Trong môi trường làm việc hiện đại, kỹ năng làm việc nhóm chính là một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên không chỉ giúp tăng cường hiệu suất mà còn giúp mỗi cá nhân phát huy tối đa tiềm năng của mình. Làm thế nào để xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả và khai thác tốt nhất sức mạnh của tập thể? Hãy cùng khám phá những bí quyết và kỹ năng quan trọng giúp bạn trở thành một phần không thể thiếu trong bất kỳ đội nhóm nào.
1. Kỹ năng làm việc nhóm là gì?
Làm việc nhóm (Teamwork) là quá trình các thành viên trong nhóm, hoặc trong tổ chức, công ty cùng hợp tác để đạt được mục tiêu chúng. Mỗi thành viên trong nhóm giữ vai trò và trách nhiệm riêng, đồng thời có nhiệm vụ hỗ trợ các thành viên khác cùng giải quyết những vấn đề và hoàn thành công việc.
Làm việc nhóm giúp giảm bớt áp lực công việc và tận dụng được ưu thế của các thành viên. Ngoài ra hoạt động theo nhóm cũng giúp các thành viên có cơ hội học hỏi và phát triển, nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như chất lượng công việc.
Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork Skills) là khả năng hợp tác và tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Kỹ năng làm việc nhóm bao gồm giao tiếp, lãnh đạo, chia sẻ thông tin, hợp tác, thích ứng, giải quyết mâu thuẫn và nhiều kỹ năng khác.
Để nhóm hoạt động hiệu quả đòi hỏi khả năng quản lý thời gian, phân công công việc hợp lý và phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. Khi mọi người biết cách tận dụng điểm mạnh của nhau sẽ tạo nên một môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu suất vượt trội. Với một đội ngũ làm việc nhóm tốt, mọi mục tiêu dường như không còn là thách thức, mà trở thành những cơ hội để vươn xa hơn.
2. Những lợi ích của kỹ năng làm việc nhóm
2.1 Đối với cá nhân
Kỹ năng làm việc nhóm là chìa khóa giúp mỗi người thành công trong công việc và còn là động lực thúc đẩy sự phát triển cá nhân một cách toàn diện. Lợi ích khi rèn luyện và phát triển kỹ năng này:
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp: Tự tin trình bày quan điểm và ý tưởng cá nhân trong mọi cuộc thảo luận nhóm, tạo dấu ấn cá nhân và đóng góp giá trị thực sự.
- Xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp vững chắc: Học cách giải quyết xung đột một cách tinh tế, tạo môi trường làm việc hòa thuận và hỗ trợ lẫn nhau.
- Tăng cường năng lực tổ chức: Khả năng sắp xếp công việc và phối hợp nhịp nhàng với đồng đội giúp cải thiện hiệu suất chung của cả nhóm.
- Đưa ra quyết định sáng suốt: Dựa vào ý kiến đa chiều từ các thành viên khác có thể đưa ra những quyết định hợp lý và hiệu quả hơn.
- Mở rộng tri thức: Làm việc nhóm tạo cơ hội tiếp thu kinh nghiệm từ người khác, mở rộng kiến thức và giúp trở nên tự tin, chuyên nghiệp hơn trong mọi tình huống.
2.2 Đối với doanh nghiệp
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, giúp doanh nghiệp vươn tới thành công lâu dài. Những lợi ích mà kỹ năng làm việc nhóm mang lại cho doanh nghiệp bao gồm:
- Thúc đẩy hiệu suất công việc: Nhờ khả năng phân chia và san sẻ nhiệm vụ một cách hợp lý, công việc được thực hiện trôi chảy hơn, giúp tăng hiệu suất và đạt kết quả vượt trội.
- Tăng cường gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên: Làm việc nhóm tạo ra sự thấu hiểu giữa quản lý và nhân viên, phá bỏ rào cản giữa các cấp bậc. Nhờ chia sẻ quan điểm và cảm xúc, mối quan hệ giữa họ trở nên bền chặt hơn.
- Tối ưu hóa lựa chọn phương án: Khi mỗi thành viên đều có cơ hội đóng góp ý kiến, những phương án sáng tạo và độc đáo sẽ xuất hiện, giúp trưởng nhóm lựa chọn giải pháp tốt nhất cho mọi tình huống.
- Xây dựng môi trường kỷ luật: Môi trường làm việc nhóm chuyên nghiệp thúc đẩy ý thức trách nhiệm, kỷ luật cao trong công việc, giúp cả tổ chức duy trì sự gọn gàng và hiệu quả trong mọi quy trình.
2.3 Đối với các bộ phận, phòng ban
Kỹ năng làm việc nhóm đóng vai trò then chốt trong việc kết nối các phòng ban, giúp tối ưu hóa sự phối hợp và nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp:
- Tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên: Làm việc nhóm là cơ hội để các thành viên giao tiếp, lắng nghe và hiểu nhau hơn. Qua đó, họ xây dựng được mối quan hệ bền chặt, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một môi trường làm việc đoàn kết và lành mạnh trong tổ chức.
- Giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả: Khi những cá nhân tài năng, sáng tạo cùng ngồi lại để thảo luận thì các giải pháp khả thi và đột phá sẽ xuất hiện. Việc phối hợp nhịp nhàng giúp các thành viên giải quyết vấn đề một cách triệt để, cải thiện cả chất lượng lẫn hiệu suất công việc.
- Đưa ra quyết định sáng suốt: Nhiều ý kiến đóng góp đồng nghĩa với nhiều góc nhìn mới mẻ. Điều này mang lại cho người trưởng nhóm nhiều lựa chọn đa dạng và chính xác hơn, nhờ sự hỗ trợ và phân tích từ toàn bộ thành viên, giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
3. Ý nghĩa của kỹ năng làm việc nhóm
3.1 Cải thiện kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả là yếu tố cốt lõi trong làm việc nhóm. Thông qua các cuộc họp và buổi brainstorm sôi nổi, mọi thành viên được lắng nghe, chia sẻ và rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Đây cũng là cơ hội quý báu để học hỏi lẫn nhau, san sẻ kinh nghiệm và cùng vượt qua thách thức, tạo nên một đội ngũ gắn kết và không ngừng phát triển.
3.2 Kích thích nguồn sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi cá nhân
Những ý tưởng tuyệt vời và thành công thường được hình thành từ sự cộng hưởng sáng tạo của nhiều cá nhân. Khi một ý tưởng mới được giới thiệu, không thể tránh khỏi những khúc mắc và điểm chưa rõ ràng, khiến các thành viên trong nhóm cần phải làm sáng tỏ.
Đây chính là thời điểm mà từng ý kiến và quan điểm cá nhân được đưa ra, tạo nên một không gian thảo luận sôi nổi. Nhờ những đóng góp mang tính xây dựng này, ý tưởng sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Kết quả là nhóm có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho công việc chung.
3.3 Rèn luyện tính kỷ luật
Làm việc nhóm thường không mang lại cảm giác thoải mái và tự do như khi làm việc cá nhân, bởi phải tuân thủ những quy định đã được thiết lập từ trước, cùng với thời hạn nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nếu thay đổi góc nhìn thì đây chính là cơ hội quý báu để rèn luyện tính kỷ luật và nâng cao thái độ làm việc chuyên nghiệp. Những quy tắc này giúp bảo đảm hiệu quả làm việc của nhóm và xây dựng một môi trường tích cực, thúc đẩy sự phát triển cả cá nhân lẫn tập thể.
3.4 Nâng cao hiệu suất công việc
Nâng cao hiệu quả và năng suất công việc là ý nghĩa quan trọng nhất của làm việc nhóm. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp khi phải đối mặt với một loạt rắc rối trong công việc và phương án giải quyết không đạt hiệu quả như mong đợi.
Thế nhưng với sức mạnh của teamwork, mọi thứ trở nên khả thi. Mỗi thành viên đều mang đến những điểm mạnh và góc nhìn độc đáo của riêng mình. Khi tất cả được kết hợp lại, chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu.
Với việc phân chia công việc hợp lý, tiến độ sẽ được đẩy nhanh chóng. Chính vì thế, năng suất làm việc khi kết hợp sức mạnh của cả đội nhóm sẽ luôn vượt trội hơn so với khi làm việc một mình.
4. Những kỹ năng làm việc nhóm quan trọng
4.1 Kỹ năng giao tiếp (Communication)
Kỹ năng giao tiếp là một yếu tố thiết yếu trong làm việc nhóm, vừa mang tính chất trao đổi thông tin, vừa là nghệ thuật truyền đạt một cách lịch thiệp và tinh tế.
Bạn cần biết cách trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng và hấp dẫn, để đạt được sự đồng tình từ các thành viên khác trong nhóm. Khi thành công trong việc giao tiếp, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp, xây dựng niềm tin và khuyến khích sự hợp tác hiệu quả hơn trong toàn đội.
4.2 Kỹ năng lắng nghe (Listening)
Một khía cạnh quan trọng không kém trong giao tiếp chính là lắng nghe. Để trở thành một thành viên hiệu quả trong nhóm cần phát triển khả năng lắng nghe ý kiến và mối quan tâm của đồng nghiệp.
Bằng cách chủ động đặt câu hỏi để hiểu sâu hơn, thể hiện sự quan tâm chân thành và sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực sẽ cho cả nhóm thấy rằng bạn thật sự coi trọng và thấu hiểu những ý tưởng của họ. Sự lắng nghe không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết mà còn tạo ra một môi trường làm việc hợp tác, nơi mọi người đều cảm thấy được đánh giá và tôn trọng.
4.3 Kỹ năng giải quyết xung đột (Conflict Management)
Trong quá trình cộng tác, mâu thuẫn không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chính những bất đồng quan điểm này lại có thể dẫn đến những quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn cho cả nhóm.
Thay vì lẩn tránh, hãy học cách tiếp cận và giải quyết xung đột một cách văn minh và triệt để. Kỹ năng này giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong nhóm và mở ra cơ hội để cải thiện quy trình làm việc, hướng đến tinh thần đồng thuận.
4.4 Kỹ năng đàm phán (Negotiating)
Một trong những chìa khóa giúp trở thành người làm việc nhóm xuất sắc chính là kỹ năng đàm phán. Khi trình bày ý tưởng của mình, điều quan trọng là phải thuyết phục các thành viên khác rằng đây là một ý tưởng sáng tạo và tối ưu.
Đặc biệt, khi phân chia công việc, nếu cảm thấy sự sắp xếp không hợp lý, hãy tự tin thương lượng với Team Leader để đảm bảo bạn có cơ hội thể hiện hết khả năng của mình. Đừng ngại đặt mình vào vị thế chủ động bởi bạn có quyền tạo nên sự khác biệt trong công việc.
4.5 Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking)
Tư duy phản biện là một kỹ năng quan trọng mà bạn nên phát triển để tối ưu hóa khả năng làm việc nhóm. Trong các cuộc họp, việc mỗi thành viên đưa ra những ý kiến và ý tưởng riêng là điều hoàn toàn tự nhiên.
Tuy nhiên, để ý tưởng được công nhận và tỏa sáng, bạn cần sở hữu một tư duy phản biện sắc bén. Kỹ năng này sẽ chứng minh giá trị của sáng kiến cá nhân và thuyết phục mọi người rằng đó là phương án hiệu quả nhất cho nhóm. Hãy biến tư duy phản biện thành công cụ mạnh mẽ để nâng cao sự đồng thuận và thúc đẩy sự sáng tạo trong tập thể.
4.6 Kỹ năng quản lý thời gian (Time Management)
Khi bạn tham gia vào một nhóm hoặc một dự án, các cuộc họp sẽ diễn ra rất thường xuyên. Bạn nên sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia nắm bắt thông tin. Đầu tư thời gian cho những cuộc họp còn thể hiện sự cam kết và tinh thần hợp tác với đồng đội. Bạn cũng nên chú trọng đến việc quản lý thời gian một cách hiệu quả, hoàn thành công việc được giao đúng hạn để không làm gián đoạn tiến độ chung của cả đội.
4.7 Kỹ năng đưa ra quyết định (Decision Making)
Kỹ năng đưa ra quyết định là một kỹ năng then chốt trong làm việc nhóm, đặc biệt đối với vai trò trưởng nhóm. Sau khi lắng nghe và tổng hợp ý kiến từ tất cả các thành viên, nhóm trưởng phải đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với mục tiêu chung của cả đội.
Quyết định này tác động trực tiếp đến kết quả của nhóm, đồng thời ảnh hưởng đến tinh thần và sự đoàn kết của toàn đội. Vì thế, quá trình ra quyết định đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét mọi khía cạnh để đảm bảo lựa chọn cuối cùng mang lại lợi ích cao nhất. Một quyết định sáng suốt chính là chìa khóa để dẫn dắt cả nhóm đến thành công.
4.8 Kỹ năng lãnh đạo (Leadership)
Một người lãnh đạo nhóm giỏi không chỉ định hướng, phân công nhiệm vụ hay đóng góp ý kiến, mà còn phải biết cách truyền cảm hứng và khơi dậy động lực cho tất cả các thành viên.
Tuy nhiên, không chỉ nhóm trưởng mới cần trau dồi kỹ năng lãnh đạo. Mỗi thành viên trong nhóm, nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi trong tương lai, cũng nên phát triển khả năng lãnh đạo ngay từ bây giờ. Lãnh đạo không chỉ là quyền lực, mà là khả năng dẫn dắt và truyền lửa cho mọi người cùng hướng đến thành công chung.
4.9 Kỹ năng tổ chức và lập kế hoạch (Organizing and Planning)
Khi mọi ý kiến đã được thống nhất, bước tiếp theo là cả nhóm phải xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết và phân chia nhiệm vụ cho từng thành viên. Kế hoạch này không chỉ cần hoàn hảo, mà việc phân công công việc cũng phải thật hợp lý và logic, đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ và đồng bộ.
Kỹ năng lập kế hoạch và sắp xếp công việc là không thể thiếu trong teamwork. Học cách phối hợp, tổ chức và quản lý công việc hiệu quả chính là nền tảng để tỏa sáng trong bất kỳ môi trường nào.
4.10 Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem Solving)
Khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau giúp nhóm đẩy nhanh tiến độ và tránh được những sai lầm. Kỹ năng này đòi hỏi sự thấu đáo và tinh thần cởi mở đối với mọi tình huống phát sinh.
Thay vì để những kết quả tiêu cực ảnh hưởng đến tinh thần, hãy giữ bình tĩnh và tập trung tìm ra giải pháp tối ưu cho tập thể. Đừng quên huy động sự hỗ trợ từ các thành viên khác để xử lý vấn đề nhanh chóng hơn.
5. Bí quyết tổ chức làm việc nhóm hiệu quả
5.1 Đặt ra mục tiêu chung
Để làm việc nhóm hiệu quả và đạt được thành công, việc thiết lập mục tiêu chung theo mô hình SMART là vô cùng quan trọng. Mục tiêu này cần được tất cả thành viên ghi nhớ và kiên định theo đuổi.
Trong quá trình làm việc, đôi khi sẽ phải đặt lợi ích và mục tiêu của tập thể lên trên mục tiêu cá nhân, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc chung. Sự thống nhất trong định hướng sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, giúp nhóm đạt được những kết quả đáng tự hào.
5.2 Phân chia công việc rõ ràng và chi tiết
Mỗi thành viên trong nhóm đều sở hữu những thế mạnh riêng và việc phân chia nhiệm vụ đúng với chuyên môn chính là chìa khóa để khai thác tối đa tiềm năng của họ. Khi ai cũng đảm nhận vai trò phù hợp, họ sẽ phát huy được thế mạnh và hỗ trợ nhóm một cách tốt nhất.
Để làm được điều này, nhóm trưởng cần nắm vững năng lực và sở trường của từng người, từ đó phân công nhiệm vụ một cách hợp lý và có chiến lược. Chính sự phân chia thông minh này sẽ tạo nên một đội ngũ hoạt động hiệu quả, bền vững.
5.3 Chú trọng kết nối
Biết cách kết nối với các thành viên khác trong nhóm là bí quyết để bạn không cảm thấy lạc lõng hay cô đơn trong công việc. Nếu không xây dựng được mối quan hệ với đồng đội, đôi khi sẽ tự tạo ra cảm giác không được trân trọng, dù thực tế không phải vậy.
Hãy học cách gần gũi, giao tiếp và tương trợ lẫn nhau. Chính sự kết nối này sẽ biến tập thể trở nên mạnh mẽ và hoàn hảo, khi mọi người cùng nhau chia sẻ và hỗ trợ nhau để đạt được kết quả tốt nhất.
5.4 Luôn luôn lắng nghe
Trong một tập thể, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác là nguyên tắc quan trọng, bởi không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Dù một ý tưởng có xuất sắc đến đâu, vẫn có thể tồn tại những thiếu sót. Việc lắng nghe giúp nhận ra những điều chưa hoàn thiện và đóng góp ý kiến để cải thiện ý tưởng đó. Lắng nghe cũng giúp mọi người hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của nhau.
5.5 Làm việc với tinh thần đoàn kết
Nếu chỉ mải bảo vệ cái tôi, bạn sẽ dễ vướng vào những mâu thuẫn với các thành viên khác khi có ý kiến trái chiều. Để cả đội cùng tiến đến thành công, sự đoàn kết giữa mọi người là yếu tố rất quan trọng.
Khi làm việc nhóm nên đặt tinh thần đoàn kết lên hàng đầu. Bên cạnh đó cần có khả năng phân tích, đánh giá đúng sai và thuyết phục mọi người một cách hợp lý để đạt được sự đồng thuận.
5.6 Giúp đỡ và tôn trọng nhau
Trong một đội, sự hỗ trợ lẫn nhau là điều cốt lõi để xây dựng được một tập thể vững mạnh. Khi một thành viên gặp khó khăn thì các thành viên khác nên sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ, từ đó tạo nên sự gắn kết giữa mọi người.
Ngoài ra, mỗi thành viên cần tôn trọng lẫn nhau. Đừng bao giờ cho rằng mình vượt trội hay đánh giá thấp người khác. Sự khiêm tốn và tôn trọng chính là nền tảng cho sự hợp tác hiệu quả, và sự hỗ trợ qua lại sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để cả đội cùng tiến bộ.
5.7 Có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao
Dù làm việc một mình hay trong đội nhóm, việc ý thức được trách nhiệm của mình đều rất cần thiết. Khi làm việc cá nhân, bất kỳ kết quả không như mong đợi nào cũng chỉ ảnh hưởng đến bạn. Nhưng khi làm việc nhóm, mọi chuyện lại khác. Nếu chỉ dựa dẫm vào những người khác hoặc không hoàn thành nhiệm vụ của mình, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động tiêu cực đến toàn đội.
5.8 Khuyến khích các thành viên trong hành trình hoàn thiện bản thân
Đây là lưu ý đặc biệt dành cho những ai đang đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm. Một trưởng nhóm tốt cần biết cách khuyến khích và tạo động lực cho các thành viên, đồng thời cố gắng tạo ra môi trường thuận lợi để mọi người phát triển.
Khi mỗi cá nhân được khuyến khích và có cơ hội để nâng cao kỹ năng của mình, họ có xu hướng chăm chỉ và sẵn sàng cống hiến hơn. Từ đó công việc nhóm trở sẽ có những kết quả tích cực hơn.
5.9 Công bằng và thẳng thắn
Khi tham gia vào một nhóm, điều quan trọng là phải gạt bỏ tính ích kỷ, không để những mâu thuẫn nhỏ nhặt hay ghen tị làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết. Nếu có bất kỳ điều gì không hài lòng, hãy mạnh dạn bày tỏ ý kiến ngay lập tức.
Tinh thần công bằng và thẳng thắn giúp các thành viên xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau trong nội bộ. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố tình đoàn kết trong đội, tạo ra động lực để mọi người cùng nhau tiến bước.
6. Những sai lầm khi tổ chức làm việc nhóm
6.1 Quá nể nang các mối quan hệ
Hãy luôn trân trọng mối quan hệ bạn bè và đồng nghiệp, nhưng khi làm việc nhóm hiệu quả công việc phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó không có nghĩa là bỏ qua sự tôn trọng lẫn nhau, mà là cần sự chân thành khi đóng góp ý kiến hay tranh luận.
Việc rạch ròi giữa cảm xúc cá nhân và công việc sẽ giúp bạn và cả nhóm giữ được sự chuyên nghiệp, đồng thời duy trì mối quan hệ tôn trọng, bền vững. Đừng ngần ngại nói lên quan điểm của mình khi cần, vì chính sự minh bạch đó sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của đội.
6.2 Thiếu chính kiến, thụ động
Một sai lầm thường thấy khi làm việc nhóm là việc dễ dàng đồng ý với ý kiến của người khác mà không có chính kiến rõ ràng. Điều này thường dẫn đến tình trạng bề ngoài thì đồng ý, nhưng thực tế lại chưa thật sự hiểu hay không đồng tình. Hậu quả là cả nhóm mất đi cơ hội khám phá nhiều góc nhìn đa chiều, thậm chí rơi vào cảnh “hiểu sai ý”, mỗi người làm một hướng khác nhau.
Ngoài ra, việc luôn đồng thuận mà không đóng góp ý kiến cá nhân sẽ khiến thanh viên trong nhóm trở nên thụ động, từ đó làm giảm hiệu quả chung của cả tập thể.
6.3 Đùn đẩy trách nhiệm
Vấn đề này thường xảy ra khi công việc được phân chia không rõ ràng. Người này nghĩ người khác sẽ làm, trong khi người khác lại không coi đó là trách nhiệm của mình. Đến khi gần hết thời gian, mọi người mới bắt đầu đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Tệ hơn, có trường hợp không ai muốn nhận nhiệm vụ và tìm mọi lý lẽ để né tránh. Đây là tình trạng tối kỵ trong làm việc nhóm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và kết quả công việc.
6.4 Thiếu chú ý vào công việc nhóm
Trong quá trình làm việc nhóm, không hiếm thành viên chỉ chờ đến khi được phân công việc mà không quan tâm đến tiến trình chung. Sự lơ đễnh này khiến họ đi lệch khỏi định hướng của cả nhóm, kéo theo hiệu quả công việc giảm sút. Ngoài ra, còn có trường hợp một số người vì ý kiến cá nhân không được chọn mà bỏ mặc, không lắng nghe hay đóng góp thêm. Đây là những thái độ tiêu cực cần tránh, vì làm việc nhóm đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần xây dựng từ mọi thành viên.
7. Gây ấn tượng về kỹ năng làm việc nhóm với nhà tuyển dụng
CV chính là cơ hội đầu tiên để bạn thể hiện kỹ năng làm việc nhóm với nhà tuyển dụng tiềm năng. Hãy ghi lại những đội nhóm mà bạn đã tham gia, dù trong công việc hay hoạt động cá nhân và tóm tắt cách bạn đóng góp để đạt được mục tiêu chung. Điều này cho thấy bạn là một phần không thể thiếu của nhóm, thể hiện vai trò tích cực của bạn trong tập thể.
Nếu viết thư xin việc, hãy khéo léo lồng ghép tinh thần đồng đội vào những thành tựu và kinh nghiệm làm việc nhóm. Hãy nhấn mạnh rằng bạn đã đóng góp tích cực, hỗ trợ lẫn nhau để mang lại thành công chung. Ví dụ: “Làm việc như một thành viên trong nhóm, hỗ trợ trưởng nhóm và các thành viên khác trong việc trưng bày hàng hóa và bán hàng, từ đó cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng và nâng cao doanh số.”
Nếu có cơ hội tham gia một buổi phỏng vấn nhóm hoặc vòng thi làm việc nhóm, đó sẽ là cơ hội vàng để bạn tỏa sáng. Hãy thể hiện tất cả khả năng teamwork của bản thân, sẵn sàng hợp tác với ứng viên khác để đạt được yêu cầu mà nhà tuyển dụng đề ra.
8. Kết luận
Hiểu rõ kỹ năng làm việc nhóm là gì sẽ giúp bạn hoạt động tập thể hiệu quả hơn tại nơi làm việc, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân. Hy vọng với những bí quyết làm việc nhóm hiệu quả mà MISA AMIS HRM đã chia sẻ, bạn đọc sẽ vận dụng vào thực tế để giúp công việc nhóm luôn suôn sẻ và thành công.