Giao kết hợp đồng thương mại là gì? Nguyên tắc, nội dung, trình tự giao kết hợp đồng thương mại được quy định như thế nào? Mời doanh nghiệp tham khảo bài viết sau đây của MISA AMIS để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
I. Khái quát về giao kết hợp đồng thương mại
1. Giao kết hợp đồng thương mại là gì?
Hiện nay, các văn bản pháp luật Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ một khái niệm nào về giao kết hợp đồng là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu giao kết hợp đồng thương mại là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau để cùng xác lập hợp đồng thông qua bàn bạc, trao đổi, thương lượng.
Giao kết hợp đồng thương mại thực chất là quá trình thỏa thuận, thương lượng theo đó các bên thực hiện sự bày tỏ và thống nhất ý chí nhằm hướng tới những lợi ích nhất định.
2. Nguyên tắc giao kết hợp đồng thương mại
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, hợp đồng thương mại được giao kết với những nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
Các bên được toàn quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự về việc giao kết hợp đồng, giao kết hợp đồng với đối tác nào, thời điểm, địa điểm, nội dung, phương thức giao kết hợp đồng… nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Thứ hai: Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng trong giao kết hợp đồng
Xuất phát từ nguyên tắc tự nguyện cam kết, thoả thuận và nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự, khi giao kết hợp đồng thương mại, các thương nhân hoàn toàn tự nguyện, tức là được tự do thể hiện ý chí, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào.
Các bên đều bình đẳng, không được phân biệt thành phần kinh tế, quy mô, loại hình tổ chức, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, kể cả ngành nghề độc quyền… Ngoài ra, trong quá trình ký kết hợp đồng thương mại các bên cần thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng thương mại
Về nguyên tắc chung, hợp đồng thương mại được giao kết vào thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định khác nhau phụ thuộc vào cách thức giao kết và hình thức của hợp đồng. Theo quy định của Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 có thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng thương mại như sau:
(i) Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
(ii) Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
(iii) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
(iv) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng thương mại giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
Trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc luật liên quan có quy định khác, hợp đồng thương mại được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
4. Hình thức giao kết hợp đồng thương mại
Theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thương mại được giao kết thông qua các hình thức: lời nói, văn bản, thông điệp dữ liệu. Cụ thể như sau:
4.1. Giao kết hợp đồng thương mại bằng lời nói
Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
Tuy nhiên pháp luật không nói rõ đó là thời điểm cụ thể nào nên trên thực tế, nếu các bên giao kết hợp đồng bằng lời nói thì cần chú ý thời điểm giao kết là thời điểm mà các bên đã hiểu rõ về nội dung cơ bản của hợp đồng (chấp thuận thực hiện nó trong điều kiện hiểu biết đó).
4.2. Giao kết hợp đồng thương mại bằng văn bản
Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Ngoài ra, theo quy định hình thức giao dịch dân sự, trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó (Khoản 2 Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015).
Như vậy, hợp đồng bằng văn bản được giao kết trong các trường hợp:
– Hai bên ký trực tiếp vào hợp đồng (thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng là thời điểm giao kết). Nếu không ký được, các bên có thể sử dụng các hình thức điểm chỉ, lăn tay, các hình thức nhận dạng khác (thời điểm bên sau cùng điểm chỉ, lăn tay, thực hiện các hình thức nhận dạng khác vào hợp đồng là thời điểm giao kết).
– Hợp đồng được công chứng, chứng thực hay đăng ký cũng được xem là thời điểm hợp đồng hình thành tùy theo thỏa thuận và quy định cụ thể của pháp luật.
4.3. Giao kết hợp đồng thương mại thông qua đề nghị giao kết và chấp thuận giao kết
Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết. Nghĩa là nếu các bên không có điều kiện giao kết trực tiếp bằng văn bản theo thông lệ (ký trực tiếp trong văn bản hợp đồng thống nhất) thì các bên có thể giao kết thông qua đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết.
4.4. Giao kết hợp đồng thương mại bằng thông điệp dữ liệu (email, fax,…)
Ngoài văn bản, lời nói, pháp luật còn thừa nhận hình thức giao kết hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu, nhưng để đảm bảo tính pháp lý thì việc giao kết phải thỏa mãn các điều kiện sau:
– Loại thông điệp dữ liệu: dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.
– Phương thức thực hiện: thông qua trao đổi thông điệp dữ liệu. Ví dụ: trao đổi email giữa các bên liên quan đến nội dung hợp đồng, từ đề nghị giao dịch đến chấp thuận giao dịch đều bằng email.
– Thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết. Ví dụ: email chứa thông tin giao dịch phải truy cập vào được (mở, xem email), được đảm bảo bằng sự khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu một cách tin cậy, duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và chứng minh được điều đó khi cần thiết (nhất là khi có tranh chấp).
– Thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo quan hệ đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng.
5. Nội dung giao kết hợp đồng thương mại
Nội dung giao kết hợp đồng cần phải thể hiện những nội dung tối thiểu của hợp đồng. Những nội dung đó bao gồm:
– Các chủ thể tham gia hợp đồng: Đây là nội dung cơ bản và bắt buộc trong một hợp đồng thông thường. Cần cung cấp các thông tin như tên, số điện thoại, số CMND/ CCCD (đối với các nhân), địa chỉ (đối với cá nhân) và trụ sở công ty (đối với pháp nhân), fax,…
– Đối tượng của hợp đồng: Hợp đồng mà bên đề nghị đề nghị giao kết hướng tới là gì? Đối tượng là hàng hóa, dịch vụ hay thực hiện công việc,… Bên cạnh đó, thông thường đề nghị giao kết hợp đồng thường có các thông tin về chủng loại, số lượng, chất lượng… của đối tượng của hợp đồng.
– Nội dung hợp đồng: Đây là những điều khoản khái quát về những gì bên đề nghị giao kết đưa ra, thể hiện mong muốn, ý chí của bên đề nghị giao kết hợp đồng.
– Giá và phương thức thanh toán: Giá được hiểu là giá trị đối với đối tượng của hợp đồng hay còn được hiểu là giá trị của hợp đồng. Bên đề nghị sẽ đưa ra mức giá mong muốn của mình. Các bên sẽ thanh toán cho cho ai, thanh toán bằng tiền mặt hay qua ngân hàng,… chia thành bao nhiêu đợt thanh toán, mỗi lần thanh toán bao nhiêu,…
– Địa điểm, phương thức và thời gian thực hiện: Bên đề nghị cần xác định về địa điểm thực hiện hợp đồng tại đâu? thời điểm thực hiện vào lúc nào?…
– Quyền và nghĩa vụ của các bên: Căn cứ vào các điều khoản và giá trị hợp đồng, đồng thời dựa trên những quyền lợi chính đáng, bên đề nghị sẽ đưa ra đề nghị về quyền và nghĩa vụ của các bên. Thông thường, đối với từng loại hợp đồng cụ thể thì pháp luật có quy định cơ bản nhất đối với quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng đó.
– Thời hạn hợp đồng: Đây là điều khoản quan trọng đối với quá trình thực hiện hợp đồng. Bên đề nghị cần đưa ra thời hạn bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng; Thời hạn thực hiện hợp đồng (thời gian giao hàng, thời gian thực hiện dịch vụ,…); Thời điểm kết thúc hợp đồng.
– Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại: Bên đề nghị cũng đưa ra các nội dung về việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trên cơ sở pháp luật và mong muốn của mình.
– Chấm dứt hợp đồng: Cần phải có nội dung về các trường hợp chấm dứt hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng và hệ quả pháp lý của nó;…
– Giải quyết tranh chấp: Nếu có tranh chấp xảy ra thì chọn cách giải quyết nào? Chọn con đường Tòa án hay Trọng tài để giải quyết?…
III. Quy định về chấm dứt giao kết hợp đồng thương mại
Căn cứ quy định tại Điều 391 Bộ Luật Dân sự 2015 về các trường hợp chấm dứt giao kết hợp đồng, giao kết hợp đồng thương mại được xem là chấm dứt trong các trường hợp sau:
1. Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;
2. Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;
3. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
4. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
5. Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;
6. Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã bổ sung trường hợp chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng khi: “Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng”. Như vậy, trong trường hợp bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thương mại thì hợp đồng được hình thành. Khi quan hệ hợp đồng giữa bên đề nghị và bên được đề nghị xuất hiện thì sự tồn tại của đề nghị giao kết hợp đồng thương mại chấm dứt.
Trên đây là các thông tin quan trọng mà Doanh nghiệp cần biết về giao kết hợp đồng thương mại. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định hiện hành về nguyên tắc, nội dung, trình tự giao kết hợp đồng thương mại, đồng thời áp dụng chúng một cách hiệu quả vào việc kinh doanh của mình.
Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế. |
Xem thêm các nội dung liên quan
>>> Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm pháp lý của hợp đồng thương mại
Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.