Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thường phát sinh nhiều khoản thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có các khoản thu nhập được miễn thuế mà đôi khi kế toán doanh nghiệp có thể không theo dõi hoặc không kê khai riêng khoản này khi quyết toán thuế TNDN dẫn đến doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN cho cả những khoản miễn thuế này.
MISA AMIS hy vọng qua bài viết giúp các bạn kế toán doanh nghiệp nắm được các khoản thu nhập miễn thuế theo quy định của Pháp luật hiện hành, áp dụng đúng trong doanh nghiệp tránh những sai sót và thất thoát đáng tiếc xảy ra.
1. Lý do xuất hiện và một số đặc điểm của thu nhập miễn thuế
– Thu nhập miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là các khoản thu nhập của Đơn vị được miễn thuế TNDN theo quy định Pháp luật hiện hành.
– Thu nhập miễn thuế giúp hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại các địa bàn hoặc giúp đỡ một số đối tượng yếu thế trong xã hội như:
+ Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
+ Người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV
+ Những người nghèo và các đối tượng chính sách khác
– Thu nhập miễn thuế cũng giúp phát triển thúc đẩy các ngành nghề, hoạt động có tính cộng đồng, xã hội hoặc trong nước chưa phát triển được như:
+ Các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác
+ Các hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận
– Khi tính thuế TNDN thì các khoản thu nhập miễn thuế sẽ được trừ trước khi xác định số thuế TNDN phải nộp trong kỳ (Thu nhập tính thuế TNDN sẽ không có khoản thu nhập miễn thuế này).
>>> Xem thêm: Cách tính thuế TNDN mới nhất năm 2021
Hiện nay, các phần mềm kế toán như phần mềm kế toán online MISA AMIS, phần mềm MISA SME đều có thể hỗ trợ tính thuế TNDN phải nộp, tổng hợp và lập tờ khai thuế và đặc biệt là kết nối trực tiếp với Tổng Cục Thuế để thực hiện kê khai và nộp thuế tại phần mềm. Điều này giúp kế toán tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn so với việc thực hiện thủ công.
2. Các khoản thu nhập được miễn thuế và hồ sơ miễn thuế theo luật thuế hiện hành
2.1 Danh sách các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 78/2014/TT-BTC và đã được sửa đổi, bổ sung theo Điều 3, Thông tư số 151/2014/TT-BTC và Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC có đưa ra các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN cụ thể như sau:
- Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản (Căn cứ sửa đổi, bổ sung tại Điều 6, Thông tư số 96/2015/TT-BTC).
- Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp gồm: thu nhập từ dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng; dịch vụ phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng, vật nuôi; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
- Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Căn cứ sửa đổi, bổ sung tại Điều 3, Thông tư số 151/2014/TT-BTC).
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có số lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trongnăm của doanh nghiệp.
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS. Trường hợp cơ sở dạy nghề có cả đối tượng khác thì phần thu nhập được miễn thuế được xác định tương ứng với tỷ lệ học viên là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS trongtổng số học viên.
- Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, bên liên doanh, liên kếtđược hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) lần đầu của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải; các lần chuyển nhượng tiếp theo nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
- Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng chính sách xã hội; thu nhập của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; thu nhập từ hoạt động có thu do thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của các quỹ tài chính Nhà nước: Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, Quỹ Bảo hiểm Y tế, Quỹ hỗ trợ học nghề, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam, Quỹ viễn thông công ích, Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân tại nước ngoài, Quỹ phát triển nhà, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Quỹ phát triển đất và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quyết định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp các đơn vị phát sinh các khoản thu nhập khác ngoài các khoản thu nhập từ hoạt động có thu do thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao phải tính và nộp thuế theo quy định” (Căn cứ sửa đổi, bổ sung tại Điều 6, Thông tư số 96/2015/TT-BTC).
- Phần thu nhập không chia:
- a) Phần thu nhập không chia của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác (bao gồm cả Văn phòng giám định tư pháp) để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của pháp luật chuyên ngành về giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác.
- b) Phần thu nhập không chia của hợp tác xã để lại để hình thành tài sản của hợp tác xã.
- c) Trường hợp phần thu nhập không chia để lại theo quy định tại khoản này mà các đơn vị có chia hoặc chi sai mục đích sẽ bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất tại thời điểm chia hoặc chi sai mục đích và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.
- Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Thu nhập của văn phòng thừa phát lại (trừ các khoản thu nhập nhập từ các hoạt động khác ngoài hoạt động thừa phát lại) trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (Căn cứ sửa đổi, bổ sung tại Điều 6, Thông tư số 96/2015/TT-BTC).
*** Chú ý: Về điều kiện miễn thuế TNDN cụ thể cho từng khoản ở trên xin độc giả xem chi tiết tại Điều 8, Thông tư số 78/2014/TT-BTC và đã được sửa đổi, bổ sung theo Điều 3, Thông tư số 151/2014/TT-BTC và Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.
>>> Đọc thêm: Tổng hợp các chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN mới nhất
2.2 Hồ sơ miễn thuế theo luật thuế hiện hành
a) Cách hạch toán các khoản thu nhập miễn thuế TNDN
Các khoản thu nhập miễn thuế cũng là khoản thu nhập của doanh nghiệp vì vậy cũng tuân thủ theo Chế độ kế toán hiện hành và được hạch toán giống như các khoản thu nhập của doanh nghiệp được ghi nhận vào tài khoản 511, 515 hoặc 711.
Ví dụ khi bán hàng hóa, dịch vụ có thu nhập miễn thuế phát sinh đủ điều kiện theo quy định ta ghi nhận:
Nợ TK 111,112, 131: Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng hoặc ghi nhận khoản phải thu khách hàng.
Có TK 511, 711, 515: Khoản thu nhập miễn thuế
Có TK 333: Các khoản thuế phát sinh kèm theo
b) Hồ sơ miễn thuế của các khoản thu nhập miễn thuế TNDN
+ Hàng năm đến thời hạn quyết toán thuế TNDN, Đơn vị phải lập tờ khai quyết toán thuế TNDN Mẫu số 03/TNDN. Nếu trong năm Doanh nghiệp có các khoản miễn thuế phát sinh thì phải tự theo dõi và xác định đúng các khoản thu nhập được miễn thuế theo quy định để kê khai và xác định nghĩa vụ thuế TNDN.
Tổng các khoản miễn thuế trong năm cộng lại sẽ được ghi vào Chỉ tiêu C2 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu số 03/TNDN. Cụ thể, xem ví dụ mẫu ở hình ảnh bên dưới.
>>> Đọc thêm: Nguyên tắc kết chuyển lỗ và hướng dẫn kê khai trên tờ khai quyết toán thuế 03/TNDN
+ Hồ sơ để chứng minh Đơn vị đủ điều kiện nhận miễn thuế căn cứ theo quy định của Luật thuế cho từng khoản miễn thuế. Đơn vị phải lưu trữ và xuất trình khi cơ quan thuế kiểm tra. Nếu hồ sơ không đảm bảo chứng minh đủ điều kiện miễn thuế Đơn vị sẽ bị truy thu thuế và tính chậm nộp theo quy định.
>>> Xem thêm: Mức xử phạt với hành vi khai sai tờ khai thuế GTGT mới nhất năm 2021
3. Một số tình huống về thu nhập miễn thuế
Tình huống 1: Doanh nghiệp An Khánh nhận vốn góp của doanh nghiệp Hòa Bình. Sau khi doanh nghiệp An Khánh quyết toán thuế TNDN và nộp đầy đủ thuế TNDN thì tiến hành chi trả thu nhập sau thuế cho các cổ đông góp vốn, trong đó có Doanh nghiệp Hòa Bình. Thu nhập sau thuế TNDN được chia tương ứng với phần vốn góp của doanh nghiệp Hòa Bình trong doanh nghiệp An Khánh là 250 triệu đồng. Hỏi Doanh nghiệp Hoà Bình có phải nộp thuế TNDN với khoản thu nhập 250 triệu từ góp vốn hay không?
Trả lời: Do Doanh nghiệp An Khánh đã nộp đủ thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm cả khoản thu nhập của doanh nghiệp Hòa Bình nhận được nên doanh nghiệp Hòa Bình được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 250 triệu đồng này.
Tình huống 2: Doanh nghiệp Anh Khoa có nhận được một khoản tài trợ của Doanh nghiệp Bình Minh để sử dụng cho hoạt động từ thiện, nhân đạo cho người dân bị lũ lụt miền Trung, số tiền là 100 triệu đồng. Doanh nghiệp Anh Khoa đã sử dụng số tiền trên đúng cho mục đích hoạt động từ thiện, nhân đạo là hỗ trợ cho người dân bị lũ lụt miền Trung và có hồ sơ chứng minh đầy đủ theo quy định của Pháp Luật. Hỏi Doanh nghiệp Anh Khoa có phải nộp thuế TNDN với khoản thu nhập 100trđ từ tiền tài trợ để làm từ thiện này hay không?
Trả lời: Do Doanh nghiệp Anh Khoa đã nhận khoản thu nhập số tiền 100 triệu đồng tài trợ sử dụng để làm từ thiện nhân đạo đúng mục đích và có đầy đủ hồ sơ chứng minh theo quy định của Pháp luật nên khoản thu nhập này được miễn thuế TNDN.
Tình huống 3: Cơ sở dạy nghề Tâm Đức là cơ sở dạy nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của các văn bản hướng dẫn về dạy nghề, có danh sách các học viên là người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm Cơ sở Tâm Đức có phát sinh khoản thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 50 triệu đồng. Hỏi cơ sở dạy nghề Tâm Đức có được miễn thuế đối với khoản thu nhập này hay không?
Trả lời: Do Cơ sở dạy nghề Tâm Đức có thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời cơ sở đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về dạy nghề, cũng như có danh sách các học viên thuộc đối tượng là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên khoản thu nhập 50 triệu đồng này được miễn thuế.
4. Kết luận
Qua bài viết về chủ đề: “Thu nhập miễn thuế” MISA AMIS hy vọng những kiến thức này sẽ góp phần hỗ trợ cho công tác kế toán của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc theo dõi ghi nhận các khoản thu nhập và quyết toán thuế TNDN sau này.
MISA AMIS và ban biên tập đã cùng nhau nỗ lực để đưa đến độc giả các thông tin chất lượng nhất. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những thiếu sót mong quý độc giả thông cảm và góp ý để bài viết sẽ được hoàn thiện hơn. Chúc các bạn và doanh nghiệp phát triển thành công !
Sắp tới là thời điểm lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế cuối năm 2021. Kế toán doanh nghiệp lúc này sẽ phải thực hiện thêm nhiều công việc để đảm bảo hoàn thiện các báo cáo cũng như hoàn thiện quyết toán thuế cuối năm. Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kế toán đều khuyên doanh nghiệp nên ứng dụng sử dụng phần mềm kế toán hỗ trợ. Một trong các sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay là phần mềm kế toán online AMIS, phần mềm AMIS Kế toán có thể giúp kế toán trong nghiệp vụ lập báo cáo, quyết toán thuế như sau
- Đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ: Thuế GTGT, Thuế TTĐB, Thuế TNDN, Thuế Nhập khẩu, Thuế Xuất khẩu, Thuế Tài nguyên, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế TNCN
- Tự động lập tờ khai cùng các phụ lục và báo cáo thuế có mã vạch theo mẫu biểu mới nhất của cơ quan thuế theo đúng phương pháp kê khai thuế mà đơn vị sử dụng
- Đặc biệt, AMIS.VN là phần mềm kế toán duy nhất tại Việt Nam cho phép doanh nghiệp nộp trực tiếp các báo cáo và tờ khai thuế qua mạng trực tiếp từ phần mềm thông qua dịch vụ kê khai thuế qua mạng MTAX.VN
- ….
Ngoài ra, phần mềm còn nhiều tính năng, tiện ích khác giúp bộ phận kế toán doanh nghiệp “nhẹ gánh” trong công việc của mình.
Nhanh tay đăng ký trải nghiệm miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS tại đây.
Tác giả: Người yêu kế toán