Kiến thức Tài chính - kế toán – Điều 92a. Kế toán khi chuyển doanh nghiệp nhà nước...

Việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân, điển hình là công ty cổ phần hay thường gọi là Cổ phần hóa đã được Nhà nước ban hành nhiều quy định về cách thức tổ chức, quy trình thực hiện quá trình chuyển đổi cổ phần hóa. Song chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện kế toán khi doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần. Chính vì vậy việc sửa đổi bổ sung Thông tư 200/2014/TT-BTC là cần thiết bổ sung hướng dẫn chi tiết cho vấn đề này. 

Mời bạn đọc tham khảo nội dung Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 200/2014/TT-BTC tại đây.

Căn cứ theo khoản 39, Điều 1, Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 200/2014/TT-BTC có đưa ra hướng dẫn mới thêm “Điều 92a- Kế toán khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần” bổ sung cho Điều 92 của Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau.

Tóm tắt các nội dung dự thảo bổ sung Điều 92a gồm:

Hình: Tóm tắt nội dung dự thảo bổ sung Điều 92 Thông tư 200: Điều 92 a – Kế toán khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Mục lục Hiện

1. Nguyên tắc kế toán

Khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp cỏ trách nhiệm tổ chức, kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng, đối chiếu và xác nhận công nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa:

Hình 2: Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cổ phần hóa

Việc điều chỉnh số liệu trong sổ sách kế toán, báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và công bố được thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

2. Phương pháp kế toán các giao dịch chủ yếu

2.1. Căn cứ vào kết quả kiểm kê, phân loại tài sản

Đối với tài sản thừa, thiếu doanh nghiệp phải phân tích rõ nguyên nhân và căn cứ vào Quyết định xử lý tài sản thừa, thiếu của cơ quan có thẩm quyền để hạch toán như sau:

a) Đối với tài sản thiếu phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường vật chất theo quy định hiện hành: giá trị tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 1388, … (phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ các TK 632, 811, … (giá trị tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của các tổ chức, cá nhân theo quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền)

Có các TK liên quan.

b) Đối với tài sản thừa phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định hiện hành; giá trị tài sản thừa, không phải trả (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, ghi:

Nợ các TK liên quan

Có TK 711- Thu nhập khác.

c) Kế toán tài sản thừa hoặc thiếu so với giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và công bố tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức trở thành công ty cổ phần.

– Đối với doanh nghiệp còn vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa:

+ Đối với tài sản thừa:

(i) Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, ghi:

Nợ các TK111, 112, 152, 153, 155, 156, 211, 241…

Có TK 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu. (Xử lý tăng vốn nhà nước tại công ty cổ phần).

(ii) Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì bàn giao tài sản cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam, ghi:

Nợ TK liên quan

Có các TK111, 112, 152, 153, 155, 156, 211, 241…

+ Đối với tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có):

(i) Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 334,… (phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ các TK 632, 811,… (phần tính vào chi phí sản xuất kinh doanh)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ

Có các TK 152, 153, 155, 156, 211,…

(iỉ) Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện quyết toán, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 334,… (phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ TK 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu (Nếu có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua)

Nợ các TK 632, 811,… (Nếu Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông không thông qua)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ

Có các TK 152, 153, 155, 156, 211,…

– Đối với doanh nghiệp không còn vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa

+ Đối với tài sản thừa thì thực hiện bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam theo quy định, ghi:

Nợ TK liên quan

Có các TK111, 112, 152, 153, 155, 156, 211, 241…

+ Đối với tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần theo quy định, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 334, 338… (phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ các TK 632, 811,… (phần hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ

Có các TK 152, 153, 155, 156, 211…

2.2. Kế toán thanh lý, nhượng bán tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý 

a) Đối với những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý mà pháp luật quy định được thanh lý, nhượng bán thì việc hạch toán được thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán.

b) Đối với những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý nhưng chưa được doanh nghiệp cổ phần hóa xử lý mà thực hiện chuyển giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam theo quy định của pháp luật, khi chuyển giao tài sản, ghi:

Nợ các TK 632, 811…

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn lũy kế của TSCĐ)

Có các TK 152, 153, 155, 156, 211,… (Giá trị ghi sổ)

c) Đối với tài sản thuộc diện phải hủy bỏ theo quy định của pháp luật, khi hủy bỏ tài sản, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 138,… (Phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ các TK 632, 811,… (Phần tổn thất được xử lý vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định)

Có các TK 152, 153, 155, 156,… (Giá trị ghi sổ)

d) Đối với các tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án, công trình bị đình hoãn theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà chi phí của các dự án đó không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa hình thành hiện vật, không có giá trị thu hồi, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 334,… (phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ TK 811- Chi phí khác (phần tổn thất được ghi vào kết quả kinh doanh) 

Có TK liên quan

g) Kế toán đối với tài sản là công trình phúc lợi

– Trường hợp chuyển giao nhà ở cán bộ, công nhân viên bằng nguồn Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 3533 – Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn còn lại)

Có TK 211- TSCĐ hữu hình (nguyên giá).

– Trường hợp thanh lý, nhượng bản tài sản là công trình phúc lợi được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, phúc lợi mà thanh lý, nhượng bán và xử lý số thu thanh lý, nhượng bán theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa thì việc hạch toán được thực hiện quy định của pháp luật kế toán.

2.3. Kế toán xử lý các khoản nợ phải thu

a) Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải thu đồng thời thực hiện thu hồi các khoản nợ đến hạn trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định.

b) Đối với các khoản nợ phải thu không có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh khách nợ còn nợ hoặc không còn khả năng thu hồi, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 1388, 334, … (phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (phần đã trích lập dự phòng)

Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (phần được tính vào chi phỉ)

Có các TK131, 138,…

Đồng thời tiếp tục theo dõi để xử lý thu hồi đối với những khoản nợ không chứng minh được là không có khả năng thu hồi theo quy định.

Ngoài ra, còn các trường hợp khác như đối với các khoản nợ phải thu có đầy đủ hồ sơ, đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi, đối với khoản lãi dự thu phát sinh từ khoản nợ gốc… mời các bạn xem chi tiết trong khoản 39 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Thông tư 200.

2.4. Kế toán xử lý các khoản nợ phải trả

a) Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao sang công ty cổ phần, nếu các khoản công nợ phải trả đã làm đủ thủ tục đề nghị chủ nợ đổi chiếu nợ nhưng chủ nợ không xác nhận thì được hạch toán tăng vốn nhà nước theo quy định. Khi có quyết định chuyển khoản nợ phải trả thành vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:

Nợ các TK 331, 338, 341, 344,…

Có TK 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

b) Sau khi ghi nhận theo mục ý a) thì khi công ty cổ phần phải chi trả khoản nợ theo yêu cầu của chủ nợ thì hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong kỳ, ghi:

Nợ các TK 632, 642, 811,…

Có các TK 111, 112,…

2.5 Kế toán xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ

a) Đối với khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được kết chuyển vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (không thực hiện điều chỉnh số liệu trong sổ sách kế toán, báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp).

b) Đối với các doanh nghiệp đã xác định giá trị doanh nghiệp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP nhưng chưa chính thức chuyển sang công ty cổ phần thì khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (nếu có) được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ hoạt động theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa

– Nếu lãi, ghi:

Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính

– Nếu lỗ, ghi:

Nợ TK 635 — Chi phí tài chính

Có TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái.

c) Đối với khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giả lại các khoán mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm chỉnh thức chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa đánh giá lại trên cơ sở so sánh với tỷ giá tại thời điểm khóa sổ lập Báo cáo tài chính năm hoặc bán niên gần nhất, số dư khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái tại thời điểm này không kết chuyển vào kết quả sản xuất kinh doanh (theo dõi trên TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái) mà chuyển giao cho công ty cổ phần theo dõi và xử lý theo quy định.

2.6 Kế toán đối với các khoản dự phòng

a) Số dư các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi (nếu có) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được sử dụng để bù đắp các tổn thất theo quy định hiện hành, số còn lại hoàn nhập vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (không thực hiện điều chỉnh số liệu trong sổ sách kế toán, báo cáo tài chính tại thời điếm xác định giá trị doanh nghiệp).

b) Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, số dư các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi (nếu có) được sử dụng để bù đắp các tổn thất theo quy định hiện hành, số còn lại hoàn nhập vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa, ghi:

Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản

Có các TK 632, 635, 642.

c) Kế toán xử lý khoản dự phòng tổn thất tài sản tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần: Khi phát sinh tổn thất các khoản đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp đủ điều kiện (nếu có), doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng nguồn trích lập dự phòng để xử lý như sau:

– Trường hợp số tổn thất lớn hơn số dư khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, ghi:

Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

Có các TK 221, 222, 228,…

– Trường hợp số tổn thất nhỏ hơn số dư khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, thực hiện hoàn nhập khoản chênh lệch, ghi:

Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản Có các TK 221, 222, 228,…

Có TK 635 – Chi phí tài chính (phần hoàn nhập)

d) Sau khi chính thức đi vào hoạt động, công ty cổ phần thực hiện trích lập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi (nếu có) theo quy định.

2.7 Đối với các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ hoạt động đầu tư tài chính 

a) Trường hợp các khoản cô tức, lợi nhuận được chia bằng tiền từ hoạt động đầu tư tài chính (đã có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên tại tổ chức góp vốn) phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần nhưng chưa thu được tiền, doanh nghiệp cổ phần hóa ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

b) Trường hợp khoản cổ tức được chia bằng cổ phiếu phát sinh sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (mà nguồn chia cổ tức chưa được xác định vào giá trị doanh nghiệp và chưa tính vào phương án xác định giá khởi điểm), căn cứ Nghị quyết chia cổ tức và thông báo về quyền nhận cổ tức, doanh nghiệp cổ phần hóa xác định giá trị cổ phiếu nhận được để xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

c) Trường hợp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần vẫn chưa có Nghị quyết chia cổ tức thì công ty cổ phần phải thuyết minh rõ. Sau này khi đơn vị nhận vốn góp có Nghị quyết chia cổ tức thì số cổ tức được chia bằng cổ phiếu này thuộc Nhà nước 100%. Khi công ty cổ phần thực hiện chuyển nhượng các cô phiếu này, công ty cổ phần thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước 100% giá trị thu được sau khi trừ nghĩa vụ thuế (nếu có) và các chi phí để thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

2.8 Kế toán các khoản lỗ hoặc lãi phát sinh từ giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu

a) Phần lợi nhuận sau thuế phát sinh từ giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, sau khi bù đắp phần vốn nhà nước đã điều chỉnh do lỗ trong sản xuất kinh doanh tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (nếu có) được phân phối theo quy định, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có các TK 414, 353,…

b) Phản ánh khoản lợi nhuận đã trích lập vào quỹ đầu tư phát triển theo quy định phải nộp vào ngân sách nhà nước, ghi:

Nợ TK 414 – Quỹ đầu tư phát triển

Có TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa.

c) Khoản chênh lệch vốn Nhà nước tăng từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau khi trừ các khoản chi theo quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa phải nộp vào NSNN, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa.

d) Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm giá trị phần vốn nhà nước thì doanh nghiệp cổ phần hóa xử lý theo quy định như sau:

– Nếu do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng tiền thu từ bán cổ phần để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi bồi thường của bảo hiểm (nếu có) theo quy định, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 138,… (Số bồi thường của bảo hiểm)

Nợ TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa (Phần tổn thất được bù đắp bằng tiền thu từ bán cổ phần)

Nợ TK 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu (Phần điều chỉnh giảm vốn nhà nước do tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp)

Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

– Nếu do nguyên nhân chủ quan được xử lý như sau:

+ Trường hợp lỗ do việc không xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước hoặc lỗ do điều hành sản xuất, kinh doanh; quản lý gây thất thoát vốn và tài sản, căn cứ vào số bồi thường vật chất của các tổ chức, cá nhân liên quan, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 138,… (số bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

+ Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm bồi thường không có khả năng thực hiện việc bồi thường theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phần tổn thất còn lại được xử lý như sau:

Nợ các TK 111, 112, 138,… (số bồi thường của các tổ chức, cá nhân)

Nợ TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa (Phần tổn thất được bù đắp bằng tiền thu từ bán cổ phần)

Nợ TK 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu (Phần điều chỉnh giảm vốn nhà nước do tiền thu từ bán cổ phần không đu bù đắp)

Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

2.9 Kế toán các khoản thu và chi phí thực hiện cổ phần hóa 

a) Khi phát sinh các chi phí thực hiện cổ phần hóa theo quy định (Chi phí cho việc tập huấn nghiệp vụ về cổ phần hóa doanh nghiệp; Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản; Chi phí lập phương án cổ phần hóa, xây dựng Điều lệ; Chi phí Hội nghị người lao động để triển khai cổ phần hóa; …), căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:

Nợ TK 1385 – Phải thu về cổ phần hóa

Có các TK 111, 112, 152, 331…

b) Kế toán số tiền thu từ cổ phần hóa:

– Khi doanh nghiệp cổ phần hóa thu được tiền từ bán cổ phần lần đầu thuộc vốn nhà nước tại doanh nghiệp

+ Đối với số thu về bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải nộp toàn bộ về NSNN, ghi:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa.

+ Đối với số thu về bán cổ phần phát hành thêm của doanh nghiệp cổ phần hóa ghi:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 4111 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu (mệnh giá cổ phần phát hành thêm được để lại cho doanh nghiệp cổ phần hóa)

Có TK 3385 — Phải trả về cổ phần hóa (Phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phần)

– Khi doanh nghiệp cổ phần hóa phát sinh các khoản chi hỗ trợ xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, ưu đãi cho người lao động theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa hiện hành, ghi:

Nợ TK 1385 – Phải thu về cổ phần hóa

Có các TK 111, 112, 334,…

c) Sử dụng số tiền thu từ cổ phần hóa để thanh toán các khoản chi liên quan đến cổ phần hóa theo quy định (chi phí xử lý lao động dôi dư, tỉnh giản biên chế, chi phí cổ phần hóa,…), căn cứ vào quyết toán thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa: quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư (nếu có); quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần của cơ quan đại diện chủ sở hữu và báo cáo tài chính được lập lại tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau khi có quyết định phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, ghi:

Nợ TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa

Có TK 1385- Phải thu về cổ phần hóa.

d) Khi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ nộp tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định của pháp luật hiện hành, ghi:

Nợ TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa

Có các TK 111, 112.

– Căn cứ các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp cấp 2 sau khi trừ các khoản chi liên quan đến cổ phần hóa theo quy định của pháp luật cổ phần hóa, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạch toán như sau:

Nợ TK 1385 — Phải thu về cổ phần hóa (số thu từ cổ phần hóa sau khi trừ chi phí liên quan đến cổ phần hóa đã chi tại doanh nghiệp cấp II không bao gồm giá vốn khoản đầu tư tại doanh nghiệp cấp II)

Nợ TK 635 — Chi phí tài chỉnh (nếu lỗ)

Có TK 221 – Đầu tư vào công ty con (giả vốn khoản đầu tư)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chỉnh (nếu lãi)

– Khi thu được tiền về cổ phần hóa của doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ghi:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 1385 – Phải thu về cổ phần hóa

2.10 Kế toán xử lý số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại doanh nghiệp cổ phần hóa (nếu có)

Trường hợp doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cổ phần hóa vẫn còn số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp thì kết chuyển số dư trên Tài khoản 417 – Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp sang Tài khoản 3385 – Phải trả về cổ phần hóa, ghi:

Nợ TK 417- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 

Có TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa.

Khi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, ghi:

Nợ TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa 

Có các TK111, 112.

2.11 Trường hợp pháp luật cổ phần hóa quy định doanh nghiệp thuộc đối tượng xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị doanh nghiệp và khoản chênh lệch tăng giữa giá trị quyền sử dụng đất, ghi tăng như sau

Phản ánh khoản chênh lệch tăng giữa giá trị quyền sử dụng đất (được giao theo phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt) được xác định lại so với giá trị đang hạch toán trên sổ sách kế toán (nếu có) phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định, ghi:

Nợ các TK liên quan

Có TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa

2.12 Đối với số dư Quỹ dự phòng rủi ro, hồi thường thiệt hại về môi trường đã trích lập nhưng chưa sử dụng hết được theo quy định của pháp luật được hạch toán vào thu nhập khác của năm tài chính hiện hành. 

Kế toán thực hiện như sau:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả

Có TK 711 – Thu nhập khác

Kết luận

Trên đây là toàn bộ nội dung “Hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần theo Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 200/2014/TT-BTC”.  MISA AMIS Kế toán hy vọng qua bài viết sẽ giúp các bạn kế toán có cái nhìn cấu trúc và hệ thống, hiểu được những quy định mới đồng thời, giúp các bạn kịp thời nắm bắt được những quy định hướng dẫn mới sắp được triển khai về Chế độ kế toán để không bị bỡ ngỡ và chủ động trong công việc khi có chính sách kế toán mới được ban hành thực hiện.

Ngoài nội dung “Hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần-mới nhất”, Dự thảo Thông tư sửa đổi TT200 cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nội dung của TT200, Anh/Chị Chủ doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp có thể tải ngay dự thảo Thông tư sửa đổi TT200 để tìm hiểu chi tiết hơn. Ngoài ra, Anh/Chị có thể đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích, MISA luôn nghiên cứu phát triển phần mềm để mang tới các doanh nghiệp giải pháp quản trị tài chính kế toán tối ưu nhất. Trong quá trình Nhà nước và Bộ Tài chính công bố dự thảo để cá nhân, tổ chức,… đóng góp ý kiến, MISA đồng thời thực hiện phân tích dự thảo và nghiên cứu phát triển phần mềm để đảm bảo khi Bộ tài chính chính thức ban hành Thông tư mới sửa đổi Thông tư 200/2014/TT-BTC thì phần mềm kế toán MISA sẽ đáp ứng các thay đổi ngay lập tức. Nhận tư vấn thêm về phần mềm kế toán online MISA AMIS tại đây:

Dùng ngay miễn phí

Người tổng hợp: Người yêu kế toán.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]