Tài chính - kế toán Kế toán cho giám đốc Tài sản ngắn hạn là gì? Ý nghĩa và phân biệt tài...

Tài sản ngắn hạn là tài sản lưu động, là những danh mục trong bảng cân đối kế toán doanh nghiệp có thể được chuyển thành tiền mặt trong khoảng thời gian ngắn. Khái niệm này được sử dụng để phân biệt với tài sản dài hạn. Cùng tìm hiểu về tài sản ngắn hạn qua bài viết sau.

1. Tải sản ngắn hạn là gì?

Theo định nghĩa tại điều 111, mục 2 thông tư 200/2014/TT-BTC:

Tài sản ngắn hạn phản ánh tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền và các tài sản ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền, có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Trong khái niệm trên cần lưu ý: khoảng thời gian mà tài sản ngắn hạn “có thể chuyển đổi thành tiền, bán hay sử dụng” sẽ tính theo mốc thời gian còn lại tính đến thời điểm báo cáo.

Chẳng hạn, Đầu tháng 5/2021, doanh nghiệp mua trái phiếu thời hạn 24 tháng với lãi suất 10%/năm. 

  • Đến tháng 12/2021, thời hạn đáo hạn còn lại của số trái phiếu này là 16 tháng > 12 tháng, doanh nghiệp ghi nhận đây là tài sản dài hạn
  • Đến tháng 12/2022, thời hạn đáo hạn còn lại là 4 tháng < 12 tháng, doanh nghiệp ghi nhận đây là tài sản ngắn hạn, cụ thể là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

Kết cấu của Bảng cân đối kế toán bao gồm 2 phần là Tài sản và Nguồn vốn. Để theo dõi số liệu về Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp, bạn đọc có thể xem tại Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp phần Tài sản.

2. Tài sản ngắn hạn bao gồm những gì?

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn bao gồm:

  • Tiền và các khoản tương đương tiền: Là toàn bộ số tiền và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn), tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp. 
  • Đầu tư tài chính ngắn hạn: Là các khoản đầu tư ngắn hạn (sau khi đã trừ đi dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh), bao gồm: Chứng khoán nắm giữ vì mục đích kinh doanh, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và các khoản đầu tư khác có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo.
  • Các khoản phải thu ngắn hạn: Là các khoản phải thu ngắn hạn có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi), như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, phải thu về cho vay và phải thu ngắn hạn khác. 
  • Hàng tồn kho: Là các loại hàng tồn kho dự trữ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (sau khi trừ đi dự phòng giảm giá hàng tồn kho) đến thời điểm báo cáo.
  • Tài sản ngắn hạn khác: Là các tài sản ngắn hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như chi phí trả trước ngắn hạn, thuế GTGT còn được khấu trừ, các khoản thuế phải thu, giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và tài sản ngắn hạn khác tại thời điểm báo cáo.
Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, khoản phải thu ngắn hạn...
Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, khoản phải thu ngắn hạn…

3. Tài sản ngắn hạn nói lên điều gì?

Nhìn chung tài sản ngắn hạn tăng chứng tỏ doanh nghiệp đang đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn.

Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tăng lên cho biết doanh nghiệp có thể đã thu hồi được nợ hoặc doanh nghiệp đang tiết kiệm các khoản chi phí đầu vào mà nhờ đó giúp doanh nghiệp giảm bớt nỗi lo thanh toán nợ ngắn hạn.

Đối với hàng tồn kho, khoản mục này tăng lên cho thấy doanh nghiệp đang trong tình trạng vốn bị ứ đọng. Doanh nghiệp cần có kế hoạch và biện pháp để đẩy nhanh tốc độ luân chuyển hàng hóa, giải phóng lượng hàng trong kho.

Nếu các khoản phải thu tăng cao cho thấy doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn. Nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp nới lỏng chính sách bán hàng, chấp nhận cho khách hàng mua chịu để tạo sự cạnh tranh. Lúc này, để đảm bảo nguồn vốn và dòng tiền, doanh nghiệp nên thắt chặt chính sách bán hàng chịu cũng như tích cực thu hồi nợ.

Ngoài ra, tài sản ngắn hạn cũng là phản ánh khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn của DN thông qua chỉ số Hệ số thanh toán ngắn hạn. Chỉ số này cho biết cho biết mỗi đồng nợ ngắn hạn sẽ được bù đắp bởi bao nhiêu đồng tài sản ngắn hạn.

Công thức tính:

Hệ số khả năng thanh toán = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Hệ số thanh toán ngắn hạn này thể hiện mức độ đảm bảo của tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp buộc phải thanh toán trong kỳ, do đó doanh nghiệp phải sử dụng những tài sản này thành tiền và dùng số tiền đó để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Những tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền nhanh nhất là những tài sản ngắn hạn, đó là những tài sản có tính thanh khoản cao và thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.

Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn càng lớn chứng tỏ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp cao, rủi ro phá sản của doanh nghiệp càng thấp. Tuy nhiên nếu chỉ tiêu này quá lớn thì chưa hẳn là tốt vì nó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp không tốt dẫn đến tồn tại một lượng tài sản ngắn hạn lớn không được vận động để sinh lời.

Nhìn chung, doanh nghiệp cần có kế hoạch cân đối tỷ trọng tài sản ngắn hạn phù hợp để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn nhưng vẫn đảm bảo được an toàn tài chính cho doanh nghiệp.

4. Phân biệt tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn

Trong mục Tài sản, khái niệm “Tài sản ngắn hạn” được sử dụng để phân biệt với “Tài sản dài hạn”. Tài sản dài hạn là các tài sản có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như: Các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác.

Từ các khái niệm và đặc điểm của Tài sản Ngắn hạn và Tài sản dài hạn, ta có thể tổng hợp ra bảng sau, sử dụng để so sánh, phân biệt hai loại tài sản này:

Nội dung Tài sản ngắn hạn Tài sản dài hạn
Thời hạn Có thể chuyển đổi thành tiền, bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của DN tại thời điểm báo cáo. Có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo
Bao gồm – Tiền và các khoản tương đương tiền 

– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 

– Các khoản phải thu ngắn hạn 

– Hàng tồn kho 

– Tài sản ngắn hạn khác 

– Các khoản phải thu dài hạn

Tài sản cố định

Bất động sản đầu tư

– Tài sản dở dang dài hạn

– Các khoản đầu tư tài chính dài hạn

– Tài sản dài hạn khác 

Đặc điểm – Có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành Các khoản tiền xác định và ít rủi ro liên quan đến biến động về giá trị.

– Có tính thanh khoản cao và thời gian luân chuyển nhanh chóng.

– Luôn vận động và chuyển hóa không ngừng giúp cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục và không bị gián đoạn.

– Khó chuyển đổi thành các khoản tiền xác định và có nhiều rủi ro liên quan đến biến động về giá trị.

– Có tính thanh khoản thấp và thời gian luân chuyển dài.

– Khó thích nghi với sự thay đổi của hoạt động sản xuất kinh doanh. 

– Tài sản dài hạn được nắm giữ với kỳ vọng mang lại lợi ích trong tương lai dài hạn, thường lớn hơn một năm hoặc một chu kỳ hoạt động.

Khấu hao Do các tài sản ngắn hạn thời gian thu hồi trong vòng một năm tài chính hoặc một chu kỳ tài chính nên không bị tính khấu hao Do tài sản dài hạn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp nên chúng cần được tính khấu hao để phân bổ chi phí trong dài hạn.
Ghi nhận giá trị Do thu hồi trong vòng một năm và bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động thị trường, do đó cần đánh giá lại hàng kỳ Ghi nhận theo phương pháp giá gốc

Tài sản ngắn hạn có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta việc quản lý thu chi và các khoản công nợ của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng đối với kế toán nói riêng và chủ doanh nghiệp nói chung. 

Áp dụng công nghệ vào quá trình này là điều cần thiết và mang lại hiệu quả quản lý tốt hơn. Có thể lựa chọn các phần mềm kế toán như phần mềm kế toán online MISA AMIS hỗ trợ tốt cho công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp: 

  • Cho phép theo dõi từng chỉ tiêu tài sản ngắn hạn: hàng tồn kho, tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu ngắn hạn… tức thời, mọi lúc, mọi nơi
  • Tự động tính hệ số thanh toán nợ ngắn hạn và các chỉ số tài chính khác
  • Cho phép doanh nghiệp theo dõi, báo cáo chi tiết công nợ, hạn nợ theo từng khách hàng, hóa đơn, nhân viên để đốc thúc thu hồi công nợ kịp thời.

Ngoài ra, phần mềm kế toán online MISA AMIS đem đến cho nhà quản trị góc nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các tính năng ưu việt:

  • Xem báo cáo điều hành mọi lúc mọi nơi: Giám đốc, kế toán trưởng có thể theo dõi tình hình tài chính ngay trên di động, kịp thời ra quyết định điều hành doanh nghiệp.
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh Chị kế toán doanh nghiệp đăng ký nhận tư vấn về phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm giải pháp quản trị tài chính – kế toán hữu ích này ngay hôm nay!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]