Trong thị trường chứng khoán sôi động, nhà đầu tư cần tiếp cận và hiểu rõ thông tin về các doanh nghiệp bởi đây là yếu tố then chốt giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt. Bản cáo bạch (Prospectus) là tài liệu không thể thiếu, đóng vai trò là nguồn thông tin chính thức và đáng tin cậy về một đợt chào bán hoặc niêm yết chứng khoán. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết về bản cáo bạch trong bài viết dưới đây.
1. Bản cáo bạch là gì?
Bản cáo bạch (Prospectus) là tài liệu chính thức do tổ chức, doanh nghiệp hoặc thậm chí là cơ quan chính phủ phát hành. Mục tiêu chính của tài liệu này là cung cấp thông tin chi tiết về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, chiến lược phát triển, cùng các yếu tố quan trọng khác của đơn vị phát hành. Nó đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo tính minh bạch và trung thực.
Căn cứ khoản 23 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, bản cáo bạch có thể được hiểu là tài liệu hoặc dữ liệu điện tử công khai những thông tin chính xác, trung thực, khách quan liên quan đến việc chào bán hoặc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành.
2. Ý nghĩa của bản cáo bạch
Bản cáo bạch mang ý nghĩa rất quan trọng đối với cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.
- Đối với Nhà đầu tư:
- Đánh giá sức khoẻ và tiềm năng của doanh nghiệp: Bản cáo bạch cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh, giúp nhà đầu tư có thể đánh giá “sức khỏe” tài chính, khả năng hoạt động và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của công ty. Thông qua đọc hiểu kỹ lưỡng bản cáo bạch, nhà đầu tư càng có cái nhìn sâu sắc về doanh nghiệp mình quan tâm.
- Nhận diện rủi ro: Tài liệu này hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá các rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào công ty thông qua việc phân tích các chỉ số tài chính và yếu tố kinh doanh.
- Ra quyết định chính xác: Với thông tin chi tiết về chiến lược và kế hoạch, nhà đầu tư được trang bị cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp và đúng đắn.
- Tăng niềm tin: Việc doanh nghiệp công khai bản cáo bạch giúp tăng độ tin cậy, tạo dựng lòng tin ở nhà đầu tư và các bên liên quan.
- Đối với doanh nghiệp phát hành:
- Xây dựng uy tín và hình ảnh doanh nghiệp: Công bố bản cáo bạch là minh chứng cho sự minh bạch và trung thực. Điều này không chỉ giúp tăng độ tin cậy và uy tín với đối tác, khách hàng và nhà đầu tư, mà còn cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp như một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật.
- Thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư và thị trường: Cung cấp thông tin chi tiết giúp nhà đầu tư hiểu rõ tiềm năng, từ đó tăng sự quan tâm của họ đối với cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp.
- Hỗ trọ quản lý nội bộ: Bản cáo bạch tập hợp và trình bày thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh và tài chính, giúp Chủ doanh nghiệp nói riêng và bộ phận quản lý doanh nghiệp nói chung nội bộ nắm bắt rõ tình hình và đưa ra các quyết định chiến lược, tài chính và hoạt động kinh doanh tối ưu.
- Đảm bảo yêu cầu pháp lý: Đối với việc chào bán hoặc niêm yết chứng khoán, việc lập và công bố bản cáo bạch là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật. Tuân thủ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý.
3. Nội dung của bản cáo bạch
Mặc dù hình thức trình bày có thể khác nhau giữa các công ty, nhưng bản cáo bạch luôn bao gồm những nội dung cốt lõi mặc định nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về tổ chức.
Các thành phần chung thường thấy bao gồm:
- Giới thiệu tổng quan: Thông tin cơ bản về công ty như tên, địa chỉ, lịch sử hình thành, quy mô hoạt động, định hướng, mục tiêu, vị trí trên thị trường, cũng như các sản phẩm/dịch vụ chính.
- Hoạt động kinh doanh: Các chỉ số tài chính quan trọng như doanh thu, lợi nhuận, các tỷ suất sinh lời, tốc độ tăng trưởng. Phần này cũng nêu bật các hoạt động kinh doanh chính và chiến lược tiếp thị của công ty.
- Quản lý và nhân sự: Thông tin về đội ngũ quản lý cấp cao, chính sách về nhân sự, chế độ phúc lợi và các chương trình đào tạo.
- Tình hình tài chính: Chi tiết về tài sản, nợ phải trả, doanh thu, lợi nhuận và các chỉ số tài chính cốt lõi khác giúp người đọc đánh giá.
- Quản trị công ty: Cơ cấu tổ chức quản trị, thông tin về ban lãnh đạo, các cấp quản lý và những chính sách quản trị được áp dụng.
- Ngành và môi trường kinh doanh: Phân tích bối cảnh ngành nghề, môi trường kinh doanh chung, các yếu tố tác động như thay đổi chính sách, mức độ cạnh tranh, cũng như nhận định về các rủi ro và cơ hội.
- Thông tin bổ sung: Các giấy phép, chứng chỉ, hoặc thông tin liên quan khác.
Đặc biệt, đối với bản cáo bạch liên quan đến việc chào bán chứng khoán ra công chúng, nội dung được quy định chi tiết hơn tùy thuộc vào loại chứng khoán:
- Chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng: Bao gồm thông tin tóm tắt về tổ chức phát hành (từ mô hình tổ chức đến tài chính, quản lý và cơ cấu cổ đông), thông tin cụ thể về đợt chào bán (điều kiện, rủi ro, dự kiến lợi nhuận/cổ tức, kế hoạch sử dụng vốn thu được). Quan trọng nhất là báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 02 năm tài chính gần nhất.
- Chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng: Tập trung vào các thông tin về quỹ đầu tư (loại hình, quy mô, mục tiêu, chiến lược, rủi ro), tóm tắt Điều lệ quỹ, phương án phát hành, và thông tin về các bên liên quan như công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát.
4. Quy định khi lập bản cáo bạch
Lập bản cáo bạch phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo tính chính xác và pháp lý:
- Tính chính xác, trung thực và khách quan: Thông tin trong bản cáo bạch phải đảm bảo sự chính xác, trung thực và khách quan. Các thông tin trong bản cáo bạch cần được kiểm chứng và đảm bảo không có sai lệch hay nhầm lẫn. Điều này đặc biệt quan trọng khi các nhà đầu tư dựa vào tài liệu này để đưa ra quyết định. Không được phép “tô hồng” hay làm sai lệch thông tin để tạo ra hình ảnh tích cực một cách giả tạo. Thông tin cần được trình bày một cách công bằng, không thiên vị hoặc làm lợi cho bất kỳ bên nào.
- Nội dung bắt buộc: Bản cáo bạch cần chứa đựng đầy đủ các nội dung mặc định theo quy định, với chi tiết cụ thể tùy thuộc vào loại chứng khoán chào bán. Để đảm bảo sự rõ ràng, các nội dung này thường được mô tả một cách kỹ lưỡng, kèm theo các bảng biểu minh họa hoặc phụ lục.
- Báo cáo tài chính: Đối với chào bán cổ phiếu, trái phiếu, cần có báo cáo tài chính của tổ chức phát hành cho 02 năm gần nhất theo quy định. Điều này giúp nhà đầu tư có cái nhìn đầy đủ về xu hướng tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo phải được lập theo chuẩn mực kế toán được chấp nhận và thường được kiểm toán bởi đơn vị độc lập.
- Yêu cầu về chữ ký: Bản cáo bạch phải có chữ ký của những vị trí quan trọng và có trách nhiệm.
- Đối với chào bán cổ phiếu/trái phiếu: Gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị/thành viên/công ty, Tổng giám đốc/Giám đốc, Giám đốc tài chính hoặc Kế toán trưởng, và người đại diện của tổ chức tư vấn/bảo lãnh phát hành (nếu có). Việc ký thay cần có ủy quyền.
- Đối với chào bán chứng chỉ quỹ: Gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị/thành viên/công ty, Tổng giám đốc/Giám đốc của công ty quản lý quỹ, và người đại diện của tổ chức bảo lãnh phát hành (nếu có). Việc ký thay cũng cần ủy quyền.
5. Xem bản cáo bạch của các doanh nghiệp ở đâu
Nhà đầu tư có thể tiếp cận bản cáo bạch của doanh nghiệp tại nhiều nguồn thông tin khác nhau:
- Trang thông tin điện tử (website) của chính công ty.
- Trang điện tử của Sở giao dịch chứng khoán (HNX, HoSE) nơi cổ phiếu được đăng ký niêm yết.
- Văn phòng hoặc website của các công ty chứng khoán.
- Các đại lý phân phối.
- Các trang web chuyên về chứng khoán (như vietstock, VCFB, BVBF…).
Lời kết
Bản cáo bạch là tài liệu pháp lý quan trọng đồng thời cũng là cầu nối giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ về nhau hơn. Với nhà đầu tư, đây là nguồn thông tin đáng tin cậy để đánh giá sức khỏe tài chính, nhận diện rủi ro và đưa ra các quyết định sáng suốt. Với doanh nghiệp, việc lập bản cáo bạch không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn xây dựng uy tín, thu hút nhà đầu tư và cải thiện quản trị nội bộ.
Để xây dựng một bản cáo bạch minh bạch và ấn tượng, doanh nghiệp cần một nền tảng quản lý tài chính vững chắc. Với phần mềm kế toán online MISA AMIS, doanh nghiệp kiểm soát tài chính nhanh chóng, chính xác thông qua tự động hóa các quy trình phức tạp, từ lập báo cáo tài chính đến quản lý dòng tiền.
- Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, bảng BCTC năm và sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.
- Đầy đủ các loại báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị được tạo mẫu, người dùng cũng có thể tự chỉnh sửa lại để phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
- Dễ dàng xem báo cáo trên mọi thiết bị khác nhau ( điện thoại, máy tính bảng, laptop,…)
- Tự động cảnh báo khi phát hiện có sai sót.
- …..