Ngành công nghiệp mỹ phẩm đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ mạnh, kéo theo những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và an toàn sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn và chuẩn hóa quy trình sản xuất mỹ phẩm.
Trong bài viết này, MISA AMIS sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về bộ tiêu chuẩn, cách xin chứng nhận cùng quy trình sản xuất chuẩn mực. Mời bạn tìm hiểu ngay dưới đây!
MISA THÂN TẶNG BẠN BỘ MẪU 100+ QUY TRÌNH QUẢN LÝ VẬN HÀNH DOANH NGHIỆP |
1. Các tiêu chuẩn doanh nghiệp cần có trong quy trình sản xuất mỹ phẩm
Các loại mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, vì vậy việc đảm bảo chất lượng vô cùng quan trọng. Mỗi doanh nghiệp mỹ phẩm cần tuân thủ một hoặc nhiều hệ thống tiêu chuẩn cụ thể, ví dụ như:
1.1. Tiêu chuẩn ISO
ISO 22716:2007 – GMP cho mỹ phẩm (Cosmetics — Good Manufacturing Practices – GMP — Guidelines on Good Manufacturing Practices) là tiêu chuẩn quốc tế về Thực hành tốt sản xuất (GMP) dành riêng cho ngành mỹ phẩm.
ISO 22716 có hướng dẫn chi tiết về quản lý chất lượng, cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự, nguyên vật liệu, sản xuất, kiểm soát chất lượng cũng những khía cạnh khác liên quan. Các doanh nghiệp mỹ phẩm muốn đáp ứng yêu cầu quốc tế cần xem xét kỹ lưỡng tiêu chuẩn này.
1.2. CGMP ASEAN
CGMP ASEAN tên tiếng anh là Cosmetic Good Manufacturing Practice – tạm dịch là Hướng dẫn Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN. Đây là tiêu chuẩn được áp dụng trong ASEAN, dựa trên nền tảng ISO 22716 cùng với sự điều chỉnh phù hợp theo đặc thù khu vực.
CGMP ASEAN được công nhận bởi các quốc gia thành viên ASEAN, trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn lưu hành mỹ phẩm tại đây.
1.3. GMP
Tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices – tạm dịch là Thực hành tốt sản xuất) theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dành riêng cho mỹ phẩm được bán tại thị trường Hoa Kỳ. Các quy định này tập trung vào việc đảm bảo mỹ phẩm không bị giả mạo, không gây hại cho người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam cũng ban hành các quy định về GMP cho mỹ phẩm. Các quy định nằm trong Hướng dẫn của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN về tiêu chuẩn CGMP-ASEAN cùng các văn bản pháp quy liên quan. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định GMP của Bộ Y tế để được phép sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm hợp pháp trong nước.
Vậy, doanh nghiệp nên lựa chọn tiêu chuẩn nào? Việc lựa chọn tiêu chuẩn nào phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh và thị trường mục tiêu của doanh nghiệp:
- Nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu mỹ phẩm ra thị trường quốc tế như ASEAN, Hoa Kỳ thì cần/bắt buộc đạt chứng nhận ISO 22716 và CGMP ASEAN.
- Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung trong thị trường nội địa Việt Nam, việc tuân thủ GMP theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam là yêu cầu pháp lý bắt buộc.
Trong mọi trường hợp, việc áp dụng các tiêu chuẩn trên đều giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hiệu quả, nâng cao uy tín thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh.
Xem thêm: Top 10 phần mềm quản lý quy trình hiệu quả nhất 2025
2. 05 tiêu chí cơ bản cần đạt chuẩn trong sản xuất mỹ phẩm
Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào các yếu tố cơ bản dưới đây để quy trình sản xuất mỹ phẩm đạt yêu cầu kiểm định:
2.1. Nhà xưởng (Factory/Workshop)
Nhà xưởng sản xuất mỹ phẩm cần được đặt ở vị trí thuận tiện giao thương nhưng cách xa khu dân cư và khu công nghiệp ô nhiễm. Điều này giúp doanh nghiệp tránh bị ảnh hưởng bởi tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Một môi trường sản xuất sạch sẽ là điều kiện tiên quyết để sản phẩm an toàn.
Về thiết kế, bố cục xưởng nên phân chia hợp lý, tách bạch các khu vực nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, kiểm nghiệm và lưu kho. Như vậy không gian làm việc vừa khô thoáng, vừa tạo nên luồng di chuyển một chiều của nguyên liệu và thành phẩm, tránh nhiễm khuẩn chéo khi sản xuất.
Về vật xây dựng nhà xưởng nên chọn loại dễ khử trùng và không thấm nước. Các bề mặt tường, sàn hay trần phải nhẵn, không có khe nứt sao cho dễ dàng làm sạch, ngăn ngừa bụi bẩn, vi khuẩn. Đồng thời, nhà xưởng phải trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước, khí thải cùng các thiết bị an toàn, phòng cháy chữa cháy.
2.2. Máy móc và trang thiết bị
Máy móc và thiết bị phải phù hợp với quy mô, loại hình mỹ phẩm sản xuất. Các thiết bị hoạt động ổn định, dễ vận hành và bảo trì, đồng thời đảm bảo độ chính xác cao trong từng công đoạn sản xuất
Ngoài ra, do tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu nên máy móc, trang bị cần được chế tạo từ các vật liệu không gỉ, dễ khử trùng. Các vật liệu như inox 304, inox 316, thủy tinh chịu nhiệt và nhựa Teflon là các lựa chọn phổ biến, không thôi nhiễm chất độc vào sản phẩm.
Để duy trì hiệu suất làm việc và độ chính xác, doanh nghiệp cần thiết lập lịch bảo trì định kỳ và hiệu chuẩn thiết bị đo lường. Việc này không chỉ giúp tăng tuổi thọ của thiết bị mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm tối ưu.
2.3. Đội ngũ kỹ thuật viên và nghiên cứu viên (Technical and R&D Team)
Đội ngũ kỹ thuật, công nhân sản xuất phải có tay nghề cao, được đào tạo bài bản về GMP và quy trình sản xuất mỹ phẩm. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu (R&D) bắt buộc có kiến thức vững vàng về hóa học, sinh học, da liễu, công nghệ mỹ phẩm.
Doanh nghiệp tổ chức đào tạo định kỳ về các quy trình sản xuất, an toàn lao động cũng như cập nhật công nghệ tiên tiến trong ngành mỹ phẩm. Thêm vào đó, hãy chú trọng xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật, nhắc nhở nhân viên tuân thủ các công đoạn sản xuất yêu cầu độ chính xác cao.
2.4. Nguyên liệu
Chất lượng sản phẩm mỹ phẩm phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần ưu tiên hợp tác với nhà cung cấp uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
Các nguyên liệu phải có chứng nhận chất lượng (COA – Certificate of Analysis) và kiểm soát chất lượng đầu vào. Ví dụ, mỗi lô nguyên liệu sẽ trải qua kiểm tra cảm quan (màu sắc, mùi, trạng thái), xem xét chỉ tiêu hóa lý và vi sinh theo tiêu chuẩn. Nguyên liệu chỉ được sử dụng khi đã qua kiểm nghiệm và đạt chất lượng.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải bảo quản nguyên liệu trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp. Lưu trữ đúng cách giúp duy trì chất lượng nguyên liệu và ngăn ngừa sự biến chất.
2.5. Quy trình sản xuất mỹ phẩm
Quy trình sản xuất mỹ phẩm phải được xây dựng chi tiết, chuẩn hóa từng bước. Các thông số kỹ thuật như nhiệt độ, thời gian, tốc độ khuấy trộn và áp suất được xác định rõ để đảm bảo tính nhất quán trong mỗi mẻ sản xuất.
MISA AMIS Quy trình là giải pháp phần mềm tối ưu cho doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm khi tất cả các quy trình được thiết lập và tự động hóa trên một nền tảng.
Quan trọng hơn, MISA AMIS Quy trình có tích hợp tính năng AI – trợ lý ảo MISA AVA để tạo quy trình chỉ qua một vài câu lệnh. Doanh nghiệp giảm thời gian thiết lập quy trình từ 2 tiếng xuống 20 phút, tiết kiệm đến 70% thời gian và công sức:
3. Chi tiết quy trình sản xuất mỹ phẩm đạt chuẩn 2025
Quy trình sản xuất mỹ phẩm đúng chuẩn GMP thường bao gồm các bước cơ bản sau:
3.1. Nhập và kiểm soát nguyên liệu
- Đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp: Tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp dựa trên uy tín, chất lượng nguyên liệu, năng lực cung ứng và giá cả cạnh tranh. Doanh nghiệp thực hiện đánh giá định kỳ nhà cung cấp để đảm bảo chất lượng nguyên liệu luôn ổn định.
- Yêu cầu kiểm tra hồ sơ pháp lý: Nhà cung cấp phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý về nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận chất lượng (COA), MSDS (Material Safety Data Sheet – Phiếu an toàn hóa chất) của nguyên liệu.
- Lấy mẫu, kiểm nghiệm: Lấy mẫu đại diện cho từng lô nguyên liệu nhập về để gửi đi kiểm nghiệm hoặc phòng lab nội bộ (nếu có đủ năng lực). Doanh nghiệp tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn.
3.2. Tiếp nhận nguyên liệu đã đạt chất lượng
- Khu vực tiếp nhận riêng biệt: Nguyên liệu đạt chất lượng kiểm nghiệm được chuyển đến khu vực tiếp nhận nguyên liệu sạch, riêng biệt không lẫn lộn.
- Vệ sinh bao bì: Vệ sinh bên ngoài bao bì nguyên liệu trước khi đưa vào khu vực sản xuất để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất.
- Cấp phát nguyên liệu: Cấp phát nguyên liệu theo đúng lệnh sản xuất, đúng số lượng cần thiết cho từng lô sản xuất. Bộ phận phụ trách ghi chép đầy đủ thông tin về số lượng, lô sản xuất, ngày cấp phát vào hồ sơ.
3.3. Xử lý, gia công nguyên vật liệu
- Làm sạch và chuẩn bị: Tùy thuộc vào loại nguyên liệu và yêu cầu công thức, có thể cần thực hiện các bước xử lý sơ bộ như làm sạch, nghiền nhỏ, rây lọc, sấy khô, chiết xuất.
- Cân đong, pha chế: Cân lượng nguyên liệu chính xác theo công thức, pha chế các hoạt chất, dung dịch nền, tá dược theo đúng tỷ lệ và quy trình. Bộ phận sản xuất sử dụng thiết bị, dụng cụ chuyên dụng và đảm bảo vệ sinh trong quá trình này.
3.4. Sản xuất
- Pha trộn và nhũ hóa: Pha trộn các thành phần nguyên liệu theo thứ tự. Doanh nghiệp sử dụng thiết bị khuấy trộn, nhũ hóa chuyên dụng để đảm bảo các thành phần đồng đều, tạo thành hỗn hợp sản phẩm ổn định. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các thông số kỹ thuật (nhiệt độ, thời gian, tốc độ khuấy trộn,…).
- Chiết rót, đóng gói sơ cấp: Chiết rót sản phẩm vào bao bì chứa đựng trực tiếp (bao bì sơ cấp) như chai, lọ, tuýp, hũ, … Doanh nghiệp có thể sử dụng máy chiết rót tự động hoặc bán tự động giúp đảm bảo định lượng chính xác, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.
3.5. Thử nghiệm sản phẩm (Product Testing)
- Lấy mẫu kiểm nghiệm: Lấy mẫu đại diện cho từng lô sản xuất để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng. Khu vực lấy mẫu cần đảm bảo vô trùng hoàn toàn.
- Kiểm nghiệm chất lượng: Tiến hành kiểm nghiệm dựa trên tiêu chuẩn như cảm quan (màu sắc, mùi, trạng thái), kiểm tra độ pH, độ nhớt, độ ổn định, kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh vật, kim loại nặng, … Sử dụng các phương pháp kiểm nghiệm đã được thẩm định và thiết bị kiểm nghiệm đã được hiệu chuẩn.
- Đánh giá và phê duyệt kết quả: So sánh kết quả kiểm nghiệm với tiêu chuẩn chất lượng đã được thiết lập. Chỉ những sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng mới được phê duyệt để chuyển sang bước tiếp theo. Cần lưu ý lưu giữ hồ sơ kiểm nghiệm đầy đủ và rõ ràng.
3.6. Sản xuất hàng loạt khi đạt yêu cầu
- Sản xuất hàng loạt theo quy trình sản xuất mỹ phẩm: Doanh nghiệp tiến hành sản xuất hàng loạt dựa trên các thông số kỹ thuật đã được thiết lập.
- Giám sát chất lượng trong quá trình sản xuất: Tiếp tục giám sát chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất hàng loạt, có thể thực hiện kiểm tra nhanh (in-process control) tại một số công đoạn quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm chuẩn xác.
3.7. Đóng gói
- Đóng gói thứ cấp: Đóng gói sản phẩm đã được chiết rót vào bao bì thứ cấp (hộp giấy, thùng carton, …) để bảo vệ sản phẩm trong quá trình vận chuyển và lưu trữ. Bao bì thứ cấp cần đảm bảo chắc chắn, sạch sẽ, có đầy đủ nhãn mác theo quy định.
- In ấn và dán nhãn: In ấn thông tin sản phẩm lên bao bì (tên sản phẩm, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, số lô sản xuất, thông tin nhà sản xuất, …) theo quy định hiện hành. Dán nhãn ngay ngắn, rõ ràng, thông tin dễ đọc.
3.8. Vận chuyển hàng hóa (Goods Transportation)
- Khu vực lưu trữ thành phẩm: Thành phẩm sau khi đóng gói được chuyển đến khu vực lưu trữ thành phẩm sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, có kiểm soát nhiệt độ cùng độ ẩm. Bộ phận kho nên sắp xếp thành phẩm khoa học để dễ dàng kiểm đếm và xuất kho.
- Vận chuyển và phân phối: Lựa chọn phương tiện vận chuyển phù hợp với loại hình sản phẩm và khoảng cách vận chuyển. Đảm bảo điều kiện vận chuyển phù hợp để bảo quản chất lượng sản phẩm (ví dụ: xe lạnh đối với sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ). Phân phối sản phẩm đến các kênh phân phối (nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ, …) theo kế hoạch.
4. Để được cấp phép sản xuất mỹ phẩm cần thực hiện những thủ tục nào?
Doanh nghiệp muốn sản xuất mỹ phẩm hợp pháp tại Việt Nam, cần thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành:
- Nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm tại Sở Y tế tỉnh/thành phố nơi đặt nhà máy sản xuất:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
- Sơ đồ mặt bằng nhà xưởng.
- Danh mục, dụng cụ sản xuất, kiểm nghiệm.
- Bản mô tả quy trình sản xuất.
- Danh sách nhân sự chủ chốt.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp cần thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm tại Sở Y tế:
- Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
- Công thức thành phần đầy đủ của sản phẩm.
- Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
- Mẫu nhãn sản phẩm.
- Phiếu kiểm nghiệm sản phẩm.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định. Việc quảng cáo sản phẩm cũng phải trung thực, không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và tuân thủ các quy định về lưu hành sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường.
5. Tạm kết
Xây dựng quy trình sản xuất mỹ phẩm chuẩn chỉnh, đạt tiêu chuẩn GMP là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn ‘kim chỉ nam’ hữu ích trên hành trình chinh phục thị trường mỹ phẩm đầy tiềm năng. Chúc bạn thành công!
