Ấn định thuế là gì? Các trường hợp doanh nghiệp bị ấn định thuế

21/11/2024
240

Ấn định thuế là gì? Đây là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý thuế, giúp cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp trong trường hợp người nộp thuế kê khai sai hoặc không đúng quy định. Vậy các trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế cụ thể bao gồm những gì? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết, giúp bạn hiểu rõ quy trình và cách phòng tránh những sai sót trong quá trình kê khai thuế.

1. Ấn định thuế là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Thông tư 38/2015/TT-BTC, ấn định thuế được định nghĩa như sau:

“Ấn định thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này là việc cơ quan hải quan thực hiện quyền hạn xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế và tính thuế, thông báo, yêu cầu người nộp thuế phải nộp số tiền thuế do cơ quan hải quan xác định thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này.”

Theo đó, ấn định thuế là việc cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan xác định số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp dựa trên các căn cứ pháp lý và dữ liệu thực tế thay vì người nộp thuế tự chủ động kê khai và nộp thuế.

2. Căn cứ ấn định thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về căn cứ ấn định thuế như sau:

Đối với NNT là tổ chức: Căn cứ ấn định thuế đối với tổ chức được cơ quan thuế xác định dựa trên cơ sở dữ liệu từ cơ quan quản lý thuế và các dữ liệu thương mại liên quan. 

  • Các tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực, cùng với kết quả xác minh sẽ là cơ sở để tính toán. Số tiền thuế phải nộp bình quân tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh có cùng mặt hàng, ngành nghề và quy mô tại địa phương cũng được xem xét. 
  • Trong trường hợp tại địa phương không có hoặc không đủ thông tin về mặt hàng, ngành nghề, quy mô cơ sở kinh doanh, dữ liệu từ các địa phương khác sẽ được sử dụng để thực hiện ấn định thuế theo từng yếu tố cụ thể.

Đối với cá nhân chuyển nhượng, nhận thừa kế, hoặc nhận quà tặng là bất động sản: Cơ quan thuế sẽ ấn định giá tính thuế nếu phát hiện cá nhân kê khai giá thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường. 

  • Giá tính thuế do cơ quan thuế ấn định phải đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thông thường và không được thấp hơn mức giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm xác định.

Trên cơ sở từng yếu tố bị ấn định, cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

3. 17 trường hợp ấn định thuế mới nhất

Theo quy định tại Điều 50 và Điều 52 của Luật Quản lý thuế năm 2019, doanh nghiệp có thể bị ấn định thuế trong các trường hợp sau:

Ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế: Người nộp thuế bị ấn định thuế khi thuộc một trong các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế sau đây:

  1. Không đăng ký thuế, không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác về căn cứ tính thuế;
  2. Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;
  3. Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định;
  4. Không chấp hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế theo quy định;
  5. Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;
  6. Mua, trao đổi hàng hóa sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa là có thật theo xác định của cơ quan có thẩm quyền và đã được kê khai doanh thu tính thuế;
  7. Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế;
  8. Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế;
  9. Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:  Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:

  1. Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không khai thuế hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;
  2. Quá thời hạn quy định mà người khai thuế không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp theo quy định;
  3. Người khai thuế không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan;
  4. Người khai thuế không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;
  5. Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;
  6. Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp;
  7. Người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp;
  8. Trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế

4.1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo rõ ràng và minh bạch cho người nộp thuế bằng văn bản. Nội dung thông báo bao gồm lý do ấn định thuế, căn cứ pháp lý áp dụng, số tiền thuế phải nộp và thời hạn nộp thuế. 

Trường hợp ấn định thuế được thực hiện qua kiểm tra hoặc thanh tra thuế, các thông tin này phải được ghi nhận đầy đủ trong biên bản kiểm tra, thanh tra thuế hoặc quyết định xử lý về thuế. 

Nếu số tiền thuế ấn định lớn hơn số thuế thực tế phải nộp theo quyết định giải quyết khiếu nại hoặc bản án, quyết định của tòa án, cơ quan thuế có trách nhiệm hoàn trả phần thuế nộp thừa cho người nộp thuế. 

Ngược lại, nếu số tiền thuế ấn định nhỏ hơn số thuế phải nộp, người nộp thuế phải nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu. Trong mọi trường hợp, cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm về tính đúng đắn và hợp pháp của việc ấn định thuế.

4.2. Trách nhiệm của người nộp thuế

Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thuế ấn định theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp không đồng ý với số tiền thuế được ấn định, người nộp thuế vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đúng thời hạn. Đồng thời, họ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích hoặc tiến hành khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Trong quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện, người nộp thuế phải cung cấp các hồ sơ, tài liệu cần thiết để chứng minh tính hợp lý cho việc khiếu nại, khởi kiện.

5. Các câu hỏi liên quan đến ấn định thuế

Nguyên tắc ấn định thuế là gì?

Ấn định thuế phải dựa trên các nguyên tắc quản lý thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan.

Cơ quan quản lý thuế ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp.

Công thức tính số tiền ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu?

Số tiền thuế ấn định căn cứ vào tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số, xuất xứ, trị giá, mức thuế, tỷ giá tính thuế, phương pháp tính thuế.

Trường hợp ấn định thuế một phần trong tổng số hàng hóa cùng chủng loại thuộc nhiều tờ khai hải quan khác nhau, trên các tờ khai xuất khẩu hoặc nhập khẩu lần đầu đã xác định được số tiền thuế thì số tiền thuế ấn định là số tiền thuế trung bình được xác định theo công thức sau đây:

Số tiền thuế ấn định = Tổng số tiền thuế của hàng hóa cùng chủng loại tại các tờ khai hải quan x Số lượng hàng hóa ấn định thuế
Tổng số hàng hóa cùng chủng loại tại các tờ khai hải quan

Trường hợp tờ khai hải quan nhập khẩu lần đầu là hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế hoặc không có số liệu về số tiền thuế hoặc tờ khai hải quan đã bị hủy theo quy định của pháp luật về hải quan hoặc không có tờ khai hải quan, cơ quan hải quan căn cứ vào tên hàng, chủng loại, trị giá, mã số, xuất xứ, mức thuế, phương pháp tính thuế của hàng hóa giống hệt hoặc hàng hóa tương tự đang được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan để thực hiện ấn định thuế. Tỷ giá tính thuế áp dụng tỷ giá tại thời điểm ban hành quyết định ấn định thuế.

6. Lời kết

Việc hiểu rõ ấn định thuế và các trường hợp bị áp dụng là bước quan trọng giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý và tối ưu hóa việc tuân thủ quy định. Hãy đảm bảo bạn luôn cập nhật kiến thức thuế và thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình. 

MISA không chỉ hỗ trợ kế toán doanh nghiệp bằng các kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ, mà còn mang đến phần mềm kế toán online MISA AMIS. Đây là giải pháp tài chính kế toán trực tuyến, thông minh, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quản lý tài chính một cách hiệu quả.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang lại những tính năng vượt trội như:

  • Kết nối toàn diện với hệ sinh thái quản lý: Tích hợp trực tiếp với ngân hàng điện tử,hóa đơn điện tử, cùng các phần mềm quản lý bán hàng và nhân sự, giúp thực hiện nghĩa vụ thuế và điều hành hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận tiện.
  • Hỗ trợ đầy đủ nghiệp vụ kế toán theo quy định: Đáp ứng 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 và TT200, bao gồm Quỹ, Ngân hàng, Mua bán hàng, Kho bãi, Thuế, Hóa đơn, Giá thành sản phẩm, và nhiều hơn thế.
  • Tự động hóa nhập liệu: Tích hợp khả năng nhập dữ liệu từ hóa đơn điện tử và file Excel, giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất công việc.
  • Kiểm soát chứng từ chính xác: Tự động gợi ý thông tin khách hàng/nhà cung cấp qua mã số thuế, cảnh báo nhà cung cấp ngừng hoạt động để giảm rủi ro hóa đơn không hợp lệ.
  • Báo cáo nhanh chóng và chính xác: Tự động tổng hợp số liệu, hỗ trợ lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách kế toán, giúp doanh nghiệp nộp báo cáo đúng hạn và đảm bảo tính chính xác.

Đăng ký ngay để trải nghiệm 15 ngày dùng thử miễn phí phần mềm kế toán online MISA AMIS – công cụ tài chính hoàn hảo cho doanh nghiệp của bạn.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả