Vendor là gì? 6 tiêu chí lựa chọn Vendor hiệu quả

15/07/2024
199

Trong kinh doanh, vendor đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng, đảm bảo sự liên tục và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Vậy vendor là gì và làm thế nào để lựa chọn vendor hiệu quả? Trong bài viết này, MISA AMIS sẽ làm rõ khái niệm vendor và chia sẻ những tiêu chí thực tiễn để lựa chọn vendor phù hợp, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

1.Vendor là gì?

Vendor là thuật ngữ dùng để chỉ cá nhân hoặc doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp khác hoặc cho người tiêu dùng cuối cùng. Vendor đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh, hoặc các dịch vụ cần thiết để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

ví dụ sơ đồ quản lý chuỗi cung ứng vendor
Ví dụ sơ đồ quản lý chuỗi cung ứng

Một số ví dụ về vendor:

  • Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam: là vendor cung cấp điện thoại di động, máy tính bảng, TV, máy giặt, tủ lạnh… cho các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
  • Công ty cổ phần MISA: là vendor cung cấp phần mềm quản trị doanh nghiệp, phần mềm kế toán… cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2.Vai trò của Vendor trong chuỗi cung ứng

Dưới đây là những vai trò quan trọng của vendor trong chuỗi cung ứng:

vai trò của vendor
Vai trò của vendor trong chuỗi cung ứng
  • Cung cấp nguyên vật liệu và hàng hóa: Vendor cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện và hàng hóa cần thiết cho các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ. Điều này giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất một cách liên tục và hiệu quả.
  • Đảm bảo chất lượng: Vendor chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Chất lượng nguyên vật liệu hoặc linh kiện từ vendor ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cuối cùng.
  • Giảm thiểu rủi ro: Một hệ thống vendor đa dạng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro do sự phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất. Nếu một vendor gặp sự cố, doanh nghiệp có thể chuyển sang các vendor khác để duy trì hoạt động.
  • Tối ưu hóa chi phí: Vendor có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí sản xuất và vận hành thông qua việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ với giá cả cạnh tranh, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
  • Đáp ứng nhu cầu thị trường nhanh chóng: Với sự hỗ trợ của vendor, doanh nghiệp có thể phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế cạnh tranh và phản ứng kịp thời với các biến động của thị trường.
  • Hỗ trợ kỹ thuật và phát triển sản phẩm: Nhiều vendor cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho các doanh nghiệp, giúp cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất. Sự hợp tác này có thể dẫn đến những sáng tạo và cải tiến đáng kể.

TẢI MIỄN PHÍ: TRỌN BỘ 100+ SLIDE & VIDEO HỮU ÍCH VỀ QUẢN TRỊ, VẬN HÀNH DOANH NGHIỆP

3.Phân loại Vendor

Phân loại vendor có thể được thực hiện như sau:

3.1.Dựa trên vai trò trong chuỗi cung ứng

phân loại vendor
Phân loại vendor dựa trên vai trò trong chuỗi cung ứng

Nhà sản xuất

Nhà sản xuất là các công ty hoặc cá nhân tạo ra sản phẩm hay nguyên liệu thô để bán cho các doanh nghiệp khác. Họ chịu trách nhiệm biến nguyên liệu cơ bản thành sản phẩm hoàn chỉnh hoặc thành phần để sử dụng trong sản xuất.

Ví dụ: Intel sản xuất vi xử lý và cung cấp cho các hãng sản xuất máy tính như Dell, HP…

 

Nhà bán lẻ

Nhà bán lẻ là các cửa hàng hoặc doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Họ mua hàng hóa từ nhà sản xuất hoặc nhà bán buôn, sau đó bán lại cho khách hàng cá nhân.

Ví dụ: WinMart là chuỗi siêu thị bán lẻ kinh doanh các sản phẩm hàng ngày như thực phẩm, đồ gia dụng trực tiếp cho người tiêu dùng.

 

Nhà cung cấp dịch vụ

Nhà cung cấp dịch vụ là các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như logistics, IT, marketing hoặc bảo trì để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp khác.

Ví dụ: DHL cung cấp dịch vụ vận chuyển – logistics, giúp các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ hoặc khách hàng cuối cùng.

 

Nhà cung cấp độc lập

Nhà cung cấp độc lập là các doanh nghiệp hoặc cá nhân cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mà không thuộc quyền sở hữu hay điều hành của bất kỳ công ty mẹ nào. Họ hoạt động độc lập và có thể phục vụ nhiều khách hàng khác nhau.

Ví dụ: Một xưởng gia công nhỏ sản xuất các bộ phận cơ khí và bán cho nhiều công ty sản xuất máy móc khác nhau mà không bị ràng buộc bởi hợp đồng dài hạn với một công ty cụ thể nào.

 

Nhà bán buôn

Nhà bán buôn là các doanh nghiệp mua hàng hóa với số lượng lớn từ nhà sản xuất và bán lại cho nhà bán lẻ hoặc các doanh nghiệp khác. Họ thường không bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.

Ví dụ: Mega Market là nhà bán buôn cung cấp hàng hóa như thực phẩm, đồ gia dụng, văn phòng phẩm với số lượng lớn cho các nhà bán lẻ và nhà hàng.

3.2.Dựa trên cơ sở khách hàng

B2B (Business to Business)

Vendor B2B cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp khác, giúp các doanh nghiệp này sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tới khách hàng của họ.

Ví dụ: Công ty cổ phần MISA cung cấp phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp, giúp họ quản lý tài chính và kế toán hiệu quả hơn.

B2C (Business to Consumer)

Vendor B2C cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của họ.

Ví dụ: Tiki là trang thương mại điện tử bán nhiều loại hàng hóa như sách, đồ điện tử, quần áo… trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân thông qua mạng internet.

>> Xem thêm: Chiến lược đẩy và kéo trong chuỗi cung ứng là gì? Cách triển khai

4.Phân biệt Vendor với các thành phần khác trong chuỗi cung ứng

Trong chuỗi cung ứng, các thành phần khác nhau có vai trò cụ thể và quan trọng để đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Dưới đây là sự phân biệt giữa Vendor và các thành phần khác như Seller, Manufacturer, Distributor, Supplier:

phân biệt vendor
Phân biệt vendor với các thành phần khác trong chuỗi cung ứng

4.1.Vendor và Seller (Người bán)

  • Vendor: Cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Họ có thể sản xuất, phân phối hoặc bán sỉ sản phẩm để các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục bán lại cho người tiêu dùng cuối cùng.
  • Seller: Thường bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Họ có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến hay cửa hàng vật lý.

Ví dụ về Seller: Một cửa hàng trên Shopee bán quần áo cho người tiêu dùng trực tuyến.

4.2.Vendor và Manufacturer (Nhà sản xuất)

  • Vendor: Bán hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Họ có thể mua sản phẩm từ các nhà sản xuất khác và phân phối lại.
  • Manufacturer: Trực tiếp sản xuất ra hàng hóa từ nguyên liệu thô hoặc linh kiện. Họ tạo ra sản phẩm cuối cùng để bán cho vendors hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.

Ví dụ về Manufacturer: Samsung sản xuất điện thoại di động bằng cách lắp ráp các linh kiện từ các vendor khác nhau.

4.3.Vendor và Distributor (Nhà phân phối)

  • Vendor: Bán hàng hóa hoặc dịch vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng. Họ có thể là nhài sản xuất hoặc trung gian.
  • Distributor: Đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất và vendor. Họ mua sản phẩm từ nhà sản xuất và phân phối lại cho các vendor hoặc nhà bán lẻ.

Ví dụ về Distributor: FPT phân phối các sản phẩm công nghệ cho các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam.

4.4.Vendor và Supplier (Nhà cung ứng)

  • Vendor: Bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng. Họ có thể là nhà bán lẻ hoặc trung gian.
  • Supplier: Cung cấp nguyên liệu, linh kiện hoặc sản phẩm hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp khác để sản xuất hoặc bán lại. Họ thường bán hàng với số lượng lớn cho các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối.

Ví dụ về Supplier: Một công ty cung cấp thép cho các nhà sản xuất ô tô để sản xuất khung xe.

Tiêu chí Vendor Supplier
Vị trí trong chuỗi cung ứng Gần cuối chuỗi cung ứng, trung gian giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp khác hoặc với người tiêu dùng cuối cùng Đầu chuỗi cung ứng, cung cấp nguyên vật liệu để sản xuất
Mục tiêu Bán sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng Sản xuất sản phẩm rồi phân phối cho các đơn vị khác
Số lượng Có thể cung cấp đa dạng các loại sản phẩm và dịch vụ Thường tập trung vào một loại nguyên liệu hoặc sản phẩm cụ thể
Quan hệ kinh doanh Quan hệ đa dạng bao gồm cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Quan hệ chủ yếu với các nhà sản xuất
Mối quan hệ với nhà sản xuất Có thể là khách hàng của nhà sản xuất khi mua sản phẩm hoàn chỉnh để bán lại Là nhà cung cấp nguyên liệu hoặc linh kiện cho nhà sản xuất
Mối quan hệ với người tiêu dùng Có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng Thường không có quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng

5.Sáu tiêu chí lựa chọn Vendor hiệu quả

Lựa chọn vendor hiệu quả là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí và duy trì hoạt động liên tục. Dưới đây là 6 tiêu chí quan trọng để lựa chọn vendor hiệu quả:

tiêu chí lựa chọn vendor
6 tiêu chí lựa chọn vendor hiệu quả

5.1.Chất lượng sản phẩm/dịch vụ

Chất lượng sản phẩm/dịch vụ là yếu tố tiên quyết khi lựa chọn vendor. Sản phẩm hoặc dịch vụ của vendor phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp yêu cầu. Điều này bao gồm sản phẩm không chỉ đạt chất lượng cao mà còn ổn định theo thời gian.

Để đánh giá chất lượng, doanh nghiệp có thể yêu cầu mẫu sản phẩm để kiểm tra trước khi đưa ra quyết định. Thêm vào đó, tham khảo ý kiến từ các khách hàng hiện tại của vendor và xem xét các chứng nhận hoặc giải thưởng về chất lượng mà vendor đã đạt được cũng là những bước cần thiết.

5.2.Giá cả hợp lý

Giá cả của sản phẩm hoặc dịch vụ phải cạnh tranh và phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp. Điều này không có nghĩa là chọn giá rẻ nhất, mà là tìm được sự cân bằng giữa chất lượng và giá trị. Doanh nghiệp nên yêu cầu báo giá từ nhiều vendor khác nhau để so sánh và lựa chọn mức giá hợp lý nhất. Ngoài ra, cần xem xét các chi phí ẩn như chi phí vận chuyển, bảo hành, dịch vụ hậu mãi để có cái nhìn tổng thể hơn.

5.3.Khả năng cung ứng

Khả năng cung ứng của vendor là khả năng đáp ứng đủ số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ theo yêu cầu và đúng thời gian cam kết. Bao gồm việc vendor có đủ năng lực sản xuất, kho bãi và hệ thống logistics hiệu quả.

Một vendor với khả năng cung ứng tốt sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro về thiếu hụt nguyên liệu, đảm bảo quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn. Để đánh giá, doanh nghiệp có thể yêu cầu thông tin về năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng và quy trình logistics của vendor.

5.4.Uy tín và kinh nghiệm

Uy tín và kinh nghiệm của vendor trong ngành cũng là một tiêu chí quan trọng. Một vendor có uy tín tốt thường có lịch sử cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đúng hẹn và hỗ trợ khách hàng tốt. Kinh nghiệm lâu năm trong ngành giúp vendor hiểu rõ hơn về thị trường và nhu cầu của khách hàng.

Doanh nghiệp có thể đánh giá uy tín và kinh nghiệm của vendor bằng cách nghiên cứu lịch sử hoạt động, tham khảo đánh giá từ khách hàng cũ và xem xét các dự án hoặc hợp đồng lớn mà vendor đã thực hiện.

5.5.Khả năng tài chính

Khả năng tài chính ổn định của vendor là yếu tố đảm bảo họ có thể duy trì hoạt động cung cấp trong dài hạn và có khả năng đầu tư vào các cải tiến cần thiết. Vendor với tình hình tài chính tốt có thể chịu được các biến động thị trường và tiếp tục cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mà không gặp gián đoạn. Để đánh giá khả năng tài chính, doanh nghiệp nên xem xét báo cáo tài chính, đánh giá tín dụng và các chỉ số tài chính khác của vendor.

5.6.Dịch vụ hỗ trợ và bảo hành

Vendor cần đảm bảo rằng các vấn đề phát sinh sau khi mua hàng được giải quyết kịp thời và hiệu quả. Các yếu tố doanh nghiệp cần quan tâm khi lựa chọn vendor bao gồm cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp, chính sách bảo hành rõ ràng và dịch vụ hậu mãi tốt. Tức là vendor có khả năng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, sửa chữa hoặc thay thế sản phẩm khi cần thiết.

Doanh nghiệp có thể đánh giá dịch vụ hỗ trợ và bảo hành của vendor bằng cách xem xét chính sách của họ, tham khảo ý kiến từ các khách hàng khác và kiểm tra các cam kết dịch vụ mà vendor đưa ra.

Hiểu rõ vai trò của vendor trong chuỗi cung ứng và cách lựa chọn vendor hiệu quả là điều cần thiết để doanh nghiệp duy trì hoạt động trơn tru và đạt được sự phát triển bền vững. Để quản lý vendor một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần các công cụ hỗ trợ đắc lực. Một trong các công cụ phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến nền tảng quản trị MISA AMIS.

Với MISA AMIS, việc quản lý, đánh giá và theo dõi các vendor trở nên đơn giản và chính xác hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, cụ thể:

  • Quản lý thông tin vendor: Lưu trữ và quản lý toàn bộ thông tin về vendor một cách chi tiết và dễ dàng truy cập.
  • Theo dõi đơn hàng và giao hàng: Giám sát tình trạng đơn hàng và quá trình giao hàng, đảm bảo hàng hóa được giao đúng thời gian và chất lượng.
  • Quản lý hợp đồng: Quản lý các hợp đồng với vendor, theo dõi các điều khoản và cam kết của hợp đồng.
  • Báo cáo và phân tích: Cung cấp các báo cáo phân tích hiệu suất của vendor, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định kịp thời và chính xác.
  • Tự động hóa quy trình: Tự động hóa các quy trình làm việc với vendor, từ đặt hàng đến thanh toán, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót.

Hơn 250.000+ doanh nghiệp đã tin chọn MISA AMIS, trong đó có Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân CươngĐại học Công nghệ Đồng NaiCông ty Cổ phần Công nghệ NovatekCao đẳng Dầu khí,.. và nhiều khách hàng khác.

Dùng thử và khám phá sức mạnh của MISA AMIS tại đây:


6.Kết luận

Vendor là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, duy trì hoạt động liên tục và tối ưu hóa chi phí. Hiểu rõ và lựa chọn đúng vendor là chìa khóa để doanh nghiệp đạt được hiệu quả và sự cạnh tranh bền vững trên thị trường.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 6 Trung bình: 4.3]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản lý điều hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả