Khả năng sinh lời là chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ thành công của một doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số này như một công cụ để xác định tình hình tài chính doanh nghiệp xem liệu họ có nên đầu tư vào cổ phiếu của một công ty cụ thể hay không.
Tuy nhiên, không có phương pháp đánh giá nào được sử dụng đồng nhất, và khả năng sinh lời thường dựa trên các số liệu hàng năm như sử dụng báo cáo tài chính…
1. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp là gì?
Khả năng sinh lời của doanh nghiệp là chỉ tiêu tài chính phản ánh mức độ hiệu quả của doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận từ các nguồn lực sẵn có, bao gồm vốn, tài sản và doanh thu. Nó đo lường khả năng của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi doanh thu thành lợi nhuận sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan.
Khả năng sinh lời cao cho thấy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều lợi nhuận trên mỗi đồng doanh thu hoặc vốn đầu tư. Ngược lại, nếu khả năng sinh lời thấp hoặc âm, doanh nghiệp có thể đang gặp vấn đề về hiệu quả hoạt động hoặc quản lý chi phí.
2. Các chỉ tiêu phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp
2.1. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS)
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS – Return on sales) được xác định bằng tỷ lệ của lợi nhuận trên doanh thu thuần trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Công thức tính:
ROS= | Lợi nhuận |
Doanh thu thuần |
Tử số của công thức trên có thể là các khoản mục lợi nhuận khác nhau, được lấy ra từ Báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ, tùy theo mục đích và đối tượng phân tích mà nhà nghiên cứu lựa chọn, chẳng hạn lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định hữu hình và vô hình (EBITDA), lợi nhuận trước lãi vay và thuế hay lợi nhuận hoạt động (EBIT), lợi nhuận trước thuế (EBT), lợi nhuận sau thuế hay lợi nhuận ròng (EAT).
Thông thường các nhà phân tích lựa chọn lợi nhuận sau thuế làm tử số, khi đó tỷ suất này trở thành tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu – một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh khả năng sinh lời của toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp:
Tỷ suất trên cho biết quy mô lợi nhuận được tạo ra từ mỗi đồng doanh thu thuần. Ví dụ: Doanh nghiệp A có doanh thu thuần năm 2014 là 100 tỷ VND, lợi nhuận sau thuế 2014 là 20 tỷ VND → ROS = 20 tỷ / 100 tỷ = 0,2 hay 20%, tức là trung bình với mỗi đồng doanh thu thuần mà doanh nghiệp kiếm được trong năm 2014 sẽ tạo ra 0,2 đồng lợi nhuận sau thuế.
Giả sử hệ số ROS trung bình ngành năm 2014 là 30%, tức là một công ty ở mức trung bình của ngành này trong năm 2014 có khả năng tạo ra 0,3 đồng lợi nhuận sau thuế từ mỗi đồng doanh thu thuần của họ.
Hệ số ROS của công ty A thấp hơn mức trung bình ngành, cho thấy công ty đang bị tụt hậu về khả năng sinh lợi trên doanh thu và cần cải thiện hệ số này.
ROS càng cao cho thấy khả năng sinh lợi từ doanh thu càng cao, và ngược lại. Tỷ suất này còn gián tiếp phản ánh hiệu quả quản lý chi phí của doanh nghiệp. Trong ví dụ trên, doanh nghiệp A có tỷ suất lợi nhuận sau thuế / doanh thu thuần năm 2014 là 20%, như vậy là tổng chi phí năm 2014 chiếm tới 80% doanh thu thuần.
Trong khi đó, một công ty ở mức trung bình của ngành đạt ROS bằng 30%, tức là tổng chi phí của nó chỉ chiếm 70% doanh thu thuần. Điều này cho thấy khả năng quản lý chi phí của công ty A chưa tốt bằng những công ty khác cùng ngành và điều này đang ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường.
Như vậy, với doanh thu không đổi, nếu doanh nghiệp quản lý chi phí tốt, tối thiểu hóa được các chi phí phát sinh thì lợi nhuận sẽ cao hơn và nhờ vậy tỷ suất sinh lợi doanh thu ROS cũng được cải thiện. Trường hợp ROS thấp là do doanh nghiệp quản lý chi phí không hiệu quả.
Nhà nghiên cứu có thể phân tích sâu hơn các thông tin trên Báo cáo kết quả kinh doanh để xác định những khoản mục chi phí nào chiếm tỷ trọng lớn nhất và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ROS thấp như trên, từ đó đề xuất các giải pháp cắt giảm những chi phí này nếu có thể.
2.2. Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA)
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA – Return on assets) được tính bằng tỷ lệ của lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Công thức tính:
(Tổng tài sản bình quân trong kỳ được tính bằng trung bình cộng của tổng tài sản đầu kỳ và cuối kỳ của doanh nghiệp. Trong trường hợp không có đủ số liệu, nhà phân tích có thể sử dụng tổng tài sản tại một thời điểm nào đó, ví dụ thời điểm cuối kỳ, thay cho tổng tài sản bình quân).
Tỷ suất này cho biết quy mô lợi nhuận sau thuế được tạo ra từ mỗi đồng được đầu tư vào tổng tài sản của doanh nghiệp, qua đó phản ánh khả năng sinh lợi của các tài sản hoặc tần suất khai thác các tài sản của doanh nghiệp.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có tổng tài sản đầu năm 2023 là 160 tỷ VND, tổng tài sản cuối năm 2023 là 240 tỷ VND, lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 20 tỷ VND.
Vậy tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản năm 2014 của công ty A là:
ROA = 20 tỷ / [(160 tỷ + 240 tỷ)/2] = 0,1 hay 10%
Như vậy nghĩa là trong năm 2023, trung bình với mỗi đồng vốn đầu tư vào tài sản thì doanh nghiệp A tạo ra 0,1 đồng lợi nhuận sau thuế. Giả sử ROA trung bình ngành 2023 là 20%.
Như vậy, ROA của công ty A trong năm 2014 thấp hơn các công ty ở mức trung bình của ngành này, cho thấy công ty A chưa khai thác các tài sản của mình một cách hiệu quả, hoặc tần suất sử dụng các tài sản quá thấp, không tương xứng với tiềm năng sinh lợi của các tài sản mà doanh nghiệp có.
Nói chung, ROA càng cao chứng tỏ khả năng sinh lợi trên tổng tài sản hoặc tần suất khai thác các tài sản của doanh nghiệp càng lớn. Tuy nhiên, cần đề phòng trường hợp doanh nghiệp tạm thời có ROA cao không hẳn là vì khai thác tài sản một cách hiệu quả mà là vì thiếu hụt đầu tư vào tài sản, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong lâu dài.
Lưu ý, trong trường hợp doanh nghiệp có tài sản thuê hoạt động thì những tài sản này không được tính vào tổng tài sản (không được hạch toán trên Bảng cân đối kế toán), tuy nhiên chúng vẫn có thể tham gia vào quá trình tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Do đó, công thức ROA như trên đã bỏ sót tài sản thuê hoạt động ở mẫu số và từ đó “thổi phồng” tỷ lệ sinh lợi trên tài sản của doanh nghiệp. Để điều chỉnh, có thể cộng thêm tài sản thuê hoạt động vào mẫu số để đánh giá khả năng sinh lợi trên tài sản của doanh nghiệp một cách chính xác hơn.
Trong ví dụ trên, doanh nghiệp A có tổng tài sản bình quân 2023 là 200 tỷ VND. Giả sử trong năm 2023 doanh nghiệp có sử dụng tài sản thuê hoạt động với giá trị bình quân của năm là 50 tỷ VND, khi đó ROA được điều chỉnh có tính đến vai trò của tài sản thuê hoạt động sẽ mang giá trị như sau:
ROA (điều chỉnh) = 20 tỷ / (200 tỷ + 50 tỷ) = 0,08 hay 8%, thấp hơn ROA trước điều chỉnh (10%). Như vậy, nếu tính tới cả vai trò của tài sản thuê hoạt động, thì trong năm 2023, trung bình với mỗi đồng vốn đầu tư vào tài sản, doanh nghiệp chỉ tạo ra 0,08 đồng lợi nhuận sau thuế.
Tỷ suất sinh lợi trên tài sản còn có thể được phân tích theo phương pháp tách đoạn của DuPont.
2.3. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE – Return on equity) được xác định bằng tỷ lệ của lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (VCSH) bình quân trong kỳ của doanh nghiệp.
Công thức tính :
(VCSH bình quân trong kỳ được tính bằng trung bình cộng của VCSH đầu kỳ và cuối kỳ của doanh nghiệp. Trong trường hợp không có đủ số liệu, nhà phân tích có thể sử dụng VCSH tại một thời điểm nào đó, ví dụ thời điểm cuối kỳ, thay cho VCSH bình quân).
Tỷ suất này cho biết quy mô lợi nhuận sau thuế được tạo ra từ mỗi đồng vốn đầu tư của các chủ sở hữu, từ đó phản ánh hiệu quả sử dụng VCSH của doanh nghiệp và mức doanh lợi tương đối mà các cổ đông được hưởng khi đầu tư vào doanh nghiệp.
Do đó, ROE là một chỉ tiêu được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, thường xuyên được sử dụng làm cơ sở đánh giá khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư tiềm năng ra quyết định trong hoạt động đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có VCSH đầu năm 2023 là 120 tỷ VND, VCSH cuối năm 2014 là 200 tỷ VND, lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 20 tỷ VND. Vậy tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của công ty trong năm 2023 là: ROE = 20 tỷ / [(120 tỷ + 200 tỷ)/2] = 0,125 hay 12,5%, tức là trong năm 2023, trung bình với mỗi một đồng vốn do chủ sở hữu đầu tư, doanh nghiệp tạo ra được 0,125 đồng lợi nhuận sau thuế.
Giả sử ROE trung bình ngành năm 2023 là 16%. ROE của công ty A năm 2023 thấp hơn mức trung bình ngành, cho thấy công ty chưa sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu. Nhà quản lý doanh nghiệp cần điều tra nguyên nhân khiến cho ROE của công ty thấp như vậy là gì và từ đó xây dựng biện pháp giải quyết phù hợp.
Nói chung, ROE càng cao cho thấy khả năng sinh lợi trên VCSH càng tốt. Tuy nhiên cần đề phòng trường hợp doanh nghiệp có ROE cao không hẳn là vì khai thác vốn chủ sở hữu một cách hiệu quả mà là vì lệ thuộc quá nhiều vào vốn vay, khiến cho cơ cấu tài chính mất cân bằng và hàm chứa nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp tăng tỷ trọng vốn vay thì tỷ trọng VCSH sẽ giảm, khiến cho mẫu số ROE có thể giảm và trong điều kiện thích hợp thì ROE sẽ tăng, tuy nhiên rủi ro vỡ nợ và rủi ro phá sản cũng tăng theo.
Chỉ tiêu này còn có thể được phân tích theo phương pháp tách đoạn của DuPont.
3. Quy trình phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp
3.1. Đánh giá khả năng sinh lời
Để tổng quan đánh giá khả năng nhằm phân tích khả sinh lời của doanh nghiệp, nhà phân tích cần tính toán giá trị của chỉ số đo lường khả năng sinh lời (sức sinh lời hoặc tỷ suất sinh lời) cho từng thực thể.
Sau đó, so sánh giá trị trong kỳ phân tích với kỳ cơ sở, so sánh với giá trị trung bình ngành hoặc so sánh với đối thủ cạnh tranh để xác định tình trạng biến động của khả năng sinh lời trong cả quy mô và tốc độ tăng trưởng, cũng như về xu hướng và nhịp độ tăng trưởng trong ngành công nghiệp phần mềm văn phòng.
3.2. So sánh với trị số của các chỉ tiêu theo thời gian
Để đánh giá khả năng sinh lợi của từng đối tượng, cần so sánh trị số của chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi theo thời gian. Việc so sánh này bao gồm:
So sánh với kỳ trước liền kề kỳ phân tích để đo lường mức độ biến động về khả năng sinh lợi của từng đối tượng (tăng hay giảm, tốc độ tăng trưởng cao hay thấp). Đây là cách để đánh giá những nỗ lực phấn đấu của doanh nghiệp trong kỳ nhằm nâng cao khả năng sinh lợi.
So sánh xu hướng và nhịp điệu tăng trưởng để nắm bắt sự thay đổi của chỉ tiêu theo thời gian. Điều này giúp người sử dụng thông tin có thể rút ra nhận xét và đánh giá tin cậy về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp cùng những biến động của khả năng sinh lợi theo thời gian.
3.3. So sánh với trị số bình quân ngành/khu vực hay đối thủ cạnh tranh
So sánh với trị số bình quân ngành/khu vực hoặc đối thủ cạnh tranh giúp đánh giá khả năng sinh lợi của doanh nghiệp so với trung bình hoặc đối thủ. Việc này giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết sách phù hợp để nâng cao khả năng sinh lợi, tuy nhiên cần lưu ý các sai lệch có thể xảy ra do sự khác biệt giữa các doanh nghiệp đặc thù.
3.4. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng khả năng sinh lời
Phân tích khả năng sinh lời dựa vào nhân tố ảnh hưởng bao gồm sử dụng kỹ thuật loại trừ, kỹ thuật Dupont hoặc kết hợp cả hai để xác định ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích và kỳ gốc của chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu.
Trong đó, tử số và mẫu số là hai nhân tố ảnh hưởng, và ảnh hưởng của mẫu số được xác định trước. Kỹ thuật Dupont sử dụng việc biến đổi chỉ tiêu gốc phản ánh khả năng sinh lợi thành một hàm số có nhiều biến số để phân tích. Khi phân tích, thường kết hợp sử dụng cả kỹ thuật Dupont và loại trừ để tìm ra mức ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích và kỳ gốc.
Dựa trên việc tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động của các chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu, nhà phân tích sẽ phân tích và đưa ra nhận xét về các nguyên nhân ảnh hưởng, đồng thời đề xuất các giải pháp khả thi và cần thiết để cải thiện khả năng sinh lợi trong thời gian tới.
Những giải pháp này cần được áp dụng thực tế tại doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.