa đổi cách tính mức thu phí dịch vụ duy trì trạng thái chứng thư số, thay vì “trừ chứng thư số đang còn hiệu lực theo hợp đồng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2017” như quy định của 305/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư số 17/2018/TT-BTC, theo quy định của thông tư mới, mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số: 3.000 đồng/tháng/01 chứng thư số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm cá nhân).
Đồng thời, thông tư 19/2022/TT-BTC cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định thời gian tính phí dựa trên hiệu lực hoạt động của chứng thư số như sau: Thời gian tính phí quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ tháng chứng thư số được cấp cho thuê bao bắt đầu có hiệu lực hoạt động đến tháng trước liền kề tháng thuê bao hết hạn sử dụng. Trường hợp chứng thư số có hiệu lực và hết hiệu lực trong cùng tháng thì tính là một tháng.
3. Điều chỉnh quy định về quản lý và sử dụng phí
Về việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý và sử dụng phí, thay vì quy định “Tổ chức thu phí được để lại 90% số phí thu được” và “nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước” như tại thông tư 305/2016/TT-BTC, Bộ tài chính đã điều chỉnh tại Điều 6 của thông tư 305/2016/TT-BTC như sau: Tổ chức thu phí được để lại 85% số phí thu được để trang trải chi phí phục vụ công việc, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Trên đây là những thông tin liên quan đến thông tư 19/2022/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Hy vọng bài viết sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh về thông tư 19/2022/TT-BTC vừa được ban hành.
Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế. |
Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.